Trong hai phần trước (phần 1 và phần 2), mình đã giới thiệu sơ qua một chút về những giả thuyết về thân thế của Lão Tử cùng cuộc gặp gỡ giữa hai thủ lãnh của hai đạo Khổng, Lão. Những tranh luận về những sự việc ấy đến nay vẫn chưa ngã ngũ, tuy nhiên việc tác phẩm Lão Tử hay Đạo Đức Kinh ra đời khi nào và do ai viết lại không tốn nhiều giấy mực như vậy.

Xưa kia, người ta tin Tư Mã Thiên, cho rằng chính Lão tử viết do lời yêu cầu của Doãn Hỉ, như vậy là tác phẩm xuất hiện vào thời Xuân Thu. Có lẽ tới thế kỉ XVIII mới có người nghi ngờ thuyết đó (Tất Nguyên hay Uông Thông), rồi gần đây Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Tiền Mục, Trương Tây Đường, Phùng Hữu Lan, Cố Hiệt Cương, La Căn Trạch, Vũ Đồng v.v… mỗi nhà đều góp tiếng, đồng thanh nhận rằng Lão tử xuất hiện trong thời Chiến Quốc cho dù không nhất quán về thời gian cụ thể, kẻ thì cho là sau Mặc tử trước Trang tử, kẻ thì bảo trong khoảng từ Trang tử tới Tuân tử.

Họ lập luận cả trên hai phương diện nội dung và hình thức. Đại khái như sau:

I. Về nội dung :

1)  Bộ Lão tử: Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sinh (chương 25) (Có vật hỗn độn mà hình thành trước trời đất). Tức phủ nhận trời là độc tôn, mà trên trời còn có Đạo, Đạo mới là gốc của trời đất (Cốc thần bất tử, thị vị huyền tẫn, huyền tẫn chi môn, thị vị thiên địa căn (Thần hang bất tử, gọi là Huyền Tẫn; cửa Huyền Tẫn là gốc của trời đất)  – chương 6). Thời Xuân Thu, ngay cả đầu đời Chiến Quốc (Mặc tử) ai cũng thờ trời, tôn trọng trời, không thể có thuyết đó được.

2) Nó phản đối chính sách thượng hiền (trọng người hiền) (Bất thượng hiền, sử dân bất tranh (Không trọng người hiền để cho dân không tranh) – chương 3). Mà theo họ chính sách thượng hiền (nghĩa là dùng người hiền, có tài đức, bất kì trong giai cấp nào, để giao cho việc trị dân, chứ không nhất thiết chỉ dùng bọn quí tộc, dù bất tài, vô hạnh) xuất hiện khá trễ, vào thời Mặc tử (Mặc tử có thiên Thượng hiền) cùng với giai cấp tân địa chủ và giai cấp “sĩ” do Khổng tử đào tạo (Khổng tử dạy các môn sinh đa số trong giới bình dân, tân địa chủ để họ thành những chính trị gia có tài đức). Phải có chính sách thượng hiền rồi Lão tử mới đả nó được, vậy Lão tử phải xuất hiện sau Khổng tử, Mặc tử.

3) Nó đả đảo lễ: “lễ giả, trung tín chi bạc, nhi loạn chi thủ(Lễ là biểu hiện sự suy vi của sự trung hậu thành tín, là đầu mối của sự hỗn loạn) (chương 38); tư tưởng đó không thể xuất hiện trong thời Xuân Thu được; mà đả đảo lễ, nhân, tức là đả đảo Khổng, Mặc, vậy Lão tử theo họ phải xuất hiện sau Khổng, Mặc.

4) Ngoài ra theo Ngô Tất Tố thì Phùng Hữu Lan còn dẫn thêm đoạn này trong Sử kí để chứng rằng Lão tử ra sau Luận ngữ: “Về phương diện thực hành, họ (phái Đạo gia) theo luật thiên nhiên của “Âm Dương”, lượm nhặt những chỗ hay của Khổng giáo và Mặc giáo để dung hợp với những điều cốt yếu của Danh gia và Pháp gia”.

II. Về hình thức : 

Ý kiến của các học giả như sau:

1) Trước Khổng tử không có trường hợp nào tư nhân trứ thuật. Vì theo Chương Thực Trai, một sử gia đời Thanh, thời đó các nhà cầm quyền giữ điển chương, còn các sử gia thì chép các việc xảy ra. Bọn đó đều là quí tộc có học thức, lo việc trị dân, đâu có thì giờ nghĩ tới việc viết sách; vả lại nếu họ có chủ trương gì mới thì có đủ phương tiện để thi hành, không cần phải viết sách. Tới khi xã hội loạn lạc, một số quí tộc mất địa vị, suy vi, không được cầm quyền, mà lại có học thức, lí tưởng mới dạy học nghĩ cách cải tạo xã hội, lập ra học thuyết riêng. Khổng tử là người đầu tiên mở đường cho việc trứ thư lập ngôn đó.

 Vì vậy bộ Lão tử không thể xuất hiện trước bộ Luận ngữ.

2) Xét về văn thể:  Theo các học giả Trung Hoa gần đây thì trong hai thế kỉ thứ III tới thế kỉ thứ II trước CN, văn của “chư tử” tức các triết gia Trung Hoa đã tiến bộ gần như liên tục. Mới đầu là bộ Luận ngữ chỉ dùng một thể đơn giản nhất là kí ngôn: môn sinh của Khổng tử ghi những lời của thầy. Rồi tới Trung Dung, Đại học cũng vẫn là kí ngôn, thêm những đoạn nghị luận ngắn. Bộ Mặc tử mở đầu cho thể nghị luận – hay biện luận – nhưng lí luận lắm chỗ ngây thơ và rườm. Mạnh tử cũng là kí ngôn như Luận ngữ, đúng ra là ghi những đối thoại giữ Mạnh tử và một số vua chư hầu, một số triết gia đương thời. Trang tử dùng ba lối: kí ngôn, lí luận vắn tắt và ngụ ngôn. Tới Tuân tử mới bỏ hẳn lối kí ngôn mà dùng thể lí luận theo đề tài. Sau cùng là Hàn Phi tử dùng hết các thể của người trước, có thể nói là “tập đại thành bút pháp thuyết lí của chư tử Tiên Tần”.

Bộ Lão tử dùng một thể văn đặc biệt, xen nhiều châm ngôn, chương nào cũng có những vế đối nhau, nhiều chỗ có vần, gần như thể phú, cho nên không thể xuất hiện trước Luận ngữ, Mạnh tử được. Lời rất vắn tắt, hàm súc, giống thể “kinh”, như Mặc kinh chẳng hạn, cho nên, theo họ, Lão tử nhất định phải xuất hiện vào thời Chiến Quốc. Riêng lí do sau cùng này lại khó có thể cho là không đúng: kinh Xuân Thu của Khổng tử đâu có xuất hiện vào thời Chiến Quốc?

Ngoài ra, Dư Bồi Lâm còn đưa ra lý do này nữa :

Có người đã làm thống kê thấy rằng các sách thời Tiên Tần dẫn lời trong Lão tử khá nhiều; cuốn đầu tiên là Trang tử, nhưng chỉ trong Ngoại thiên, Tạp thiên, chứ không phải Nội thiên, nghĩa là trong những thiên không phải của Trang tử viết mà của người đời sau, môn đệ gần xa viết, có khi cũng chẳng phải môn đệ nữa.

-  Ngoại thiên dẫn tất cả 19 lần: Khư khiếp 4, Tại hựu 2, Thiên địa 2, Thiên đạo 1, Chí lạc 3, Đạt sinh 1, Sơn mộc 2, Điền Tử Phương 1, Trí Bắc du 3.

- Tạp thiên dẫn 5 lần: Canh Tang Sở 2, Tắc Dương 1, Ngụ ngôn 1, Thiên hạ 1.

Chiến Quốc sách dẫn 2 lần, 1 trong Tề sách, 1 trong Nguỵ sách.

Hàn Phi tử, ngoài những thiên Giải Lão, Dụ Lão (chuyên giảng về Lão học), còn dẫn Lão tử 1 lần ở thiên Ngoại trữ thuyết tả hạ, 1 lần ở thiên Lục phản.

Lã thị Xuân Thu dẫn 4 lần trong 4 thiên: Quí sinh, Chế nhạc, Nhạc thành, Quân thủ.

Từ tất cả các lý do trên ta kết luận một cách gần chắc chắn rằng Lão tử phải xuất hiện sau Khổng, Mặc và trước Mạnh, Trang (hai nhà này đồng thời nhau), tức trong thế kỉ thứ IV trước CN.

***

Thế là giải quyết xong được vấn đề Lão tử xuất hiện thời nào? Còn vấn đề ai viết bộ đó? Mọi người đều cho rằng do môn sinh viết.

Đọc các tác phẩm triết học thời Tiên Tần, chúng ta không nên quên ba điều này:

- có rất nhiều nguỵ thư, nghĩa là những sách do đời sau (Hán, hoặc sau đời Hán) viết như bộ Quản tử, bộ Án thị Xuân Thu có lẽ cả bộ Liệt tử nữa mà có người cho là của đời Nguỵ, Tấn…

- ngay cả những bộ chân thư như Mặc tử, Trang tử cũng có nhiều thiên nguỵ tác, như trong Mặc tử, chỉ có những thiên Kiêm ái, Thượng đồng, trong Trang tử chỉ có những thiên Tề vật luận, Tiêu dao du mới đáng tin là của Mặc, của Trang; còn cả phần Mặc kinh, và các phần Ngoại thiên, Tạp thiên đều là của người sau cả.

- ngay những thiên đáng tin nhất đó cũng chưa hẳn là do chính tay Mặc tử, Trang tử viết mà có nhiều phần chắc là do môn sinh chép. Theo Phùng Hữu Lan điểm đó người trước đã nói nhiều người. Tôn Tinh Diễn (có lẽ ở đầu đời Thanh) bảo: “Phàm gọi là sách của chư tử, phần nhiều không phải là chư tử tự viết”. Nghiêm Khả Quân cũng bảo: “Các sách của chư tử đời Tiên Tần đều là do môn đệ hoặc tân khách, hoặc con cháu soạn, không phải tự tay chư tử viết”.

Những sách thời đó, tới đời Hán lại được các học giả sắp đặt, chỉnh lí lại nữa; và những bản Mặc tử, Trang tử lưu hành ngày nay, đời Tiên Tần không có. Khi chỉnh lí, họ thu thập tất cả các thiên họ cho là của một học phái nào đó, gom cả vào một bộ, đặt tên là Mặc tử, Trang tử, Tuân tử… ngầm hiểu rằng đó là tác phẩm của cả học phái Mặc, Trang, Tuân chứ không phải của một người. Họ tuyệt nhiên không coi trọng quan niệm tác giả như chúng ta ngày nay, mà chỉ chú trọng tới tư tưởng của mỗi phái. Họ chỉ cốt thu thập cho đủ, không có óc phê phán, không đặt vấn đề chân hay nguỵ, cho nên trong Hàn Phi tử ta thấy có tư tưởng của Đạo gia (như những thiên Giải Lão, Dụ Lão); trong Trang tử, Ngoại thiên và Tạp thiên, ta thấy tư tưởng của Nho gia (như thiên Thiên địa). Gần đây mới có một số học giả như Lương Khải Siêu, Diệp Quốc Khánh, La Căn Trạch, Hồ Chi Tân… rán tìm xem đâu là chân, đâu là nguỵ để định được tư tưởng của mỗi nhà ở một thời đại nhất định chứ không phải tư tưởng của cả một phái trong ba bốn trăm năm. Công việc đó cực kì khó.

Cuốn Lão tử cũng vậy, không phải của Lão tử viết – vậy truyện Doãn Hỉ yêu cầu ông chép lại học thuyết trước khi qua ải chỉ là một truyền thuyết vô căn cứ - mà của môn sinh.

Có điều này hiển nhiên: có những chương do người đời sau thêm vào; và đại khái thì nó xuất hiện vào thế kỉ thứ IV, nhưng có thể qua thế kỉ thứ III nó mới có hình thức như chúng ta thấy ngày nay.

Thuyết đó nghe được, nhưng chúng tôi vẫn thắc mắc: môn sinh viết mà tại sao không nhắc đến tên thầy, không ghi “Lão tử bảo” hoặc “thầy bảo” (như bộ Mạnh tử, Mặc tử…)? Hay là Lão tử đọc cho môn sinh chép? Nếu vậy thì chính ông viết rồi. Điểm đó vẫn còn một nghi vấn.

Tuy nó không phải của một người viết, nhưng nó cũng không phải là một tập lục, thu thập hết tư tưởng Đạo gia (vì Đạo gia gồm Lão, Trang mà tuyệt nhiên không chứa tư tưởng của Trang); không kể mươi chương do người sau thêm vào, còn thì tư tưởng trong Lão tử vẫn nhất quán, vẫn là của một bậc thầy mà môn đệ đã chép lại.

***

Tới đây chúng ta thấy bao nhiêu công trình khảo cứu trong hai ngàn năm nay của cả trăm học giả đưa đến kết luận này: gần hết những điều Tư Mã Thiên viết về Lão tử đều không đáng tin, may lắm là giữ được ít điều về quê quán, tên họ, dòng dõi, tư cách (một quân tử ở ẩn) của Lão tử. Nghề sử gia bạc bẻo thật!


Tới đây, dự định giới thiệu sơ qua về Lão Tử và nguồn gốc của tác phẩm Đạo Đức Kinh của mình đã hoàn thành. Nếu các bạn vẫn còn thích thú muốn tìm hiểu thêm về Đạo gia (chứ không phải Đạo giáo), mình có thể chia sẻ thêm một vài bài nữa về tư tưởng sơ bộ của tác phẩm Đạo Đức Kinh, để chúng ta có một cái nhìn rõ ràng tường tận hơn về nó và tách nó ra khỏi lớp sương mù của dị đoan và tôn giáo. 

Nguồn: Lão Tử - Đạo Đức Kinh - Nguyễn Hiến Lê