|truyện ngắn #02| - mẹ chúng mình… quê lắm!
"Mình cứ hay sành điệu, hiện đại quen rồi. Về nhà thấy mẹ vẫn còn ngây ngô như thế thì thấy phì cười thôi”.

sông Hương tháng 5.
“Trời ơi, mẹ em có thế không? Toàn làm mấy cái gì đâu thấy ngại chết đi được”.
Giọng Vĩnh thốt lên giữa trời xanh êm ru. Tầm này đương vào hè, nắng tháng Năm chưa quá gắt, chúng tôi lại đang ngồi trên đồi rợp bóng cây và tựa dòng sông lấp lánh. Tôi đang gấp rút hoàn thành nốt “Ba mẹ chúng mình quê lắm” – một dự án dành cho thế hệ gen Z. Trước mặt tôi là Vĩnh, nhân vật chính của series lần này. Vĩnh là trai miền Bắc, mới chuyển vào Huế sinh sống vì quá chán cuộc sống xô bồ sau vài năm bôn ba ở Sài Gòn.
“Mẹ anh quê lắm em. Thời các mẹ toàn vậy sao đó. Mẹ anh mua hàng trả giá hoài luôn. Ngoài chợ thì thôi cũng bình thường. Nhưng mà mẹ anh mặc cả ở trong mấy shop chỗ trung tâm thương mại ấy. Lúc đó anh thấy mấy bạn nhân viên mặt nghệt ra mấy giây. Anh trả tiền chứ có phải mẹ đâu mà mẹ cứ lo. Anh phấn đấu đến giờ để cuộc sống bớt khổ rồi mà, chẳng còn kẹt tài chính như xưa mà mẹ anh cứ thế”.
Vĩnh khá là sành điệu và biết chơi cũng như chịu chơi. Không thứ gì anh chưa từng thử qua. Nhưng Vĩnh biết điểm dừng và biết cái gì nên biến thành sở thích còn cái gì thì không.
“Mẹ anh quê lắm em. Thời các mẹ toàn vậy sao đó. Mẹ anh chuyên gia mặc mấy cái bộ Chanal, Gicci,… bán theo lố ở ngoài chợ. Lại còn mua về cho tụi anh. Hài ghê. Có lần anh thấy cô hàng xóm mang sang chào hàng cái túi LV mà mẹ anh xem xong thì chê là túi này nhỏ, không đựng được gì, kiểu dáng lại xấu”.
Cuộc sống của Vĩnh nhiều điều thú vị, gặp gỡ muôn kiểu người, tiếp xúc hàng ngàn lối sống mới. Góc nhìn của Vĩnh “chuẩn đét” một gen Z đời đầu đang dần trưởng thành chín muồi.
“Mẹ anh quê lắm em. Thời các mẹ toàn vậy sao đó. Mẹ anh mỗi lần đi du lịch đều chụp ti tỉ thứ, bắt anh và thằng Kỳ em anh đứng vào để chụp cùng. Mỗi lần đi chơi, mẹ đều gọi dậy từ 5, 6 giờ sáng. Lúc đi các điểm tham quan thì cứ nhanh nhanh lẹ lẹ, chụp xong là đi chụp xong là đi. Hai anh em anh mà chụp ảnh không cười hoặc đi không kịp với mẹ là bị mẹ nói: Thanh niên yếu ớt có thế cũng cọc cằn”.
Vĩnh vừa kể vừa lắc đầu cười. Tôi gật gật đầu đồng tình. Máy ghi âm vẫn chạy. Chắc nó chẳng ghi được tiếng gió khẽ lay vào lọn tóc lòa xòa trước mặt Vĩnh. Hay tiếng sông Hương ngấm ngầm chảy trôi cạnh những đồi hoa mua hoa sim tím lịm. Có chăng nó chỉ ghi được tiếng xe công nông từ dưới chân đồi.
“Mẹ anh quê lắm em. Thời các mẹ toàn vậy sao đó. Xui rủi chứ nếu nhà có đám các cụ, các bác là mấy mẹ khóc to lắm. Trời ơi khóc mà gào lên nghe thảm thiết. Mà thực ra, có phải cứ không khóc là bất hiếu và không thấy thương đâu. Hồi ông nội mất, anh chẳng khóc gì thì bị nói đấy. Nhưng mà anh làm vậy vì anh hứa với ông là sẽ mạnh mẽ nếu ông rời đi rồi”.
Nói đến đây thì Vĩnh tự dưng ngoảnh ra phía bờ sông Hương rồi thở hắt một tiếng. Tôi đưa cho Vĩnh cốc nước bằng tất cả sự tán thành cho quan điểm vừa rồi của Vĩnh. Trời bỗng dưng sầm sì lại, có cơn như sắp mưa. Chúng tôi vội thu dọn rồi bắt xe về phòng trọ của Vĩnh.
Bên hiên nhà mưa rả rích, tôi nghe được thêm cả tiếng mõ từ điện Hòn Chén. Mưa được hai ba cơn thì tạnh, dưới ánh nắng có chút cầu vồng vươn qua hàng cau. Vĩnh xách về cho tôi một ly cà phê muối. Uống ngậy ngậy thơm phức.
“Nhưng mà… không biết mẹ em có thế không? Mẹ anh mặc cả là thế nhưng nếu mua đồ cho anh hay thằng Kỳ thì chẳng bao giờ nghĩ”.
Vĩnh nói xong thì chỉ cho tôi cái tủ đồ bên cạnh, một cái tủ kính Vĩnh thiết kế riêng trông tinh tế và rất đẹp mắt. Trong đó trang trọng treo và bày quần áo hàng hiệu. Anh chỉ cho tôi 2 đôi giày được để cao nhất và bảo mẹ anh mua đấy. Có đợt thằng Kỳ khoe mẹ Vans ra mẫu mới, mẹ bảo nó đặt luôn 2 đôi mẹ chi tiền. Một lần anh đang xem review giày Moschino trên mạng thì mẹ thấy, mẹ cũng chốt đơn luôn. Lại còn không giật mình tí nào khi nghe giá. Mẹ còn bảo giờ mẹ đầy tiền rồi chả lo.
- Em thấy anh kể về mẹ anh, ánh mắt anh vui lắm – Tôi nhìn Vĩnh rồi cười, tay với lấy ly cà phê muối.
“Ừ, em thấy mẹ anh quê cực kì không? Thực sự rất buồn cười ấy. Mình cứ hay sành điệu, hiện đại quen rồi. Về nhà thấy mẹ vẫn còn ngây ngô như thế thì thấy phì cười thôi”.
Tôi nhấp thêm một ngụm cà phê muối mà thấy hài lòng ghê gớm. Vĩnh trả lời tôi rồi tiếp tục líu lo kể về sự chịu chi của mẹ anh, khác hẳn hình ảnh một người phụ nữ nằng nặc mặc cả mà anh đã kể trước đó.
“Có một chuyện mẹ anh không hề quê so với thời của mẹ. Chuyện này thời ba mẹ cũng hiếm hơn thời mình nhiều. Ba mẹ anh chia tay từ năm năm trước, không sợ ai dèm pha, đàm tiếu,…”
Máy ghi âm đã tắt ngúm từ bao giờ. Tôi tỉnh dậy vì chị tiếp viên hàng không đánh thức. Máy bay đã hạ cánh, mọi người xuống hết và chỉ còn mình tôi. Tôi về Hà Nội sau khi kết thúc cuộc nói chuyện cuối cùng với Vĩnh. Sau đợt này, tôi sẽ tập trung hoàn thành dự án của mình.
“Nhưng mà… không biết mẹ em có thế không? Mẹ anh hay chụp hình để lưu lại kỉ niệm và để khoe với mọi người về hai anh em anh. Chứ anh thì thấy chẳng có gì đáng chụp lắm, mắt người là thấu kính đẹp nhất rồi mà em. Mẹ hay giục tụi anh dậy sớm để có thể đi thêm nhiều điểm hơn, muốn cho tụi anh thấy thế giới này đẹp ghê. Mà em biết đó, mấy chỗ này anh đi chán ngán rồi, anh đưa mẹ đi vì xưa không có điều kiện. Nhưng mà với mẹ anh thì, cái gì mẹ thấy đẹp mẹ cũng muốn chia sẻ cho tụi anh. Đó là niềm vui của các mẹ”.
Tôi vô thức gật đầu với Vĩnh. Tụi trẻ chúng tôi có nhiều điều kiện hơn thời ba mẹ. Mọi thứ đều được trải nghiệm từ sớm nên nhiều khi chúng tôi không thấy những điều đơn giản nhất thực ra cũng rất đẹp và rất vui. Mẹ Vĩnh chỉ cho tôi những tấm ảnh trong điện thoại của bác ấy. Ảnh Vĩnh và Kỳ đứng cạnh mẹ cười rất tươi ở Bà Nà Hill. Ảnh Vĩnh ôm đồ chờ mẹ chụp ảnh cùng mấy cô bác ở bãi đá sông Hồng. Ảnh Kỳ chống nạnh uể oải dưới tán cây dọc đường vì chờ mẹ leo núi Yên Tử trở về. Xem một lượt những tấm ảnh thực sự quý giá, bác ấy khịt khịt mũi rồi nhìn lên ban thờ. Bên cạnh cây nhang tôi vừa thắp là hình ảnh của Vĩnh. Một tấm ảnh Vĩnh cười rất tươi được cắt ra từ ảnh ba mẹ con đi du lịch lần gần đây nhất.
Có thể Vĩnh không biết, hoặc anh thực sự đã biết, trong ngày đưa anh đi nốt quãng đường còn lại, mẹ anh không còn gào khóc thật to nữa. Hôm đó, mẹ anh mặc một chiếc áo màu xanh da trời vì đó là màu sắc yêu thích của Vĩnh. Đôi mắt bà sưng húp đỏ au, lúc nào cũng trực trào nhưng không bật ra tiếng. Bà chỉ khẽ gạt nước mắt và vỗ về thằng Kỳ.
Máy ghi âm lại chạy. Bên cạnh tôi là ba mẹ của Vĩnh, hai bác ngồi tựa vào nhau, cùng giở lật mấy trang sổ nhỏ. Sau nửa năm Vĩnh mất, ba mẹ anh trở về bên nhau. Vì tâm nguyện của anh, hai bác đã rải tro cốt xuống dòng sông đất Huế rồi sắp xếp và chuyển hẳn vào đây vì muốn ở gần con. Mẹ Vĩnh tiếp tục kể cho tôi về sự ấu trĩ của Vĩnh sau khi nhất nhất đòi vào Sài Gòn làm việc. Thi thoảng bác lại bật cười, bác trai cũng gật gù hưởng ứng. Chúng tôi ngồi nói chuyện dài miên man dưới chân chùa Thiên Mụ. Trên triền sông Hương, thấp thoáng lại có mấy bông hoa mua hoa sim ánh lên tim tím.
tháng 5/2023.

Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này