nỗi đau xâm hại tình dục - đừng ngại đối thoại cùng con!
Xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam ngày càng trở thành một vấn nạn nóng, mỗi ngày trôi qua, lại có thêm nhiều những vụ việc trẻ bị...
Xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam ngày càng trở thành một vấn nạn nóng, mỗi ngày trôi qua, lại có thêm nhiều những vụ việc trẻ bị xâm hại được phát hiện. Thế nhưng, gia đình và xã hội dường như vẫn đang loay hoay tìm giải pháp, mà chưa thực sự chạm đến cách thức duy nhất để phòng ngừa tệ nạn này - đối thoại với trẻ!
Hiểm họa ngay quanh trẻ
9 tuổi là tuổi trung bình của các trẻ bị xâm hại tình dục, quá nhỏ để trẻ có thể tự bảo vệ mình hoặc tự khắc phục những tổn thương do việc là nạn nhân của xâm hại gây ra. Hầu hết trẻ em 9 tuổi hoàn toàn không có ý niệm về các hành vi xâm hại, không có khả năng diễn đạt, mô tả các hành vi đó của kẻ thủ ác với mình cho người khác. Những hành động như đụng chạm, tiếp xúc bên ngoài đều được trẻ ghi nhận, nhưng không thể định nghĩa, còn những hành động mang tính xâm hại cao, thì dừng lại ở tính chất: đánh, làm đau, bắt nạt.
Hiểm họa rình rập trẻ, đau đớn thay, lại ở ngay cạnh chúng, khi mà 93% các vụ xâm hại được tiến hành bởi người quen biết với trẻ, và 47% trong đó là người thân. Sự gần gũi này cho phép đối tượng tạo được lòng tin với cha mẹ trẻ, dễ dàng dụ dỗ hay đe dọa, khống chế trẻ để thực hiện hành vi xâm hại cũng như buộc giữ kín về tội ác của mình. Bên cạnh đó, quan niệm sai lầm rằng các bé gái thì dễ bị xâm hại hơn, khiến các bé trai - bị hại của những hành vi tình dục trái phép đặc biệt khó phát hiện - ít được quan tâm hơn, và thực tế là nếu cứ 4 trẻ gái có một em bị xâm hại, thì tỉ lệ này ở trẻ trai cũng không kém cạnh, 1/6 em. Chính trong các vụ xâm hại tình dục trẻ nam, hậu quả lâu dài để lại khi làm lệch lạc xu hướng tính dục, phát sinh tâm lý không lành mạnh và khả năng khó xử lý hình sự.
Thiếu sự giáo dục về giới, giới tính hay kĩ năng phòng ngừa xâm hại từ gia đình, nhà trường, trẻ dễ có xu hướng, quan niệm lệch chuẩn hoặc né tránh nhìn thẳng vào các vấn đề tính dục. Tuổi quan hệ tình dục của trẻ vị thành niên Việt Nam ngày một trẻ, cũng như với chất lượng ngày càng cao của cuộc sống, trẻ dậy thì sớm hơn, dễ sa vào những cạm bẫy của kẻ gian. Sự né tránh hay lệch lạc này, cũng làm cho trẻ dễ phát sinh tâm lý tiêu cực hơn khi bị xâm hại, cũng như sợ hãi việc chia sẻ sẽ khiến mình bị chính những người thân thiết quay lưng.
Con bị xâm hại, xã hội không biết
Phần đa cha mẹ đều ngỡ ngàng khi biết con bị xâm hại, điều mà đáng ra cha mẹ nên và phải chủ động tâm sự, lắng nghe con để biết, và khi biết thì cũng tương đối muộn.Câu trả lời quỹ thời gian eo hẹp cũng được cha mẹ đưa ra để lý giải vì sao ít đối thoại với con, nhất là khi con cần, cũng như chuyện đề cập trực tiếp tới xâm hại tình dục với nhiều cha mẹ là đặc biệt hãn hữu, thậm chí bản thân cha mẹ còn tránh nhắc tới vì sợ con bị ảnh hưởng.
Chỗ dựa tiếp theo của trẻ - Nhà trường, giáo viên và bạn bè, cũng không mấy khi biết được việc con bị xâm hại sớm. Bản thân Nhà trường vì tính chất của môi trường sư phạm mà nhiều năm qua còn rụt rè trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục - sinh hoạt công dân về giới tính, là các diễn đàn để trẻ bộc lộ, hay bản thân mỗi giáo viên phải quản đồng thời quá nhiều học sinh một lúc, vừa làm công tác giảng dạy chuyên môn vừa quản lý tổ chức, cũng không thể chủ động hỏi mà phải đến khi các em tìm tới mỡi biết để can thiệp.
Xã hội, như các cơ quan bảo vệ trẻ em, với một cơ chế cũ cách xa trẻ, cũng khó khăn trong việc tiếp cận mãi tới khi có các loại đường dây nóng. Thành thử, khi có sự bùng nổ của internet và mạng xã hội, thì con dao hai lưỡi này một mặt thúc đẩy việc xâm hại trở nên nghiêm trọng, một mặt là công cụ quan trọng để trẻ bộc lộ câu chuyện của mình, qua một màn hình vào thế giới ảo.
Không được chia sẻ, không được giúp đỡ, tình trạng của trẻ sẽ ngày một xấu, khả năng bị xâm hại mới và bị tái xâm hại ngày càng cao.
Đối thoại cùng con - đừng ngại!
Hầu hết cha mẹ dù ở nông thôn hay thành thị đều vẫn còn ngại nói chuyện với con về các vấn đề như giới, giới tính hay phức tạp hơn là cách ứng xử khi rơi vào trạng thái bị đe dọa xâm hại. Bản thân xã hội vẫn tồn tại một quan điểm: giới, giới tính là chuyện (của) người lớn, tế nhị và con sẽ tự ý thức được khi lớn lên (thậm chí còn cho rằng việc đề cập tới mang tính tế nhị, dễ làm lệch chuẩn những mực thước trong quan hệ gia đình), nhưng đến khi làm được chuồng thì cũng đã mất bò.
Đối thoại với trẻ là cách thức hiệu quả nhất để phòng ngừa và khắc phục nạn xâm hại. Trước hết, trách nhiệm quan trọng nhất thuộc về cha mẹ, không những phải lắng nghe con với tần suất thường xuyên, để cùng con biết và cùng con giải quyết, mà còn cần phải chia sẻ với con để có biện pháp phòng tránh, cũng như đề phòng mọi mối nguy hại con có thể gặp phải. Sau đó mới đến nhà trường, một điểm tựa để trẻ không những học văn hóa, học thành người, mà còn học kĩ năng sinh tồn và bảo vệ bản thân, để hiểu về bản thân mình. Song song với đó là các cơ quan, tổ chức có chức năng, vai trò trong bảo vệ trẻ. Vấn đề là, mỗi trẻ trong những môi trường khác nhau, sẽ có cách thể hiện khác nhau, và lắng nghe con trẻ là việc rất khó cũng như đòi hỏi ở mỗi người lớn tình yêu thương và lòng kiên nhẫn.
Chờ đợi sự răn đe của pháp luật là một việc làm không sai, nhưng sẽ mất thì giờ và ít hiệu quả. Pháp luật bảo vệ con trẻ ở mức tối thiểu, với những hình phạt đã đủ nghiêm khắc để buộc người phạm tội phải cân nhắc, nhưng pháp luật chỉ thực sự được vận dụng khi mọi sự đã rõ, trong khi xâm hại tình dục ở trẻ em rất khó phát hiện, còn khi có mọi điều kiện để bảo vệ con trẻ ở mức tối đa, thì cha mẹ, nhà trường và xã hội cần bảo vệ con. Bởi khi pháp luật trừng trị kẻ thủ ác, thì con cũng đã tổn thương rồi, giữa phòng ngừa tội phạm và trừng trị tội phạm là cả một khoảng thời gian dài, chờ được vạ, thì má đã sưng.
Lời kết
Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, trước hết là nhiệm vụ của mỗi gia đình, sau đó cần có sự chung tay của toàn xã hội. Những vụ việc đau lòng như cha ruột xâm hại con gái ở Long An, ông nội xâm hại cháu gái 9 tuổi ở Hà Nội hay gần đây nhất là vụ việc 4 tên cùng xâm hại tình dục bé gái 14 tuổi ở Thái Bình,... ngày càng gióng lên hồi chuông gấp rút buộc xã hội, mỗi bậc cha mẹ phải nhiêm túc nhìn nhận, hành động vì con em mình. Những kẻ có dã tâm và mất hết nhân tính đều sẽ phải nhận những bản án nghiêm khắc của pháp luật, sự phẫn nộ của xã hội như Nguyễn Khắc Thủy, nhưng trong khi chờ đợi, thì hãy bảo vệ con em khỏi những hiểm nguy ngay cạnh rình rập.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất