Năm mình 9 tuổi, khi đi du lịch cùng với gia đình, đã có không ít lần mình xin mẹ tiền để mua một món đồ từ một bà lão bán hàng rong. Khi học cấp hai và cấp ba, mình thường xuyên cho đi quá giang những người mình không hề quen biết. Những năm tháng đại học cũng diễn ra tương tự, nhưng với chiếc xe gắn máy, mình đã có thể chở những người đi bộ dọc đường tới địa điểm xa hơn. Mình vẫn luôn như vậy, luôn nhiệt tình giúp đỡ những người chẳng có tí chút quan hệ nào. Hồi còn nhỏ, sách giáo khoa thường dạy về những nét đẹp văn hóa “lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá tả tơi”, mình gật đầu làm theo nhưng mãi sau này lớn lên, mình mới hiểu rõ hơn về ý nghĩa của những hành động ấy.
Mối quan hệ giữa chúng ta là gì?
Nếu không tính bạn bè trên Facebook, bạn thực sự quen thân với bao nhiêu người? Mình đang muốn nói tới những mối quan hệ mà bạn nghĩ tới ít nhất một lần mỗi tháng, chứ không phải một cô nàng hay chàng trai với ngoại hình ưa nhìn nào đó trong danh sách bạn bè mà thậm chí bạn còn chẳng hề biết tên. Trên thực tế, các nghiên cứu khoa học chỉ ra một người bình thường thời nay không thể duy trì quá 150 người trong vòng tròn người quen của họ. Ngạc nhiên chưa, và con số này ngày xưa thậm chí còn ít hơn thế. Thực ra, đây là yếu tố tự nhiên và mang tính kế thừa. Như chúng ta vẫn biết, loài người vốn là loài sống theo tập tính bầy đàn và dựa vào nó để xây dựng nền văn minh. Trong khoảng thời gian hơn 6 triệu năm tiến hóa và phát triển, phần lớn chúng ta hoạt động theo những nhóm cá thể có kích cỡ nhỏ tới trung bình (thường ở mức vài chục tới vài trăm mỗi nhóm). Lí do là bởi kích cỡ của vùng tân vỏ não (neocortex) chỉ cho phép chúng ta nhớ được ngần đó mối liên hệ mà thôi. Phải đến khi con người phát hiện và chế tạo thành công các công cụ, đẩy mạnh sự phát triển trong việc thu thập và tích trữ của cải vật chất, chuyển dần từ lối sống du cư (nomadic) sang định cư, họ mới biết tìm cách hợp tác với nhau trên một quy mô lớn và các chế độ xã hội mới lần lượt hình thành. Con người nhanh chóng khám phá thế giới xung quanh và vấp phải những trở ngại mà không một bộ tộc hay nhóm người nào có thể đơn thân xử lý. Họ không còn cách nào khác ngoài phải hợp sức với nhau để cùng dời một ngọn núi hay chế ngự một con sông. Họ bắt buộc phải hợp tác để bảo vệ lẫn nhau khỏi những thế lực địch thù. Mức độ của sự hợp tác lớn dần lên và từ đó sinh ra khái niệm quốc gia, đế chế. Quá trình hợp nhất (có ly tan) này liên tục diễn ra cho tới ngày nay, với kết quả là sự tồn tại của 193 nền độc lập. Rõ ràng sự quan trọng của quá trình hình thành có tổ chức các nhóm người trên phạm vi lớn đối với nhân loại là điều không thể bàn cãi. Nhìn vào sâu bên trong một xã hội, ta thấy hàng tỉ mối liên hệ giữa các cá nhân. Một xã hội có tồn tại và vươn lên được hay không, cốt lõi nằm ở mức độ bền chắc của những mối liên hệ đó. Sự phát triển của các xã hội lại là nền móng cho sự thịnh vượng của cả giống loài. Duy trì những tổ chức ấy là trách nhiệm của mọi thế hệ, hay nói cách khác, trách nhiệm ấy hiện nay thuộc về chính chúng ta. Có thể nói, mỗi lần chúng ta giúp đỡ lẫn nhau, là một lần chúng ta góp sức mình để hoàn thành trách nhiệm cao cả ấy.
Mình biết là nhiều khả năng bạn không tin vào điều đó, bạn cho rằng sự so sánh ấy quá khập khiễng, lớn lao quá mức cần thiết và chẳng đáng để bạn phải bận tâm. Bạn chẳng thà dành thời gian của bản thân để xem những clip livestream mới nhất của Huấn Hoa Hồng. Điều đó cũng tốt thôi, nhưng mình tin rằng đến một ngày, bạn sẽ nhận ra những người lạ lại là chính yếu tố quan trọng giúp ta lấp đầy cuộc sống. Bạn có để ý rằng phần lớn chúng ta đều trải qua một hiện tượng tâm lý xã hội, đó là dễ mở lòng hơn với những người ta không hề quen. Lí do là khi ta bị bủa vây bởi áp lực và muộn phiền, đôi khi cái ý tưởng chia sẻ những ưu tư đó của mình với người thân thiết bỗng trở nên không sáng suốt. Có thể là mình không muốn người mình thương mến bị ảnh hưởng bởi những vấn đề ấy, bởi bạn biết mà, nỗi buồn cũng có tính lây lan (mẹ nó chứ), nhưng cũng có thể bởi những vấn đề ấy phức tạp đến mức nếu đem chia sẻ với những người hiểu mình quá rõ, chúng sẽ chỉ có thể trở nên tệ hại hơn. Mình nghĩ những chương trình tư vấn, tâm sự qua radio, chat chit làm quen hay hẹn hò với người lạ ngày nay được gửi gắm tâm tư tình cảm của rất nhiều người cũng bởi vì như thế.
Khi ta trưởng thành, có rất nhiều mối quan hệ quan trọng xuất phát từ những người mà mình từng xem là xa lạ. Người ta gọi đó là cơ duyên, có duyên gặp gỡ nhau để rồi cùng nhau đi tiếp. Tuy nhiên, duyên phận cũng chỉ là một phần, “vạn sự tùy duyên” nhưng “vạn duyên tùy biến”, rất ít khi mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn khi con người ta không có hành động gì. Lí do mà mình nghĩ như vậy, là bởi mình đã từng trải qua những giai đoạn của cuộc sống mà mình cảm thấy tự ti, bất lực, yếu đuối và không ngừng thắc mắc về ý nghĩa tồn tại trong chính cái thế giới nhỏ bé tù túng của bản thân. Khi đó, thứ cứu rỗi mình khỏi vũng lầy tâm lý chính là sự kết nối với thế giới bên ngoài, với những điều nhỏ nhoi nhưng xa lạ, với những người mình không hề quen biết. Mỗi khi mình nhận được sự giúp đỡ từ người lạ, dù là anh chàng không tên giúp mình đẩy xe khi chết máy, hay là bác trai xa lạ giúp mình vá lốp lúc nửa đêm, mình đều biết ơn và thấy hạnh phúc vô cùng. Nó làm mình thêm yêu và trân trọng cuộc sống. Nếu tất cả mọi người đều tin vào luật nhân quả, không có gì đảm bảo rằng xã hội sẽ trở nên thịnh vượng hơn. Nhưng sống biết dang tay giúp đỡ người xung quanh chắc chắn sẽ làm cuộc sống của mỗi cá nhân thêm phần ý nghĩa. Mình sẽ tiếp tục nhường ghế trên xe cho một bà lão, bày mẹo sử dụng điện thoại thông minh cho mấy cô bán phở ven đường, lắng nghe khó khăn thường nhật của mấy chú xe ôm vì mình có một niềm tin mãnh liệt vào những mối quan hệ xa lạ ngoài kia.
Mình hi vọng bài viết này sẽ khiến chúng ra cùng nhìn lại về mối quan hệ với những “người lạ” xung quanh mình. Nếu suy nghĩ rộng hơn, trong thời đại hiện nay, thực ra rất khó cắt nghĩa của hai từ “người lạ”. Thử đặt một câu hỏi, liệu khi mình nắm được những thông tin như tên, tuổi, nơi học tập, làm việc, sở thích, các bài post hàng ngày trên mạng xã hội của một người nhưng lại chưa từng gặp hay giao tiếp với người đó, mình có nên coi đó là người lạ không? Trái lại, nếu chẳng may một mối quan hệ thân thiết bỗng dưng sụp đổ, hai người không còn muốn gặp lại nhau, khi ấy liệu mình còn coi người đó là người thân quen nữa? Internet đã và đang dần ảo hóa các mối quan hệ của xã hội loài người, biến những kết nối người – người trở thành trực tuyến và phá vỡ nhiều quy chuẩn và định nghĩa trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Mình nghĩ, khái niệm “người lạ” sẽ sớm muộn bị chìm vào lãng quên khi càng ngày chúng ta càng dễ dàng nắm được thông tin và kết nối với người khác. Sẽ đến một ngày, nếu bạn muốn làm một hành động nào đó với một người đối diện hay ở bên kia bán cầu, sẽ chỉ có lí do duy nhất là bạn quan tâm tới người đó, hoặc một điều gì đó, chứ không còn đặt câu hỏi trong vô thức: liệu mình có quen người này để làm việc đó hay không? Có lẽ trong kỷ nguyên số, người xa lạ duy nhất chúng ta cần phải cảnh giác chính là bản thân mình.
Xin phép trích những lời ca bất hủ đi vào trái tim triệu con người của John Lennon:
Imagine there’s no countries
It isn’t hard to do
Nothing to kill or die for
And no religion, tooImagine all the people
Living life in peace