Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Melvin R. Laird nói về sai lầm trong chiến tranh Việt Nam
Mỹ đã làm đạo diễn cho những cuộc bầu cử để trao quyền hành cho “những kẻ tham nhũng, ích kỷ, và độc tài khoác bộ áo lãnh tụ quốc gia”.
Ông Melvin R. Laird giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng trong những năm 1969-1973 dưới thời Tổng thống Richard Nixon. Ông rời khỏi Lầu Năm Góc sau khi Mỹ đã rút quân ra khỏi Việt Nam. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, ông trở lại làm Cố vấn Nội vụ cho Tổng thống Nixon vào tháng 6-1973. Tám tháng sau ông xin từ chức khi cuộc khủng hoảng Watergate trở thành nghiêm trọng. Từ ngày rời khỏi Bộ Quốc phòng và chính trường, ông Laird hoàn toàn giữ yên lặng về chiến tranh Việt Nam. Vào cuối năm vừa qua, lần đầu tiên ông lên tiếng về cuộc chiến này vì có nhiều người liên hệ chiến tranh hiện nay ở Iraq với cuộc chiến tại Việt Nam. Bài viết này là sự phân tích của một nhà nghiên cứu ở nước ngoài, muốn qua những lời tự bạch của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ để tìm hiểu sự thật về chiến tranh Việt Nam. Chúng tôi xin trích giới thiệu với bạn đọc phần đầu của bài viết.
Dù ông Laird là một trong những người thân cận của Tổng thống Nixon trong giai đoạn Watergate, nhưng tư cách của ông vẫn giữ được vẹn toàn. Ông là người chính trực và có đầy đủ thẩm quyền để nói về chiến tranh Việt Nam. Những phần sau đây trình bày các nhận định của ông Laird vể cuộc chiến này (1). Nhiều ý kiến của một số nhân vật khác cũng sẽ được trích dẫn để so sánh.
Sự thật về việc tham chiến của Mỹ
Từng là dân biểu trong Quốc hội Liên bang và Bộ trưởng Quốc phòng, ông Laird nhận định rằng cuộc chiến Việt Nam là một biến cố bi thảm, tệ hại, và được vận hành một cách vụng về trong lịch sử của Mỹ, với sự tổn thất nhân mạng lớn lao cho cả mọi phe. Nhưng ông nghĩ rằng chúng ta không thể kết luận một cách ngắn gọn rằng chiến tranh Việt Nam là một sai lầm. Cuộc chiến này khá phức tạp: một hỗn hợp của tốt và xấu mà từ đó có thể rút ra nhiều bài học giá trị. Tuy nhiên chỉ có một bài học xem ra tiếp tục tồn tại là “Đừng nên để bị mắc kẹt vào một Việt Nam thứ hai.” Có những người ở Mỹ ưa châm chọc vào vết thương thay vì để yên cho nó lành lại. Đối với những người này, Việt Nam là một chính sách bảo hiểm để bảo đảm cho nền hòa bình ở nội địa nếu Mỹ không bao giờ phiêu lưu ở thế giới bên ngoài nữa. Do đó, cần phải vạch ra và xóa bỏ những ý niệm sai lầm về cuộc chiến Việt Nam để Mỹ phục hồi sự tự tin vào khả năng xây dựng quốc gia.
Theo ông Laird, sự thật về Việt Nam là Mỹ không thua trận khi rút quân vào năm 1973. Sự kiện cho thấy rằng Mỹ đã chuốc lấy thất bại, bỏ lỡ mất cơ hội chiến thắng hai năm sau khi Quốc hội chấm dứt viện trợ cho miền Nam Việt Nam và do đó làm mất khả năng chiến đấu của Việt Nam Cộng hòa. Hồ sơ chiến tranh do Hà Nội công bố mới đây cho thấy rằng Liên Xô đã vi phạm Hiệp định Paris 1973 vì đã tiếp tục viện trợ cho Bắc Việt 1 tỉ đôla mỗi năm thay vì chỉ được phép thay thế võ khí và máy móc. Trong khi đó Mỹ chỉ viện trợ quân sự giới hạn cho miền Nam trong 2 năm. Sau khi xẩy ra biến cố Watergate, Mỹ đã thất bại trong việc tiếp vận cho đồng minh ở miền Nam Việt Nam vì sự sụp đổ của cơ cấu lãnh đạo ở Washington. Chính quyền tiếp nối không giữ lời hứa của chính quyền trước đã gây ảnh hưởng tai hại trong việc thương thuyết giữa hai miền Nam – Bắc Việt Nam.
Theo ông Laird, chiến tranh Việt Nam bắt nguồn từ những sai lầm quá tệ hại về tình báo. “Mỹ đã không hiểu được động lực nào thúc đẩy ông Hồ Chí Minh trong thập niên 1950. Nếu hiểu được tinh thần quốc gia sâu xa của Hồ Chí Minh, Mỹ đã có thể thay đổi khuynh hướng cộng sản của ông.”
Cái cớ để Mỹ nhảy vào cuộc chiến Việt Nam là việc chiến hạm U.S.S. Maddox bị ba tàu phóng thủy lôi của hải quân Bắc Việt tấn công vào ngày 2-8-1964 trong vịnh Bắc Bộ cách duyên hải Việt Nam 25 dặm. Cuộc tấn công đơn lẻ này có thể xem như là một lầm lẫn bất thường. Nhưng hai ngày sau, chiến hạm U.S.S. Maddox, với sự tham dự của chiến hạm U.S.S. Turner Joy, đã báo cáo rằng tàu bị tấn công lần thứ hai. Năm năm sau, khi là Bộ trưởng Quốc phòng, căn cứ vào các báo cáo, ông Laird nhận định rằng không có lần tấn công thứ hai. Đây là một sự nhầm lẫn, sợ hãi quá độ, và thông tin sai lệch xảy ra trong đêm tối. Ông Laird từng phục vụ trên chiến hạm U.S.S. Maddox trong Thế chiến thứ hai và đã bị thương khi chiến hạm này bị phi công cảm tử của Nhật tấn công trên Thái Bình Dương.
Tổng thống Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng McNamara không che giấu hoặc giải thích sai lầm của tin tình báo không đúng về vụ hải quân Bắc Việt tấn công tàu Maddox. Nhưng sự kiện là ông McNamara đã hăm hở đến Quốc hội và đưa ra một lời tuyên bố không có nghĩa là chiến tranh, nhưng dù sao cũng đã gây ra chiến tranh. Ông Laird cùng với 501 đồng nghiệp ở Quốc hội đã bỏ phiếu ủng hộ Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ, cho phép Tổng thống Johnson gia tăng vai trò của Mỹ tại Việt Nam. Trước đó Mỹ một phần là kẻ ngoại cuộc, một phần là một kẻ chiến đấu bí mật, phần khác là cố vấn. Ông Laird gián tiếp kết luận rằng Mỹ đã dần dần, một cách bí mật, và sơ ý rơi vào vấn đề Việt Nam.
Mỹ có một số ít quyền lợi kinh tế ở Việt Nam. Mặt khác, một vấn đề an ninh quốc gia là cần phải ngăn ngừa ảnh hưởng giây chuyền theo đó toàn thể thế giới sẽ rơi vào vòng kiểm soát của cộng sản, nếu mất vùng Đông Nam Á. Tuy nhiên lý do này không có đủ trọng lượng. Nhưng theo ông Laird, chiến tranh Triều Tiên vào đầu thập thập niên 1950 là một bằng chứng về mối đe dọa của cộng sản tại Á châu. Vào hai thập niên 1960-1970 mối đe dọa này tiếp tục và là sự thật đặc biệt ở vùng Đông Nam Á. Tại Philippin, Malaixia, Singapore, Inđônêxia và ngay cả tại Ấn Độ, phong trào cộng sản đã thiết lập được các căn cứ địa vững vàng. Mục tiêu của Mỹ là chặn đứng sự bành trướng của cộng sản ở Á châu.
Diễn biến của chiến tranh
Theo ông Laird, việc Mỹ hóa chiến tranh Việt Nam, hay nói cách khác là Mỹ trực tiếp tham chiến ở Việt Nam, là một thảm họa lớn, một quyết định sai lầm. Kế hoạch này bắt đầu bằng việc Tổng thống John F. Kennedy gửi vài trăm cố vấn đến Việt Nam. Vào năm 1962 Mỹ đã có 16.000 cố vấn tác chiến tại Việt Nam (2). Tổng thống Johnson nhận định rằng Đông Nam Á là nơi để chặn đứng sự bành trướng của cộng sản. Do đó Johnson quyết định vung tiền và sử dụng không hạn chế nhân lực vào mục tiêu này. Những đơn vị tác chiến đầu tiên của Mỹ được gửi đến Việt Nam vào năm 1965.
Trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ chủ trương giúp thành lập bất cứ một chính phủ địa phương nào có thể thực thi chiến lược về chiến tranh lạnh của Mỹ, không cần phải là một chính quyền dân chủ. Theo ông Laird, đây là một sai lầm cực kỳ nghiêm trọng. Đại Sứ Philip Habib là người đã soạn thảo Hiến Pháp 1967 cho Việt Nam. Mỹ đã làm đạo diễn cho những cuộc bầu cử để trao quyền hành cho “những kẻ tham nhũng, ích kỷ, và độc tài khoác bộ áo lãnh tụ quốc gia.”
Mỹ lúc đó đã đánh giá quá thấp sự cần thiết của một chính quyền hợp pháp thật sự tại miền Nam Việt Nam. Thay vào đó, Mỹ quan niệm rằng một chính quyền không chính thức và một lực lượng quân sự cũng đủ để có thể đem lại chiến thắng. Ông Laird đã không tin rằng một ngày nào đó chính phủ Sài Gòn có thể sụp đổ vì thiếu chính danh và thiếu sự toàn vẹn.
Trong 2,8 triệu công dân Mỹ phục vụ tại Việt Nam và vùng phụ cận trong thời gian chiến tranh, chỉ có dưới 10% phục vụ trong các đơn vị bộ binh ở tiền tuyến. Mặt khác quân lực Mỹ lúc đó gồm những binh sĩ bị động viên, khiếp sợ, không được huấn luyện và trang bị đầy đủ để đối phó với chiến tranh du kích. Một số không đếm được những thường dân vô tội Việt Nam đã bị giết trong những cuộc truy lùng cộng sản trong đám dân ở nông thôn. Việc tàn sát thường dân ở Mỹ Lai không xẩy ra dưới thời ông Laird, nhưng việc xử án trung uý William Calley đã diễn ra khi ông còn đang làm việc ở Lầu Năm Góc. Ông nhận xét rằng quần chúng Mỹ đã phản đối việc dùng Calley làm vật hi sinh trong khi các cấp chỉ huy được tự do.
Ông Laird nhận định rằng một trong những chiến thuật cộng sản áp dụng tại Việt Nam là kéo dài chiến tranh để thử thách ý chí và sự kiên nhẫn của Mỹ. Trên thực tế vào khoảng cuối thập niên 1960, một trong những bài học về chiến tranh Việt Nam không được nhiều người công nhận. Đó là tổn thất chiến tranh không phải là điều quan tâm chính của quần chúng Mỹ. Binh sĩ Mỹ sẽ thi hành nhiệm vụ, và quần chúng Mỹ sẽ chấp nhận tổn thất nhân mạng, nếu cuộc chiến có những mục tiêu đích đáng có thể đạt được, và được chính phủ hỗ trợ rõ ràng. Ngoài ra những nhà lãnh đạo cần phải thành thực về những mục tiêu này. Đây lại không phải là trường hợp Việt Nam như sẽ được trình bày thêm ở đoạn về chiến tranh giới hạn ở bên dưới.
Một lầm lỗi thê thảm nữa về chiến tranh Việt Nam là những nhà lãnh đạo Mỹ đã thua trên mặt trận giao tế. Đại tướng Creighton Abrams thường xuyên than vãn với ông Laird rằng ông rất nản lòng về cách mô tả cuộc chiến của truyền thông Mỹ và sự khác biệt với sự thật mà ông nhìn thấy. Ông phải tham dự hàng trăm buổi thuyết trình được thu âm với hơn 500 phóng viên có mặt tại Sài Gòn. Các ký giả gần như được hoàn toàn tự do đi lại tại Việt Nam. Chiến tranh Việt Nam là một cuộc tranh chấp quân sự đầu tiên được trực tiếp truyền hình. Nếu cha mẹ của những binh sĩ Mỹ phục vụ trong Thế chiến thứ hai nhìn thấy những hình ảnh của CNN về cuộc đổ bộ vào ngày D theo như phim Saving Private Ryan (Hãy cứu binh nhì Ryan) được tường thuật trực tiếp trên màn ảnh truyền hình, họ có thể nghĩ Âu Châu không đáng được cứu vãn.
Theo ông Laird, cuộc chiến Việt Nam dù đã phải trả một giá đắt, có thể xem như là một chiến thắng. Mặc dù đã xây dựng được các căn cứ địa vững vàng tại chỗ, cộng sản đã thất bại tại Philippin, Malaixia, Singapore, Inđônêxia và Ấn Độ vì cuộc chiến ở Việt Nam đã thu hút nhiều tài nguyên của Liên Xô.
Chiến tranh giới hạn
Trong cuộc chiến Việt Nam, bộ binh Mỹ tham chiến tại miền Nam Việt Nam, nhưng không được phép tiến ra ngoài Bắc. Không quân chỉ được phép đánh vào Bắc Việt, Lào và Campuchia ào ào một lúc rồi lại ngưng, khi thì bí mật, khi lại công khai, pha trộn với những lừa dối và mưu mẹo, thực hiện theo mức lên xuống của công luận thay vì đòi hỏi quân sự. Trong những năm đầu của chiến tranh, không có sự nhất trí giữa các ngành trong chính phủ. Ngay cả Bộ Ngoại giao cũng có quyền phủ quyết những cuộc không kích. Tổng thống Johnson thức khuya để bàn cãi trong khi các tướng lãnh không được hỏi han đến.
Khi Tổng thống Nixon ra lệnh ném bom bí mật ở Campuchia, ông Laird đã phản đối mạnh mẽ. Ông không phản đối việc ném bom vì tin rằng Mỹ nên chiến đấu ở bất cứ nơi nào cần phải chiến đấu – bất cứ nơi nào có kẻ thù ẩn náu – hoặc là không chiến đấu, nhưng ông chống lại thủ đoạn lừa gạt công luận. Khi bí mật này bị lộ, như ông tiên đoán, ông bị nghi ngờ một cách sai lầm là người gây nên sự tiết lộ này. Tổng thống Nixon đã chấp thuận đề nghị của ông Kissinger ra lệnh cho Cơ quan Điều tra Liên bang (FBI) đặt máy nghe lén điện thoại ở nhà người phụ tá của ông Laird. Dân chúng Mỹ không muốn bị lừa dối, không chấp nhận bí mật và cũng không muốn bị gạt ra ngoài cuộc tranh luận về chiến tranh.
Việt Nam hóa chiến tranh
Nếu Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara thi hành chính sách tham chiến tại Việt Nam của Tổng thống Lyndon B. Johnson, thì ông Laird, người kế vị ông McNamara, là người thực hiện chính sách chấm dứt sự liên hệ của Mỹ vào cuộc chiến này của Tổng thống Nixon. Khi ra tranh cử Tổng thống vào năm 1968, ông Nixon hứa chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam dưới tiêu đề “Hòa bình trong danh dự”, nhưng chưa có một kế hoạch cụ thể nào cả (3). Vào năm 1968, ông Laird chỉ mới đề nghị cho vào cương lĩnh của Đảng Cộng hòa ý kiến giảm vai trò của Mỹ trong chiến tranh. Chính Bộ trưởng Quốc phòng Laird là người đã thiết lập kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh mà ông cho là thành công. Ông quan niệm trả lại chiến tranh cho người Việt, những người quan tâm đến vấn đề này nhất, để tự họ lo lắng theo điều kiện của chính họ. Người Việt cần tiền của Mỹ và huấn luyện nhưng không cần thêm máu của quân nhân Mỹ nữa. Đó là những lời khuyên đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Laird dành cho Tổng thống Nixon. Ông Laird gọi kế hoạch này là “Việt Nam hóa chiến tranh” và Tổng thống Nixon gọi là Việt Nam hóa việc tìm kiếm hòa bình.
Khi hai ông Nixon và Laird thừa kế cuộc chiến tại Việt Nam vào năm 1969, cuộc chiến đã kéo dài được 4 năm với 31.000 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng, 540.000 quân Mỹ hiện diện tại Việt Nam và thêm 1,2 triệu quân thuộc bộ binh, hải quân và không quân yểm trợ cuộc chiến từ các căn cứ quân sự trong vùng, trên các chiến hạm và hàng không mẫu hạm ở Thái Bình Dương. Chiến tranh Việt Nam gây ra sự chia rẽ trầm trọng trong nước Mỹ và sự chỉ trích từ nhiều nước bạn cũng như thù địch.
Ông Laird từ giã Quốc hội sau chín nhiệm kỳ để gia nhập nội các của Tổng thống Nixon vào năm 1969. Ngày đầu tiên làm việc tại Lầu Năm Góc, ông mở đọc hai hồ sơ tối mật để trong tủ an toàn ngay tại phòng làm việc. Hồ sơ thứ nhất gồm những tài liệu về một việc đã xảy ra dưới thời ông McNamara: Làm sao Mỹ bị lôi cuốn vào chiến Việt Nam. Không lâu, hồ sơ này được tiết lộ cho báo New York Times với cái tên là “The Pentagon Papers” (Hồ sơ Lầu Năm Góc) mà ông Laird gọi là “The McNamara Papers”. Khi là một dân biểu ở Quốc hội Liên bang ông đã nghe khá nhiều về đề tài này. Do đó ông không đọc hết hồ sơ mật thứ nhất. Việc đã xảy ra không còn là mối quan tâm của ông lúc đó. Hồ sơ tối mật thứ hai mỏng hơn nhưng đặt ra nhiều vấn đề. Đó là việc Đại tướng William Westmoreland xin tăng quân số Mỹ tại Việt Nam từ 500.000 lên đến 700.000. Yêu cầu này không được giải quyết trong khoảng một năm. Nó không được chấp nhận mà cũng không bị từ chối. Hành động đầu tiên của ông Laird với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng là chính thức bác bỏ lời yêu cầu của Tướng Westmoreland. Việc này đánh dấu sự bắt đầu rút quân Mỹ ra khỏi Việt Nam trong vòng 4 năm.
Theo Bộ trưởng Laird, sự thật là chiến tranh luôn luôn biến đổi. Do đó sứ mệnh của nó cũng phải thay đổi. Đây là một định luật chứ không phải là một biệt lệ. Vào mùa Xuân 1969, do sáng kiến của Bộ trưởng Laird, Mỹ thay đổi mục tiêu chiến lược từ “gây áp lực tối đa vào quân địch” sang “hỗ trợ tối đa miền Nam Việt Nam để tự chiến đấu”. Những người chống lại kế hoạch này lại là chính phủ của miền Nam Việt Nam vì đã quá quen lệ thuộc vào Mỹ. Một số cấp chỉ huy quân sự Mỹ mang ảo tưởng về một sự toàn thắng của Mỹ tại Đông Nam Á bằng sức mạnh của Mỹ cũng chống đối việc giảm quân số. Ngay cả nếu điều đó có thể xảy ra, Mỹ hóa chiến tranh là một sai lầm ngay từ đầu, và sự kiên nhẫn của quần chúng Mỹ sẽ biến mất trước khi mục tiêu đạt được.
Sứ mệnh của Mỹ về chiến tranh Việt Nam thật sự thay đổi vì tình hình thế giới đã thay đổi một cách quan trọng từ vài năm trước khi kế hoạch Việt Nam hóa bắt đầu. Mục tiêu lúc đầu của Mỹ là chặn đứng sự bành trướng của cộng sản ở vùng Đông Nam Á. Nhờ sự thay đổi về mối quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc từ anh em thành kẻ thù và phong trào cộng sản ở Inđônêxia bị dẹp tan, mối đe dọa của bành trướng cộng sản giảm bớt. Theo ông Laird, Mỹ không muốn bỏ rơi Việt Nam nhưng muốn trả lại quyền tự quyết cho quốc gia này. […]
Theo TALAWAS