"Để con bắt đầu lại nhé.
Mẹ ơi,
Con viết thư này để đến gần thêm mẹ - dù mỗi chữ con đặt xuống đây là thêm một chữ rời mẹ xa hơn. Con viết để trở về cái lúc, ở trạm dừng chân bang Virginia, mẹ nhìn, sửng sốt, tiêu bản cái đầu hươu treo bên trên máy bán nước ngọt cạnh nhà vệ sinh, cặp gạc phủ bóng xuống khuôn mặt mẹ. Vào xe, mẹ cứ lắc đầu lia lịa. “Không hiểu sao người ta làm vậy. Bộ không thấy đó là xác chết sao? Xác chết thì phải để cho đi, không phải kẹt lại vĩnh viễn như kia.”
Giờ con nghĩ tới con hươu đó, tới cảnh mẹ nhìn vào đôi mắt thuỷ tinh đen thẫm kia và thấy bóng mình, cả người mình phản chiếu, cong lại trong tấm gương không còn sự sống đó. Tới chuyện mẹ chấn động không phải bởi một cái đầu thú gớm ghiếc bị chặt ra treo lên tường – mà bởi tiêu bản đó là hiện thân cho cái chết không bao giờ kết thúc, cái chết không ngừng chết thêm trong lúc chúng ta đi qua bên dưới nó để trút bỏ nỗi buồn."
“Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” đã bắt đầu như thế. Ocean Vuong đã viết nên một đoạn mở đầu thật ấn tượng cho cuốn sách của mình. “Để con bắt đầu lại nhé” – lời nói trìu mến mở đầu cho bức thư mà đứa con trai viết cho mẹ mình, cũng là lời dẫn nhẹ nhàng đưa người đọc bước vào câu chuyện. “Để con bắt đầu lại nhé” – lời nói tuy đơn giản nhưng có thể khiến ta tưởng như mình đang rơi vào một giấc mộng mị, lại được đánh thức để nghe lại một câu chuyện, một câu chuyện đã được kể rất nhiều lần nhưng ta đã thoáng quên hoặc ta vẫn muốn nghe tiếp. Câu mở đầu này đã tạo cho mình một cảm giác rất lạ, khiến mình tự dưng thấy bồi hồi không có lý do và sẵn sàng đọc lại hàng chục lần. Và cứ thế, Ocean Vuong không cần phép lạ nào cũng có thể dẫn dụ mình cuốn theo câu chuyện của nhân vật chính – “Chó Con”, của ngoại Lan, của mẹ Hồng – những con người Việt Nam đang chật vật để sinh tồn nơi xứ lạ quê người sau chiến tranh cùng với những hậu chấn tâm lý.
“Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” sở hữu nhiều yếu tố để có thể trở thành một cuốn sách hay, mà có lẽ đã rất nhiều người đánh giá và phân tích qua. Đối với mình, chỉ riêng đoạn mở đầu trên dường như đã ẩn chứa và đại diện được hết cho những lý do khiến mình yêu thích cuốn sách này: ngôn từ quá đẹp, những chiêm nghiệm, ví von hết sức sâu cay và cái màu sắc trầm buồn, da diết mà nó mang lại. Chỉ thế thôi đã đủ để mình chìm đắm trong nó, đọc đi đọc lại những con chữ mà mình thấy ấn tượng. Đây là một cuốn sách mà bạn sẽ tìm đọc và ở lại dựa vào cảm xúc của mình. Nói như thế không có nghĩa là mình phủ nhận hoặc cho rằng những khía cạnh khác là không quan trọng bằng cảm xúc. Dĩ nhiên, tài năng của Ocean Vuong được thể hiện thông qua tác phẩm này là không có gì phải bàn cãi. Thế nhưng, thứ mà mình thấy ấn tượng nhất chính là khả năng khơi gợi lên sự đồng cảm, sự thấu hiểu, sự cảm thông và chia sẻ mà nó mang lại cho người đọc. Do đó, chưa cần phải phân tích quá nhiều, mình vẫn muốn nói rằng đây là một cuốn sách đáng để bạn đọc và cảm nhận.
Tác phẩm không có một sự kiện nào quá lớn lao, cũng không nêu lên một vấn đề nào mang tầm vóc thời đại, cũng không nhằm để giải quyết một cái gì. “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” chỉ là những dòng chữ của một đứa con gửi cho người mẹ không biết chữ của mình, chính vì vậy mới có chuyện “mỗi chữ con đặt xuống đây là thêm một chữ rời mẹ xa hơn”. Chúng ta như được Ocean Vuong (hay “Chó Con”) dẫn đi qua rất nhiều miền ký ức, lúc này lúc khác trong cuộc đời đầy những vết xước của các nhân vật. Cùng với “Chó Con”, chúng ta chắp vá các mảnh vỡ, sắp xếp lại để tạo ra một bức tranh lớn về những khổ đau mà họ đã trải qua. Đúng với tâm lý của một người đang nhặt nhạnh những mảng ký ức để kể lại một câu chuyện, ta thấy mọi thứ không theo thứ tự mà được đan xen vào nhau và đảo lộn ở rất nhiều thời điểm. Do đó, tạo cho ta cảm giác mơ hồ và đôi khi cũng khiến ta bất ngờ vì những sự việc được lật giở, thay đổi một cách nhanh chóng. Chúng ta bị chìm trong một không gian đặc quánh đến ngột ngạt và khó thở của ký ức, của quá khứ. Chúng ta bị bao quanh trong lớp màn sương mờ đặc được che phủ bởi những hậu sang chấn tâm lý từ mẹ Hồng (Rose) hay ngoại Lan. Điều này khiến mình lờ mờ nhớ lại cảm giác gần giống với khi đọc “Cảnh đồi mờ xám” của Kazuo Ishiguro – cũng là câu chuyện được kể bằng những mảnh vỡ được ghép nối của ký ức, của quá khứ một cách mơ hồ từ những người bị tổn thương tâm lý hậu chiến tranh. Nhưng, so với “Cảnh đồi mờ xám” thì cái nét trầm buồn, cái không khí u sầu của “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” lại có chút gì đó mộc mạc, chân thực, gần gũi và ít đánh đố hơn. Có lẽ bởi vì cũng như tác giả, như các nhân vật, chúng ta “đã sẵn là người Việt Nam” rồi.
Miên man lần theo những dấu vết của kỷ niệm, những gì lưu lại trong ký ức của Chó Con, chợt ta nhận ra cuốn sách đã dần đi đến những trang cuối. Và dẫu trải qua ngần ấy những khổ đau, trầy xước, rõ ràng cuộc đời của Chó Con, của mẹ Hồng, của ngoại Lan đâu đó vẫn có những giây phút rực rỡ, đã được yêu, được sống và biết rằng họ đã cố gắng hết sức mình. Dẫu cho “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” là một bức tranh nhuốm màu buồn đau, trầm đục, có nước mắt, có cái chết, có sự nuối tiếc ngập tràn nhưng sau cùng mình sẽ nhớ về nó như một khúc ca bi tráng của những người chưa bao giờ đầu hàng số phận và luôn muốn vươn tới ánh sáng của sự sống:
“Con lại nghĩ về cái đẹp, về việc một số thứ bị săn đuổi bởi vì ta cho là chúng đẹp. Nếu đời sống một cá thể là quá ngắn ngủi, so với lịch sử hành tinh này, chỉ một cái chớp mắt, như người ta nói, vậy thì được rực rỡ, cho dù suốt từ ngày ta sinh ra đến ngày ta chết đi, là rực rõ chỉ trong một thoáng. … Để rực rỡ, trước tiên mình phải được nhìn thấy, nhưng được nhìn thấy cũng tức là cho phép bản thân trở thành con mồi.”
Hãy sống một cuộc đời thật “rực rỡ”, như bạn muốn!
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất