“Chúng ta sắp bàn về điều gì?”
Gần đây mọi người chia sẻ về trích dẫn trong cuốn sách Vì cậu là bạn nhỏ của tớ của Tiktoker Tun Phạm:
“…. phụ nữ là món quà vô cùng tuyệt vời mà tạo hóa đã ban tặng cho đàn ông.”
Theo mình đọc được ý kiến tẩy chay cuốn sách xuất phát từ bài viết chia sẻ trên trang cá nhân của bạn Phuonge Tran. Bạn nêu quan điểm không đồng ý với câu được trích dẫn trên:
“.... Phụ nữ sẽ không bao giờ là món quà của đàn ông. Phụ nữ là bản thân họ. Phụ nữ độc lập, tự do, không bao giờ và sẽ không bao giờ là một thứ để đàn ông tiêu khiển hay vật hoá….”
Sau đó, chính tác giả đã chia sẻ để đính chính:
Trong đoạn văn, mình sử dụng từ ‘món quà’ để nói về những điều quý giá. Như là: ‘Em là món quà ông trời trao cho anh, vì vậy anh phải học cách trân trọng nó’ hay ‘Mẹ là món quà quý giá nhất mà con được thượng đế ban tặng’. Vì vậy, từ ‘món quà’ cũng là cách để những người xung quanh phải trân trọng người phụ nữ bên mình.”
Đồng thời cũng có những bạn nêu ý kiến để bảo vệ tác giả trong số đó có 1 câu được chia sẻ mang hàm ý tương tự:
Ngày em còn bé, lúc nào ông ngoại cũng khoe với mọi người rằng “con bé là món quà trời Phật cho tôi đấy”. Lần nào đi họp hội cứu chiến binh [đáng lý là “cựu chiến binh”] ông cũng khoe như vậy, câu nói đó cứ vang vẳng mãi trong tâm trí của em đến tận bây giờ.”
Bản thân mình khi đọc 2 chia sẻ trên, mình thấy …. bị thuyết phục. Nó có một cảm xúc đặc biệt bên trong mình và bản thân tin rằng vào những ý kiến đính chính và bảo vệ trên.
Nhưng ý của bạn Phuonge Tran cũng đúng mà, vẫn cảm thấy có điều gì đó không tôn trọng ở đây? Cảm thấy mâu thuẫn nội tâm.
“Vấn đề của mình?”
Vì cách lập luận của tác giả và bạn bảo vệ đã chạm được vào cảm xúc của mình, đồng thời cũng dấy lên một câu nói đã cùng mình lớn lên: “Con cái là món quà tuyệt vời của cha mẹ.”. Nhắc lại câu này mình cảm thấy đó như một chân lý hiển nhiên thành ra trong giây phút tin rằng tác giả không sai.
Và mình nhận ra, cách dẫn chứng trên đã phạm phải 2 lỗi ngụy biện:
- Ngụy biện lợi dụng cảm xúc
Khi các bạn ấy so sánh mang phần khập khiễng, khi lấy hình ảnh giữa mẹ-con; ông-cháu gắn liền với cảm xúc thiêng liêng, tình cảm ruột thịt, mang nặng đẻ đau, công ơn sinh thành để so sánh cùng với một hình ảnh giữa phụ nữ-đàn ông không gắn liền chung với cảm xúc trên. Kiểu ngụy biện này rất dễ gây ra sự dao động cảm xúc, người nghe dễ bị dẫn dắt nếu không có sự tỉnh tảo hay phản tỉnh lại (chính mình cũng đã vậy).
- Ngụy biện truyền thống
Theo mình hiểu thì đây là kiểu ngụy biện lấy những giá trị lâu đời, trước giờ ai cũng mặc định nó là đúng nên tiếp tục cũng sẽ là đúng. Ở đây câu của tác giả đưa ra đánh vào truyền thống hiếu thảo, kính yêu người nuôi dưỡng mình, và câu nói đó chắc cũng đã xuất hiện đâu đó trong cuộc đời vài người (trong đó có mình).
Nhưng câu của tác giả (“Mẹ là món quà quý giá nhất mà con được thượng đế ban tặng”) và câu mình tự gợi nhắc mình (“Con cái là món quà tuyệt vời của cha mẹ”), bản thân 2 câu đã chưa trọn vẹn để đề cập đến truyền thống gia đình, mà nó cũng tồn tại vấn đề bên trong.
Suy tư ở đây một chút: Từ ngữ “Món quà” có ý nghĩa như thế nào với mình?”
Đầu tiên đó là cảm giác sở hữu, mình được nhận món quà đó, nghĩa là mình đã “có”, tiếp sau là sự tận dụng, khai thác, tận hưởng với tất những gì đẹp nhất, đúng hơn là mong đợi điều tốt đẹp món quà mang lại. Đúng là để ta tiếp tục nhận được những điều tốt đẹp, ta cần phải “trân trọng”. (đúng ý tác giả muốn nè)
Phải qua nhiều sự giải thích, ngữ nghĩa thì mới chạm được đến điều tác giả muốn nhưng con đường đi qua đã để lại nhiều sự va vấp. Nếu ra sao ta gán vào câu nói: “Con cái là món quà mà Thượng Đế ban tặng cho cha mẹ”?
Cha mẹ được phép “sở hữu” con cái, tất cả mọi thứ như ước mơ, tự do, tính cách, cảm xúc,... Điều tốt đẹp con mang lại cho ba mẹ có thể là sự yêu thương, chăm sóc, quan tâm, vật chật (khi con lớn làm ra tiền) đồng thời là sự phục tùng, nghe lời. Quan trọng đây, làm gì để cha mẹ sẽ được nhận điều đó, đó là sự “trân trọng”, để được “nhận” từ con hãy học cách “yêu thương” con trẻ. Đây là sự yêu thương có điều kiện, ta chỉ trân trọng (yêu thương) khi và chỉ khi con là món quà (mang đến giá trị cho ta; vào lúc này hoặc sau này).
Chẳng khác nào: “Ta yêu thương con bây giờ, hãy hoàn thành nghĩa vụ chăm sóc khi cha mẹ về hưu nhé!”. Với mình đây cũng là sự yêu thương nhưng không phải tình yêu thương mình muốn nhận được. Cha mẹ đã không thể chấp nhận những điều xấu xí, gai góc, tổn thương mà đáng lẽ đó cũng là một phần của con người mình.
Không phải để chỉ trích người đi trước, ta chẳng thể phủ nhận rằng tư tưởng này đã lớn lên cùng chúng ta, từ ngữ “món quà” là sự cô đọng lại của mong muốn “yêu thương rồi sẽ được nhận lại”.
Điều mình muốn là sự yêu thương vô điều kiện, hãy yêu thương con vì con là con và không phải vì con là món quà của cha mẹ, hãy chấp nhận và yêu thương mọi điều ở con. Và con yêu thương mẹ không phải vì mẹ là người chăm sóc con khôn lớn, mà con yêu thương vì mẹ là mẹ, con yêu thương cả những điều mẹ chưa thể mang lại được cho con.
Bản thân mình sau khi tự suy tư thì không còn được nhấn mạnh về về sự trân trọng, thay vào đó làm bản thân hiểu lầm về tính sở hữu và vị lợi nhiều hơn. Nên dù cho đoạn sau tác giả có nói về sự trân trọng và hoàn toàn tập trung vào điều đó, câu này một mỏ neo để tâm trí mình đứng lại về sự sở hữu. Chà! Mình chẳng còn thấy so sánh “.... là món quà của ….” là bình thường nữa rồi.
Mình chỉ thấy thật tiếc khi nhiều người dùng nó để làm luận điểm, đơn giản vì nó có sẵn và được cho là “đẹp đẽ” một cách rộng rãi, nhưng chẳng xem xét điều đó có những ý nghĩa nào sau đó, có còn “phù hợp” không. Từ đó mình thấy họ nhận từ thứ xung quanh và thiếu đi sự suy tư, chọn lọc.
“Vậy điều mình thấy là?”
1. Mình thấy có lẽ hành động dùng từ “món quà” lần này của tác giả đã chạm đến cảm xúc của những từ khác, có thể là hiểu lầm, hiểu sai ý, nhầm ý hoặc đang truyền tải thông điệp tiêu cực về phụ nữ. Có lẽ cụm từ món quà đã vô tình chạm vào ý nghĩa “sở hữu” của phần đông nên dẫn đến cuộc bàn tàn khắp nơi. Mình không phải tác giả, nên cũng chẳng chắc là đó phải điều tác giả muốn không. Nhưng mình đồng ý đây là điều không đáng có khi được bán sách và chia sẻ rộng rãi thế này. Nhiều người cũng đã trích dẫn Nam Cao nói về sự cẩu thả, mình thấy đây thực sự thiếu chuyên nghiệp. Nếu muốn nói về trân trọng, hãy nói trân trọng; ra vẻ thì có vẻ hiểu lầm.
2. Mình chỉ nêu quan điểm về hành động này, không công kích cá nhân. Mượn hiện tượng để phân tích và hiểu mình. Hy vọng, chia sẻ hay cách mình đặt câu hỏi cũng là một sự tham khảo để mọi người hiểu được cảm xúc, nhận thức cá nhân hơn khi theo dõi hiện tượng này.
3. Còn nếu được viết nên câu của mình:
“Phụ nữ là người bạn đồng hành tuyệt vời của đàn ông”
Ờ thì câu này cũng huề vốn:) Đàn ông, phụ nữ đều cần nhau đồng hành, chúng ta đều cần nhau đồng hành mà.
Còn dành tặng cho người mình yêu thương sẽ là:
“Cậu là người bạn đồng hành tuyệt vời của tớ. Chẳng cần là món quà, tớ trân trọng và yêu thương cậu.”
Chỉ vậy thôi, với tớ, cậu là một cá thể riêng, cậu đâu cần để được sở hữu.
“Mọi người sẽ muốn viết lại câu đó thế nào?”
--------------------------------
THAM KHẢO: