Học sinh bắt đầu học online, người lớn bắt đầu đi làm cũng là lúc mà dịp Tết Âm Lịch đã kết thúc, mọi nhịp sống quay về bình thường. Vậy nhưng mình thấy bản thân năm nay đã khác xa năm ngoái rất nhiều, không phải về vóc dáng, mà là về cách nói chuyện. Bởi trước đây mình đã đọc rất nhiều, đến mức phát chán rằng con người nên đối xử công bằng với nhau hay câu nói dạng như ‘’tôi dùng cùng một thái độ đối đáp với người giàu và người lao công’’. Thế nhưng chưa bao giờ mình cảm nhận được rằng bản thân đã tiếp nhận, học hỏi và biến nó thành thói quen.

Cho đến đêm 30 Âm.
Trước giờ đăng tải câu chuyện ‘’giao thừa’’ một tiếng, mình lái xe trở về nhà sau 30 phút ngẫm nghĩ ở phía bờ hồ với tâm trạng vui vẻ và cảm thấy yên bình. Bỗng nhiên ở đầu tổ dân phố, mình thấy một cô lao công một tay cầm chiếc chổi, một tay đang kéo những chiếc xe chở rác vào góc đường. Mình đã định lái xe vụt nhanh đi qua, nhưng trong một giây suy nghĩ ngắn ngủi, một thứ gì đó đã ngăn mình, phanh lại và kéo khẩu trang xuống.

‘’Cô không về nhà đón Tết hả cô?’’ - Mình hỏi trong sự ngại ngùng, nhưng lại chẳng thể biết được phản ứng của cô do nó đã bị che lấp bởi tấm khăn che mồm lấp đầy khói bụi.

‘’Nhà cô làm gì có ai đâu con, cô không lấy chồng, bố mẹ cũng mất sớm nên chỉ biết làm việc để mưu sinh. Đổ nốt đống rác rồi cô về nhà ngủ.’’

‘’Vậy cô về nhà con chơi một lát rồi về, anh trong họ nội nhà con đang ra xông đất chắc cũng sắp xong rồi đó ạ!’’

‘’Thôi con, vậy ngại chết, cô có quen biết gì đâu. Con về đón Tết với gia đình đi, cô cũng sắp xong rồi.’’

‘’Vậy con có chút tiền, muốn lì xì và mong cô có một tuổi mới tốt đẹp và ý nghĩa hơn, cô nhận giúp con nha.’’
‘’Mày hâm à, cô đã chưa mừng mày thì thôi, mày lại còn mừng tuổi cô *cười*, thôi cô không nhận đâu.’’
‘’Vậy con chúc cô năm mới mạnh khỏe, an vui và luôn sống thật tuyệt vời nha cô, con xin phép về trước ạ. À mà xíu nữa quên mất, cảm ơn cô rất nhiều vì đã dọn sạch đường xá nha!’’

Lần đầu tiên trong đời mình nói lời cảm ơn với một người lao công, dù trước đây biết rằng chính họ là những người anh hùng thường nhật. Bởi vậy mới nói lời cảm ơn nhìn đơn giản nhưng lại rất khó để chúng ta dành cho người khác một cách thật lòng. Từ ngày hôm đó, mình tích cực học cách nói lời cảm ơn với bất cứ ai giúp mình: Nhân viên tư vấn, thu ngân, chị bán bánh mì và những cô, chị lao công mang túi rác của mình đổ lên xe bất kể đó có là mối quan hệ trao đổi hay ‘’vai trò xã hội vốn vậy’’. Bởi cho đi lời cảm ơn không tiếc chúng ta một đồng tiền nào, nhưng lại có thể mang lại một niềm vui dù ngắn, dù dài đến cho một cá nhân khác, và làm họ thấy rằng bản thân mình vẫn có rất nhiều giá trị bất kể xuất thân hay hoàn cảnh.

Điều tuyệt vời nhất sau đêm 30 Tết năm nay đó chính là mình đã học được cách đối đáp công bằng. Mình đã dùng cùng một thái độ đối đáp những người lớn tuổi hơn với người anh hùng đường phố kia mà không quan tâm đến xuất thân hay địa vị của người lao công ấy - điều mà trước đây chưa bao giờ mình làm, đặc biệt là trong xã hội bây giờ. Khi mà chênh lệch tầng lớp giàu - nghèo ngày càng lớn và sự tương tác thực tế giữa người với người đang đứng ở trên bờ vực, ranh giới của sự sụp đổ. Chúng ta đang dần quên đi sự có mặt của những người anh hùng thường nhật mà coi đó như lẽ dĩ thường. Bởi vậy suy cho cùng, mọi mối quan hệ trên cuộc đời này đều có mối liên quan đến nhau.

‘’Nếu bạn nghĩ mình có đủ tài danh, sắc đẹp để ở trên cao vời vợi, hãy nhớ rằng bạn cao là vì có người chịu ở dưới thấp nhìn lên. Sự ngưỡng mộ của họ là cái bệ cho bạn đứng trên cao. Họ có thể rút cái bệ ấy đi bất cứ lúc nào, trong khi bạn không thể làm gì được. Trong mối quan hệ trên dưới, quyền lực cuối cùng nằm ở người thấp hơn.
Trong các mối quan hệ, chỉ có mối quan hệ bình đẳng và tương kính là đáng được giữ gìn.’’ - Đoàn Minh Phượng.

Cuối bài: Cảm ơn anh Đức Anh (@anh.java) vì đã giúp mình biết đến Đoàn Minh Phượng, cảm ơn anh Hải vì đã giúp mình có con ảnh minh họa vì ngày hôm ấy đầu mình không nảy số xin cô chụp một tấm ảnh selfie, và cảm ơn cô lao công vì đã giúp mình có được một bài học đầu năm mới.