ảnh hưởng độc hại của gia đình
Sài gòn ngày thứ Bảy đã bắt đầu mưa vào lúc chập tối. Cơn mưa không quá nặng hạt nhưng cũng đủ xua tan đi cái oi nồng và ngột ngạt...
Sài gòn ngày thứ Bảy đã bắt đầu mưa vào lúc chập tối. Cơn mưa không quá nặng hạt nhưng cũng đủ xua tan đi cái oi nồng và ngột ngạt mấy tuần nay, nhưng có lẽ do cảm nhận riêng, tôi chỉ thấy có gì đó lạnh lẽo và mệt mỏi trong tiết trời này. Như một người khát khô cổ cả mấy nay chỉ thấy mây nồm mà không thấy giọt nước nào rơi, và khi mưa đã rào rạt ngoài hiên cửa, con người khát khô cổ ấy trở nên chai sạn và không còn hứng thú nữa…Bạn tin chứ, thực ra tôi chỉ đang rất ngụy biện, rất ư ngụy biện thôi, bởi không ai hiểu rõ chính mình bằng mình. Tôi biết hôm nay tôi như thế và vì sao? Một ngày thứ Bảy bị đụng xe đến sứt cả phần bửng xe phía trước, với cái chân bầm tím và không được một lời xin lỗi nào từ phía gây tai nạn – mỉm cười, với tinh thần lạc quan rất ư Việt Nam, may không gãy chân là được.
Đôi giày đặt trên TIKI thì xỏ vào không vừa chân, cố gắng mà hỏi bên đổi trả khách hàng với tinh thần “miễn cho đổi là được”. Và nhiều chuyện rất ư phiền phức song đó không phải là lý do chính… Tất cả chỉ bởi một cú điện thoại từ nhà hàng xóm của nhà tôi ở dưới quê. Hãy nhớ rằng tôi chỉ là một cô gái chưa đầy 30, sống ở nơi thị thành và không hề có mối liên hệ nào dưới quê trên này. Cũng không hẳn là hỏi thăm, đó là một cuộc gọi “mắng vốn” nhẹ nhàng về ba mẹ tôi. Hơi lạ vì thường ngày tôi chỉ nghe là ba mẹ gọi cho ba mẹ để mắng vốn về con cái. Tôi cố gắng lắng nghe và dạ, thưa, không dám đưa ý kiến nhiều về việc ba mẹ tôi đã nói gì với hàng xóm, đó là những người đã sống hàng chục năm với chúng tôi, tuy nhiên gần như có một điều gì đó trong tính cách của bố mẹ khiến cho họ gần như luôn bị cô lập, luôn có những xử sự để khiến người khác thấy bị xúc phạm, bị thương tổn và khó kết bạn.
Từ trong sâu lòng mình, tôi có lẽ chưa bao giờ đặt niềm tin tưởng xem bố mẹ là chỗ dựa về mặt tinh thần của mình. Chính vì vậy tôi luôn muốn gọi lên câu nói bắt nguồn từ Socrate: “Có một điều tôi luôn biết, đó là tìm một người TRI KỈ”.
Tôi biết và thật sự biết ơn cha mẹ mình vì đã cho tôi cơ hội có mặt trên cuộc đời này. Những lúc tôi bệnh, tôi sốt, những lúc tôi khóc nhè, bị bắt nạt, học bị điểm kém, gặp chuyện chẳng lành hồi nhỏ tôi thường được vỗ về, nhất là mẹ an ủi tôi. Tôi còn nhớ hồi 2001, mẹ tôi đã nhịn tiền chợ để mua cho tôi tận 5 cuốn truyện tranh manga mới tinh của Nhật… và còn rất nhiều lần mẹ mua cho tôi những gì rất ngon, rất tốt để tôi có thể ăn, có thể chơi với lũ bạn. Ba tôi thì hồi đó đi biền biệt, vài tháng về nhà một lần để đưa lương cho vợ.
Mẹ tôi vốn không đi làm chỉ ở nhà nội trợ, dần dần cái thế giới xung quanh bà nó thu hẹp lại và dù cho nhiều lúc bà muốn thoát ra nhưng không có đủ nghị lực để làm. Thậm chí đến khi ba tôi xảy ra chuyện ngoài luồn với một người phụ nữ, mẹ tôi mới có vẻ bừng tỉnh hơn, bà bắt đầu học lấy bằng lái xe, đi ra ngoài nhiều hơn, trang điểm, làm đẹp nhiều hơn. Gía như tôi biết lúc ấy bà làm thể chỉ bởi vì muốn giữ ba tôi lại thay vì thay đổi đó thực sự cho bản thân mình thì tôi đã ngăn chặng lại luồng suy nghĩ này rồi. Mẹ tôi từng nói với tôi rằng vì ba tôi không muốn, vì phải chăm tôi và em tôi… Đến nỗi một công việc làm tại nhà sách mà bà cũng không giữ được, từ đó với nhiều nỗi buồn và phẫn uất về cuộc đời mình, bà đâm ra lo suy nghĩ và cho rằng tất cả những người xung quanh đều muốn hại bà, ghét bà… Mẹ tôi đổ thừa cho tất cả, cho những lỗi lầm của ba tôi để nói rằng đó là lý do cho mọi thứ hiện tại của bà. Nhưng có những lúc bà quên đi hay không nhận ra rằng những tình cảm của ba tôi dành cho mẹ vốn đã có nhiều thay đổi bởi chính cách cư xử của bà. Mẹ tôi vốn nóng tính trong khi ba tôi thì trầm hơn và dồn nén hơn, chỉ chực trào dâng khi bất mãn quá độ, cách sống và suy nghĩ của cả hai khiến tôi nhiều lúc không thấy được sự hòa hợp và tương đồng. Mẹ tôi, với suy nghĩ của một người đàn bà miền Trung theo chồng, hi sinh tất cả song khi phát hiện bị phản bội thì tung thảy hết, thay đổi mình nhưng thấy ba tôi vẫn vậy thì lại trở về với cái vỏ của mình, tự ti và luôn thấy sự tiêu cực ở mọi nơi, mọi người.
Ba tôi có chút gì đó phiêu du, thích đi đây đi đó mà ít khi thể hiện tình thương với vợ và con cái, chỉ đến khi mẹ tôi đổ bệnh và thay đổi tính khí, ông mới dần nhận ra lỗi lầm của mình. Ông xin nghỉ hưu và ở nhà để mẹ tôi yên tâm rằng ông không còn đi hú hí ở đâu nữa. Cả đời ông đem về được chưa tới chục lần những cuốn sách mà ông kiếm được cho tôi đọc. Có một khoảnh khắc khi tôi nhớ lại hồi nhỏ ba hỏi tôi sao tôi lại mặc đồ rách, tôi trả lời là đợi mẹ may lại cho chứ chưa mua được đồ mới, ông chỉ im lặng và rồi không để ý tới. Rất ít khi ba cha con tôi nói chuyện thực sự và gần đây khi tôi nói chuyện với ông, tôi luôn có cảm giác mà nhiều người xung quanh ông nói với tôi : rằng cha của con rất bảo thủ, sống khép kín và ít cởi mở, chính vì vậy đã khiến mẹ con trở nên trầm uất hơn”.
Lúc nhà tôi xảy ra chuyện của ba, tôi vẫn chưa có cái giảm bị shock hay choáng váng gì cả, dù mẹ tôi khóc hàng ngày. Kể cả khi ba mẹ tôi cãi nhau như cơm bữa và mẹ tôi thẳng thừng chì chiết tôi là một đứa bất hiếu vì không bênh vực bà, luôn ủng hộ ba tôi (trong khi tôi chỉ muốn né xa cả hai người). Tôi không nhận ra rằng cái sự đau đơn, buồn bã ấy nó đã ngấm dần vào tôi lúc nào không hay, và hậu quả của nó về sau, nhất là khi tôi mới đi làm thực sự khủng khiếp. Bởi nó khơi lên những tổn thương về sự không chia sẻ được với bất kì ai và sự nghi ngờ, sợ ai đó sẽ làm hại, tổn thương mình. Bạn bè xung quang đều nói rằng tôi là một người tốt, nhưng tôi lại tự dựng một bức tường ngăn cách tôi với họ, tôi có thái độ cởi mở nhưng họ thấy sự cởi mở ấy quá ư là giả tạo, tôi lúc thì trẻ con, lúc người lớn nghiêm nghị khó đoán biết và có lúc tôi rất ác, vậy đấy tôi nghe nhận xét xong mà rùng mình. Có người chị đáng mến từng nói tôi nên tập lắng nghe lòng mình hơn, phải rồi tâm trí tôi luôn xáo động, tôi luôn sợ khi nghĩ về quá khứ của bản thân và gia đình, tôi hiểu ra mỗi khi tôi nghe ba mẹ tôi gào thét, bộ não của tôi đã hình thành cơ chế đẩy ngược, không tiếp nhận bất cứ điều gì mà nó không muốn. Có vẻ cơ chế ấy chắc đến nỗi giờ tôi rất khó tiếp nhận từ ai đó bất kì điều gì nếu họ không làm cho tôi tin tưởng. Tôi luôn muốn hòa nhập vào môi trường mới, thèm khát sự yêu thương nhưng lại sợ ai đó đem yêu thương cho mình mà không toan tính điều gì và những hành động đi ngược lại suy nghĩ của mình, làm tổn thương người khác. Để rồi nhiều mối quan hệ bế tắc, rơi vỡ mà tôi không dừng lại được. Tôi đã tự làm vẩn đục đi tâm hồn và sức khỏe tinh thần của mình bằng những dằn vặt và chối bỏ bản thân – Tại sao tôi lại được sinh ra? Một khoảng thời gian tăm tối… Và rồi khi tôi nộp đơn nghỉ việc, tôi đi lang thang và cố gắng thật nhiều để hiểu chút gì đó trong chính bản thân mình, tôi mới ngộ ra được nhiều lẽ vốn đã nghe rất lâu trước đó.
Đã gần 1 năm nay, tôi không đi làm, chỉ làm một vài việc part-time nho nhỏ, bởi để chính là dành thời gian suy ngẫm và tránh cho mình phải va chạm nhiều, Tôi muốn nghiền ngẫm nhiều hơn những gì mình đã trải qua để có rút ra được nhiều thứ. Tôi phải thừa nhận tôi sợ mắc sai lầm, sợ người khác nhìn mình, sợ nhiều thứ không tên khác, sợ mình sống lạc trôi và mất ý nghĩa trong cuộc sống…Tôi học thư pháp, học thiền, đi nhiều hơn, tôi về quê thăm bà nội già cả, lên vùng Tây Nguyên thăm câu mợ cả đời ở vùng núi rừng trồng rẫy, đi biển, đi nhiều hơn để thấy nhiều hơn, để biết rằng tôi vẫn có thể sống tốt trong cuộc đời này. Tôi muốn được như một anh bạn từng nói: “Đừng sợ cuộc đời mà hãy sống làm sao cho cuộc đời sợ mình, và rồi đến một lúc cả hai là bạn, thế mới là làm người”. Tôi là con ba mẹ tôi, nhưng tôi là một thứ riêng của chính tôi và tôi chỉ thực sự sống khi thứ riêng ấy nó được hoàn thiện, được tự do và hạnh phúc bởi chính bản thân nó mà không bị ảnh hưởng từ bất kì ai, kể cả cha mẹ tôi.
Bạn thấy đấy, gia đình tôi như nghiều gia đình khác, có mâu thuẫn, xung đột, và những đứa con là nạn nhân khó mà diễn tả nhất bởi chúng không thể hiện ngay từ ban đầu. Tôi đã là một nạn nhân trong im lặng và vô tình không để thoát ra trong một thời gian dài, chính hiện tại lúc này đây là lúc tôi sẽ cố gắng hơn để vượt lên trên nỗi sợ hãi, tự ti đó để bản thân có thể tốt lên hơn. Vì vậy, nếu ai đó nói rằng để có một đứa trẻ tốt thì bố mẹ chúng hay người nuôi dưỡng chúng cẩn phải tốt trước đã! Tôi hoàn toàn đồng ý.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất