"Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân"

Hôm nay, mình xin được giới thiệu về tư tưởng của Karl Marx về tôn giáo qua câu nói rất nổi tiếng của ông, đây là câu cửa miệng của những người vô thần, dùng để đả kích tôn giáo tại Việt Nam. Nhưng thực sự, có mấy ai hiểu được tư tưởng của Marx hay chỉ hùa theo một cách vô thức ? Chúng ta hãy cùng xem xét, phân tích quan điểm của Marx qua bài viết sau đây.

 Trước hết, chúng ta cùng điểm qua về cách hiểu thông thường mà tôi cho rằng là của đa số người Việt khi nói tới câu nói trên của Marx. Đó là những lời suy diễn kiểu như tôn giáo là một hệ thống mị dân, khiến quần chúng nhân dân mê muội, mất ý thức, tôn giáo là cách để lợi dụng nhân dân. Tôn giáo là thứ bịp bợm, ru ngủ nhân dân. Hay cực đoan hơn, họ suy diễn rằng Marx đang ám chỉ Thiên Chúa Giáo, Tin Lành làm u mê con người. Nói chung, khi nghe câu nói trên thì sẽ không ít người sẽ gán cho tôn giáo những lời lẽ tiêu cực, những lời lẽ chỉ ra rằng tôn giáo là thứ gì đó xấu xa, cần phải được xóa bỏ hoàn toàn. Họ phỉ báng tôn giáo nhân danh Marx. 


Bài liên quan:


Nhưng, liệu Marx có nghĩ như vậy hay không ? Tôi xin được trích đoạn câu nói trên của Marx.

Trong tác phẩm : "Lời đầu của góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hegel" , Karl Marx có nói như sau : 

" Sự đau khổ của tôn giáo, một mặt là biểu hiện của sự đau khổ hiện thực và mặt khác là sự phản kháng chống sự khổ đau hiện thực ấy. Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức là trái tim của thế giới không có trái tim, là tinh thần của những trật tự không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân." 

Nếu những người vô thần sử dụng những ngôn từ lăng mạ, phỉ báng tôn giáo xấu xa bẩn thỉu bao nhiêu thì tôi lại thấy những nét tinh túy, những thứ đẹp đẽ nhất của tôn giáo trong câu nói của Marx : "Trái tim của thế giới không có trái tim, là tinh thần của những trật tự không có tinh thần". Tôn giáo là nơi an ủi cho quần chúng nhân dân bị áp bức trong một thế giới không có trái tim, không có tình yêu thương. Là tinh thần con người trong một xã hội tôn đồng tiền lên trên mọi giá trị khác. Tôn giáo phản ánh sự đau khổ của hiện thực. Khi nhân dân bi bóc lột, bị ép tới đường cùng, họ không thể phản kháng, chống cự, quần chúng nhân dân bất lực. Đó là lúc họ tìm tới tôn giáo như một niềm hy vọng cho cuộc sống của họ, đó là nơi họ có thể quên đi những nỗi đau của cuộc sống thực tại để hy vọng, cầu nguyện tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Những hy vọng, những lời cầu nguyện ấy là sự phản kháng yếu ớt chống lại sự khổ đau hiện thực.

"Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức". Đó là nét mệt mỏi, là sự bất lực trước bất công tràn làn của xã hội. Quần chúng nhân dân cần trợ giúp về mặt tinh thần để vượt qua những nỗi đau của cuộc sống

"Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân". Đây chính là vấn đề chính chúng ta cần phải phân tích. Ta cần xem xét lại khái niệm "Thuốc phiện" - "Opium" là gì ? 

Thuốc phiện trong tư tưởng người VN đó là một tệ nạn, đó là thứ khiến con người u mê, chìm đắm, mụ mị và mất tỉnh táo, thuốc phiện cần phải dẹp bỏ. Nhưng đừng quên rằng, thuốc phiện là loại thuốc giảm đau đặc hiệu trong y học. Thế giới này cần thuốc phiện hơn là bỏ nó. Ở đây, Marx hiểu như vậy. 

"Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân". Tại sao lại như vậy ? 

Đối mặt với những nỗi đau tột cùng do xã hội gây nên, quần chúng nhân dân cũng giống như những người bệnh vậy, họ đau đớn lắm, đau về thể xác là một chuyện, quần chúng nhân dân bị tổn thương nặng nề về tinh thần, họ cần một liều giảm đau trong tinh thần. Tôn giáo đã làm được điều đó. Tôn giáo giúp người ta quên đi những nỗi khổ, những tổn thương của quần chung nhân dân. Không có một liều thuốc nào đặc hiệu hơn tôn giáo. Người ta cầu nguyện, cứ thế, cứ thế họ cầu nguyện để kiếm tìm sự bình an, sự giải thoát. Những lời cầu nguyện là những ước vọng nhưng cũng là tiếng thở dài của quần chúng nhân dân vì những ước vọng ấy dường như không thể thành hiện thực. 

Qua đó, ta thấy rằng, Marx đã nhìn ra tầm ảnh hưởng quan trọng của tôn giáo trong xã hội. Đó không phải là thứ gì gây hại cho quần chúng nhân dân, đó là liều thuốc giảm đau tinh thần của nhân dân, là sự an ủi cho quần chúng nhân dân. Không có một tổ chức nào trong xã hội có thể thay thế được tôn giáo. Do đó, tôn giáo không thể bị loại bỏ.

Marx nhấn mạnh điểm tích cực của tôn giáo nhưng đồng thời ông cũng nêu lên những hạn chế của tôn giáo. Tôn giáo không hề giúp cho quần chúng nhân dân giải quyết được nỗi đau ấy, tôn giáo chỉ giúp nhân dân tạm quên đi, tạm bớt đau trong thời gian ngắn. Nhưng khi quay trở lại với thực tế, những áp bức, những bất công vẫn tràn lan và chính quần chúng nhân dân phải là người giải quyết triệt để chúng chứ tôn giáo không thể triệt tận gốc của nỗi đau. 

Tạm kết: Dù là hệ tư tưởng hữu thần hay vô thần như Marxism, chúng ta không nên xem nhẹ vai trò và tầm ảnh hưởng của tôn giáo. Tôn giáo là một bộ phận không thể thiếu trong xã hội, là liều thuốc giảm đau, an ủi con người trong quãng đường đời đầy chông gai, đau khổ. 

*Đây là lần đầu tiên mình viết bài, văn phong còn chưa chỉn chu, bài viết chưa được quá chau chuốt mong được tiếp thu được nhiều ý kiến để rút kinh nghiệm cho những bài sau, mình xin cảm ơn. 


Đọc thêm: