Có những thời khắc trong lịch sử, khi mà chỉ có những người lạc quan bẩm sinh mới có được tý hy vọng vào tương lai giống nòi. Hãy nghĩ đến thời điểm vàng son của Athens kết thúc, đế chế La Mã sụp đổ, thời Phục Hưng qua đi, thời Khai Sáng khép lại, chủ nghĩa phát xít trỗi dậy…
Khi mọi thứ mang một màu ảm đạm, lúc đó ta lại nhớ đến triết gia Đức sống ở thế kỷ 19, Hegel. Trong quyển Bài giảng về Triết học của Lịch sử Thế giới, ấn hành năm 1830, Hegel đã đưa ra một cách nhìn về những thời kỳ đen tối trong lịch sử. Ông không tô hồng chúng, nhưng cũng không khiến người ta từ bỏ hy vọng, và bằng một cách thông thái, giúp ta hiểu tại sao tiến trình lịch sử lại không phải là tuyến tính. Và cùng lúc đó khuyến khích ta tin rằng lịch sử vẫn sẽ tiếp diễn dù có xảy ra chuyện gì đi nữa.
Với Hegel, lịch sử tiếp diễn theo như cách mà ông gọi là biện chứng (dialectical). Biện chứng là một thuật ngữ triết học cho một cuộc biện luận gồm ba phần:
  • Chính đề
  • Phản đề
  • Và hợp đề
Chính đề và phản đề đều chứa một phần của chân lý, nhưng chúng cũng chứa sự cường điệu và bị bóp méo, và do đó chúng cần đối chọi, tương tác lẫn nhau, cho đến khi những yếu tố tốt nhất tựu chung lại thành hợp đề.
Liberty Leading the People by Eugène Delacroix
Hegel nghĩ mô típ này có thể được quan sát liên tục trong dòng lịch sử. Thế giới phát triển nhờ nghiêng từ thái cực này sang thái cực kia trong khi nó tìm cách sửa chữa những lỗi lầm trước đó, và thường yêu cầu ba bước trước khi tìm được sự cân bằng trong mọi vấn đề.
Ví dụ, người Athens cổ đại đã khám phá ra ý tưởng tự do cá nhân, nhưng thể chế của họ không biết đến nhu cầu kỷ cương tập thể và tổ chức. Người Ba Tư cổ đại biết đến điều đó và nhờ đó khuất phục được người Athens trên sa trường, nhưng họ cũng là kẻ thù chuyên chế của tư tưởng tự do, theo thời gian trở thành sự cản trở của chính họ. Phải mất nhiều thế kỷ để hợp đề đúng đắn giữa tự do và kỷ cương xuất hiện ở đế chế La Mã.
Ở thời của Hegel, chế độ quân chủ kế thừa sự ngột ngạt, bất công của thế kỷ 18 đã bị lật đổ nhờ Cách mạng Pháp – nhưng cái đáng lẽ phải là sự khai sinh ra hòa bình của một chính phủ đại diện, lại kết thúc bằng tình trạng vô chính phủ và hỗn loạn trong thời kỳ Khủng bố. Điều này dẫn đến sự lên ngôi của Napoleon. Ông đã vãn hồi trật tự nhưng lại trở thành một nhà quân phiệt. Ông bóp nghẹt nền tự do mà trước đây ông đã từng yêu. Chỉ sau 40 năm, sau nhiều máu đổ đầu rơi, bản Hiến pháp cân bằng hiện đại xuất hiện, một sự thỏa thuận cân bằng giữa đại bộ phận dân chúng và quyền lợi của nhóm thiểu số.
Một ví dụ khác, thời đại Khai Sáng châu Âu nhấn mạnh tầm quan trọng của Lý trí, nhưng nhiều điều trong thời ấy mang tính khô khan và gò bó. Chủ nghĩa Lãng mạn đã xuất hiện để nhấn mạnh tầm quan trọng của Tình cảm, nhưng bản thân nó cũng có những hạn chế riêng. Cuối cùng, một sự hòa giải đúng đắn được lập ra, một sự cân bằng giữa hai nhu cầu cạnh tranh chính đáng, giữa Lý Trí và Tình cảm.
Lập luận của Hegel mang lại một cảm giác vững chắc cao, ngay cả khi có những lúc dường như mọi tiến bộ lịch sử trông có vẻ như lụi tàn. Ông trấn an rằng chúng ta chỉ đang thấy mình đi lùi lại một bước, nhưng ông cũng khôn ngoan nói rằng đây là sự cần thiết cho những bước tiến tiếp theo, để tầm nhìn của chúng ta không bị che khuất bởi một loạt các chi tiết chủ chốt. Mọi quan điểm đều chứa những chân lý quan trọng ẩn tàng giữa những sự cường điệu và khoa trương. Rốt cuộc những chân lý đó cũng sẽ dần lộ diện nhờ thời gian.
Hegel nhắc nhở chúng ta rằng những phản ứng mạnh mẽ đều có tính tương thích cao, cùng với những sự kiện, sẽ dẫn dắt chúng ta theo đúng hướng. Những thời khắc đen tối không phải là dấu chấm hết, chúng là những thách thức, mà thậm chí là một phần thiết yếu của phản đề, để rồi cuối cùng dẫn đến một hợp đề sáng suốt hơn.
Video minh họa
Bài viết này được mình tổng hợp dựa trên Vietnamsese subtitle trong video minh họa, và đồng thời proofread đối chiếu với bài viết gốc đăng trên The Book of Life.