Bản Ngã là gì?

“Bản ngã” (Ego) là một thuật ngữ bắt nguồn từ một từ Latin có nghĩa là “tôi”.
“Bản ngã hình thành nên, có thể nói, trung tâm của trường ý thức, và trong chừng mực trường này bao hàm nhân cách kinh nghiệm thì bản ngã là chủ thể của tất cả mọi hành vi ý thức cá nhân”. Jung, Toàn tập, Tập 9ii, đoạn 1
[Ý thức là một “trường” và cái mà Jung gọi là “nhân cách kinh nghiệm” ở đây là nhân cách của chúng ta như chúng ta nhận thức được và trải nghiệm được nó trực tiếp. Ý thức là một phạm trù rộng hơn bản ngã và bao hàm không chỉ bản ngã. Nói một cách đơn giản nhất, ý thức là sự nhận thức. Nó là trạng thái tỉnh thức, quan sát và ghi nhận những gì diễn ra trong thế giới xung quanh và nội tâm.]

1. Bản ngã, như “chủ thể của tất cả những hành vi ý thức của cá nhân.

Bản ngã là trọng tâm trong trường ý thức. Thuật ngữ “bản ngã” nói tới kinh nghiệm về bản thân của một người như là một trung tâm của ý chí, khát vọng, suy nghĩ, và hành động của cá nhân họ.
Sự soi chiếu ý thức (nhận biết) bởi bản ngã là điều kiện cần để cho bất kì điều gì trở nên có ý thức - cảm xúc, suy nghĩ, tri giác hay huyễn tưởng. Bản ngã cũng như một loại gương mà chính tâm thần có thể soi mình và trở nên có ý thức. Mức độ một nội dung tâm thần được nắm bắt và phản ánh bởi bản ngã cũng chính là mức độ ý thức của cá nhân đó. Những người tính toán giỏi và ghi nhớ thiên tài chưa hẳn là người có ý thức mạnh mẽ và rộng, bởi một ý thức đi kèm với bản ngã phát triển là thấu biết cả nội tâm của chính mình và có được sự tự chủ, nhất quán mạnh mẽ.

2. Khi một nội dung tâm thần mới chỉ được ý thức một cách mơ hồ hời hợt thì nó vẫn chưa được nắm bắt và hiện diện trên bề mặt phản ánh của bản ngã.

Bản ngã có nhiệm vụ duy trì những nội dung bên trong trường ý thức và nó cũng có thể loại bỏ những nội dung khỏi ý thức bằng cách ngừng phản ánh chúng. Jung sử dụng một thuật ngữ của Freud là bản ngã có thể “dồn nén” những nội dung nó không thích hay cảm thấy đau đớn không thể chịu được hoặc không thích hợp với những nội dung khác.
Nó cũng có thể phục hồi hay soi tỏ (ý thức) những nội dung bên trong "bầu" vô thức sâu thẳm và rộng lớn với 2 điều kiện: (a) Chúng không bị ngăn chặn bởi cơ chế phòng vệ, chẳng hạn như dồn nén nhằm tránh những xung đột không thể chấp nhận được đó. (b) Chúng có một mối liên hệ liên tưởng đủ mạnh với bản ngã - chúng được “hiểu” tương đối đầy đủ.

3. Bản ngã là trung tâm của việc ra quyết định và ý chí tự do.

Bản ngã là trung tâm của ý thức không phải chỉ xét về vị trí mà còn về mặt động lực. Nó là trung tâm năng lượng vận hành những nội dung của ý thức và sắp xếp chúng theo những trật tự. Khi tôi nói “tôi đi đến bưu điện”, bản ngã của tôi đã quyết định và động viên năng lượng thể chất và xúc cảm cần thiết để làm việc đó. Chính người điều hành đã đưa ra những ưu tiên: “đến bưu điện và không ngẫu hứng đi dạo hay làm việc gì khác!”.
Bản thân bản ngã như Jung hiểu và mô tả, là trung tính về đạo đức, không phải là một “cái xấu xa” như chúng ta thường được nghe thấy trong ngôn từ hằng ngày (ồ, anh ta có một bản ngã như vậy!) mà là một phần tất yếu của đời sống tâm lí con người. Đâu đó nghe nói tu hành để diệt ngã, thì có lẽ là dùng nhầm từ phải không, điều khiển ngã thì chính xác hơn.

4. Bản ngã là cái tách con người khỏi những sinh vật có ý thức khác; nó cũng tách một con người cá nhân khỏi những người khác.

Nó là tác nhân cá thể hóa trong ý thức con người. Nếu không có cái để xưng tôi và tư duy với định nghĩa ở trên, chúng ta sẽ không nhận thức được điều gì trong thế giới và tất nhiên bao gồm phân biệt các hiện tượng và cá thể khác.
Ảnh: Pinterest
Ảnh: Pinterest

5. Theo Jung, bản ngã không hoàn toàn gắn vào cơ thể sinh học.

Trong Aion, ông nói rằng bản ngã “không chỉ là một nhân tố đơn giản mà là một nhân tố phức tạp, và vì vậy không thể mô tả nó đến cùng được. Kinh nghiệm cho thấy rằng nó dựa trên hai nền: thể xác và tâm thần”. Theo Jung, tâm thần không thể quy giản thành biểu hiện thuần túy của cơ thể, như là kết quả của tiến trình sinh hóa trong não bộ hay những quá trình vật lí tương tự như vậy. Vì tâm thần cũng gồm cả tâm trí hay tinh thần (từ Hi Lạp nous thể hiện đúng suy nghĩ của Jung về điều này), và vì vậy nó có thể và thỉnh thoảng vượt ra khỏi bề mặt thể xác vật lí.
Với Jung, tâm thần được coi là gồm cả ý thức và vô thức nhưng không bao gồm tất cả cơ thể xét dưới khía cạnh thuần túy sinh lí học.
Bản ngã, Jung cho rằng được dựa trên phần thân thể của tâm thần, tức là hình ảnh thân thể chứ không phải là cơ thể tự nó. Do đó, bản ngã về bản chất là một nhân tố tâm thần.
Phần 2: