Chắc hẳn nhiều bạn trên Spiderum có thể đã biết tới mình với những bài viết chia sẻ về lĩnh vực Kế toán, Kiểm toán và Tài chính doanh nghiệp. Thế nhưng có lẽ ít người biết rằng mình cũng may mắn được tham gia vào quá trình phát triển của một số startup và đồng hành, hỗ trợ họ trong quá trình gọi vốn, một vài trong số đó đã tới series B.
Vì vậy bài viết này mình muốn dành để chia sẻ một góc nhìn trong câu chuyện tìm kiếm đối tác đầu tư mà mình nghĩ có thể hữu ích cho các bạn đang hoặc sẽ là startup founder. Bài viết này không nhằm đi sâu vào quy trình gọi vốn, mà tập trung vào câu chuyện “chọn đối tác phù hợp với mình".

Khoan đã, nhưng mà tôi có thực sự cần một “đối tác" hay không?

Người ta hay nói tới giai đoạn “từ 0 đến 1” trong startup, hàm ý chỉ việc từ “không có gì" trở nên “có một chút gì đó". Nghe thì đơn giản, nhưng đây là giai đoạn có ý nghĩa sống còn với một startup để chứng minh rằng ý tưởng kinh doanh của họ khả thi, và có thể tạo ra “product market fit" hay không. Thực tế là theo “giải phẫu tử thi” (post-mortem) các startup thất bại, 90% startup đều “hi sinh" trong vòng ba năm đầu tiên. 
Có quá nhiều khó khăn mà bạn có thể gặp phải trên cương vị một startup founder ở giai đoạn đầu tiên. Sản phẩm của công ty bạn không phù hợp với nhu cầu thị trường, hoặc bị quá nhiều đối thủ cạnh tranh? Đội ngũ của bạn chưa đủ năng lực vận hành hoặc thậm chí có xích mích nội bộ? Sản phẩm chưa kịp ra mắt đã hết tiền? Chưa hết, một người sáng lập startup còn phải đối mặt với những áp lực từ người thân, những “giằng xé" nội tâm như tiếp tục làm startup hay đi làm thuê, theo đuổi sứ mệnh hay theo đuổi doanh thu, liên tục gọi vốn hay tự lực cánh sinh về tài chính vv... 
Nguồn: CB Insights
Nguồn: CB Insights
Thật khó để có thể tập trung vào phát triển doanh nghiệp trong khi bị bủa vây bởi những khó khăn cả bên trong lẫn bên ngoài như vậy. Nếu bạn đã có khả năng bootstrap về tài chính cũng như đội ngũ cực “khủng", đã chứng minh được mặt mô hình kinh doanh và không cần một “đối tác đồng hành” thì xin chúc mừng, có lẽ bạn không cần phải đọc tiếp nữa.
Nhưng tôi ngờ rằng khoảng 90% startup founder không may mắn như vậy. Trong phần lớn trường hợp, việc lựa chọn một “đối tác đồng hành" là một cách tốt để startup bớt đi phần nào gánh nặng về cả vật chất lẫn tinh thần, đặc biệt là trong thời điểm nền kinh tế chung có nhiều khó khăn do dịch bệnh hiện giờ. “Đối tác” này có thể là một (vài) người đồng sáng lập, những người có thể bổ sung cho bạn những thiếu sót về các lĩnh vực không phải chuyên môn của bản thân. Hoặc đối tác cũng có thể là những tổ chức - những đơn vị đầu tư, với một số loại hình phổ biến như các Incubator (vườn ươm khởi nghiệp), Accelerator (các trung tâm hỗ trợ tăng tốc khởi nghiệp), Venture Capital (VC - quỹ đầu tư mạo hiểm), hoặc Venture Builder (nôi khởi nghiệp).
Cũng giống như việc chọn người mình yêu để tiến tới hôn nhân, lựa chọn đối tác đầu tư phù hợp ở giai đoạn đầu cũng cần phải được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. Từ kinh nghiệm đồng hành cùng với một số startup lớn/nhỏ đi qua các vòng tìm kiếm đầu tư (trong đó có cả Spiderum), tôi cho rằng có một số câu hỏi bạn cần đặt ra:
- Triết lý đầu tư của họ có nhất quán với phương châm kinh doanh của bạn hay không? 
- Ngoài khoản tiền đầu tư, họ có những hỗ trợ gì khác (về công cụ tư duy/cơ hội đầu tư…) phù hợp với định hướng phát triển của bạn hiện tại và tương lai?
- Khoảng thời gian mà họ sẽ đồng hành cùng với bạn là bao lâu? 
Nhiều startup tự đặt mình vào thế khó khi tìm tới những quỹ đầu tư “không có gì ngoài tiền". Cá nhân tôi cho rằng đây là một trong những sai lầm lớn nhất của những người sáng lập ở giai đoạn đầu. Tiền đúng là rất quan trọng, nhưng nếu có hai sự lựa chọn: một bên có (rất nhiều?) tiền - nhưng chỉ có tiền; và một bên có một lượng tiền vừa phải kèm theo những hỗ trợ hữu ích khác; tôi sẽ khuyên bạn nên chọn bên thứ hai.

Venture Builder có gì đặc biệt hơn so với các hình thức đầu tư còn lại?

Có nhiều nơi để founder tìm kiếm sự trợ giúp cho startup của mình, đơn giản nhất như các dạng angel funding/seed funding đến từ gia đình hay người thân mà gọi vui là “quỹ UTACHI, BATACHO". Ở giai đoạn đầu của startup, các bạn có thể thử tham gia vào các mô hình incubator/accelerator nơi cung cấp các khóa training, cơ hội networking với những người trong ngành và một khoản đầu tư nhỏ. Tuy nhiên khi xét tới mức độ nghiêm túc và yếu tố dài hạn, hẳn nhiều bạn đã quen thuộc với khái niệm quỹ đầu tư mạo hiểm Venture Capital - VC. Trong bài viết này, tôi xin giới thiệu với bạn khái niệm Venture Builder - VB (đôi khi còn được gọi là Startup Studio hay Company Builder), một hình thức tương đối gần với VC nhưng trong nhiều trường hợp lại có thể là một sự lựa chọn tốt hơn.
Cũng giống như VC, các VB cũng đầu tư một khoản tiền vào startup của bạn và tất nhiên, kỳ vọng giá trị doanh nghiệp của bạn sẽ tăng lên trong tương lai với tỷ lệ cổ phần họ sở hữu. Tuy nhiên có một số điểm khác biệt cơ bản của hai mô hình này:
- Về mức độ gắn bó, các VC chỉ chủ yếu tập trung về mặt chiến lược, mô hình kinh doanh có khả thi, liệu công ty bạn có thể đi đến vòng gọi vốn tiếp theo thành công hay không. Trong khi đó, bên cạnh những điều này, VB còn hỗ trợ startup nhiều hơn ở khía cạnh quản trị và vận hành doanh nghiệp, can thiệp sâu hơn vào những khó khăn hàng ngày. 
- Giống như tên gọi của mỗi hình thức là “capital" vs “builder", VC thường đầu tư theo phương thức “trực tiếp" là rót vốn. Trong khi VB bên cạnh tiền thì còn đầu tư “gián tiếp" thông qua các nguồn lực khác, như đội ngũ phát triển sản phẩm, marketing “in-house" của VB, quy trình vận hành, chỗ ngồi, kết nối với những startup khác trong cùng hệ sinh thái để hỗ trợ lẫn nhau,...
- VC thường đòi hỏi bạn có “traction" - minh chứng hiệu quả hoạt động bằng số liệu (như doanh thu, người dùng); trong khi các VB đôi khi không quan tâm quá nhiều tới việc mô hình kinh doanh đã được kiểm chứng hay chưa.
- Danh mục đầu tư của VC gần như không có giới hạn; trong khi các VB lại chỉ lựa chọn những startup thực sự phù hợp với triết lý của mình.
- Vì thường đầu tư vào thời điểm rất sớm, thậm chí là từ giai đoạn ý tưởng, các VB thường có xu hướng rót vào một lượng tiền nhỏ hơn và lượng cổ phần mong đợi lớn hơn so với VC (do rủi ro và những hỗ trợ ngoài tiền mà họ đưa ra thường lớn hơn trong giai đoạn sớm của startup).
Chiến lược của VB đem tới hai lợi thế: thứ nhất là có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các khoản vốn đầu tư bằng cách chia sẻ kỹ năng, kiến thức hay thậm chí là cả nguồn nhân lực, và thứ hai là giúp đào tạo và phát triển tài năng của các founder để tạo ra những giá trị thực sự. Đây là hai lợi thế đặc biệt hữu ích với các mô hình có chu kỳ kinh doanh dài hạn hoặc hướng tới việc xây dựng một tầm nhìn bền vững. 
Như quan điểm tôi đã nêu trên đây, nếu startup của bạn đang ở giai đoạn đầu, không chỉ thiếu tiền mà còn cần được hỗ trợ toàn diện hơn về mặt tư vấn chiến lược, hoạt động vận hành, networking,... thì có thể VB sẽ là đối tác đầu tư phù hợp hơn so với VC. VB không chạy những chương trình khởi nghiệp cạnh tranh kết thúc bằng một Demo Day. Một VB giữ mối quan hệ dài hạn, can thiệp sâu vào những startup mà nó xây dựng, cho đến khi chúng bước sang một giai đoạn mới. 
Hiện tại đang là thời kỳ vàng cho các Venture Builder và Startup đồng hành, với hơn 100 VB trên toàn thế giới (2018), trong đó hơn một nửa là mới được thành lập sau năm 2013. Một số VB nổi tiếng có thể kể đến như Obvious Corp với thành viên là nhà đồng sáng lập Twitter và Medium; HVF (Hard Valcious Fun) - đầu tư vào Affirm.com và Glow.com; Betaworks, có danh mục đầu tư bao gồm Instapaper và Blend, và Rocket Internet của Đức (đầu tư vào PayMill, Jumia, FoodPanda, Lazada,...)
Tại Việt Nam, khái niệm VB vẫn còn tương đối mới mẻ. Một trong các VB “có tâm" nhất gia nhập thị trường Việt Nam đầu tiên mà tôi được biết là Reapra. Bật mí, Reapra cũng là đơn vị từng đầu tư vào chính Spiderum ở vòng seed funding, nơi các bạn đang đọc bài viết này. Priscilla Han, CIO của Reapra từng trực tiếp sang văn phòng nhỏ xíu của Spiderum thời kỳ đầu để… ăn cơm hộp và tư vấn chiến lược cho đội ngũ founder Spiderum. Đi theo con đường VB, Reapra cũng có quan điểm cho rằng một đối tác đầu tư không chỉ đơn giản là đổ tiền ào ào rồi nhanh chóng “exit”, mà phải đồng hành với quá trình Learning-by-Doing của startup. 
Để nói thêm thì tôi nghĩ rằng Reapra có một số điểm đặc biệt khiến tôi “có cảm tình". Đầu tiên phải kể đến phương pháp tiếp cận “founder-first": tập trung vào động lực nội tại của nhà sáng lập, trang bị cho anh ta những tư duy cần thiết để tự đứng vững trên chân đôi chân mình, liên tục cập nhật tình hình của họ trong việc vận hành doanh nghiệp lẫn cuộc sống cá nhân. Các bạn có thể liên hệ Việt Anh để biết thêm về tần suất dày đặc mà chàng founder của Spiderum team đã trao đổi với Reapra (hàng tuần!).
Thứ hai, Reapra có triết lý xây dựng doanh nghiệp bền vững (sustainable). Khái niệm bền vững này có thể hiểu là: 
- Bạn không phải ám ảnh với việc chạy theo số để làm hài lòng nhà đầu tư như các VC;
- Bạn không quá lệ thuộc việc tăng trưởng vào vốn đầu tư. Đôi khi càng kêu gọi được nhiều vốn đồng nghĩa với việc càng nhiều tiền bị lãng phí;
- Đa dạng hoá các dòng doanh thu cho công ty, hướng tới mục tiêu trở thành “market leader" ở một thị trường nhất định.
- Đồng hành với startup trong khoảng thời gian tương đối dài hạn từ 10 - 20 năm, so với các quỹ đầu tư thông thường chỉ trong vòng dưới 5 năm.
Với những đặc điểm như trên, rõ ràng Reapra sẽ không phù hợp với những startup theo phong cách gọi vốn liên tục, hay có mô hình tăng trưởng theo kiểu “ăn xổi". Nhưng nếu bạn là một nhà sáng lập có triết lý phát triển doanh nghiệp bền vững, muốn tạo ra sự ảnh hưởng tới xã hội, thì họ có thể là một đối tác đầu tư đáng cân nhắc. 
Hiện Reapra đã phát triển các mô hình đầu tư này cho hơn 70 công ty tại châu Á. Từ năm 2018, họ đã khởi động chương trình The Build 80, dự án đầu tư cho các startup trong khu vực Đông Nam Á với phương pháp đào tạo được thiết kế riêng với từng công ty sao cho phù hợp với hoàn cảnh, tình huống kinh doanh cụ thể, hỗ trợ đúng lúc và đúng thời điểm.
Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về The Build 80 tại đây: The Build 80 | REAPRA