Gần đây tôi nhận thấy có rất nhiều bài viết về chủ đề này trên mạng xã hội, sau khi có đề xuất môn lịch sử thành môn tự chọn. Sau đây là góc nhìn của tôi về yêu nước và yêu lịch sử muốn chia sẻ với mọi người.
Thật khó để tôi ở đây nói về chủ đề yêu nước, nếu tôi không sống ở một đất nước yên bình tự do, được chiêm nghiệm được cảm nhận cuộc sống để rồi biết ơn trân trọng và từ đó có nhu cầu tìm hiểu về lịch sử con người và văn hóa của dân tộc.
Yêu nước không chỉ là yêu lịch sử mà nó còn là tổng hợp của rất nhiều thứ ở hiện tại, như sự phát triển của đất nước về kinh tế, giáo dục các chính sách an sinh xã hội v..v tất cả đem lại cho chúng ta cái gọi là tự hào. Ngược lại thật khó để ai đó tự hào về đất nước của mình khi mà nó yếu kém, nghèo nàn và lạc hậu. Phần nào đó yêu nước có nhiều hay không, phụ thuộc rất lớn vào sự quản lý điều hành chính phủ hiện tại, sự chung tay của cộng đồng, và trải nghiệm (góc nhìn) của mỗi người về cuộc sống.
Nhưng sự tự hào này có thật sự là yêu nước chính đáng hay đơn giản chỉ yêu những thứ khiến ta tự hào, yêu thứ ta đang có, vì đất nước là một tập thể xã hội phức tạp, nên nó sẽ có những vấn đề gọi là thực trạng xã hội, liệu ta có đủ sáng suốt để nhìn nhận khách quan hay quay lưng khi thấy những thực trạng xã hội đó.
Đất nước nếu so sánh như một con người thì cũng cần thời gian để phát triển, sửa chữa, hoàn thiện, sẽ luôn tồn tại những khiếm khuyết tạm thời hoặc mang tính thời đại, khi nhìn ra những điều đó thì chúng ta sẽ có cái nhìn khách quan hơn, công bằng hơn cùng với tất cả các giá trị tốt đẹp mà đất nước đã mang lại.
Lịch sử vốn không chỉ là ghi chép về các cuộc chiến mà nó còn lữu trữ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.
Dù bạn có yêu lịch sử hay không, thì mỗi người chúng ta cũng đều đang chia sẻ những giá trị lịch sử như nhau, về tiếng nói, các ngày lễ truyền thống, các món ăn truyền thống, những bài hát dân gian, các câu ca dao tục ngữ v..v, Nó luôn ở đó nằm trong suy nghĩ và nếp sống của mỗi người chúng ta, nếu không có lịch sử chúng ta sẽ chẳng thể nào cùng nhau chia sẻ những giá trị văn hóa đó.
Hãy nhìn về 1000 năm bị đô hộ của dân tộc, hãy nhìn về cách người Do Thái phải lưu lạc 2000 năm rồi thành lập nhà nước Israel, điều gì có thể khiến họ làm được điều đó, điều gì khiến họ có thể kết nối lại với nhau sau bao biến cố của lịch sử.