Yêu để biết yêu
Dường như vũ trụ điện ảnh đã kiến tạo cho chúng ta quá nhiều ảo mộng về tình yêu. Cảnh tượng Jack gặp Rosie (Titanic) - hai kẻ khờ...
Dường như vũ trụ điện ảnh đã kiến tạo cho chúng ta quá nhiều ảo mộng về tình yêu. Cảnh tượng Jack gặp Rosie (Titanic) - hai kẻ khờ nhìn vào mắt nhau và biết đối phương là định mệnh là trở thành cảnh phim kinh điển suốt nhiều năm qua. Nhưng sự thật đâu phải giấc mơ. Thứ gọi là "định mệnh", "the one",... có phải quá xa vời?
Tôi không chủ quan phủ định quan điểm của những ai tin vào câu chuyện "love at first sight". Nhưng bản thân tôi cho rằng thứ cảm giác ban đầu ấy xét đến cùng chỉ nên được gọi là "rung động". Để đạt đến chữ "yêu" là điều chẳng dễ dàng gì. Hai người gặp nhau và tương hợp 100%, cảm thấy đối phương chính là "the one" ngay từ những giây đầu tiên? Tôi e là hiếm có. Phần lớn chúng ta đều phải yêu để biết yêu.
Nói cách khác, như ông bà ta đã dạy: "Đến cái bát, đôi đũa còn xô lệch". Phải, có quá ngây thơ không khi tin vào chuyện hai cá thể sinh ra trong hoàn cảnh khác nhau, được nuôi dưỡng trong môi trường khác nhau, được giáo dục bởi những hệ thống khác nhau lại có thể phù hợp như hai mảnh ghép hoàn hảo? Tôi đã từng đọc trong cuốn Homo Sapiens: "Con người tiến hoá một cách khác nhau". Và chính sự khác biệt giữa các cá nhân làm cho bức tranh cuộc sống thêm phần sống động. Nhưng đó là xét trên phương diện xã hội, vậy xét trên phương diện tình yêu thì sao?
Sự khác biệt về bản chất sẽ tạo cảm giác hưng phấn, khơi gợi hứng thú khám phá. Đó có lẽ cũng chính là dẫn chất trong tình yêu. Tôi thích phép so sánh giữa chuyện yêu đương và việc đọc sách. Sự tò mò, lôi cuốn khiến chúng ta muốn mạo hiểm lật giở những trang tiếp theo.
Tôi là người tin vào chuyện học, kể cả trong tình yêu. Chúng ta dù bao nhiêu tuổi, vẫn đều là đứa trẻ ngây thơ cần "học yêu". Vì mỗi người là cá thể khác biệt, nên yêu tức là phải học cách ở bên cạnh một người. Phải thực tế thừa nhận rằng: người đang ở bên cạnh chúng ta, họ không hoàn hảo. Vì đơn giản họ không phải là những nhân vật trong các thước phim đoạt giải Oscar. Họ không có siêu năng lực và rất có thể họ sẽ làm ta thất vọng. Thế nhưng sao? Nếu điều đó khiến bạn vỡ mộng và quay gót bỏ đi. Tôi lo sợ rằng bạn sẽ chẳng bao giờ biết yêu.
Học yêu một người khác vừa đau đớn nhưng cũng hạnh phúc, vừa gian nan nhưng cũng thú vị, vừa rủi ro nhưng cũng vô cùng cuốn hút, kích thích. Bởi thế mà Xuân Diệu đã từng viết: "Yêu là chết ở trong lòng một ít". Nhưng nếu không dám "chết", liệu ta có xứng đáng với hai chữ thiêng liêng - "tình yêu".
Tôi có rất nhiều người bạn mải miết ngồi chờ đợi "bạch mã hoàng tử" đến phá bỏ những tường thành bao quanh để chiếm trọn trái tim họ. Ôi, truyện cổ tích ơi là truyện cổ tích... Trong khoảng thời gian chờ đợi đó, dường như họ đã tự tước đoạt của bản thân vô vàn những cơ hội được theo học bộ môn "tình yêu". Và không học thì liệu khi khoảng khắc "định mệnh" ấy đến, khi "hoàng tử" bước đến, liệu họ có nhận ra, liệu có biết yêu đúng cách? Bởi nếu không nhận ra thì hoàng tử cũng chỉ là con ếch, không biết yêu thì tử sĩ trên trường tình cũng chỉ là kẻ ngốc nghếch.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất