“Cái tên khắc sâu trong tim tôi
Tôi vùi lấp em sau lớp bụi mù
Nếu không làm thế này, tôi biết sống quãng đời còn lại thế nào đây?” 
Đó là lời bài hát, đồng thời cũng là tiếng lòng của hai chàng trai yêu nhau nhưng không đến được với nhau. Vậy, nếu yêu một ai đó say đắm, bạn sẽ chọn cách bày tỏ hay giữ lại trong lòng? Và giữa những cấm cản, định kiến của xã hội, liệu bạn có thực sự muốn bày tỏ lòng mình với đối phương không?
Your name engraved herein là bộ phim về đề tài đam mỹ có doanh thu cao nhất mọi thời đại tại Đài Loan, đồng thời nhận được 5 đề cử tại LHP Kim Mã lần thứ 57. Bộ phim của đạo diễn Liễu Quảng Huy không chỉ đơn thuần kể về câu chuyện tình yêu của hai chàng trai thời niên thiếu mà còn khắc hoạ quãng thời gian lịch sử đầy biến động của Đài Loan trong những thập niên 80. Tất cả gói gọn lại trong tình yêu, niềm tin và sự tiếc nuối về một thời tuổi trẻ đã qua. 

“Profiter du moment” (Sống từng khoảnh khắc).

Lấy bối cảnh năm 1987, sau khi Đài Loan gỡ bỏ Thiết Quân Luật, Your name engraved herein xoay quanh câu chuyện tình ngang trái đầy khắc khoải của Trương Gia Hán và Vương Bách Đức ( hay còn được gọi với biệt danh là Birdy). 
Ngay từ lần đầu gặp mặt, Gia Hán đã vô cùng ấn tượng với Bách Đức- người con trai ngông cuồng, náo nhiệt với nụ cười luôn nở thường trực trên môi. Bách Đức nói cậu có biệt danh là Birdy. Gia Hán sau này mới biết, nó là tên một bộ phim, kể về hai người bạn, một kẻ điên rồ và một người bình thường. Hai người bạn trong phim ấy cũng chẳng khác Gia Hán với Bách Đức là bao.
Nếu Trương Gia Hán là con trai của một gia đình Công giáo theo đạo với người cha vô cùng hà khắc. Nơi mà đến ước mơ làm nhạc sĩ của cậu cũng bị khinh thường thì Birdy lại là một kẻ tự do ngông cuồng và nổi loạn: cậu sẵn sàng tè bậy vào xe của quản giáo, trèo tường mua đồ ăn vặt hay thậm chí là nhịn thở đến mức gần ngất đi dưới bể bơi…. chẳng có việc gì mà Birdy không dám làm. Ở bên Birdy, cuộc sống khuôn mẫu của Gia Hán dần được tháo bỏ thay vào đó là những dư vị tuyệt vời, những thanh âm rực rỡ thực sự của cuộc sống.
Có lẽ cũng vì tìm ra bản thân mình khi ở cạnh Birdy nên Gia Hán đã đem lòng thầm thương trộm nhớ cậu. Mối tình đẹp đẽ thơ mộng của hai người đã bắt đầu từ những khoảnh khắc nhỏ bé, dung dị như thế.
Họ cùng nhau du ngoạn Đài Bắc, hòa vào dòng người khóc than tại buổi lễ tưởng niệm tổng thống Tưởng hay chứng kiến hoạt động biểu tình cho người đồng tính...Giữa tất cả những cột mốc đáng nhớ của lịch sử, họ ở bên nhau và cứ thế, tình yêu bừng nở trong từng khoảnh khắc họ đi qua.
Birdy và Gia Hán cũng chính là đại diện cho lứa trẻ lúc bấy giờ, những kẻ tràn đầy nhiệt huyết với những ước mơ hoài bão to lớn. Họ có sức khoẻ, có niềm tin và mang trong mình những trái tim đầy lửa, sẵn sàng lao đầu vào biển cả, với sóng gió để đạt được điều mình hi vọng.
Thế nhưng, ở trong thời đại, nơi mà tư tưởng bảo thủ, độc đoán đã in sâu vào tiềm thức con người, nó giống như trận sóng lớn, vùi dập đi lý tưởng và cả những khát khao được coi là đơn giản nhất của những cậu trẻ tuổi mười tám, đôi mươi.

Đúng người sai thời điểm- Định kiến nào cho những kẻ yêu nhau?

Trong những năm 1987 ấy, sau những thay đổi lớn về mặt chính trị, ở Đài Loan ảnh hưởng từ tư tưởng bảo thủ của chế độ cũ vẫn còn sót lại. Nó được thể hiện rõ qua những kỉ luật, khuôn phép trong ngôi trường mà Gia Hán và Birdy đang theo học, nơi họ luôn bị theo dõi và quản thúc, xử phạt bằng đòn roi hay sự cách biệt về giới tính khi tham gia lớp học...Dưới chế độ như vậy, thứ tình cảm đồng giới không khác nào“ vết nhơ" của xã hội. Nó được coi là một loại virus gây bệnh, là điều vô cùng kinh tởm. 
Cái hay của Your name engraved herein không chỉ mang đến một chuyện tình đồng giới đơn thuần mà nó được đặt vào bối cảnh lịch sử- xã hội vô cùng đặc biệt nhằm ngợi ca nhân quyền, tình yêu và cả quyền bình đẳng.
Tuy thời kỳ thiết quân luật đã kết thúc sau 38 năm tồn tại, song những dư âm về một chế độ độc đoán vẫn ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng và văn hoá Đài Loan khi đó, khiến cho ý thức nhân quyền của tầng lớp trẻ như Gia Hán và Birdy luôn bi ngăn cản. Đó là những luật lệ hà khắc, những định kiến về giới và cả bởi thành tích phải đạt được…
Một phân cảnh đặc biệt của phim, khi Gia Hán và Birdy bắt gặp nhà hoạt động nam trẻ tuổi đang mặc váy cưới và hô vang khẩu hiệu ủng hộ hôn nhân đồng giới- cũng chính là nhân vật có thật ngoài đời thường có tên là Kỳ Giai Uy, anh bị cảnh sát bắt và ép phải mặc lại trang phục bình thường. Nó giống như một bài học mà xã hội Đài Loan nhắc nhở giới trẻ lúc bấy giờ rằng: Có thể Đài Loan đang dần thay đổi, nhưng vẫn sẽ có những khuôn phép và giới hạn đặt ra, trong đó có cả tình yêu đồng giới.
Bên cạnh những định kiến về giới mà xã hội đề ra, tình cảm của Gia Hán và Birdy còn gặp trở ngại bởi đức tin Công giáo. Với những người sinh ra và lớn lên trong một gia đình theo đạo, những lời răn dạy của Chúa giống như mũi tên chỉ lối cho cuộc sống. Cũng chính bởi vậy, Gia Hán đã không ít lần chất vấn bản thân và nghi ngờ tình cảm của chính mình. Nó được thể hiện rõ qua cuộc đối thoại của Gia Hán với cha xứ Oliver xuyên suốt bộ phim. Cứ mỗi câu hỏi của Gia Hán đặt ra, cha Oliver lại dùng những lời răn dạy của Chúa để giải thích cho cậu. Song, đứng trước những câu chất vấn đầy đau thương của cậu học trò, cha cũng chỉ đành biết im lặng.
"Vậy là Cha có thể thích con gái, còn con không thể thích con trai? Tình yêu của Cha lớn hơn của con ư? Tình yêu của Cha và của con khác nhau chỗ nào? Nói con nghe sự khác biệt đi?".
"Con thà xuống địa ngục còn hơn. Không phải ai đồng tính cũng phải xuống địa ngục sao? Có lẽ nhiều người ở địa ngục sẽ hiểu con hơn. Dưới đó sẽ dễ dàng hơn với con, giúp con xuống đó đi"
Tình yêu là thứ tình cảm thiêng liêng nhất trên đời mà con người ta thậm chí có thể đánh đổi mọi thứ vì nó, kể cả đức tin. Bởi suy cho cùng, mọi thứ có ở trên đời cũng đều xuất phát từ tình yêu.
Sau tất cả những định kiến về giới của xã hội, những luật lệ hà khắc mà mọi người đặt ra, thậm chí bất chấp cả đức tin của Chúa, Gia Hán không ngại ngần quyết định bày tỏ tình cảm và là người thổ lộ tiến tới với Birdy. Nhưng trái ngược với tính cách ngông cuồng vốn có, Birdy lại dễ dàng chối bỏ tình cảm thực sự của mình và khiến cho Gia Hán tổn thương.
Cuối cùng, họ cũng không đến được với nhau. Cuộc chia ly của họ ắt hẳn khiến mỗi chúng ta đều phải thương xót mà rơi nước mắt. Tại sao Birdy lại không dũng cảm thừa nhận, giá như họ có thể nói rõ ràng với nhau, cùng nhau đấu tranh để vượt qua mọi định kiến và được hạnh phúc thì tốt biết mấy.
Phân cảnh Gia Hán gọi điện cho Birdy thú nhận tình cảm của mình có lẽ lấy đi nhiều nước mắt của khán giả nhất.
Phân cảnh Gia Hán gọi điện cho Birdy thú nhận tình cảm của mình có lẽ lấy đi nhiều nước mắt của khán giả nhất.
Tuy nhiên, nếu xét vào thời đại xã hội lúc bấy giờ, khi người ta cho rằng LGBT là một căn bệnh, ta có thể tin rằng sẽ không ít người chọn theo Birdy: giấu tình cảm của mình đi để làm một người bình thường như bao người bình thường khác. Vì đâu phải ai cũng can đảm để có thể đối mặt với rìu búa dư luận và những hậu quả nó đem lại.

Những người yêu nhau rồi sẽ về với nhau.

Kết thúc phim, khi gặp lại nhau tại đất nước Canada xa xôi, trong bối cảnh mà Đài Loan đã trở thành nước châu Á đầu tiên hợp thức hóa hôn nhân đồng giới, Gia Hán và Birdy đều có những tiếc nuối riêng. Tuổi trẻ tươi đẹp nhất, cuồng nhiệt nhất của cả hai đều đã vắng bóng đối phương, những quyết định sai lầm khi ấy cũng đã hủy hoại cuộc hôn nhân của Birdy, hủy hoại cuộc đời của cậu và của cả Bân Bân.
Tuy nhiên, mình không cho rằng đây là một kết thúc buồn, thậm chí là ngược lại. Bởi cuối cùng, sau từng ấy năm, Birdy cũng thú nhận với Gia Hán rằng :
“ Năm đó, tôi đã rất yêu cậu.”
Gia Hán dùng cả năm thanh xuân của mình để chờ đợi Birdy, chờ người cậu thương quay lại cho đến khi tóc đã bạc, thân hình đã già nua. Cậu chờ một lời thú nhận, một tiếng đồng ý chấp nhận tình yêu, và nay cậu đã nhận được 7 chữ ấy. Chỉ cần như vậy, thì bao tủi hờn, đau khổ cũng biến mất, thời gian sau cùng cũng chỉ là kẻ ngoài cuộc. Sẽ chẳng còn gì hơn nếu ta biết được người ta yêu cũng yêu ta, và tình cảm ta dành cho người đó là hoàn toàn đúng đắn. Đôi khi, không cần một cái kết viên mãn, chỉ cần yêu và được yêu cũng khiến ta hạnh phúc đến suốt cuộc đời.
Your name engraved herein không phải là một câu chuyện tình yêu đồng giới đơn thuần như Call me by your name hay Brokeback Mountain...Nó cũng không mang một kết thúc có hậu giống cách người ta mong muốn. Theo mình, điều bộ phim thực sự muốn truyền tải có lẽ chính là những giai đoạn của lịch sử đã qua, những giai đoạn thực tế mà cá nhân con người không có quyền được lựa chọn điều mình mong muốn, bị áp đặt bởi những định kiến xã hội, mất đi nhân quyền và sự tự do vốn có.
Có thể Your name engraved herein không phải là một câu chuyện quá lớn khi dựng lại một phần lịch sử thông qua chuyện tình của hai nhân vật nam đồng tính, song, mình nghĩ nó đủ sâu lắng để bất kỳ ai khi đắm chìm cũng phần nào hoài niệm về một Đài Loan đã qua, một Đài Loan với những đau thương mất mát và đổ vỡ nhưng đã kiên cường đứng lên, phát triển như ngày nay. Đồng thời, bộ phim cũng giúp mỗi người chúng ta nhìn lại quá khứ, nhìn lại hiện tại, đưa ra những quyết định đúng đắn để không phải hối hận sau này.
Trên tất cả, với những nỗ lực đấu tranh đòi quyền bình đẳng của không chỉ cộng đồng LGBT mà còn là nỗ lực của cả nhân loại, bộ phim như một lời khẳng định chắc nịch về niềm tin , về tình yêu và sự quan tâm đến cộng đồng LGBT ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai.
Đọc thêm: