Nguồn ảnh: ipick
Nguồn ảnh: ipick
Song Lang là một bộ phim Việt Nam lấy bối cảnh Sài Gòn những năm 80 – khi cải lương vẫn đang trong thời kỳ vàng son và sân khấu cải lương là nơi mọi người đến để tìm sự giải trí. Bộ phim là tác phẩm đầu tay của đạo diễn Leon Quang Lê, công chiếu ngày 17/8/2018, đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm của nghệ thuật cải lương Việt Nam, như một sự tôn vinh dành cho bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
Bộ phim bắt đầu bằng cuộc đời của Dũng, anh là một cậu bé nhà nòi thuộc kép cải lương, mẹ anh là kép chính còn bố là nghệ sĩ gảy đàn nguyệt. Đánh nhẽ anh đã có thể theo nghề của bố mẹ với niềm đam mê với môn nghệ thuật này ngay từ khi còn bé, thế nhưng mẹ anh bỏ đi, bố anh mất sớm, dòng đời xô đẩy anh trở thành một tay chuyên đi đòi nợ thuê. Theo thời gian, mọi người gọi anh là Dũng “Thiên Lôi” bởi anh sai đâu đánh đó, không hề có ngoại lệ. Người đời sợ anh bởi tính du côn, bởi cái nghề đòi nợ thuê của anh. Thế nhưng bên trong anh vẫn là một tâm hồn đầy cảm thông, tràn đầy chất buồn, chất lãng mạn của một người nghệ sĩ cải lương.
Phân cảnh đi siết nợ ở nhà con nợ, khi bố mẹ hai đứa trẻ không có nhà, tuy bên ngoài anh tỏ ra lạnh lùng và đôi chút đáng sợ, thế nhưng anh vẫn luôn dành sự quan tâm cho hai chị em, lo chúng ăn phải phần hoa quả không tốt. Thế nhưng đến khi bố mẹ hai đứa trở về, anh lại trở về là Dũng Thiên lôi, ngời mà mọi người vẫn hằng sợ hãi. Họ sợ anh làm gì con của họ, để rồi xo xát, vật lộn nhau vì món nợ họ không thể trả.
Liên Bỉnh Phát vai Dũng "Thiên lỗi" (*)
Linh Phụng, một nghệ sĩ cải lương, kép hát trong một đoàn ca kịch. Anh đam mê theo nghề cải lương từ nhỏ, bố mẹ anh cấm cũng không được nên đành cho anh theo đoàn hát luôn. Bố mẹ anh mất vì tai nạn ô tô, chính cái ngày mà anh được giao vai hát chính lần đầu tiên trong đời, để lại anh một mình với tâm hồn nhạy cảm, đi tìm nghệ thuật để tìm lại chính mình.
Issac vai Linh Phụng
Tôi thích cách đạo diễn xây dựng mối quan hệ giữa hai người bọn họ, giữa một tay giang hồ chuyên đòi nợ thuê và một kép hát cải lương; một tình cảm mơ hồ, không xác định giữa hai người đàn ông, khi hai tâm hồn họ tìm thấy điểm chung giữa cuộc đời đầy nghiệt ngã.
Thế nhưng tôi không thích cách mọi người gọi tên mối quan hệ này bằng từ “đam mỹ”, hay thậm chí nhẹ hơn là “đồng tính”. Bởi vì hai chữ “đam mỹ” gắn liền với những câu truyện tình hư cấu, ảo tưởng, gắn liền với tâm hồn quá mơ mộng của những cô nàng trẻ tuổi khi đọc những cuốn tiểu thuyết Trung Quốc huyền huyễn, phi hư cấu. Có thể bạn cho rằng tôi quá định kiến, quá tiêu cực với dòng sách đam mỹ, thế nhưng sau tất cả thì tôi vẫn chưa tìm đủ can đảm và đủ hứng thú, hấp dẫn để có thể tìm hiểu, thực sự đọc một cuốn tiểu thuyết đam mỹ.
Với tôi tình cảm giữa Dũng và Linh Phụng là thật, là một điều gì đó dù mơ hồ nhưng vẫn luôn xảy ra trong thế giới này. Khi mà có những mối quan hệ không thể gọi tên, không thể nói ra một cách cụ thể, dù rằng đó là mối quan hệ giữa nam và nữ hay giữa hai người đàn ông. Họ bước vào cuộc đời của nhau để rồi lại xa nhau, như hai đường thẳng chỉ giao nhau một lần duy nhất rồi xa nhau mãi mãi. Giờ đây tất cả có chăng chỉ là quá khứ và kỷ niệm. Tôi gọi thứ tình cảm này là tri kỷ, là khắc cốt ghi tâm.
Image result for song lang dũng thiên lôi
Phim màu vintage cực đẹp!!
Tôi mừng vì đạo diễn đã nhất quyết không cho quay thêm những cảnh thân mật giữa Dũng và Linh Phụng chỉ để thu hút và hài lòng thị hiếu của khán giả như Ngô Thanh Vân yêu cầu.
Song lang với những thước phim và cảnh quay đẹp đẽ, nhuốm màu của thời gian, màu của nỗi buồn, màu của kỷ niệm. Xem Song Lang bạn sẽ bắt gặp những hình ảnh đời thường của Việt Nam vào những năm còn chưa quá phát triển, năm của những tòa nhà tập thể màu vàng cũ kỹ, của những ban công có ánh đèn đường vàng nhạt rọi vào cửa sổ qua những chậu hoa, của những sợi dây điện và loa phường vẫn còn chăng khắp phố phường. Tôi chỉ tiếc đã không được xem bộ phim này ở rạp, để có thể cảm nhận một cách trọn vẹn từng khung hình, từng cảnh quay. Có thể nói về mặt hình ảnh, bộ phim hoàn hảo đến từng góc quay, từng chi tiết.
Tú Quyên vai Thùy Vân trong kép hát Thiên Lý
Dàn nhạc cải lương

"Mỵ Châu - Trọng Thủy"

“Với Song Lang, tôi không tạo cảm hứng cho mình từ những thuớc phim điện ảnh mà tìm đến hội họa và nhiếp ảnh để tạo ra cảm giác gần gũi và sâu đậm nhất” – Đạo diễn hình ảnh Bob Nguyễn cho biết.

Bộ phim không chỉ là một tác phẩm nhảm nhí mang tính giải trí khác trong hàng chục các tác phẩm vô bổ của nền điện ảnh Việt, không sai khi nói Song lang là một tác phẩm nghệ thuật. Tôi tin rằng bạn cũng như tôi, đã hoặc có thể là sẽ ngậm ngùi, tiếc nuối, trong lòng trần ngập những cảm xúc bâng quơ, khắc khoải, vô định khi bộ phim kết thúc. Dùng vở kịch cải lương “Mị Châu – Trọng Thủy” xuyên suốt chiều dài tác phẩm là một lựa chọn cao tay của đạo diễn, và khi cải lương và đời thật hòa cùng một, đó cũng là lúc tình tiết của bộ phim được đẩy lên cao trào đỉnh điểm. Tôi đã có một dự cảm không lành khi đi đến phần kết của bộ phim và tuy tôi không muốn điều đó thành sự thật, thế nhưng tôi hiểu rằng tại sao đạo diễn lại làm như vậy, và nếu được chọn, tôi cũng sẽ chọn để kết thúc phim như thế. Tài năng của đạo diễn Leon Quang Le đã được thể hiện rõ qua phân cảnh cuối cùng này, một cảnh phim đỉnh cao khiến tôi chỉ biết lặng đi vì sững sỡ, vì tiếc nuối và chan hòa cùng nước mắt. Những giọt nước mưa xối xả đã xóa đi những dấu vết cuối cùng của Dũng, xóa đi vết máu chảy vào khe gạch ngay trước cửa rạp chiếu hát. Để có một bộ phim hay và xuất sắc như này, đó thực sự đó là tài năng của người đạo diễn. Nếu bạn đã xem phim, tôi chắc chắn bạn sẽ hiểu những gì mà tôi đang cảm nhận lúc này.
Image result for song lang dũng thiên lôi
Dũng "Thiên lôi" dựa vào chữ "Sin - tội lỗi" cùng những thức tỉnh muộn màng (Dụng ý của đạo diễn khi cắt chữ "Sin" trong Sinco (4))
Song lang là một bộ phim viết về cải lương nhưng cải lương lại không phải là nhân vật chính. Thế nhưng nghệ thuật cải lương vẫn giữ vai trò quan trọng và là người dẫn truyện xuyên xuốt toàn bộ tác phẩm. Khi xem hết phim, tôi vẫn không hiểu tại sao bộ phim được đặt tên là Song lang, thì ra “song lang” chính là nhạc cụ quan trọng trong dàn nhạc tài tử và cải lương, là nhạc cụ với những nhịp đập thanh thoát đã tô điểm cho tiếng đàn nhị của Dũng khi Linh Phụng ca bài do bố anh viết ra nỗi lòng của chính mình lúc mẹ anh bỏ hai bố con anh mà đi. Và “song lang” mang nghĩa kép cũng chính là Dũng và Linh Phụng. Một cái trên hay khiến người nghe phải suy ngẫm.
Poster cực ấn tượng của Song lang
Vở kịch Mỵ Châu - Trọng Thủy (1)

“Một bộ phim mà ngay từ khi gã gửi kịch bản tôi đọc, tôi biết đây rất có thể sẽ là một bộ phim đáng giá, một bộ phim về cải lương nhưng không hẳn là cải lương, một bộ phim có “mùi” đồng tính nhưng không hẳn là đồng tính. Đó thực sự là một bộ phim về tình thế lưỡng nan của con người khi đứng trước những thử thách nghiệt ngã của số mệnh, của thời cuộc, của những thức tỉnh muộn mằn. Đó rất có thể sẽ là một bộ phim đúng chất indie/arthouse của điện ảnh Việt Nam và đúng chất Việt Nam mà không xa rời, cách biệt với công chúng. Đó rất có thể sẽ là bộ phim mở ra một thế hệ làm phim mới, dấn thân, quyết liệt, độc lập hơn. Và đấy cũng có thể là một bộ phim của đạo diễn Việt kiều thế hệ thứ 4 (tôi sẽ sớm có bài về 3 thế hệ đạo diễn Việt kiều trước) – những kẻ đang tìm lại những giá trị truyền thống và văn hóa đang bị mai một dần trong đời sống vội vã và cuồng loạn hôm nay.” – Nhận xét của nhà báo Lê Hồng Lâm, bạn của đạo diễn Leon Quang Le, trước khi bộ phim được công chiếu (2)
Tôi cực thích ý tưởng du hành thời gian trong bộ phim này!!
Song Lang, một bộ phim những tưởng sẽ đón nhận được sự ủng hộ của độc giả Việt bởi chủ đề về một bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc, thế nhưng sự thật lại phũ phàng. Sau khi ra mắt, phim nhận được nhiều ý kiến tích cực từ khán giả và giới chuyên môn nhưng lại không đạt được thành công về mặt doanh thu. Rạp chiếu phim nhiều hôm chỉ có hai người xem phim, và suất chiếu nhiều nhất cũng chỉ được khoảng 20-25 người. Và tôi chợt nhật ra, tôi cũng đã nằm trong số những độc giả kém cỏi của nền điện ảnh Việt Nam như thế. Tôi nhận ra dù cho tôi được đứa bạn thân gợi ý, mà cũng gần như là “năn nỉ” tôi xem bộ phim này, thì cũng phải đến gần hai tháng sau tôi mới thấy đủ hứng thú để có thể bắt đầu. Có lẽ chúng ta đã quá theo đuổi những bộ phim và tin tức giải trí vô bổ và nhạt nhẽo mà quên đi những giá trị cốt lõi mất rồi. Đã đến lúc Việt Nam cần nhiều hơn những con người tài năng với các tác phẩm nghệ thuật đáng giá để dẫn dắt một thế hệ khán giả Việt lạc lối trở về đúng con đường nghệ thuật.
Sau “Song lang”, tôi thực sự đón chờ để xem bộ phim “Thưa mẹ con đi”, một tác phẩm nghệ thuật khác của nền điện ảnh Việt. (3)

(*) Tất cả ảnh trong bài viết mình lấy từ mạng internet, nguồn studio68
(2) Link bài viết gốc, một bài giới thiệu cực đáng đọc, đúng là nhà báo viết có khác, dù không chỉnh chu, văn vẻ như khi viết lên báo nhưng đọc thì vẫn cứ là chất!!
(3) Bài báo Điện ảnh Việt: Chờ đợi một thế hệ mới của nhà báo Lê Hồng Lâm, đọc bài báo để tìm hiểu thêm về những tác phẩm phim đáng xem của nền điện ảnh Việt.
(4) Những phát hiện tâm đắc của người xem mà tôi đã không nhận ra khi xem phim, đạo diễn quả thực đầy tài năng với một tâm hồn nhạy cảm, sắc bén.

Đọc thêm: