Hay nói cách khác, tại sao 'hủ nữ' lại xuất hiện và ngày càng đông đảo?
Có nhiều câu trả lời khá kinh điển cho câu hỏi này, chẳng hạn như:
Con gái nhạy cảm, thích mộng mơ và dễ đồng cảm với sự đa dạng về giới tính cũng như xu hướng tính dục.
hoặc:
Tiểu thuyết đam mỹ đặt vấn đề về tình yêu bị ngăn cấm - chủ đề muôn thuở của tiểu thuyết lãng mạn, mà sự ngăn cấm này lại xuất phát từ rào cản giới tính - rào cản cuối cùng của tình yêu, sau những rào cản về tuổi tác, địa vị xã hội...
hay một cách trả lời gần hơn với quan điểm được đưa ra trong bài viết này:
Con gái cảm thấy ngán ngẩm, e dè, thậm chí sợ hãi quan hệ tình dục nam và nữ nên đã tìm kiếm sự thỏa mãn nhu cầu tính dục ở những câu chuyện tình yêu giữa nam và nam.
Vấn đề là nếu chỉ xét trên phương diện các đặc tính tâm lý của phái nữ và ma lực của tình yêu bị ngăn cấm thì chẳng có gì phức tạp ở đây để mà thảo luận cả, vì thực ra đề tài đồng tính nam không hề lạ trong các văn hóa phẩm từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây.
Nhưng điều đáng nói là sự xâm lăng của đam mỹ, shounen-ai hay yaoi ở thị trường trong nước chỉ vừa bắt đầu mạnh mẽ trong những năm gần đây, cùng với sự giao thoa mạnh mẽ về trao lưu văn hóa giữa các nước trong khu vực: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Việt Nam tiếp nhận những làn sóng văn hóa ấy vì có sự đồng điệu trong tâm hồn của thị trường.
Vậy phạm vi của câu hỏi được đặt ra không chỉ khoanh vùng ở độc giả nữ Việt Nam mà nên được xét trên phạm vi độc giả nữ ở khu vực Đông Á. Câu hỏi lúc bấy giờ là:
Tại sao nhiều phụ nữ Á Đông lại hứng thú với các văn hóa phẩm về đề tài đồng tính nam, thậm chí hơn cả phụ nữ ở các châu lục khác?

Đọc thêm:

Để trả lời cho câu hỏi này, trước hết tôi xin nói về cảm thức của người phụ nữ về vai trò của chính mình trong tình yêu.
Trước đây, vai trò của người phụ nữ trong xã hội Á Đông không được xem trọng bằng nam giới. Ngày nay, mặc dù vị trí xã hội của người phụ nữ được nâng cao, nhưng ở một số quốc gia Đông Á, nhất là Nhật Bản, bất bình đẳng giới vẫn đang tồn tại. Theo báo cáo năm 2014 của Diễn đàn Kinh Tế Thế Giới WEF, Nhật Bản, tuy là một trong những nước phát triển hàng đầu, xếp thứ 104 trong số 142 nước về chỉ số bình đẳng giới.

Một số liệu khác là nghiên cứu về xu hướng văn hóa của Hofstede, với chỉ số Masculinity là 95/100, xã hội Nhật Bản là một trong những xã hội có sự phân định rạch ròi nhất về giới tính: Nam giới phải cứng rắn, cương nghị, mạnh mẽ, dựng xây, chở che, chống đỡ, chú trọng thành công về của cải vật chất; Nữ giới phải mềm mỏng, dịu dàng, yếu đuối, chăm sóc, dung dưỡng cho chất lượng cuộc sống.
Nhiều người cho rằng đây là thiên chức, là phẩm chất mà thượng đế đã dành riêng cho hai phái tính. Tuy nhiên, không phải lúc nào điều này cũng được hiểu một cách công bằng bởi một trong hai phái. Nam giới có thể cho rằng mình là chủ nhân, còn nữ giới là đối tượng phục tùng. Nữ giới có thể cho rằng mình là nạn nhân của sự đàn áp.

Ngay cả trong vấn đề về tình dục, cảm thức của họ cũng khác nhau. Tôi xin dẫn ra đây ví dụ về nền công nghiệp phim người lớn của Nhật Bản (Một lần nữa, lại là Nhật Bản). Nhật Bản có là một trong những quốc gia nổi tiếng hàng đầu thế giới về phim khiêu dâm. Nhưng có một điều khác biệt ở đây mà ở đây tôi sẽ lạm bàn (thông qua những quan sát chung nhất của cá nhân mình). Trong phim khiêu dâm của các nước Âu Mỹ, hình ảnh người phụ nữ hiện ra với nhiều sắc thái: chủ động hoặc bị động, dữ dội hoặc nhẹ nhàng, táo bạo hoặc kín đáo; và luôn tạo cho người ta cảm giác là người phụ nữ nắm quyền lực trong chuyện chăn gối. Còn phim khiêu dâm Nhật Bản, người phụ nữ luôn hiện ra với vẻ yếu đuối, nhận nhục, phục tùng, thậm chí là bị hiếp đáp. (Tôi nhớ một số comment tôi từng đọc của đàn ông phương Tây về phim cấp ba của Nhật "Ồ tại sao cô gái ấy lại trông như có vẻ bị cưỡng hiếp thế?", "Tại sao cô ta lại phải rên rỉ một cách đau đớn như thế?", "Tại sao cô ta lại khóc?", "Đây có phải là khổ dâm không?"). Hơn nữa, Nhật Bản có lẽ là một trong những đất nước có đời sống tình dục phong phú nhất với đầy đủ các thể loại dịch vụ, bảo tàng, rạp phim, sân khấu kịch về tình dục. Vậy thì, một người phụ nữ ở một đất nước vừa phong phú về đời sống tình dục, vừa bất bình đẳng giới như thế, cảm nhận như thế nào về vị trí và vai trò của mình?
Tôi chẳng biết họ cảm nhận thế nào, nhưng tôi nhớ khoảng cuối năm 2015, trên mạng xã hội rất quan tâm đến những hình ảnh kinh dị trong bộ phim Tag của Nhật Bản. Tag nói là một cô gái phải đấu tranh để sinh tồn trong một cuộc giết chóc với hàng triệu cô gái khác. Và sau cùng, cô mới phát hiện ra sự thật mình là một nhân vật chính trong một trò chơi của một gã giàu có biến thái, vượt qua biết bao nhiêu màn để trở thành người sống sót cuối cùng nhận phần thưởng là được làm tình với nhân vật nam. (Như kiểu Mario đấu boss để được cứu công chúa vậy). Lúc ấy cô ấy đã rất phẫn uất, đâm chết nhân vật nam và la hét "Đừng chơi chúng tôi nữa! Đừng chơi chúng tôi nữa!". Đó là cảnh mà tôi nhớ nhất. Bộ phim hầu như chỉ đến 10 phút cuối cùng mới xuất hiện nhân vật nam, còn trước đó chỉ toàn nhân vật nữ. Tag là một phép ẩn dụ về sự rẻ rúng của thân phận người phụ nữ trong các văn hóa phẩm tình dục. Suy rộng hơn, đó là cảm thức về sự yếm thế của người phụ nữ trong quan hệ tình cảm lãng mạn.

Đọc thêm:



Khi toàn cầu hóa diễn ra, được tiếp xúc với các khái niệm về bình đẳng giới và nữ quyền, phụ nữ Nhật hiển nhiên có cách nghĩ khác. Về điểm này, Karen Kelsky, một nhà nhân chủng học văn hóa ở Nhật Bản như sau:
Cách mà các kênh truyền thông dành cho phụ nữ của Nhật Bản so sánh thái độ cấp tiến của đàn ông phương Tây với thái độ hủ lậu của đàn ông Nhật là một dẫn chứng cho thấy họ ngầm chỉ trích sự gia trưởng và chuyên quyền của nam giới Nhật Bản. Họ còn cổ xúy việc thách thức những quan điểm truyền thống về đẳng cấp và sự thượng tôn có liên quan đến vấn đề dân tộc và giới tính. Và họ cũng kiến tạo một thực tại khác, nơi mà những thứ từng bị rẻ rúng sẽ được tôn thờ, và những thứ được tôn thờ sẽ bị đào thải. Đó là thế giới của shounen-ai và yaoi. Lúc này, phụ nữ trở thành người cầm trịch về nội dung cho một loại hình văn hóa phẩm tinh thần mới, mà nhiều nhà nghiên cứu, nhà báo gọi đây là một thể loại "by women, for women" - viết bởi phụ nữ và dành cho phụ nữ.
Nghe có vẻ như đây là một cách đáp trả của phụ nữ Nhật Bản dành cho cánh mày râu. Nhưng giống như Kelsky nói, phụ nữ đã vay mượn tình yêu của hai người nam để kiến tạo một thực tại mà ở đó phụ nữ không còn là một "cái máy đẻ" và nam giới phải nếm trải, phải hiểu được những cảm nhận của một người phụ nữ trong tình yêu và tình dục. Khoái cảm mà đam mỹ tạo ra, bên cạnh việc thỏa mãn cảm xúc mộng mơ về những gã đàn ông, còn bao hàm trong đó sự an toàn, sự chủ động. Và lúc này, phụ nữ cảm thấy hạnh phúc khi là người ngoài cuộc.
Sở dĩ tôi nói nhiều về Nhật Bản như vậy, vì Nhật Bản là cái nôi của đam mỹ cũng như shounen-ai và yaoi. Tình cờ là, vị thế của người phụ nữ trong văn hóa Nhật không khác xa là mấy với vị thế của phụ nữ trong văn hóa Á Đông. Khi cảm nhận được sự đồng điệu về tâm hồn, các độc giả nữ ở Trung Quốc, Hàn Quốc lẫn Việt Nam đón nhận nó một cách nồng nhiệt.

Đây là một cách lí giải của cá nhân tôi về việc phụ nữ thích xem đam mỹ, shounen-ai, yaoi nói riêng và các văn hóa phẩm về tình yêu đồng tính nam - Boy Love, nói chung (bao gồm cả BL Fan Fiction của Hàn Quốc và cả phim về đề tài BL của Thái Lan).
Vậy trước khi một đấng mày râu hỏi một hủ nữ "tại sao cô có thể đọc cái thể loại biến thái này thế?", thì hãy xem lại mình đã đủ tư cách để trở thành soái ca ngôn tình, hay chí ít là một người đàn ông lịch thiệp trong mắt họ hay chưa nhé!

Đọc thêm: