Y Đức - Một câu chuyện buồn
Bài này được mình viết cách đây 3 năm, từ trước khi bước vào ngành y và sau khi học y được vài tháng nên còn khá là trẻ trâu :))))...
Bài này được mình viết cách đây 3 năm, từ trước khi bước vào ngành y và sau khi học y được vài tháng nên còn khá là trẻ trâu :)))) Mong mọi người góp ý để mình thêm phát triển bản thân :3
Trước hết, tôi xin nói đây không là một bài viết nói về hình tượng của người bác sĩ trong mắt xã hội mà là một bài viết nói về hình tượng của người bác sĩ đối với chính bản thân của tôi, cụ thể là hình tượng bác sĩ mà tôi đang mong muốn trở thành sau này.
Những lĩnh vực khoa học y học của thế giới chúng ta sống đang phát triển với tốc độ nhanh đến chóng mặt nhưng hình tượng bác sĩ thì vẫn rất lệ thuộc vào những ý nghĩ xưa cũ từ nhiều năm về trước. “Lời thề Hippocrates”, “Tuyên ngôn Geneva”, và nhiều lời thề khác tùy theo tôn giáo, địa lý không phải là những lý tưởng sai lầm, lạc hậu, đó là cơ sở nồng cốt hình thành nên những người bác sĩ tài giỏi, cứu nhân độ thế, hi sinh bản thân vì y học, trong đó có những người đã trở thành huyền thoại sống mãi với thời gian. Nhưng còn một lý tưởng bất thành văn đã được dạy qua nhiều thế hệ, đó là làm bác sĩ thì phải biết bỏ qua ham muốn, lợi ích bản thân (bản thân ở đây chỉ cả cá nhân và những người liên quan), học ngành y thì không nên nghĩ đến chuyện làm giàu. Ham muốn cá nhân từ đó bị đè nén thành một nguồn sức mạnh được coi là “xấu xa” mà những người học y đều được dạy phải kiềm chế, xóa bỏ nó đi. Nhưng càng đè nén thì nó càng lớn mạnh theo hướng tiêu cực trong các thế hệ bác sĩ, ầm thầm phá hoại hình tượng tốt đẹp “lương y như từ mẫu” dẫn đến nhiều trường hợp “cám dỗ gõ cửa”, xã hội cũng dần dần đánh giá thấp ngành y hơn. Tôi tin rằng không có nguồn sức mạnh nào có bản chất xấu cả mà dựa vào cách chúng ta sử dụng, thuần hóa chúng. Vậy tại sao ta lại kiềm nén nguồn sức mạnh dồi dào đó mà không biến nguồn sức mạnh “xấu xa” này thành động lực tốt đẹp cho người bác sĩ để xây dựng hình tượng đẹp đẽ hơn, phục vụ lợi ích cộng đồng một cách tốt hơn? Những dòng tiếp theo đây là câu chuyện của một người từng ghét ngành y nhưng hiện tại lại học y về vấn đề xây dựng hình tượng một bác sĩ thế kỉ XXI từ chính ham muốn, lợi ích cá nhân của mỗi người.
Đọc thêm:
Từ bé tôi đã có sức khỏe không tốt nên được ra vào bệnh viện từ cấp xã đến trung ương khá thường xuyên. Không ít lần tôi được những thiên thần áo trắng cứu vớt lấy tương lai nhưng song song đó cũng không ít lần gia đình tôi bị chèn ép vì những ham muốn ích kỷ cá nhân của người bác sĩ. Từ chuyện bệnh nhân muốn được chăm sóc tốt hơn, quan tâm nhiều hơn (mặc dù đó là quy định chung của bệnh viên) phải đưa cho các nhân viên y tế một khoản trà nước nho nhỏ đến chuyện không được chuyển viện vì chỉ tiêu, danh dự của bệnh viện, cuối cùng muốn chuyển được cũng phải đưa ra một khoản hậu tạ. Hay những bác sĩ có hành vi, lời nói, thái độ rất trịch thượng, xem bệnh nhân như những người đến cầu xin sự tài giỏi của họ đến những người trút giận vô cớ lên bệnh nhân vì vấn đề cá nhân của mình. Lúc ấy, nhà tôi rất nghèo, không đủ đáp ứng điều kiện của những “thiên thần áo trắng” đó nên bệnh tình của tôi kéo rất dài. Do những bác sĩ lẫn y tá có những hành vi, thái độ không đứng đắn như vậy mà tôi ghét luôn cả ngành y tế. Có một câu hỏi cứ lẩn quẩn trong đầu tôi rằng: Tại sao những con người đứng trên đỉnh vinh quang của xã hội lại có thể bị một số tiền nho nhỏ, chỉ tiêu nho nhỏ cám dỗ dễ dàng đến thể? Sự thật đằng sau đó là gì? Dần dần qua thời gian quan sát, tôi đã biết được một phần sự thật khi tiếp xúc với môi trường ngành y. Người bác sĩ khi khoác chiếc áo blouse lên thì là thiên thần nhưng khi cởi nó ra thì họ cũng chỉ là những con người bình thường, họ cũng phải lo cho cuộc sống của gia đình mình. Cơm, áo gạo, tiền, ước muốn hạnh phúc gia đình ám ảnh tâm trí họ trong khi công việc liên tục tăng mà đồng lương, thời gian riêng của bác sĩ lại quá eo hẹp. Khi khám bệnh cho mọi người, họ mang theo những cảm xúc tiêu cực, những vấn đề của bân thân như lấy tiền ở đâu để mua gạo, đóng tiền học phí cho con, thời gian nào xây dựng cuộc sống gia đình, xích mích vợ chồng – con cái, áp lực từ tứ phía bủa vây lấy họ. Và rồi họ nhận ra trước mặt là những bệnh nhân sẵn lòng chịu đựng bất cứ giá nào cho sức khỏe của mình, những người mà họ có thể đùn đẩy những vấn đề của mình sang. Từ từ, họ bị cuống vào vòng xoáy của tiêu cực, một lần, hai lần, ba lần, rồi trở thành một thói quen âm thầm truyền qua nhiều thế hệ bác sĩ, người trước dạy khôn cho người sau “Mình không làm thì người khác cũng làm thôi”. Mặc dù, họ được dạy phải cao thượng, hi sinh, lăn xả nhưng mong muốn về một cuộc sống tốt đẹp hơn che mờ những đức tính kia. Khi bác sĩ không thể giải quyết hết vấn đề của bân thân thì làm sao toàn tâm toàn ý lo cho một người dưng mà không vụ lợi. Đến lúc họ đã đủ khả năng để nâng cao mức sống của mình lên rồi thì thói quen xưa vẫn khó mà bỏ được. Hình tượng bác sĩ nói chung từ đó dần sụp đổ trong mắt xã hội do những thành phần riêng rẻ đó ngày đêm điên cuồng phá hoại.
Đọc thêm:
Xã hội tôn vinh bác sĩ là những nghệ nhân vĩ đại làm việc bằng cả con tim lẫn khối óc nhưng lại trả công không xứng đáng với tài năng đó dẫn đến việc họ bỏ qua vinh quang mà sa lầy vào bóng tối để phục vụ những nhu cầu cơ bản của mình. Lượng kiến thức chuyên khoa và áp lực khi hành nghề của ngành y thật sự rất lớn. Nhưng lại thiếu hụt quá nhiều kiến thức, chỉ dẫn để làm giàu chân chính cho bản thân. Thay vào đó, họ được dạy phải chối bỏ bản chất, động lực nguyên thủy của con người là sự ham muốn giàu sang, hạnh phúc. Càng chối bỏ bao nhiêu, nó càng phát triển bấy nhiêu, nó như trái cấm ngọt ngào, đầy quyến rũ, chờ phút yếu lòng của những thiên thần kia để kéo họ vào vũng lầy tội lỗi. Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta nên bắt đầu học cách chấp nhận bản chất đó, bắt nó cung cấp cho chúng ta năng lượng để tái xây dựng lại hình tượng mới tốt đẹp hơn trong mắt xã hội. Hãy dạy cho những bác sĩ tương lại cách giải quyết những vấn đề của bản thân, cách tìm ra những đồng tiền sạch sẽ, cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Hãy hướng những ham muốn tột bậc trong mỗi người theo con đường đúng đắn. Hãy biến điều “xấu xa” kia thành bức tường thành vững chãi bao quanh hai chữ “y đức”. Hãy thay đổi suy nghĩ rằng người bác sĩ luôn hi sinh bản thân. Nếu làm được như vậy, người bác sĩ sẽ bớt được áp lực cuộc sống, tâm hồn họ mạnh mẽ hơn, trí óc họ minh mẫn hơn trước những hành vi tội lỗi, họ làm việc với những cảm xúc tích cực, thái độ đúng đắn, toàn tâm toàn ý thực hiện đúng lời thề cao quý của ngành y. Với những nụ cười rạng ngời trên môi, chiếc áo blouse trắng tinh tươm, tinh thần làm việc phấn chấn, bệnh nhân sẽ cảm thấy thoải mái, tin tưởng vào bác sĩ hơn khi khám chữa bệnh. Khi không còn những bất cập cá nhân, vô số sinh mạng sẽ được cứu vớt, những giọt nước mắt, nụ cười hạnh phúc sẽ là nguyên liệu xây dựng lại bức tượng bác sĩ trong lòng mọi người.
Suy nghĩ trên là mong muốn cá nhân của tôi, mong muốn xây dựng thế hệ bác sĩ biết cách thõa mãn bản thân đúng đắn để không còn ảnh hưởng xấu đến hình tượng người thầy thuốc mà hàng nghìn người đã khổ công xây dựng từ xa xưa. Đây là thời điểm thích hợp cho ta bổ sung thêm những điều mới mẻ về hình tượng bác sĩ để thiên thần mãi mãi là “từ mẫu” trong mắt mọi người. Tôi mong muốn mọi người sẽ hiểu được tôi điều tôi nói, hoàn thiện hơn những suy nghĩ ban đầu còn non nớt này. Hãy cùng nhau chung tay xây dựng nên người bác sĩ mới của thế kỉ XXI.
P/s: Sau 3 năm lăn lộn với ngành y, mình đã gặp được những người chung ý tưởng với mình nhưng thật sự những người dám làm như vậy thật sự còn quá ít :((
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất