Bản thân tôi là một kẻ tầm thường. Xin nhắc trước, rằng căn bệnh ngộ chữ ở tiêu đề bài viết được soi qua lăng kính của một kẻ tầm thường. Tất cả nội dung trong bài đều mang nặng tính chủ quan, mang theo cái logic từ tư duy hạn hẹp của bản thân, giống như tất cả các bài viết khác mà tôi đã đăng tải.




Bệnh ngộ chữ là gì?

    Gọi là bệnh, chẳng qua là một cách nâng tầm, suy theo mức độ ảnh hưởng của hiệu hứng này. Các bạn chớ nghĩ rằng đây là căn bệnh tâm lý cần sự can thiệp của y học, nó chưa nặng nề tới mức đó.
    Chữ "ngộ" ở đây không phải là trong từ "giác ngộ", mà tôi tạm, một cách thô thiển, mượn mọc chữ "ngộ" trong từ "ngộ độc". Tức là "căn bệnh" này ám chỉ những người vì đọc quá nhiều chữ nghĩa mà ngộ độc trong một mớ câu từ học thuật, hằng hà sa số các lý thuyết, mà bao nhà khoa học chuyên ngành vẫn đang tranh cãi về tính thực thi.
    Bệnh ngộ chữ vào thời xưa thường xuất hiện dưới dạng mấy anh chàng có chút học hành, chữ nghĩa, và khi nói chuyện thường thêm vào mấy từ tây tây cho nó văn vở hoành tráng, hoặc đọc một vài câu thơ văn hoàn toàn trật lất so với ngữ cảnh. Hẳn như vào ngày xưa, thì có quá ít người có đủ trình độ để bóc cái căn bệnh này ra, hoặc vì thời xưa internet vẫn chưa phổ cập, để cái nạn này nó lan tới tai những người có đủ kiến thức.
Nhân vật Paul với cái miệng thao thao bất tuyệt về kiến thức của mình với đôi tay không ngừng múa. Cũng có thể là do tôi đố kị chung với anh chàng nhân vật chính Gil do Owen Wilson thủ vai, hoặc cũng có thể nó hơi lố thật. (Ảnh trích từ bộ phim Midnight in Paris)
    Nhưng vào thời nay, với sự phát triển của Internet, cái sự ngộ chữ này nó kéo theo nhiều hệ lụy khá là phiền phức với tư duy của nhiều người trong xã hội, nhất là những người không đủ vốn kiến thức để xác định được tính xác thực của thông tin mình nhận được. Nói cách khác, người ta quá dễ dãi tin vào lời nói của những kẻ, mà chỉ với vài ba tấm bằng cấp đóng mộc đã có thể mở trường mở lớp rao giảng một mớ kiến thức sai lệch kinh khủng.
Đây là hậu quả nhãn tiền từ việc tin tưởng vào một người chỉ học vẩn vơ các khóa học thời lượng ngắn với chứng chỉ cấp ngay sau khi hoàn thành khóa học và đóng một khoản tiền. 
    Về mức độ dễ dàng của việc nhận chứng chỉ từ các trường đại học, thì xin mời các bạn truy cập vào trang coursera.org, đây là một nền tảng học online có sự tham gia của rất nhiều trường đại học nổi tiếng trên thế giới. Bên cạnh chương trình full-time 3 năm học online để lấy được bằng Bachelor, thì có hằng hà sa số các course ngắn hạn, và bạn có thể lấy chứng chỉ với dấu mộc đỏ chót từ trường đại học sau khi hoàn thành khóa học và đóng chi phí nhận chứng chỉ. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, thì các chương trình full-time được chấp nhận trên nền tảng online còn quá sức ít ỏi vì lý do cực kì quan trọng là: áp dụng thực tiễn. Chính vì lý do này mà tôi chưa thể tìm được một chương trình full-time online nào cho ngành Y học lẫn Tâm lý học. Liệu một vài khóa học thời lượng 15 giờ có thể thay thế được đội ngũ y bác sĩ sản khoa mài đít ở giảng đường 6-7 năm với bao nhiêu đêm thức trắng thực tập tại bệnh viện chuyên khoa? Câu hỏi này, tôi để các bạn tự trả lời. 
Chương trình học toàn thời gian qua mạng trên nền tảng Coursera được tổ chức và cấp bằng bởi University of London.

Hệ lụy đến giới trẻ

    Thế hệ chúng ta hiện nay có thể nói là cực kỳ may mắn khi có thể tiếp cận với đủ mọi nguồn thông tin trên thế giới. Nhờ vào sự giúp đỡ của các nhà xuất bản, lẫn những du học sinh mang theo tinh hoa của thế giới về Việt Nam, mà các bạn trẻ, trong đó có tôi, có thể nghiền ngẫm những bước tiến của khoa học kĩ thuật lẫn tư duy của thế giới. Tôi cho rằng đây là một điều đáng mừng, tuy nhiên sau một thời gian đọc, và đọc rất nhiều, tôi ngưng đọc. Bởi vậy ngay khi đọc bài viết của tác giả Tornad, "Cốt tủy của văn hóa học nằm ở việc không đọc", tôi bật cười thật to giữa đêm, cười đến ngắc ngoải, à hóa ra không phải mình là người duy nhất trong cái xã hội người người nhà nhà ôm cuốn sách này. Đối với tôi, sách là những bậc thang để tôi mài bén tư duy của bản thân mình, và đã đến lúc tôi cần sự tư duy độc lập, một sự tư duy không chào mào trước bằng những câu đại loại như:
Nhà nghiên cứu, bác sĩ tâm lý học vĩ đại với công trình về Phân tâm học Sigmund Freud đã từng nói: abc abc abc và abc.
                                                                                            -Một vài bạn trẻ nào đó-
    Ồ không không, tôi không cổ súy cái việc ngưng đọc này một chút nào. Đến một thời điểm nào đó bạn cảm thấy bạn không muốn đọc bất cứ gì nữa, mà muốn dùng ngòi bút để viết suy nghĩ của mình ra, thì lúc ấy bạn hãy làm như bạn muốn. Nói nhỏ rằng, mặc cho sự tôn kính dành cho các nhà khoa học lỗi lạc tiên phong đã khuất, thì các nhà khoa học trẻ hiện nay vẫn đang miệt mài dùng ngòi bút của mình để bổ đề, để sửa sang, để phản biện lại các định lý, các công thức đang tồn tại. Họ xem đấy là tư duy nghiễm nhiên của khoa học, nơi mà chỉ có đúng, hoặc sai được chấp nhận. 
Có một lần tôi tò mò hỏi tay nghiên cứu sinh Vật Lý cùng phòng thế này:
_Này E., tại sao ông lại phải ngồi nghiền ngẫm cái phương pháp chứng minh này tới 1001 lần như vậy? Sao không tiết kiệm thời gian mà chứng minh cái khác ấy?
_À, nếu như trong các ngành ứng dụng như ông học, thì ông chỉ việc áp dụng luôn, còn tụi tôi thì vẫn phải nghiền ngẫm lại những thứ này, để xem lại có sai sót gì không, và để xem thử hướng tư duy của họ xuất phát từ đâu, dẫn dắt tới các bước nào, đã gặp phải các khó khăn trở ngại nào và giải quyết ra làm sao. Có thể với sự thiếu hụt của nền tảng khoa học thời đó, mà họ không tìm thấy khe hở đó, thì việc của thế hệ này là tìm ra nó. Còn nếu không tìm ra, thì đơn giản là ông học được từ việc nghiên cứu này rất nhiều. Học đến càng cao, thì mới nhận ra những vấn đề nghe rất ngô nghê đơn giản mới là thứ khó nhất để chứng minh, ví dụ như vụ quả trứng và con gà ấy.
    Hệ lụy có một cái như thế này, là có một dạo trên Facebook ở Việt Nam rầm rộ lên việc có một cô bé trong tầm tuổi thiếu niên cầu cứu dân mạng về việc bị giam lỏng, và bị anh rể hành hung. Có rất nhiều bạn bỗng nhiên được "Conan nhập" và suy luận theo một chiều hướng sặc mùi "thuyết âm mưu" nào đó, chỉ với những dữ kiện đơn giản là: À nó gọi anh chị nó là như thế thì chắc cũng không vừa, à còn thấy ảnh đi chơi với bạn bè vui vẻ thế này mà giam lỏng với hành hung cái gì, à chắc có người tung tin đồn nhảm để hạ bệ bố mẹ con bé, bôi nhọ gia đình anh rể là người nổi tiếng...
Minh họa về việc bạo hành trẻ em, thương cho roi cho vọt.
Thật ra, một vài phán đoán trong số đấy có thể đúng, nhưng sẽ như thế nào nếu như nó sai, và người ta tin vào đó rồi lờ đi việc một cô bé tuổi vị thành niên đang cầu cứu? Thật ra tôi đã từng soi vào nhiều vụ việc tương tự trên thế giới, và cũng hỏi cả người dân bản địa về việc thực tế vụ việc đó đã được xử lý như thế nào, và những thứ không nằm trên mặt báo nó ra sao. Họ bảo rằng:
Chúng tôi không cần can thiệp vào, việc của chúng tôi là tố giác, cảnh báo, và bảo vệ trong tầm khả năng của mình. Cái này là Civil courage, cái mà chúng tôi được học, và chúng tôi phải chấp hành như một phần trong bộ luật dân sự. Chỉ cần nghe thấy tiếng trẻ con khóc bất thường, hoặc một vài tiếng động khả nghi, là tôi đã có nghĩa vụ phải gọi điện thông báo cho cảnh sát. Việc làm của tôi sẽ được pháp luật bảo hộ, và cảnh sát không được phép dò hỏi tính xác thực của vụ việc qua chính tôi, ngay trên điện thoại, mà nghĩa vụ của họ là phải đến tận nơi và xác thực thông tin đó. Bất cứ một thông tin nào cũng có thể là một khả năng, và họ phải xử lý khả năng đó với mức độ quan tâm cao nhất. Trong trường hợp như vậy, chúng tôi luôn được cảnh sát khuyên rằng nên ở yên tại chỗ và đừng can thiệp, phần còn lại sẽ được cảnh sát lo, và việc tố giác của chúng tôi sẽ được bảo mật. 
    Quay ngược lại tình huống ở Việt Nam, rất tiếc rằng bộ luật dân sự vẫn còn rất lúng túng với các trường hợp bạo hành gia đình, khi cụ thể là người vợ, những đứa con sau khi tố giác lại bị đưa về nơi ở cũ với tay chồng vũ phu và dăm ba lời cảnh cáo của công an lẫn chi hội phụ nữ địa phương. Dĩ nhiên nằm trong sách vở và quy định, thì nạn nhân bạo hành cần phải được đưa đi lánh nạn ở một nơi ở bí mật khác đến khi mọi việc trở lại trong tầm kiểm soát, nhưng do vấn đề ngân sách lẫn nguồn nhân lực thì thực trạng hoàn toàn khác. Vẫn còn quá ít người tố giác, vì họ nghĩ rằng những chuyện này thì đương sự nên "đóng cửa lại mà bảo nhau". 
Minh họa cho thực trạng bạo hành gia đình hiện nay bởi tác giả LEO, đăng tải trên báo An Ninh Thủ Đô.
    Hay là một trường hợp khác trên một bài viết được đăng tải ở Spiderum, khi mà tác giả cho rằng việc go-green hiện nay hoàn toàn không thể cứu trái đất, mà biện pháp cần làm là ngừng ngay việc sản xuất công nghiệp của tư bản. Khi đó thì đồng tiền bỗng nhiên mất đi giá trị, bởi vì họ không thể dùng tiền mua được thứ họ muốn, khi mà người ta không còn sản xuất thứ đó nữa, mà họ trao đổi thứ họ cần với nhau. Rồi đến một ngày người A cần nhiều gà hơn, và người B cần nhiều heo hơn, thì người A lại cố gắng nuôi nhiều heo lên để trao đổi với người B và nhiều C, D, E, F khác nữa. Tức là việc sản xuất tư bản lại diễn ra, khi mà họ phải sản xuất vượt mức thực tế trao đổi để phòng hờ, và dùng các biện pháp để quảng bá sản phẩm của mình. Việc go-green hiện nay đang ở quy mô phong trào, nghe thì có vẻ ngây ngô, nhưng thật ra nếu nó đủ lớn để gây sức ép lên các ngành nghề sản xuất, thì nó có thể khiến họ thay đổi quy trình thực hiện sao cho thân thiện môi trường nhất có thể. Tôi chưa thấy mức độ khả thi của việc xóa bỏ sản xuất tư bản, nhưng tôi đã có thể thấy được việc người ta tích cực giảm dùng đồ nhựa đến mức nào, và thấy được việc các nhà sản xuất đang chạy theo thị hiếu bằng việc cho lên kệ rất nhiều sản phẩm xanh. Nếu như không làm được cái viển vông, thì chúng ta làm cái nhỏ và đơn giản trước, và cái gì đến sẽ đến.
Một sản phẩm tiêu biểu với định hướng go-green. Và dĩ nhiên rằng nếu như các nhà sản xuất sản phẩm xanh này sử dụng các công nghệ "kém xanh" thì họ sẽ ngay lập tức bị tẩy chay. Làm những việc như vậy trong đỉnh điểm phong trào go-green hoàn toàn không phải là điều thông minh.
    Đời sống người dân được nâng cao, đồng nghĩa với việc cuộc sống tâm hồn được chăm chút hơn, và các tựa sách về lĩnh vực tâm lý được xuất bản hàng loạt, mà rất nhiều trong đó không phải dành cho đối tượng người đọc đại trà, ví dụ như:
_Phân tâm học nhập môn - Sigmund Freud.
_Tâm lý học đám đông - Gustave Le Bon.
    Tôi đưa ra hai ví dụ ở trên, căn bản là bởi vì những nghiên cứu, lý thuyết và tư duy của hai nhà tâm lý học này nằm ở một thời đại khác với chúng ta hiện nay, và có rất nhiều thứ trong đó chỉ là những phương hướng tư duy, và biện pháp đối phó tạm thời, tương ứng với trình độ khoa học kỹ thuật nghiên cứu bấy giờ. Đọc đến đây nhiều bạn lại bảo tại sao lại có khoa học kỹ thuật nghiên cứu trong đây, thì thật sự tôi phải bảo rằng ngành tâm lý học hiện đại ngày nay còn khiến nhiều sinh viên tưởng rằng họ đang học ngành kế toán kiểm toán chứ chẳng phải là ngành tâm lý học mang tính trừu tượng nữa. Lý do là bởi vì sự phức tạp của ngành học này, mà người ta phải thực hiện nghiên cứu dựa trên hàng trăm, hàng ngàn người, với hằng hà sa số dữ liệu được thu thập lại để đánh giá, rồi cuối cùng họ lại phải vò đầu bứt tóc để xem nên lựa chọn Mean, Mode hay Median cho cái mớ kết quả của mình. Và dĩ nhiên trong đó có một con số, mà ở tiêu đề của các nghiên cứu thường không đề cập tới, mà chỉ có các nhà khoa học mới thật sự quan tâm đến, đó chính là sai số. Những nghiên cứu xã hội học và tâm lý học dạng này luôn luôn có một tỉ lệ sai số nhất định, là vì tính phức tạp của tâm lý con người. Nếu như cho rằng nhờ vào việc đọc vài ba quyển sách, mà có thể nói vanh vách về tâm lý con người, có thể đi tư vấn tâm lý cho kẻ khác, thì tôi cho rằng đó là sự ngu xuẩn tới cùng cực.
    Chưa kể đến những định kiến rõ ràng của Sigmund Freud đối với phụ nữ, người đồng tính; chưa kể đến những định kiến miệt thị của Gustave Le Bon đối với đám đông, thì việc đọc những quyển sách này với sự thiếu hụt kiến thức, thiếu hụt tiếp cận với những tựa sách chuyên ngành chứng minh điều ngược lại, hay những nghiên cứu phản biện, sẽ làm cho người ta ngộ nhận rằng tất cả những điều họ nói đều đúng ơi là đúng. Cho nên cứ thấy ai mở đầu bài viết của mình bằng một câu quote rất cao siêu nào đó của hai vị ở trên, là tôi lại thở dài.

Thế rốt cuộc có nên đọc mấy thứ gây ngộ chữ này không?

    Sách và kiến thức không có tội, cái tội nằm ở bản thân những tay trưởng giả làm sang (trong đó có tôi của ngày xưa) với mớ chữ vụn vặt, cóp nhặt vài ba nguồn rồi cho mình là một chủng tộc cao siêu thượng đẳng nghĩ khác biệt với nhân loại. Càng đọc tôi càng thấy mình ngu si, ngu si vì một thời đọc không đủ, không tới nơi tới chốn, đọc mà không dùng não của mình để tư duy, mà không tự vấn. 
    Dù cho chúng ta đang nằm ở đỉnh điểm của phong trào Pride, hay Feminism, thì những nghiên cứu của Sigmund Freud vẫn đáng được trân trọng, bởi vì ông là một trong những kẻ tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu, mổ xẻ tâm lý. Dẫu cho những sai sót có xảy ra, thì chúng ta cũng nên đọc, để biết được xu thế của thời đại đó đã đúc kết nên tư duy, và phương hướng giải quyết của Freud. Tôi đang sống tại nơi mà Freud đã từng học tập và sinh sống, Vienna, đã bao nhiêu lần ra vào tòa nhà nơi ông làm việc, đã đến tận trường đại học mang tên ông, và cũng đã hỏi chuyện nhiều bạn sinh viên ngành tâm lý học rằng:
_Nghiên cứu của Sigmund Freud có nhiều lỗ hổng đến như vậy và mang theo tư tưởng phân biệt đến như vậy, vậy tại sao các bạn lại vẫn học những học thuyết của ông và có hẳn cả một trường đại học mang tên Sigmund Freud?
_Vì tính tham khảo cao. Chúng tôi coi nó là những step-stones để phát triên các học thuyết khác. Những điều đúng ở trong lý thuyết của ông, thì chúng tôi phải nghiệm chứng lại bằng các nghiên cứu điều tra xã hội, và dĩ nhiên là phải xem xét liệu chúng còn có thể áp dụng được trong ngày nay hay không. Còn những thứ sai sót thì phải tìm hiểu lý do tại sao sai, có thể là nó đúng vào lúc bấy giờ, và chúng tôi lại có một câu hỏi được đặt ra là liệu có phải do tâm lý con người thay đổi, hay là do tư duy của ông lạc hướng. Vào thời ấy mà có thể suy luận đến những bước thế này là quá đáng nể rồi.
Bên cạnh khoa tâm lý học của trường đại học Vienna, thì trường đại học tư Sigmund Freud cũng được đánh giá rất cao trong chuyên ngành tâm lý học.
    Mở rộng thông tin sang một số ngành khác, tôi xin đơn cử về một vài lý thuyết không tưởng (Utopian theories) về hình thái đô thị như:
_Mô hình đô thị cỗ máy Ville Radieuse của kiến trúc sư Le Corbusier. Đề án này khiến người ta liên tưởng đến đô thị như một cỗ máy với những cột chống hết sức nặng nề vô cảm. Tính công năng quá lớn trong đề án dẫn đến sự thiếu "tính con người" trong không gian đô thị.
Ville Radieuse - Mô hình đô thị không tưởng
_Mô hình đô thị vườn siêu công nghệ của Frank Lloyd Wright khi mà nông thôn hòa hợp thành một thể với đô thị, và người ta giải quyết phương án di chuyển bằng các phương tiện công nghệ cao như tàu cao tốc, máy bay trực thăng, xe hơi; bởi vì khoảng cách di chuyển bây giờ không còn là từ block nhà này sang block nhà khác nữa, mà là từ cánh đồng A sang thửa ruộng B.
Mô hình đô thị Broadacre City của Frank Lloyd Wright. 
    Hai kiến trúc sư kể trên có thể gọi là hai cây cột trụ của kiến trúc hiện đại thế giới, và họ làm ra những đề án chỉ nằm trên giấy như vậy. Tuy nhiên tôi có thể đảm bảo rằng trong chương trình lý thuyết hiện nay của ngành đô thị chắc chắn vẫn còn các mô hình đô thị này như một sự tham khảo, một khả năng, một viễn tưởng để suy xét trên nhiều góc độ.

Kết Luận

    Có nhiều người tư duy dựa vào những lý thuyết không tưởng, hoặc lý thuyết gây nhiều tranh cãi này, để rồi thành công tạo nên thế giới Steam Punk, Cyber Punk, tạo cảm hứng cho film, tiểu thuyết, lẫn games. Nhưng có nhiều người lại lòng vòng trong mớ suy nghĩ không dẫn tới đâu đấy, để rồi gieo rắc nỗi sợ hãi bi cực lên những người khác, hoặc làm lệch hướng tư duy của rất nhiều người. Thế giới, thật ra cũng không kinh khủng như mớ lý thuyết âm mưu mà các bạn hàng ngày rao giảng, càng không có nhiều chủng tộc đặc biệt như các bạn tự phong đâu. 


Thế giới này, thật ra rất ngây ngô, rất đơn giản đến ngu ngơ, ngốc nghếch.


P/s: Nhiều khi tầm thường chân đất như tôi ấy mà lại hay.

Nguồn:
_Chẳng có bất cứ một nguồn dẫn, chẳng có bất cứ một cái link nào cả. Các bạn hãy tự dùng logic của mình mà đọc.