Giấc mơ là cuộc đời chưa thể sống được. Giấc mơ ở đây không đơn giản là mong ước về một trường hợp mà nó nên xảy ra trong cái đã xảy ra khi ta ngủ. Nó nhất thiết phải là cả một cuộc đời nên xảy ra khi ta phải đối mặt với thực tế nếu ta không hài lòng về nó hoặc thực tế này đang giày xéo tâm hồn lẫn thể xác ta. Tôi cho rằng thể loại văn học "Thời Không" thuộc về loại tâm lý chạy trốn thực tế mặc dù nó có thể là thứ sáng tạo mới lạ nhưng làm sao ta biết được bên dưới cái tàng thức u tối của con người đang xảy ra những gì?
Thực tế, nghèo đói; vô danh; giấc mơ bị chà đạp;....Thì bộ não có xu hướng trốn chạy bằng cách tự suy diễn ra viễn cảnh tươi đẹp hơn nhằm tự trấn an. Hoặc tầm nhìn ta quá hạn hẹp để có thể biết được chuyện gì thực sự xảy ra ở một giai đoạn lịch sử cụ thể nào đó mà ta muốn xuyên không về đấy. Tôi muốn không đề cập đến bọn "nghệ sĩ" trung học phổ thông hay bọn lú "ngôn tình" viết một pho truyện nhảm nhí với cái mô típ "xuyên không lãng mạn", bọn ấy không đáng để bàn hay chỉ ít nên nói về bọn ấy như một phần gây tốn thời gian trong thời học sinh nhỉ?
"Này cô bé, cô có biết rằng khi xuyên không về quá khứ, về nhà Thanh thì cô chắc chắn sẽ thành hoàng hậu chăng? Cô sẽ làm gì? Một con người xa lạ dưới một nền văn hóa khác? Hãy nghĩ lại xem thời đại đó người ta đối xử với phụ nữ ra sao? Hãy nghĩ lại về mấy tay đao phủ sẵn sàng chặt rơi đầu cô nếu chuyện bất thường xảy ra? Hãy nghĩ về cách điều trị bệnh tâm thần thời xa xưa ấy."
"Văn hóa là văn hóa của hiện tại, con người là con người của hiện tại. Cô không thể mong chờ gì ở một thứ văn hóa, con người được ghi lại bằng vài vạn chữ trên cuốn sách kia bằng cái nhìn chủ quan của tác giả. Làm sao để biết được con người của thời xa xưa nào đó thật sự tốt như ta đã chắc chắn? Thứ cuối cùng mà tôi muốn nói bọn viết xuyên không đang sống trong cái giả tưởng, viết vài chương truyện kèm dăm ba cái gọi là "lịch sử" trong đấy là bọn phiến diện. Fiction nên là một thể loại dự đoán tương lai thay vì quá khứ."
Nếu được viết một truyện ngắn về "Xuyên không" thì tôi sẽ viết như vậy: "Ngày xửa ngày xưa có một vị vua trẻ ở Đông Kinh vừa cưới một vị hoàng hậu. Vị hoàng hậu này ngày thường buổi sáng thì đàn hát, buổi chiều thì hưởng trà, buổi tối thì ngâm thơ. Một ngày nọ, hoàng hậu bỗng nhiên lâm bệnh nặng rồi nằm liệt một tháng, bao nhiêu ngự y cũng không thể chữa khỏi bệnh. Rồi ngày kia, hoàng hậu bỗng phát điên, miệng nói thứ tiếng lạ, tâm thần thất thường, hành vi không còn được như xưa, mất đi cung cách thanh nhã vốn có. Hoàng đế rất buồn rầu bèn ban chiếu cho thiên hạ để tìm phương thuốc chữa cho hoàng hậu. Ngày tháng trôi qua, dù thử bao nhiêu phương thuốc thì hoàng hậu vẫn không khỏi bệnh. Hoàng đế bèn tìm đến quan âm dương. Quan này nói như vầy: "Muôn tâu bệ hạ, thần xin tội chết để nói những lời này. Hoàng hậu thực chất không mắc chứng bệnh lạ nào mà lại bị một âm hồn nhập vào cơ thể vì khi xem xét tình trạng của hoàng hậu thần thấy thần khi vốn có đã tiêu tán từ lâu nếu cố giữ lại thì khác gì cái xác không hồn." Hoàng đế rất hoảng sợ: "Vậy ý khanh muốn nói ở đây là hoàng hậu đã chết chăng?" "Muôn tâu bệ hạ, đúng thực như vậy" "Trẫm đã hiểu" Nói rồi bèn phát quốc tang. Ngựa, kiệu, lọng, gia nhân đưa hoàng hậu vào rừng sâu rồi chôn sống.
Sau cùng thì nghệ thuật vị nhân sinh sẽ tàn sát nghệ thuật vị nghệ thuật.