Trích phần 2: Cẩm nang tuyển dụng nhân sự Gen Z cho doanh nghiệp - team SlimCRM.vn
Xuất phát từ điều kiện và môi trường trưởng thành của gen Z có sự khác biệt: Đại dịch Covid, chênh lệch giàu - nghèo ngày càng tăng hay áp lực đồng trang lứa đã rất đến nhận thức cơ bản về xã hội của thế hệ này thay đổi. Xét với một doanh nghiệp, nếu rập khuôn cách thu hút, nuôi dưỡng và phát triển nhân sự gen Z như các thế hệ cũ sẽ không còn hiệu quả.
Các xu hướng của gen Z khi lựa chọn doanh nghiệp và công việc
Các xu hướng của gen Z khi lựa chọn doanh nghiệp và công việc
Vậy thì khi lựa chọn doanh nghiệp và công việc, gen Z sẽ có những tiêu chí hay xu hướng gì? Mời bạn đọc chi tiết nhé
Khi Lựa chọn doanh nghiệp
Trước khi lựa chọn một doanh nghiệp để ứng tuyển, Gen Z sẽ xem xét khả năng họ có thể ủng hộ hoạt động của doanh nghiệp đến đâu. Đây không chỉ là vấn đề về sản phẩm hay dịch vụ. Sản phẩm chất lượng, dịch vụ tận tâm là điểm cộng không chỉ bởi vì danh tiếng tốt cho nhân sự, mà còn vì nó phản ánh phần nào đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp. Giá trị mà doanh nghiệp lan tỏa là tiêu chí cốt lõi để nhân sự ủng hộ và trung thành với tập thể. Nhân sự Gen Z muốn thấy hoạt động và tầm ảnh hưởng xã hội của doanh nghiệp mình chọn một cách công khai, minh bạch. Vì vậy, mỗi tổ chức cần có tầm nhìn dài hạn, hướng đến phát triển bền vững để thu hút lực lượng lao động thời đại mới.
Quan điểm về sự khác biệt trong doanh nghiệp cũng là điều mà Gen Z quan tâm. Thế hệ này có quan điểm mở về các vấn đề xã hội. Họ đặc biệt quan tâm đến quyền lợi của các nhóm yếu thế trong xã hội như phụ nữ - trẻ em, người khuyết tật, người thuộc nhóm LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới), người dân tộc thiểu số, người da màu,... và sẽ phản ứng mạnh trước những tổ chức, nhãn hàng nào thể hiện sự phân biệt đối xử. Doanh nghiệp cần chú ý truyền thông quan điểm chấp nhận, ủng hộ các nhóm yếu thế này kèm theo những hoạt động xã hội thiết thực để gây được thiện cảm với nhân sự Gen Z. Bên cạnh đó, cần hiểu rằng cá tính, phong cách nguyên bản của mỗi nhân sự cũng cần được tôn trọng. Thuộc về một doanh nghiệp khuyến khích hòa nhập nhưng không hòa tan là điều mà Gen Z trông đợi ở môi trường công sở hiện đại.
Khi lựa chọn công việc
Quan điểm thế nào là một công việc đáng làm với Gen Z cũng có nhiều khía cạnh cần quan tâm.
👉 Đầu tiên, thế hệ này có xu hướng lựa chọn những công việc thuộc ngành nghề, lĩnh vực mà bản thân họ đã/đang là khách hàng.
Sự quen thuộc và trung thành tạo nên sức hút tự nhiên với nhân sự Gen Z. Bên cạnh đó, họ cũng thích lựa chọn những công việc mang ý nghĩa hỗ trợ, trao đi đối với cộng đồng như bác sĩ, điều dưỡng, nhà tham vấn, giáo viên, nhà hoạt động xã hội,... Do dư luận đã cởi mở hơn, nhiều người trong số họ không còn áp lực phải theo đuổi sự nghiệp chính thức trong các ngành nghề sắp bão hòa như thế hệ trước.
👉 Điều thứ hai mà Gen Z quan tâm khi lựa chọn công việc là sự ổn định tài chính.
Không khó để lý giải mối quan tâm này khi họ sinh ra trong thời buổi nhiều biến động và thiếu chắc chắn. Để đảm bảo cuộc sống cá nhân và gia đình, Gen Z sẵn sàng gắn bó với doanh nghiệp nào chứng minh được sự ổn định, nhất quán về chế độ lương thưởng, bảo hiểm, phụ cấp dành cho họ. Lương cao cũng là yếu tố có sức hút với nhóm nhân sự này, khi một bộ phận trong số họ vẫn sẽ đồng ý lựa chọn công việc dựa vào lương thay vì hứng thú.
Trong công việc, Gen Z có kỹ năng làm việc đội nhóm và hiểu được tầm quan trọng của tập thể. Tuy vậy, họ hướng đến lựa chọn những việc có tính độc lập nhất định, trong đó họ được tự chủ về không gian, thời gian và thể hiện được năng lực cá nhân bao gồm kiến thức, kỹ năng và thái độ. Tương tác trực tiếp với cộng sự ở mức độ vừa phải là cần thiết để trao đổi thông tin và thống nhất phương hướng làm việc chung. Tương tự trong các môi trường xã hội khác, Gen Z vẫn thường thể hiện là họ thích độc lập nhưng không thích bị cô độc.
Nhân sự Gen Z mong đợi được công nhận và thăng tiến nhanh chóng dựa trên thành tích và tiềm năng thay vì chờ đợi thâm niên, nhiệm kỳ. Ngoài hình thức thăng chức, trong một số ngành nghề đặc thù, Gen Z bị thu hút bởi cơ hội mở rộng quyền hạn, rèn giũa chuyên môn khi liên tục tham gia vào phát triển sản phẩm và dự án mới. Gen Z có xu hướng không muốn cam kết với một kế hoạch nghề nghiệp chính thức, cũng sẽ không bị hấp dẫn bởi các cơ hội nghề nghiệp trong tương lai của tổ chức, nếu nó không mang lại kết quả nhanh như mong đợi trong thời đại mới. Các nhà quản lý trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong câu chuyện này, vì cử nhân ngày nay dựa vào họ để tìm cơ hội phát triển kỹ năng.
👉 Và cuối cùng, điều một nhân sự Gen Z quan tâm sẽ là khả năng cân bằng cuộc sống và công việc.
Khác với các thế hệ trước, họ không sống chỉ để làm việc. Và trái ngược với suy nghĩ của nhiều nhà tuyển dụng, họ cũng không đề cao thái quá cuộc sống riêng tư. Truyền thông thường nói Gen Z là thế hệ năng động, điểm này không sai, nhưng cần được hiểu như sau: họ luôn ở trong trạng thái đang học hỏi và phát triển. Môi trường làm việc lý tưởng với Gen Z sẽ là nơi cho họ lựa chọn tích hợp công việc và cuộc sống: chẳng hạn, họ có không gian để giải trí trong giờ làm, và họ được làm ngay cả trong các hoạt động chung ngoài công sở. Gen Z trân trọng các mối quan hệ xã hội, tuy nhiên sẽ cố gắng không đưa ra lựa chọn cực đoan như đánh đổi cuộc sống hay công việc. Doanh nghiệp thể hiện sự hỗ trợ đúng mức để cân bằng cuộc sống của nhân viên Gen Z sẽ dễ dàng ghi điểm với họ hơn.
Tóm lại, Gen Z kỳ vọng được làm việc ở một doanh nghiệp có giá trị, văn hóa, hình ảnh xã hội tương đồng với bản thân. Công việc liên quan đến ngành hàng quen thuộc hoặc ngành nghề mang tính cống hiến cho xã hội sẽ hấp dẫn họ.
Bên cạnh đó, họ muốn có sự đảm bảo về tài chính, nhiều cơ hội thăng tiến, cũng như khả năng cân bằng cuộc sống. Gen Z cho rằng đây là các điều kiện hợp lý mà họ xứng đáng được đáp ứng. Doanh nghiệp muốn thu hút nhân tài Gen Z cần cân nhắc kỹ các vấn đề này trước khi tổ chức tuyển dụng.
Biên soạn: Team content SlimCRM.vn