Dù chỉ là một cách để doanh nghiệp dần thích nghi với việc vận hành kinh doanh trong mùa dịch, “làm việc từ xa” có thể sẽ là xu hướng mới trong những năm sắp tới, ngay cả khi dịch bệnh đã được đẩy lùi. Sự bùng nổ của Internet và thiết bị di động đã giúp nhân viên không còn phụ thuộc vào không gian nữa và có thể làm việc tại bất cứ đâu, vào bất kỳ thời gian nào thay vì bó hẹp trong 8 tiếng ở văn phòng.
Khảo sát của Conference Board về vấn đề quay lại nơi làm việc sau COVID-19 chỉ ra: 55% người làm việc thuộc Millennials (1981 - 1996) thấy việc quay lại văn phòng toàn thời gian sau đại dịch là không cần thiết và 45% người làm việc thuộc Gen X (1965 - 1980) hoài nghi tính hiệu quả của việc quay lại văn phòng 5 ngày/tuần, nhưng chỉ 36% người làm việc thuộc Baby Boomers (1946 - 1964) có cùng quan điểm với những đồng nghiệp trẻ hơn. Kết quả này cho thấy tuổi tác và hoàn cảnh sống đã tạo ra sự khác biệt trong nhu cầu, quan điểm của từng thế hệ. Rõ ràng, Millennials và Gen X đang phải gánh nhiều trọng trách về sự nghiệp và gia đình hơn (khi con cái gần như phụ thuộc hoàn toàn vào họ). Thế nên, “làm việc từ xa” trở thành xu hướng không chỉ vì người lao động nhận thức cao hơn về sức khỏe tinh thần mà còn do những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. 
Xét về mặt tích cực, ngoài khả năng thích nghi với giãn cách xã hội dài ngày do đại dịch, “làm việc tại nhà/làm việc từ xa” cũng có nhiều lợi ích rõ rệt khác. Với nhân viên, hình thức này sẽ giúp: Tiết kiệm thời gian và công sức trong việc di chuyển tới nơi làm việc, đặc biệt là tại các thành phố lớn - nơi mật độ giao thông luôn đông đúc; Giảm bớt sự sao nhãng, tăng chất lượng tập trung cho một số công việc đặc thù (designer, copywriting,...); Sắp xếp được nhiều thời gian dành cho bản thân như nấu nướng, tập thể dục và gần gũi gia đình hơn;... Đồng thời, doanh nghiệp cũng sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí liên quan tới vận hành và văn phòng hơn, có thể đánh giá nhân viên hoàn toàn dựa trên kết quả công việc mà không bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác,...
Và, quá trình làm việc từ xa cũng ngày càng dễ dàng hơn nhờ sự hỗ trợ của những công cụ giúp trao đổi trực tuyến đã được phát triển và cập nhật liên tục để tối ưu hóa hiệu quả làm việc từ xa như: Zoom, Slack, Google Hangout,... Ngay cả những nhà phát triển Việt Nam cũng dành nhiều nguồn lực để mang đến giải pháp hỗ trợ tối đa cho xu hướng này như giải pháp công nghệ ACheckin thuộc Appota giúp các doanh nghiệp quản lý nhân viên làm việc từ xa một cách hiệu quả, dễ dàng dựa trên nghiên cứu cụ thể về thực tế, hành vi người lao động tại Việt Nam. Bên cạnh đó, trong tương lai, chúng ta hoàn toàn có thể sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khủng hoảng khác nữa buộc phải tiếp tục áp dụng hình thức làm việc tại nhà để đảm bảo an toàn. Vì vậy, đầu tư vào những sản phẩm/dịch vụ hỗ trợ xu hướng mới này chắc chắn sẽ là bước đi mang tính quyết định, mở ra nhiều cơ hội ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. 
Và, bên cạnh những cơ hội thì khi áp dụng hình thức này vào vận hành doanh nghiệp, chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Nếu cá nhân người lao động có khả năng gặp vấn đề việc khó phân định ranh giới giữa công việc và cuộc sống riêng tư, thu nhập bị giảm sút,... thì doanh nghiệp cũng phải chịu không ít xáo trộn trong quy trình vận hành và quản lý. Ngoài ra, làm việc từ xa cũng khiến hoạt động xây dựng văn hóa doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn, đặc biệt với hoạt động kết nối và tạo động lực cống hiến. 
Vậy, nhìn chung, xu hướng này sẽ là cơ hội để người Việt tối ưu ứng dụng công nghệ trong công việc, xây dựng phong cách làm việc mới nhưng cũng là thách thức buộc chúng ta phải đối mặt. Bởi chỉ khi công nghệ phát triển và các mô hình làm việc từ xa được hoàn thiện thì mới có thể tạo nên sự linh hoạt trong việc kết hợp và chuyển đổi giữa hình thức “làm việc tập trung” với “làm việc từ xa”. Để rồi từ đó lựa chọn được hình thức phù hợp mà khi áp dụng đúng sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh trong nền kinh tế cũng như thị trường tuyển dụng lao động vốn ngày càng gay gắt hiện nay.