- Bạn tự đặt ra một mục tiêu cho bản thân. Bạn cảm thấy tràn đầy niềm tin cho mục tiêu ấy, rằng bạn sẽ quyết tâm đạt được và sẽ thay đổi chính mình.
- Bạn nhìn những con người thành công đầy rẫy trên mạng xã hội, nghe diễn giả hay xem những video tạo động lực. Một lần nữa bạn lại tràn đầy hi vọng và động lực để thay đổi bản thân.
Nhưng rồi kết quả là chỉ sau một thời gian ngắn, bạn mất hết những niềm tin, hi vọng, động lực đó, trở về với con người trước kia của mình. Bạn cảm thấy mình thật vô dụng. Thậm chí cái vòng luẩn quẩn ấy còn lặp đi lặp lại mỗi lần bạn muốn thay đổi.
Ảnh bởi
AH NP
trên
Unsplash
Nếu bạn thấy những ví dụ trên quen thuộc thì xin chúc mừng, bạn không phải là người duy nhất cảm thấy như vậy. Cũng xin chia buồn, bạn đang lựa chọn sai cách thức để phát triển bản thân. Để tôi bật mí cho bạn điều này, không phải động lực mà chính những thói quen hàng ngày mới là thứ quyết định sự thay đổi cuộc đời bạn. Như nhà triết học nổi tiếng Aristotle đã từng nói:
Con người là kết quả của quá trình lặp đi lặp lại. Chúng ta thành công không phải vì làm những việc vĩ đại, mà dựa vào những thói quen.

Góc nhìn khoa học

Trước tiên, hãy lý giải vấn đề này trên góc độ khoa học. Dựa theo kết quả nghiên cứu từ cuốn sách Rich habits của Thomas C. Corley. Não bộ của chúng ta gồm có 3 thành phần: Vỏ não (còn được biết đến là “não mới”) – là nơi lưu giữ trí nhớ, tri giác, nhận thức và ngôn ngữ; Hệ viền – kiểm soát nhiều chức năng của não bộ; Thân não – một phần thuộc hệ thần kinh trung ương, tự động hóa nhiều chức năng như hít thở, lưu thông máu, chức năng tim và hoạt động tự động của nhiều bộ phận khác. Bên trong vùng não thứ hai, hệ viền, là hạch nền. Hạch nền là một khối tế bào thần kinh có nhiều mục đích mà một trong số đó là hình thành và kích hoạt hành vi, suy nghĩ, quyết định và cảm xúc mang tính thói quen.
Nguồn: quora.com
Nguồn: quora.com
Về mặt sinh lý, thói quen chỉ là một loạt các tế bào não liên kết tương tác với nhau, tạo thành mạng lưới cùng nhau dọc theo các tua dài mảnh bên dưới vỏ não đến hạch nền. Khoảnh khắc hạch nền nhận thấy các tế bào não giao tiếp với nhau từ ngày này qua ngày khác, nó sẽ quyết định mã hóa các tế bào não đó thành thói quen, một cách vĩnh viễn.
Trong giai đoạn bắt đầu hình thành mỗi thói quen, bộ não đầu tư nguồn glucose, tức năng lượng để duy trì hoạt động của cơ thể, vào quá trình tạo thói quen. Điều này tương tự như việc xây nhà. Rất nhiều việc phải làm khi bắt đầu xây nhà. Nhưng, một khi thói quen được hình thành, não bộ cần rất ít năng lượng cho việc duy trì thực hiện thói quen đó. Và não bộ thích sự hiệu quả. Vì thế, bộ não sẽ khuyến khích chúng ta làm theo thói quen và chống lại việc ta cố gắng loại bỏ hay thay đổi một thói quen hiện tại. Điều này lí giải vì sao động lực chỉ tác động đến hành động của bạn (chính xác hơn là não bộ của bạn) trong một thời gian rất ngắn.

Thói quen thay đổi cuộc sống của bạn như thế nào?

Well, thực tế thì thói quen đã và đang định hình cuộc sống của bạn rồi. Tôi muốn nói đến những thói quen mà bạn sẵn có, bởi việc lặp đi lặp lại trong một thời gian dài. Có thể đó là một thói quen tốt (ví dụ như việc viết nhật kí mỗi ngày), cũng có thể là một thói quen xấu (lướt mạng xã hội quá nhiều, ăn nhiều đồ ăn nhanh...). Khách quan mà nói thì tôi tin rằng không có bất cứ ai trên đời mà chỉ toàn là những thói quen tốt, hoặc hoàn toàn là thói quen độc hại.
Nếu không có gì thay đổi thì cuộc sống của bạn vẫn sẽ tiếp diễn nhưng theo chiều hướng tăng dần (dù là sự tích cực hay tiêu cực), bởi thói quen tác động vào cuộc sống của chúng ta theo nguyên lý cộng dồn: Thói quen học tiếng Anh mỗi ngày sẽ giúp bạn ngày càng thông thạo ngôn ngữ đó. Ngược lại, thói quen ăn đồ ăn nhanh, lười vận động sẽ khiến bạn ngày càng thừa cân và gặp các vấn đề về sức khỏe.
Nguồn: durmonski.com
Nguồn: durmonski.com
Vậy, câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để xây dựng được thói quen khiến thay đổi cuộc sống hiện tại của bạn? Rất đơn giản, bạn chỉ cần thay đổi những thói quen xấu của mình bằng những thói quen tốt. Đúng vậy, nguyên nhân của việc bạn cảm thấy chưa hài lòng với cuộc sống của mình là vì bạn đang có những thói quen xấu, và chúng kìm hãm sự phát triển của bạn.
Bây giờ hãy thử nghiêm túc nhìn lại bản thân mình và tự đặt ra những câu hỏi, kiểu như: “Có phải mình thừa cân là do mình không chịu tập thể dục mỗi ngày và ăn quá nhiều đồ ăn nhanh? Có phải mình không có thời gian cho công việc, việc học của mình không hiệu quả là do mình dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội?…”. Bạn càng đặt ra được nhiều câu hỏi tức là liệt kê được càng nhiều thói quen mà bạn cho là xấu. Điều cần làm sau đó là hãy thay thế chúng bằng những thói quen tốt hơn. Không tập thể dục thay bằng mỗi buổi sáng dậy sớm hơn 30 phút và chạy bộ quanh khu bạn sống; lướt điện thoại quá nhiều bằng cách cài đặt giới hạn thời gian lên mạng xã hội và tập thêm thói quen đọc sách, viết nhật kí, v.v.
Theo nghiên cứu, thói quen được hình thành và “khắc sâu” vào hạch nền dựa trên sự lặp đi lặp lại một hành động, tần suất trung bình nằm ở con số 21. Vậy hãy làm những điều trên trong khoảng từ 3 đến 4 tuần. Ban đầu sẽ cần một sự cố gắng, nỗ lực từ bạn, vì não bộ đang chống lại việc bạn thay đổi một thói quen mà nó đã “khắc sâu”. Nhưng một khi thói quen mới được hình thành, bạn sẽ cảm thấy sự thay đổi trong chính bản thân mình. Từ ngoại hình, kiến thức, sự tự tin… và bạn sẽ cảm thấy cực kì thoải mái cho một vài lần tự buông thả bản thân.
Bạn thấy đấy, bài viết này không hề muốn tạo động lực để bạn thay đổi, mà nó chỉ cho bạn thấy cách để thay đổi. Động lực sẽ giúp bạn bắt đầu, nhưng sự kiên trì mới là thứ giúp bạn đi đến đích đến cuối cùng. Chỉ đến nha sĩ không giúp răng bạn chắc khỏe, trừ khi bạn chải răng 2 phút, MỖI NGÀY. Bỏ ra 2 giờ tập luyện liên tục trong phòng gym không giúp bạn có được thân hình đẹp, trừ khi bạn dành 40 phút luyện tập, MỖI NGÀY. Tôi sẽ kết thúc bài viết này bằng một câu danh ngôn:
Gieo suy nghĩ, gặt hành động Gieo hành động, gặt thói quen Giao thói quen, gặt tính cách Gieo tính cách, gặt số phận.
I'm just a guy...