XUNG ĐỘT NGA-UKRAINE NẾU CÓ LIÊN QUAN ĐẾN TÔN GIÁO
Một trong những lý do Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra để biện hộ cho cuộc chiến với Ukraine là để bảo vệ Nhà thờ Chính thống giáo...
Một trong những lý do Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra để biện hộ cho cuộc chiến với Ukraine là để bảo vệ Nhà thờ Chính thống giáo Nga và tín đồ tại đây. Tổng thống Putin cho rằng việc chủ nghĩa dân tộc Ukraine ngày càng dâng cao sẽ gây mất an ninh đối người Nga và tín đồ Chính thống giáo dòng Nga tại quốc gia này.
Rõ ràng cuộc chiến Nga-Ukraine không phải là một cuộc chiến tranh tôn giáo nhưng có bị tác động bởi yếu tố danh tính dân tộc. Tổng thống Putin đã nhiều lần tuyên bố người Nga và người Ukraine là một dân tộc. Lập luận này dựa trên việc Nga và Ukraine (và Belarus) đều coi một quốc gia cổ là Kievan Rus là tổ tiên của mình. Ngoài ra, danh tính và văn hoá của một quốc gia Liên Xô cũ như Nga hay Ukraine cũng gắn bó rất mật thiết đối với tôn giáo, cụ thể ở đây là Chính thống giáo Phương Đông.
Một điểm đặc biệt cần lưu ý là suốt nhiều thế kỷ qua Ukraine không được coi là một địa phận tôn giáo độc lập được công nhận rộng rãi mà Chính thống giáo Ukraine là một chi nhánh của Chính thống giáo Nga. Đến đầu năm 2019, một địa phận tôn giáo độc lập mới mang tên Giáo hội Chính thống giáo Ukraine (Orthodox Church of Ukraine) ra đời và tồn tại song song với Giáo hội Chính thống giáo Nga ở Ukraine (Ukrainian Orthodox Church – Moscow Patriarchate).
Việc một địa phận tôn giáo độc lập mới ở Ukraine được công nhận gây ra rất nhiều tranh cãi ở trong lòng các giáo hội Chính thống giáo Phương Đông. Giáo hội Nga đã quyết định cắt đứt hiệp thông với Giáo hội Constantinople vì đã công nhận sự độc lập này và vẫn tuyên bố địa phận tông giáo đối với toàn Ukraine.
Sự chia rẽ về tôn giáo cũng kéo theo nhiều biến chuyển ở phương diện chính trị và ngược lại, nhưng không vì thế mà có thể đánh đồng lập trường chính trị của các giáo hội là đồng nhất với quốc gia sở tại hoặc quốc gia đặt trụ sở chính. Mặc dù nếu nhìn lướt qua sẽ có nhiều điểm tương đồng nhưng việc tranh chấp lãnh thổ chính trị và địa phận tôn giáo giữa Nga và Ukraine cũng nên được nhìn nhận tách biệt.
Có thể Chính thống giáo Phương Đông là khái niệm không phổ biến tại Việt Nam nên để hiểu rõ về Giáo hội Nga hay Giáo hội Ukraine, có lẽ cần quay trở lại với lịch sử cuộc li giáo lớn nhất lịch sử Cơ Đốc giáo này.
1. Hình thành Giáo hội Chính thống giáo Phương Đông
Thuật ngữ Tông Toà trong Cơ Đốc giáo để chỉ các toà giám mục do một hay nhiều tông đồ của Chúa Jesus thành lập. Người đứng đầu các toà giám mục được gọi là thượng phụ (patriarch). Vào thời Hoàng đế La Mã Justinian I (527-565), Cơ Đốc giáo được quản lý bằng hệ thống Pentarchy bao gồm 5 toà giám mục lớn nhất của La Mã: Rome, Constantinople, Alexandria, Antioch và Jerusalem. Vai trò của các toà giám mục cũng có sự phân cấp tuỳ thuộc vào thành phố thủ phủ của toà giám mục đó và các toà giám mục vẫn thường có hiệp thông với nhau.
Tuy nhiên, càng về sau sự khác biệt giữa các toà giám mục về cách diễn giải giáo lý, thực hành giáo luật và các truyền thống ngày càng lớn, đặc biệt là giữa toà giám mục thành Rome và toà giám mục thành Constantinople. Toà thành Rome chịu ảnh hưởng bởi thần học phương Tây dựa trên luật La Mã, trong khi đó, toà thành Constantinople lấy gốc ở văn hoá-triết học Hy Lạp.
Một trong những giáo lý gây tranh cãi lớn nhất giữa hai toà giám mục dẫn tới cuộc đại li giáo 1054 đó là về Chúa Thánh Thần. Theo đó, thành Constantinople cho rằng Chúa Thành Thần xuất phát từ Chúa Cha trong khi đó thành Rome lý giải Chúa Thành Thần xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con. Ngoài ra, còn một số vấn đề không đồng nhất giữa hai bên như tu sĩ có phải sống độc thân hay có được sử dụng bánh mì không lên men (unleavened bread) trong nghi lễ ban thánh thể (eucharist) hay không.
Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm vào năm 1054, Giáo hoàng Leo IX cắt đứt hiệp thông với Thượng Phụ thành Constantinople khi đó là Michael Cerularius. Thành Constantinople cũng phạt vạ hiệp thông tương tự đối với phía thành Rome. Đây được coi là cuộc đại li giáo lớn nhất của Cơ Đốc giáo cho đến nay giữa toà giám mục thành Rome hay nay còn gọi là Giáo hội Công giáo La Mã (Roman Catholic Church) và toà giám mục thành Constantinople hay Toà thánh Chính Thống giáo Phương Đông (Eastern Orthodoxy).
2. Vai trò của Giáo hội Chính thống giáo Constantinople
Khác với Công giáo La Mã với Vatican và giáo hoàng là trung tâm, Chính thống giáo Phương Đông là một khối hiệp thông giữa các giáo hội tự chủ. Các giáo hội về cơ bản bình đẳng với nhau và không được can dự vào công việc nội bộ trong phạm vi giáo phận của nhau. Tuy vậy, Tổng Giám mục thành Constantinople hay được gọi là Thượng phụ Đại Kết (Ecumenical Patriarch) được coi là có phẩm bậc cao nhất trong các giáo hội Chính thống giáo Phương Đông được gọi là “đứng đầu giữa những người bình đẳng” (primus inter pares). Vẫn phải nhấn mạnh, chức vụ này không phải giáo chủ hay người đứng đầu hội thánh. Tổng giám mục thành Constantinople hiện tại là Thượng phụ Bartholomew I.
Tuy không phải giáo chủ, Thượng phụ Đại kết thành Constantinople vẫn có một vị trí vô cùng quan trọng và uy tín rất lớn đối với các cộng đồng Chính thống giáo khác. Có một điểm vừa là điểm mạnh vừa là điểm yếu của toàn giám mục này là không liên quan nhiều đến chính phủ sở tại, tức là Thổ Nhĩ Kì. Không có sự bảo trợ về chính trị và kinh tế của chính quốc cũng gây ra những khó khăn nhất định, đặc biệt là khi so sánh với Nga, nhưng cũng chính vì thế lại dễ xây dựng uy tín không bị chính trị hay chủ nghĩa dân tộc chi phối.
Về tổ chức, chính thống giáo Phương Đông là một tập thể các giáo hội độc lập (autocephaly) hoặc các giáo hội tự trị (autonomous church). Vì không có một người đứng đầu nên rất khó để phân định một vấn đề khi có mâu thuẫn xảy ra, đặc biệt là trong vấn đề công nhận một hội thánh độc lập mới. Vấn đề này ngày càng trở nên cấp thiết khi gắn liền với chủ nghĩa quốc gia dân tộc. Các quốc gia sau khi giành được độc lập có xu hướng không muốn giáo hội của nước mình chịu phụ thuộc vào một giáo hội đặt tại lãnh thổ của một nước khác. Nhưng quá trình công nhận một giáo phận độc lập mới thường rất khó khăn và có khi kéo dài nhiều thập kỉ. Thông thường, một giáo hội được coi là độc lập khi được các giáo hội độc lập trước đó công nhận. Thượng phụ Đại kết cho rằng quyền công nhận một giáo hội độc lập mới thuộc về thành Constantinople do các lý do lịch sử và truyền thống.
3. Đô thành Kievan Rus (Metropolitanate) và Giáo hội Chính thống giáo Nga
Năm 988, Thành Constantinople quyết định thành lập một địa phận tôn giáo mới là Đô thành Kievan Rus (Kievan Rus là quốc gia tiền thân của Ukraine, Nga và Belarus với thủ đô là Kiev). Sau khi bị Mông Cổ xâm lược vào thế kỷ 13, trung tâm của Đô thành Kievan Rus phải chuyển đến tỉnh Vladimir (Nga) và sau cùng trụ sở được chuyển tới Moscow vào năm 1325. Đến đầu thế kỉ 15, nhân khi vai trò của thành Constantinople có phần suy yếu đi nhiều do phải đối phó với Đế quốc Hồi giáo Ottoman, Đô thành Kievan Rus tự tuyên bố độc lập và đổi tên thành Đô thành Moscow. Constantinople đáp trả bằng việc thành lập một tổ chức mới có tên là Đô Thành Kiev, Halych và toàn Nga tại Kiev khi đó đang thuộc về Lithuania. Tuy nhiên cuộc đối đầu này cũng không đi đến đâu. Đến năm 1589, Giáo hội Chính thống giáo Nga đã nhận được sự công nhận từ Constantinople trong bối cảnh Constantinople đang chịu sự quản lý của Ottoman suốt một thế kỉ còn Nga ngày một phát triển hùng mạnh.
Năm 1886, do tình hình chính trị căng thẳng giữa Nga và Ottoman, Constantinople đã trao lại quyền phong chức tổng giám mục thành Kiev cho Giáo hội Nga. Phía Nga cho rằng đây chính là dấu mốc Constantinople đã chuyển giao vĩnh viễn địa phận Kiev sang cho Nga. Mặc dù Constantinople sau đó có giải thích đây là việc tạm thời nhưng giáo hội Nga vẫn quản lý Kiev và toàn Ukraine trên thực tế cho đến tận năm 2018 trước khi Thượng phụ Bartholomew quyết định đưa Kiev quay trở lại địa phận của Constantinople và công nhận tính độc lập của địa phận này.
4. Chính thống giáo ở Ukraine
Kể từ khi Ukraine độc lập, một phần tín đồ chính thống giáo tại đây luôn tìm cách thành lập một giáo phận độc lập cho người dân của mình. Tuy nhiên, những nỗ lực này gặp rất nhiều khó khăn do Kiev và Ukraine nói chung từ nhiều thế kỉ qua đã là địa phận của Giáo hội Nga.
Năm 2018, Tổng thống Ukraine khi đó là Petro Peroshenko đã đến Istanbul để thỉnh cầu Thượng phụ Đại kết thành Constantinople công nhận sự chính thống và độc lập của Giáo hội Ukraine. Đến năm 2019, Đức Thượng Phụ đã đồng ý và công nhận sự độc lập của Giáo hội Chính thống giáo Ukraine. Sự kiện này đã khiến cho Giáo hội Nga rất tức giận và quyết định cắt đứt hiệp thông với Thành Constantinople.
Phía Giáo hội Nga kịch liệt phản đối hành động của Giáo hội Constantinople và coi đó là đi ngược lại nguyên tắc về địa phận. Để phản bác lại, Constantinople cho rằng chính họ đã ban sự độc lập cho Giáo hội Nga, nếu Giáo hội Nga không chấp nhận tính chính thống và vai trò của Constantinople thì cũng chính là nghi ngờ tính chính thống của chính mình.
Trước sự kiện Giáo hội Ukraine được công nhận, Thượng phụ Giáo hội Nga đã tới Istanbul gặp Thượng phụ Đại kết để bày tỏ sự lo lắng: Your Holiness, if you give Ukraine autocephaly, blood will be shed” (tạm dịch: Thưa Đức Thượng Phụ, nếu ngài công nhận giáo phận Ukraine độc lập, sẽ có đổ máu) . Đức Thượng phụ Đại Kết đáp lại rằng: “Your Beatitude, we have no army or weapons at our disposal. If blood is to be shed, it will not be shed by us, but by you!” (Tạm dịch: Ngài Tổng Giám mục, chúng tôi không hề có vũ khí, nếu có đổ máu thì là từ phía ngài mà thôi!)
Về cơ bản có thể hiểu hiện tại có hai Giáo hội Chính thống giáo lớn cùng tồn tại ở Ukraine là Giáo hội Chính thống giáo Ukraine mới được thành lập và công nhận; và Giáo hội Chính thống giáo Nga ở Ukraine. Cả hai tổ chức đều cho rằng mình mới là giáo hội chính thống và duy nhất đối với tín đồ ở Ukraine.
Cũng phải nói thêm, sự kết nối giữa Ukraine và Nga về tôn giáo không chỉ ở mặt địa phận giáo hội trong nhiều thế kỉ gần đây mà còn gắn liền với lễ rửa tội của Hoàng tử Kieven Rus hay sau là Đại Đế Vladimir năm xưa tại chính Crimea. Đây được coi là dấu mốc khởi đầu cho sự hình thành Cơ đốc giáo ở lãnh thổ Kievan Rus cũng như là Nga hay Ukraine sau này. Vì thế, Crimea hay Ukraine đặc biệt quan trọng với Nga. Sau khi sáp nhập Crimea vào Nga năm 2014, Tổng thống Putin cũng nhắc lại sự kiện này và nhấn mạnh tầm quan trọng không chỉ ở khía cạnh địa chính trị mà còn ở khía cạnh tôn giáo đối với nước Nga và người Nga.
5. Quan điểm của các Giáo hội Chính thống giáo về cuộc chiến Nga-Ukraine
- Chính thống giáo Nga tại Moscow
Mặc dù Chính thống giáo Nga tại Moscow thường có lập trường ủng hộ Chính phủ Nga và hiếm khi đưa ra quan điểm chống lại, nhưng Giáo hội vẫn có sự tự chủ nhất định.
Thượng Phụ Kirill ra một tuyên bố ngày 24/02/2022: As the Patriarch of All Russia and the primate of a Church whose flock is located in Russia, Ukraine, and other countries, I deeply empathize with everyone affected by this tragedy. I call on all parties to the conflict to do everything possible to avoid civilian casualties. (Tạm dịch: Với tư cách là Thượng phụ của nước Nga và Tổng Giám mục của toàn bộ chiên đoàn tại Nga, Ukraine và các nước khác, tôi xin được chia sẻ sâu sắc với tất cả những ai là nạn nhân của tấn bi kịch này. Tôi kêu gọi các bên liên quan tránh gây thiệt mạng người vô tội)
Tuy nhiên, sau 2 tuần lễ kể từ khi cuộc chiến nổ ra, Thượng Phụ Chính thống giáo Nga đã lên tiếng chính thức ủng hộ hành động của chính quyển Tổng thống Putin. Ngài cho rằng đây không chỉ là cuộc chiến về chính trị mà còn là cuộc chiến chống lại những giá trị phương Tây đi ngược lại với Thiên Chúa, đặc biệt là ở vấn đề đồng tính.
Theo Ngài, Ukraine đang ngả về phía các nước Tây Âu và một trong những điều kiện bắt buộc để gia nhập vào khối Tây Âu là phải ủng hộ các phong trào đồng tính. Chính vì vấn đề này mà các tỉnh miền Đông Ukraine phản đối và đấu tranh (dẫn đến li khai).
“If humanity accepts that sin is not a violation of God's law, if humanity accepts that sin is a variation of human behavior, then human civilization will end there". (Tạm dịch: Nếu nhân loại cho rằng tội lỗi này (đồng tính) không vi phạm luật của Thiên Chúa, thì văn minh nhân loại sẽ kết thúc ở đây.)
- Chính thống giáo Ukraine
Giáo hội Ukraine lên án rất mạnh mẽ cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vào Ukraine và gọi Tổng thống Nga Putin là “anti-Christ” của thời đại này. Lập trường của Giáo hội Ukraine luôn rõ ràng là phản đối chiến tranh và ủng hộ chính quyền cũng như quân đội Ukraine. Quan điểm này Tổng giám mục Giáo hội Ukraine Epifany nhấn mạnh thêm: “With prayer on our lips, with love for God, for Ukraine, for our neighbors, we fight against evil – and we will see victory.” (Tạm dịch: cùng cầu nguyện với Chúa cho Ukraine, cho những người hàng xóm của chúng ta chống lại kẻ ác - cuối cùng chúng ta sẽ giành chiến thăng.)
- Chính thống giáo Nga tại Ukraine
Mặc dù về mặt tôn giáo, Giáo hội Chính thống giáo Nga tại Ukraine vẫn tuyên bố trung thành với Giáo hội Nga, tuy nhiên, từ lâu Giáo hội đã được trao quyền tự quản lý và tương đối độc lập với Giáo hội Nga (Resolution of Bishops’ Council of Russian Orthodox Church 1990). Ban đầu khi mâu thuẫn nổ ra giữa Nga và Ukraine, Giáo hội giữ thái độ im lặng. Nhưng đến khi chiến sự thực sự bùng nổ, ngày 24/02, Giáo hội đã chính thức lên tiếng lên án chiến tranh.
Tổng giám mục Kiev và toàn Ukraine Onuphry đã chỉ đích danh Tổng thống Nga Putin và yêu cầu phải chấm dứt ngay cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt và so sánh cuộc chiến này sự tội ác của nhân vật Cain trong Kinh Thánh (người đã giết chết em trai mình vì ghen tị). . “Most regrettably, Russia has started military actions against Ukraine, and at this fateful time, I urge you not to panic, be courageous and show love for your homeland and for one another.” (Tạm dịch: Đáng buồn nhất, Nga đã khơi mào cuộc chiến với Ukraine, và trong thời khắc quan trọng này, tôi mong các bạn đừng hoảng loạn, phải thật dũng cảm và cho tất cả thấy tình yêu dành cho quê hương tổ quốc và tình yêu dành cho nhau.)
- Chính thống giáo Constantinople
Giáo hội thành Constantinople phản đối mạnh mẽ cuộc chiến tranh và ủng hộ Ukraine. Đức Thượng Phụ Đại Kết lên tiếng: : “We address another plea to end the war now. To immediately stop any act of violence, anything that spreads pain and death.” (Tạm dịch: Chúng tôi mong muốn các bên dừng cuộc chiến tranh này lại. Hãy ngay lập tức ngừng bất cứ hành động vũ lực nào, bất cứ việc gì lấy đi mạng người và để lại đau thương.)
Đọc thêm:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất