TÔN GIÁO VÀ ĐỒNG TÍNH - PHẦN 1: PHẬT GIÁO
"Ðồng tình luyến ái, bất luận là giữa người nam hay người nữ, đều được xem là những liên hệ tình dục không đúng đắn (sexual misconduct)"...
"Ðồng tình luyến ái, bất luận là giữa người nam hay người nữ, đều được xem là những liên hệ tình dục không đúng đắn (sexual misconduct)" - Vượt Khỏi Giáo Điều (Beyond Dogma) - Tenzin Gyatso - Đạt Lai Lạt Ma thứ 14.
Đây có lẽ là nhận định gây tranh cãi nhất của Đức Đạt Lai Lạt Ma tại thế giới phương Tây trong cuốn sách mà ngài viết năm 1996. Rất nhiều người sử dụng quan điểm này của vị tăng thống Phật giáo Tây Tạng để nặng thì lên án, nhẹ thì hoài nghi tính nhân văn và minh triết của Phật giáo trong bối cảnh hiện tại.
Thế nhưng, cần nhiều hơn một vài câu nói để có thể đi đến kết luận Phật giáo ủng hộ hay phản đối vấn đề đồng tính luyến ái. Ngay chính nhận định trên của Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng chưa nói rõ và đầy đủ quan điểm của ngài về vấn đề này nếu như bị đặt ra ngoài bối cảnh của nó.
Để có thể hiểu được quan điểm của Phật giáo về vấn đề này, cần phải thống nhất trước hết một vài điểm.
- Thứ nhất, cần phải phân biệt tình cảm (yêu đương) đồng giới và quan hệ tình dục đồng giới.
- Thứ hai, Đức Phật khi còn tại thế không đề cập đến vấn đề đồng tính, không khuyến khích và cũng không phản đối. Vậy nên, người đồng tính không phải người có tội trong Phật giáo. Tuy nhiên, giới tính nào được xuất gia như thế nào thì có được đề cập. Vấn đề này sẽ được bàn kĩ hơn ở phần sau.
- Thứ ba, Phật giáo có rất nhiều chi phái và truyền thống khác nhau, sự khác nhau có thể lớn tới mức có thể coi là những tôn giáo riêng biệt. Vì vậy, sẽ tồn tại rất nhiều giáo lý, nghi thức, truyền thống... ở chi phái này là đúng nhưng ở chi phái khác là sai. Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 được xem là thủ lĩnh tinh thần của Phật giáo Tây Tạng nói chung và phái Gelug (Mũ Vàng) nói riêng. Ngài không phải đại diện của toàn bộ tín đồ Phật giáo thế giới.
- Thứ tư, tín đồ Phật giáo chia thành hai dạng là tu sĩ xuất gia và cư sĩ-tín đồ Phật tử tại gia. Phật giáo có những giáo luật khác nhau ràng buộc hai đối tượng này.
1. Vấn đề đồng tính đối với Phật tử Tại gia
Giáo luật trong Phật giáo cũng không ít nhưng có thể rút ngắn lại còn 5 điểm cơ bản nhất được gọi là Ngũ Giới bắt buộc tất cả tín đồ phải tuân thủ:
- Không sát sinh
- Không trộm cắp
- Không tà dâm
- Không nói dối
- Không uống rượu
Riêng đối với tầng lớp tu sĩ, những người đã xuất gia, dâm giới đồng nghĩa với việc không được quan hệ giới tính, thủ dâm, thị dâm,... dưới bất cứ hình thức nào, kể cả trong tâm thức. Còn đối với tầng lớp Phật tử tại gia, tà dâm được hiểu là các hành vi giới tính vi phạm chuẩn mực đạo đức thông thường. Nhưng như thế nào là chuẩn mực đạo đức thông thường thì có sự khác biệt giữa cá truyền thống Phật giáo, chịu ảnh hưởng nhiều bởi chuẩn mực đạo đức của từng cộng đồng.
Một số chuẩn mực rõ ràng được chấp nhận phổ thông có thể kể đến như: quan hệ tình dục ngoài vợ ngoài chồng, quan hệ tình dục với người chưa vợ chưa chồng, quan hệ tình dục ở địa điểm hoặc thời gian không thích hợp (có những truyền thống quan niệm ban ngày là thời gian không thích hợp), quan hệ tình dục với vợ/chồng mình nhưng lại nghĩ đến người khác, thủ dâm, thị dâm, ấu dâm, cưỡng bức... tất cả đều là phạm giới tà dâm.
Như đã đề cập phía trên, Phật giáo vốn dĩ không khuyến khích cũng không kết tội vấn đề đồng tính (nhiều tôn giáo khác có kết tội), vậy nên, Phật giáo sẽ không can dự đến vấn đề một người có tình cảm với một người đồng giới.
TUY NHIÊN, Phật giáo có can dự vào vấn đề quan hệ tình dục đồng giới, nhưng can dự tới mức nào thì lại tùy vào từng truyền thống, tông phái, cộng đồng, quốc gia. Trong phạm vi giới luật tà dâm, quan hệ tình dục ngoài vợ ngoài chồng đã là sai trái, nên quan hệ đồng tính tại các quốc gia chưa chấp thuận hôn nhân đồng giới chắc chắn cũng là sai phạm. Hơn nữa, một số truyền thống Phật giáo chỉ chấp thuận quan hệ tình dục sử dụng các bộ phận sinh dục vào đúng nhiệm vụ của nó, tức là chỉ chấp nhận quan hệ tình dục giữa dương vật và âm đạo (penis-vagina sex), các hình thức khác như thủ dâm, khẩu dâm, quan hệ qua đường hậu môn,... bất kể giới tính nào đều đã vi phạm dâm giới, bao trùm lên trên tất cả các hình thức quan hệ tình dục đồng giới thông thường. Đó là trường hợp của truyền thống Phật giáo Tây Tạng mà Đức Đạt Lai Lạt Ma nói tới.
Nói thêm về quan điểm của Đức Đạt Lai Lạt Ma, cuốn sách Vượt Khỏi Giáo Điều (Beyond Dogma) được ngài viết với tư cách là đại diện của truyền thống Phật giáo Tây Tạng nói chung và phái Mũ Vàng Gelug nói riêng do Ngài Tông Khách Ba (Tsongkhapa) sáng lập. Đức Đạt Lai Lạt Ma của hiện tại là ngài Đăng Châu Gia Mục Thố - Tenzin Gyatso không có toàn quyền thay đổi những truyền thống cũ mà không có sự đồng thuận của hội đồng các bậc trưởng lão. Cá nhân ngài không kì thị nhưng cũng không hề ủng hộ vấn đề quan hệ tình dục đồng giới. Đối với ngài, đây là vấn đề cá nhân, chỉ cần hai người hợp ý, an toàn, không vi phạm pháp luật thì các hành vi kì thị, áp bức người đồng tính và việc quan hệ đồng tính là vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, cá nhân ngài vẫn công nhận quan hệ tình dục không sử dụng dương vật và âm đạo là không hoàn toàn hợp lý.
Trích đoạn bài phỏng vấn của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 trong chương trình Larry King Now vào tháng 3 năm 2014:
Larry King: What do you think of the whole emerging gay question?HHDL: That I think is a personal matter. Of course, you see, people who have belief or who have special traditions, then you should follow according to your own tradition. Like Buddhism, there are different kinds of sexual misconduct, so you should follow properly. But then for a non-believer, that is up to them. So there are different forms of sex—so long as it is safe, OK, and if they fully agree, OK. But bullying, abuse, that is wrong. That’s a violation of human rights.Larry King: What about same sex marriage?HHDL: That’s up to the country's law.Larry King: What do you think personally about it?HHDL: That’s OK. I think it’s individual business. If two people—a couple—really feel that way is more practical, more sort of satisfaction, both sides fully agree, then OK …
Vẫn phải nói lại, Phật giáo vốn dĩ có chủ trương không đặt nặng vấn đề tình dục. Mặc dù đây luôn là trở ngại trong quá trình tỉnh thức và giác ngộ, nhưng Phật giáo cũng không có chủ trương cấm dục đối với toàn thể tín đồ. Quan hệ tình dục chỉ nên giữ ở mức độ vừa phải, bảo đảm duy trì nòi giống, giữ vững hạnh phúc gia đình.
Đồng tính và quan hệ tình dục đồng giới, cũng tương tự như vậy, không phải vấn đề trọng tâm mà Phật giáo tìm kiếm lời giải đáp. Vì vậy, việc có sự khác biệt giữa các tông phái, truyền thống trong vấn đề này, dù lớn đến đâu, cũng không phải vấn đề hệ trọng nhận được nhiều sự quan tâm. Dù vậy cũng có ý kiến cho rằng các tông phái, truyền thống Phật giáo Đại Thừa có phần cởi mở hơn về vấn đề này.
2. Vấn đề đồng tính đối với tầng lớp tu sĩ
Cũng như đã đề cập trong phần 1, đối với những người đã xuất gia, tất cả các hình thức quan hệ tình dục và tình cảm yêu đương đều vi phạm giới luật tà dâm. Vì vậy, sau khi xuất gia, theo lý thuyết, đã không còn tồn tại vấn đề đồng tính hay quan hệ tình dục đồng giới.
Tuy nhiên, người đồng tính, song tính, chuyển giới... có được thọ giới hay không lại là một câu chuyện khác. Mặc dù không có quy định thực sự chặt chẽ, cũng không có lời thề nguyện nào trước khi xuất gia có liên quan tới vấn đề xác định bản dạng giới, nhưng những người đồng tính (LGBT nói chung) công khai sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nếu muốn được thọ giới. Có một số vấn đề thực tế dẫn tới hiện trạng này.
Trong kinh điển Phật giáo không nhắc trực tiếp đến những người đồng tính nhưng có hai khái niệm là Ubhatovyanjañaka và Pandaka với nghĩa gốc lần lượt là những người có cả hai bộ phận sinh dục và những người không có bộ phận sinh dục (bẩm sinh hoặc bị hoạn), nhưng trên thực tế, hai khái niệm này thường được hiểu là những người đồng tính nói riêng và LGBT nói chung. Đặc biệt, đối với phái nam, những khái niệm này thường có ý chỉ những người có xu hướng nữ tính hơn chuẩn mực thông thường, có thể tạm hiểu là những người chuyển giới nữ hoặc những người đã bị hoạn.
Theo Luật Tạng (Vinaya-pitaka) - phần thứ hai trong ba phần cốt tủy của kinh điển Phật giáo gọi là Tam Tạng (Kinh Tạng, Luật Tạng, và Luận Tạng), Đức Phật mới chỉ cho phép nam giới, và một thời gian sau đó cho phép nữ giới thọ giới tỳ kheo và tỳ kheo ni, thành phần Ubhatovyanjañaka và Pandaka vẫn chưa bao giờ chính thức được cho phép.
Ngay cả việc cho phép người nữ được thọ giới cũng không hề dễ dàng. Truyện Phật giáo kể lại rằng Hoàng Hậu Ma Ha Ba Xà Ba Đề Cồ Đàm Di (Maha Prajapati Gotami) - mẹ nuôi, mẹ kế, dì ruột của Đức Phật, đã bị ngài từ chối rất nhiều lần khi thổ lộ mong muốn được xuất gia trước khi được ngài chấp thuận và trở thành vị tỳ kheo ni đầu tiên, mở đầu cho dòng truyền thừa này.
Việc cho phép nữ giới vào tăng đoàn cũng gây ra nhiều khó khăn vì quy định của Phật giáo đối với tu sĩ là hoàn toàn cấm dục. Nếu việc ăn ở, tu hành, sinh hoạt trong tăng đoàn giữa tỳ kheo và tỳ kheo ni không được ngăn cách rõ ràng thì sẽ rất khó để giáo luật có thể được duy trì.
Nếu xét đến khía cạnh này, những người đồng tính khó có thể được chấp nhận gia nhập tăng đoàn vì nếu xét theo giới tính sinh học, họ sẽ phải sinh hoạt đối với những người mà bản thân mình bị hấp dẫn giới tính. Việc xếp họ sinh hoạt với những người thuộc giới tính còn lại cũng sẽ gây ảnh hưởng tới cộng đồng đó.
Theo Luật Tạng, những người được hiểu là đồng tính (Ubhatovyanjañaka và Pandaka) không được thọ giới vì họ có thể khiến những người đồng tu ham muốn và thực hiện hành vi quan hệ tình dục.
Ngoài ra, nhiều cơ sở Phật giáo từ chối thọ giới cho những người đồng tính vì lý do hình ảnh. Các vị tu sĩ thường xây dựng hay cố gắng tu tập để xây dựng hình ảnh uy nghi, mẫu mực, đức hạnh trong mắt cộng đồng. Trong khi đó, theo quan niệm phổ thông hiện tại, những người đồng tính (ở đây muốn nói đến đối tượng nam giới có xu hướng nữ tính quá chuẩn mực thông thường hoặc là chuyển giới nữ) thường khó có thể có hình ảnh như vậy có thể làm ảnh hưởng tới hình ảnh chung của cơ sở, của tăng đoàn và của giáo hội.
3. Kết luận
Phật giáo có thể không phải là cơ sở nên tìm đến nếu muốn tìm đáp án lời cho câu hỏi đồng tính nên hay không nên vì đây không phải là vấn đề Phật giáo quan tâm. Ngoài ra, sự chia rẽ và khác biệt về giáo lý và truyền thống giữa các tông phái và địa phương trong Phật giáo là rất lớn, bao gồm cả việc có chấp nhận vấn đề đồng tính cũng như quan hệ tình dục đồng giới hay không. Điều này dẫn tới hiện tượng, có người có nơi cho rằng đó là bình thường, có nơi không, có nơi không quan tâm có nơi gay gắt.
Nếu xét về mặt bằng chung, sẽ khó có thể nói Phật giáo ủng hộ phong trào đồng tính vì vẫn có thể tìm được những dấu hiệu cho thấy có sự phân biệt đối với đối tượng này trong một số trường hợp. Tuy nhiên, Phật giáo thường cũng không phải là cộng đồng phản đối phong trào này.
--------------
Nếu không tính một số trường phái cá biệt thì hầu hết các tôn giáo lớn hiện nay đều không có chủ trương thân thiện đối với phong trào LGBT. Cá nhân mình chắc chắn là một người ủng hộ LGBT rồi, nhưng mình viết ra bài này hay những bài không phải để phê phán mà là để tăng hiểu biết lẫn nhau, để những cuộc đối thoại, tranh luận liên văn hóa, liên tôn giáo không đi vào ngõ cụt chỉ vì thiếu hiểu biết và không tôn trọng suy nghĩ của đối phương.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất