XUNG ĐỘT DẢI GAZA: Chuyện gì đang xảy ra giữa Israel và Hamas?
Một vùng đất hoang tàn, một căn cứ quân sự bị tàn phá và người dân địa phương phải chịu đựng nạn đói cùng tình trạng vô gia cư.
Cuộc xung đột Hamas - Israel đã tạo ra khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất trong nhiều năm trở lại đây Dải Gaza. Năm 2023 đã khép lại nhưng dấu hiệu chấm dứt xung đột vẫn còn rất mờ mịt. Giới phân tích nhận định trong năm 2024, cả Israel lẫn Hamas khó lòng đạt được những mục tiêu mà cả 2 phía đang kiên quyết theo đuổi.
Xung đột này đã và đang diễn ra, mang lại hậu quả nặng nề và cái chết của hàng nghìn binh sĩ cũng như dân thường từ cả hai phía.
Nguyên nhân do đâu và cuộc chiến được bắt đầu như thế nào?
Hy vọng bài viết của mình có thể làm rõ được nguyên nhân và diễn biến chiến sự tại dải Gaza.
Mình rất cảm ơn nếu các bạn có bổ sung hay góp ý thêm và nhận xét cho bài viết của mình vì có lẽ nó còn thiếu rất nhiều chi tiết. Xin cảm ơn mọi người.
I. Nguyên nhân cuộc chiến
Lịch sử ban đầu của cuộc xung đột
Cuộc chiến hiện nay không chỉ có một khởi đầu đơn giản từ mấy chục năm trở lại đây, nhưng nó đã nhen nhóm và bắt nguồn từ rất lâu. Vậy nên có lẽ chúng ta phải quay về hàng nghìn năm trước để xem nguồn gốc xuất phát của người Israel và Palestine và đặt ra câu hỏi mâu thuẫn có phải đã được bắt đầu từ nghìn năm trước hay không?
Vào thế kỷ 17 TCN, Abraham - Tổ phụ của người Do Thái, theo lời gọi của Thiên Chúa đã đến định cư tại Kanaan - một vùng đất thuộc Israel ngày nay, một phần bờ Tây và một phần dải Gaza của Lebanon, Syria và Jordan.
Khoảng năm 1000 TCN, vua Saul đã thành lập chế độ quân chủ ở Israel, sau đó vương quốc này được cai trị bởi vua David - vị vua được lựa chọn bởi Thiên Chúa, mà Chúa Giêsu sau này cũng được sinh ra từ dòng dõi của vua David. Vua David chọn Jerusalem làm kinh đô của vương quốc, cùng với vua Salomon - vị vua nổi tiếng về độ giàu có và sự thông thái- người đã xây ngôi đền đầu tiên ở Jerusalem.
Sau khi vua Salomon qua đời, vương quốc được chia thành Vương quốc Israel ở phía Bắc với Samaria là thủ đô và Vương quốc Judah ở phía Nam với Jerusalem là thủ đô.
Vùng đất trở thành nơi sinh sống của đa số người Do Thái nhưng sau đó người dân phải chịu sự kiểm soát của nhiều nhóm dân tộc khác, dẫn đến sự sụt giảm đáng kể dân số Do Thái.
Một trong những cuộc xâm lược này được thực hiện bởi đế chế La Mã, những người La Mã đã đặt tên Palestine cho Judah với ý định phá vỡ mối liên hệ của người Do Thái với vùng đất Israel.
Vào thế kỷ thứ 1, sau sự Phục sinh của Chúa Giêsu tại Jerusalem, 12 môn đệ bắt đầu công cuộc truyền giáo và KiTô giáo dần trở thành một tôn giáo có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất, mặc dù giai đoạn đầu Ki Tô giáo phải chịu sự bách hại nặng nề của người La Mã.
Vào thế kỷ thứ 7, một cuộc chinh phạt của người Ả Rập nhằm mở rộng sự ảnh hưởng của đạo Hồi, mái vòm bằng đá được xây dựng trên sự đổ nát của ngôi đền thứ hai đã khiến Jerusalem trở thành Thánh Địa của 3 tôn giáo độc thần: Do Thái giáo, Ki Tô giáo và Hồi giáo.
Từ thế kỷ 16 đến Thế chiến thứ 1, Vùng đất Thánh cùng một phần lớn Trung Đông được cai trị bởi đế chế Ottoman- một siêu cường Hồi giáo, vùng đất này đồng thời cũng được gọi một cách không chính thức là Palestine.
Lời hứa của người Anh
Người Palestine tham gia vào cuộc chiến cùng với người Anh với hy vọng đổi lại sự hỗ trợ của Anh trong việc thành lập một quốc gia Palestine độc lập. Người Anh đã hứa sẽ giúp đỡ người Palestine thông qua Tuyên ngôn Balfour năm 1917, trong đó tuyên bố ủng hộ "sự thành lập một quê hương quốc gia cho người Do Thái ở Palestine."
Tuy nhiên, sau chiến tranh, người Anh lại thay đổi lập trường và bắt đầu ủng hộ việc chia sẻ Palestine thành hai quốc gia: một quốc gia Do Thái và một quốc gia Palestine. Quyết định này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người Palestine, những người cảm thấy bị phản bội bởi người Anh và lo ngại về việc mất đất đai và chủ quyền của họ.
Xung đột giữa người Palestine và người Do Thái
Việc chia cắt Palestine đã tạo ra sự bất bình đẳng đáng kể giữa người Do Thái và người Palestine. Người Do Thái được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của cộng đồng Do Thái quốc tế và sự ưu ái của chính quyền Anh, trong khi người Palestine bị gạt ra ngoài lề và phải đối mặt với sự phân biệt đối xử.
Bất bình đẳng và sự thất vọng của người Palestine đã dẫn đến sự gia tăng bạo lực giữa hai cộng đồng. Bạo lực này tiếp tục diễn ra cho đến ngày nay, và là một trở ngại lớn cho hòa bình trong khu vực.
Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái.
Từ những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, ngày càng nhiều người Do Thái ở Châu Âu tham gia một phong trào được gọi là "Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái" nhằm tạo ra một nhà nước Do Thái chính danh trên chính mảnh đất cha ông của họ.
Nói một chút về chủ nghĩa này, một chủ nghĩa mà có lẽ đã phần nào trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc chiến giữa Israel và Hamas hiện nay.
Chủ nghĩa Phục Quốc Do Thái hay còn gọi là Chủ nghĩa Zion, là một phong trào chính trị với mục tiêu thiết lập và duy trì một nhà nước Do Thái chính danh tại vùng đất Israel.
Phong trào này xuất hiện vào cuối thế kỷ 19, khi Theodor Herzl, một nhà báo người Do Thái ở Hungary, đề xuất thành lập một quốc gia Do Thái như là giải pháp cho vấn đề phân biệt đối xử chống lại người Do Thái ở châu Âu. Herzl tin rằng người Do Thái cần có một quê hương của riêng mình để bảo vệ bản sắc và quyền lợi của họ.
Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người Do Thái trên khắp thế giới, đặc biệt là sau Nạn diệt chủng Holocaust, còn được biết đến với tên gọi Shoah, là một cuộc diệt chủng do Đức Quốc xã cùng bè phái tiến hành và dẫn tới cái chết của khoảng 6 triệu người Do Thái bao gồm 3 triệu đàn ông, 2 triệu phụ nữ và 1 triệu trẻ em trong Thế chiến II.
Biểu tượng phong trào chủ nghĩa Zion vào thập niên 1890 cũng chính là Quốc kỳ Israel hiện nay.
Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái đã góp phần quan trọng trong việc thành lập nhà nước Israel vào năm 1948 và cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến xung đột lâu dài giữa người Israel và Palestine.
II. Israel và Palestine dưới sự thống trị của Anh Quốc.
Thế Chiến Thứ Nhất kết thúc, cùng với đó là sự sụp đổ của Đế quốc Ottoman. Quốc gia Trung Đông này ngay lập tức rơi vào sự thống trị của Anh và Pháp.
Khu vực dưới sự kiểm soát của Anh được gọi là "Sự uỷ trị của người Anh đối với Palestine" cũng là nơi người Anh hứa sẽ thành lập một quê hương dân tộc Do Thái theo tuyên bố Balfour có hiệu lực vào năm 1923.
Sau đó, người Do Thái ở Châu Âu phải chịu cảnh bắt bớ giết hại của Đức Quốc Xã. Điều này khiến nhiều người phải chạy trốn khỏi nước sở tại để trở về quê hương, sau khi trở về căng thẳng giữa người Do Thái và Ả Rập cũng leo thang cực độ đến mức người Anh bị choáng ngợp trước tình hình trước mắt và phải tìm đường rút quân khỏi khu vực.
III. Sự ra đời của nhà nước Israel.
Sau thế chiến thứ 2, Liên Hợp Quốc đề xuất một kế hoạch: chia Palestine thành hai quốc gia độc lập, nhà nước Ả Rập và nhà nước Israel với Jerusalem trở thành một khu vực quốc tế có vị trí địa lý đặc biệt.
Chưa đầy một năm sau đó, khi nước Anh hoàn tất việc rút quân khỏi Palestine, Israel tuyên bố mình là một quốc gia độc lập. Đánh dấu một chương mới đẫm máu trong cuộc chiến tranh giữa người Do Thái và người Palestine.
Nakba và cuộc chiến 1948
Lúc đầu người Do Thái sở hữu ít đất đai ở Palestine vào đầu thế kỷ 20, chủ yếu dưới dạng tư nhân. Tuy nhiên, phong trào Phục quốc Do Thái đã thúc đẩy mua đất đai quy mô lớn từ người Ả Rập qua các kênh hợp pháp, thường thông qua tổ chức Zionist như Quỹ Do Thái Quốc gia (JNF). Việc mua bán này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa người Do Thái và người Ả Rập, dẫn đến một số vụ bạo lực và di dời.
Điển hình như vụ Nakba ("thảm họa" trong tiếng Ả Rập) đề cập đến sự kiện di dời và chạy trốn của người Palestine trong cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1948. Ước tính có từ 700.000 đến 900.000 người Palestine rời bỏ nhà cửa của họ. Nguyên nhân bao gồm bạo lực của các nhóm vũ trang Do Thái, lo sợ bạo lực, và khuyến khích từ các nhà lãnh đạo Ả Rập.
IV. Xung đột dải Gaza: Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas.
Chúng ta nên biết rằng, cuộc chiến hiện tại ở dải Gaza không phải là cuộc chiến duy nhất đã xảy ra ở Israel. Trước đó, cũng đã có rất nhiều cuộc chiến xảy ra.
Và có lẽ cuộc chiến Ả Rập - Israel xảy ra vào năm 1948 là cuộc chiến đã định hình bàn cờ cho đến tận thời điểm này.
Trong nỗ lực thiết lập một Palestine Ả Rập thống nhất, 5 quốc gia: Ai Cập, Jordan, Iraq, Syria và Lebanon đã xâm chiếm khu vực này. Tuy nhiên, thoả thuận ngừng bắn đã được thiết lập chỉ 1 năm sau đó. Trong đó, hơn 2/3 diện tích Palestine, những địa điểm mang tính lịch sử và bao gồm cả vùng Đất Thánh Jerusalem thuộc về Israel, trong khi Jordan chiếm đóng phía Đông Jerusalem, bờ Tây và Ai Cập chiếm đóng dải Gaza.
Kết quả, hơn 750,000 người Palestine đã bị trục xuất khỏi nơi mà họ đã sống hàng thế kỷ. Với sự tranh chấp ngày càng căng thẳng giữa người Do Thái và Ả Rập nơi đây đã dẫn đến nhiều cuộc chiến tranh hơn trong suốt những năm sau đó.
Xung đột Israel với Hamas
Đầu tiên, chúng ta cần phải tìm hiểu Hamas là ai.
Hamas là một nhóm chiến binh Hồi giáo Sunni với mục đích tiêu diệt nhà nước Israel và thành lập một nhà nước Hồi giáo.
Nhóm Hamas trở nên nổi tiếng sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Palestine năm 2006
Sau cuộc xung đột vũ trang giữa Hamas và Fatah vào năm 2007. Hamas đã tách khỏi chính quyền Palestine và lên nắm quyền ở dải Gaza.
Vậy nên, chúng ta có thể hiểu rằng Hamas hoàn toàn không đại diện cho chính quyền và người dân Palestine.
Như lời Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã khẳng định như trên trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nicolas Maduro của Venezuela hôm 15-10:
Những hành động và chính sách của phong trào Hồi giáo Hamas không đại diện cho người Palestine.
Mặc dù Hamas bị hầu hết các quốc gia phương Tây nhận định là một nhóm khủng bố. Con đường kháng cự vũ trang của họ vẫn là chìa khoá để duy trì sự ủng hộ của người Palestine vì mục tiêu của họ là chống lại sự chiếm đóng của người Israel đang diễn ra ở các vùng lãnh thổ.
Sau đó, Israel đặt Gaza trong tình trạng phong toả nghiêm ngặt, điều này dẫn đến một vài cuộc chiến tranh đẫm máu nổ ra. Bao gồm những cuộc chiến như: Chiến tranh Gaza - gọi là Chiến dịch Chì Đúc bởi Lực lượng Phòng vệ Israel và còn được gọi với cái tên Thảm sát Gaza đối với thế giới Ả Rập, là một xung đột dài ba tuần giữa Israel và Hamas xảy ra tại Dải Gaza và Nam Israel trong mùa đông năm 2008-2009. Chiến dịch Trụ cột Phòng thủ của Lực lượng Phòng vệ Israel tiến hành ở dải Gaza. Và Chiến tranh Gaza 2014, còn được biết đến với tên gọi Chiến dịch Vành đai Bảo vệ là một chiến dịch quân sự do Lực lượng Phòng vệ Israel tiến hành ở Dải Gaza của Palestine, khai hỏa vào ngày 08 tháng 7 năm 2014.
Năm 2018. Đại Sứ Quán Hoa Kỳ đã chuyển từ Tel aviv đến Jerusalem - điều được người Palestine xem như là một tín hiệu thể hiện sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Jerusalem, thủ đô của Israel.
Căng thẳng cũng ngày một leo thang ở Bờ Tây khi Israel mở rộng khu định cư và người Palestine ngày càng có cảm giác bị áp bức. Những yếu tố này cũng như sự cô lập về kinh tế và chính trị của Israel đối với Gaza cũng là nguyên nhân trung tâm của sự thù địch leo thang.
Đa số người Palestine ở Bờ Tây bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc chiến vũ trang với Israel. Một cuộc thăm dò năm 2023 do Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Khảo sát Palestine thực hiện cho thấy rằng 72% người Palestine tán thành các nhóm như The Lion's Den và Jenin Brigade- các nhóm nổi tiếng với lập trường cứng rắn để chống lại Israel.
Mà tình cảm này càng được thúc đẩy bởi các chính sách của Israel và các động thái quân sự đang diễn ra trên lãnh thổ Palestine- vốn được coi là những động thái thể hiện sự bác bỏ cho giải pháp hai nhà nước và gây ra bạo lực thường xuyên.
V. Chiến tranh Israel - Hamas 2023
Sự tấn công của Hamas
6g30 sáng ngày 7 tháng 10 năm 2023.
Hamas bắt đầu tấn công toàn diện vào Israel, cuộc tấn công này bắt đầu bằng một loạt tên lửa nhắm vào các địa điểm dân sự và quân sự quan trọng của Israel. Đồng thời, hơn 3000 chiến binh Hamas xâm nhập vào hàng rào Israel bằng cách sử dụng máy bay không người lái và vô hiệu hoá các trạm quan sát của Israel trong khi các máy bay chiến đấu và các phương tiện bắt đầu vượt qua vành đai an ninh. Hàng nghìn tay súng Hamas đã xông vào Israel giết chết 1.200 người, hầu hết là dân thường, theo thống kê của Israel. Trong số những người thiệt mạng có ít nhất 30 người Israel cũng có quốc tịch Mỹ.
Chiếm được các điểm kiểm tra và hàng rào biên giới đã cho phép các phương tiện lớn hơn đi qua trong khi lực lượng Hamas nhanh chóng giành được lãnh thổ.
Sau khi có được các trạm kiểm soát và hàng rào biên giới, Hamas đã bắt đầu một cuộc đổ bộ vào Zikim - nơi 10 thường dân đã bị sát hại tại bãi biển và 9 người khác bị bắn hạ tại một nơi trú ẩn gần đó (theo như nguồn tin của Israel).
Lực lượng phòng vệ Israel đã đáp trả bằng cách giết chết 2 chiến binh Hamas và phá huỷ 4 tàu, trong đó có 2 thuyền cao su.
Gần đó, các chiến binh Hamas cũng đã chiếm được một căn cứ quân sự gần Nahal dẫn đến cái chết của ít nhất 2 binh sĩ Israel và bắt giữ 6 người khác.
Giao tranh dữ dội cũng xảy ra tại căn cứ quân sự Ree, nơi Hamas tạm thời giành được quyền kiểm soát căn cứ và bắt được một số binh sĩ Israel, mặc dù IDF (Lực lượng phòng vệ Israel) sau đó đã dành lại được quyền kiểm soát.
Cơ sở cảnh sát Sderot cũng rơi vào sự kiểm soát của Hamas với việc các chiến binh Hamas giết chết 30 người Israel bao gồm cả cảnh sát và thường dân.
Hamas nhắm mục tiêu vào các cộng đồng nông thôn của Israel, gây ra sự tàn phá trên diện rộng và thảm sát dân sự. Nhiều con tin cũng bị bắt từ các thị trấn đông dân cư gần biên giới Gaza.
Khoảng 4.400 người đã có mặt tại lễ hội âm nhạc Nova khi lực lượng Hamas vượt qua hàng rào an ninh nghiêm ngặt của Israel. Lễ hội âm nhạc này gần như phải đối mặt với một cuộc tấn công đặc biệt tàn bạo, thương vong hàng loạt và nhiều cáo buộc về bắt giữ con tin, về bạo lực tình dục đối với phụ nữ Israel với những bằng chứng pháp y của Israel hỗ đã hỗ trợ tính xác thực cho những cáo buộc đó.
Nhưng Hamas và chính quyền Palestine đã phản bác về thương vong hàng loạt, và đổ lỗi cho Israel về các cuộc tấn công trên không nhằm đáp trả. Nhưng cảnh sát Israel cho rằng: Phản ứng trên không gây ra một phần nhỏ thương vong.
Phản ứng của Israel
Ban đầu, phản ứng quân sự của Israel có vẻ chậm chạp khi các trực thăng từ phía Bắc gặp khó khăn khi cố gắng phân biệt phiến quân Hamas và dân thường trong tình trạng hỗn loạn.
Phi công lúc đầu chọn cách bắn phá vào các mục tiêu bừa bãi. Sau 4 tiếng thì việc lựa chọn mục tiêu mới trở nên thận trọng hơn. Sự nhầm lẫn càng trở nên tồi tệ hơn khi phiến quân Hamas sử dụng chiến thuật trà trộn. Đặc biệt đối với dân thường, họ cố tình hạn chế các hoạt động tránh chạy hoặc các chuyển động đột ngột để bắt chước các hành vi dân sự điển hình trong các cuộc không kích. Chiến thuật này khiến lực lượng Israel gặp khó khăn trong việc phân biệt phiến quân và dân thường.
Khi xuất hiện trên truyền thông, thủ tướng Israel - Benjamin Netanyahu tuyên bố rằng Israel đang tham chiến và đe doạ sẽ khiến tất cả những nơi có tổ chức Hamas đang ẩn náu biến mất.
Lực lượng phòng vệ Israel đã phát động chiến dịch "thanh kiếm sắt" báo hiệu một phản ứng quân sự toàn diện đến từ Israel.
Lực lượng Israel được huy động rộng rãi và tình trạng khẩn cấp cũng được ban bố nhằm hạn chế việc di chuyển dân sự ở các khu vực gần Gaza.
Các biện pháp của IDF bao gồm việc phong toả toàn bộ Gaza, cắt điện và các nhu yếu phẩm- những hành động dẫn đến sự chỉ trích nặng nề từ các nhóm nhân quyền. Bên cạnh đó, cáo buộc Israel đã sử dụng đạn phốt pho trắng đã được Tổ Chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) và Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế (AI) xác minh nhưng đã bị chính quyền Israel bác bỏ.
Ngày 13 tháng 10, IDF đã ban hành cảnh báo sơ tán khẩn cấp ở phía Bắc Gaza, cảnh báo sơ tán này cho người Palestine chỉ 1 ngày để di dời về phía Nam. Đối mặt với điều đó, nhiều người Palestine vẫn ở nguyên vị trí cũ một phần do Hamas cũng tỏ ra thách thức trước cảnh báo này và kêu gọi người dân phớt lờ nó.
Ở giữa cơn bão chỉ trích của quốc tế với những chiến thuật của Israel, IDF đã đưa ra một cáo buộc gây tranh cãi, họ cho rằng Hamas đang sử dụng dân thường để làm lá chắn. Một cáo buộc giải thích và phản bác lại các phương tiện truyền thông quốc tế khi họ cho rằng Israel đã tấn công dân thường dọc theo các tuyến đường an toàn được chỉ định vào miền Nam Gaza.
Israel nói lực lượng của họ ở Gaza đang thực hiện các cuộc tấn công chính xác và không nhắm vào dân thường, và những cái chết dân sự đang xảy ra là vô ý.
Hệ qua chiến tranh và phản ứng quốc tế
Vào ngày 17 tháng 10, các cuộc không kích của Israel nhằm vào Hamas đã khiến hơn 70 dân thường thương vong, dẫn đến đụng độ dữ dội và gây thiệt hại đáng kể ở trại tị nạn Jabalia ngày 31-10. Cuộc tấn công này đã đặc biệt dẫn đến sự phản đối kịch liệt của Quốc tế và một số quốc gia cũng đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel.
Nhóm người sơ tán đầu tiên bao gồm những người bị thương nặng và những người nước ngoài bắt đầu rời Gaza đến Ai Cập. Vào ngày 1/11 tổng cộng 500 người sơ tán sẽ được di tản trong vài ngày cùng với 200 người đã có mặt ở biên giới. Trong khi đó, trại tị nạn Jabilia phải hứng chịu vụ đánh bom tàn khóc thứ 2 khiến văn phòng Nhân quyền của Liên hợp quốc phải bày tỏ sự lo ngại về một mối nguy tiềm tàng của tội ác chiến tranh.
2 ngày sau, một đoàn xe cứu thương bị trúng đạn trong một cuộc không kích khiến 15 người thiệt mạng và 60 người bị thương. Phía IDF tuyên bố rằng xe cứu thương đó chính là xe của phiến quân Hamas sử dụng. Tuyên bố này đã bị Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ của Palestine và các quan chức Hamas phủ nhận mạnh mẽ.
Phát ngôn viên quân đội Israel Daniel Hagari cho biết Hamas đã giấu các chiến binh của mình trong cơ sở hạ tầng dân sự.
Ông nói:
“Hamas sử dụng bệnh viện làm cơ sở hạ tầng khủng bố. Hamas đã biến bệnh viện thành trung tâm chỉ huy và trung tâm kiểm soát và là nơi ẩn náu cho những kẻ khủng bố và chỉ huy Hamas.”
Thổ Nhĩ Kỳ lên án mạnh mẽ hành động của Israel và việc họ từ chối chấp nhận lệnh ngừng bắn.
Các cuộc tấn công tiếp theo nhằm vào các bệnh viện đã khiến Tổ chức Theo dõi Nhân quyền lên tiếng kêu gọi cấm vận vũ khí đối với cả Israel lẫn Hamas. Điều này đã bị phớt lờ bởi việc Hoa Kỳ cam kết cung cấp cho Israel số bom trị giá 320 triệu đô.
Trong suốt tháng 11 giao tranh ác liệt, cuối cùng 2 bên cũng đạt được thoả thuận ngừng bắn vào ngày 22. Thoả thuận này bao gồm việc thả con tin và tạm dừng các hành động thù địch. Lệnh ngừng bắn này nhằm mục đích tạo tiền đề cho một thoả thuận hoà bình rộng lớn hơn.
Thật không may, lệnh ngừng bắn ngắn ngủi ở Gaza đã sụp đổ vào ngày 1/12. Lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza đã kết thúc lúc 12h ngày 1-12 (giờ Việt Nam), sau khi không bên nào tuyên bố đã đạt thỏa thuận gia hạn.
Quân đội Israel tuyên bố giao tranh đã nổ lại tại Dải Gaza ngay khi lệnh ngừng bắn kết thúc, cáo buộc Hamas nã rocket về phía mình ngay trước khi thỏa thuận hết hạn.
Theo quân đội Israel, lực lượng này đã đánh chặn một rocket phóng từ Dải Gaza về hướng lãnh thổ nước này. Trước đó, báo động không kích vang lên khắp thành phố Sredot và những vùng ven biên giới khác.
Theo báo Times of Israel, không lâu sau đó, báo động không kích cũng đã vang ở khu Kibbutz Holit gần phía nam Gaza. IDF cho biết đang điều tra về đợt báo động này để xác nhận đây có phải rocket thứ hai Hamas phóng vào Israel hay không.
Ở chiều ngược lại, các kênh tin tức thân Hamas tuyên bố tiếng súng và tiếng nổ đã vang ở phía bắc Dải Gaza, đặc biệt ở hướng đông bắc thành phố cùng tên.
Đài Al Jazeera xác nhận hai bên đang giao chiến ác liệt ở phía bắc dải đất này.
Mặc cho nhiều bất đồng liên quan đến leo thang xung đột tại Gaza, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục ủng hộ Israel.
Trên phạm vi quốc tế, Liên Hợp Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ thường dân và tạo điều kiện cho Viện trợ Nhân đạo khi các cáo buộc diệt chủng tiếp tục gia tăng. Mặc dù Mỹ cũng cho biết họ phủ quyết các dự thảo nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc.
Lời kết.
Bước sang năm 2024,
Xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas đã đẩy Dải Gaza vào cảnh tàn phá nặng nề, khiến khoảng 22.000 người thiệt mạng và 1,9 triệu người phải đi di tản, theo các cơ quan cứu trợ và các quan chức y tế Gaza.
Trước mắt không có giải pháp nào được đưa ra và người đứng đầu quân đội Israel dự đoán cuộc chiến sẽ kéo dài trong nhiều tháng.
Ngay cả khi chiến tranh kết thúc sớm vào năm 2024, Israel có thể sẽ duy trì chiếm đóng quân sự ở Gaza.
Không có chính quyền Palestine nào được Israel chấp nhận - kể cả Chính quyền Palestine ở Bờ Tây, bên được cho là có thể sớm tiếp quản Dải Gaza.
Còn về phía Hamas, trong kịch bản hậu chiến thứ hai, nếu ông Sinwar và các lãnh đạo chủ chốt còn sống sót sau cuộc tấn công dữ dội từ Israel, điều chờ đợi nhóm này là một vùng đất hoang tàn, một căn cứ quân sự bị tàn phá và người dân địa phương phải chịu đựng nạn đói cùng tình trạng vô gia cư.
Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng rằng 2 bên sẽ đạt được thoả thuận ngừng bắn, và sẽ không còn thêm những thường dân của Israel lẫn Palestine phải nằm xuống.
Nguồn tham khảo:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất