Thần số học có thể dễ tin hơn khi biến tấu nó bằng cách kết hợp với “Cold reading” và “hiệu ứng Barnum” (xem chú thích hai thuật ngữ này ở phần cuối bài dịch), nhưng khi hoạt động độc lập, nó chẳng hiệu nghiệm như lời đồn, và chẳng có căn cứ hợp lý nào để mà hiệu nghiệm cho được. Đây là lý do tại sao:
Numerology thường được những người ủng hộ mô tả là một môn khoa học bắt nguồn từ cái nhìn sâu sắc huyền bí về mối quan hệ giữa các con số với các đối tượng vật chất hoặc sinh vật sống. (Tham khảo tại: http://www.scientificpsychic.com/numerology.html)
Vậy có lẽ cần huy động một lực lượng vô hình, thần thánh, siêu nhiên trong vũ trụ để thực hiện công việc liên kết các con số với các sự kiện, đối tượng, chúng sanh… Chả có bằng chứng cho thấy một lực lượng như vậy tồn tại. Nhưng ngay cả khi chúng ta chấp nhận rằng: vì một lý do nào đó mà [vũ trụ / thần linh / đấng gì đó] liên kết các con số với cuộc sống của chúng ta, thì thần số học vẫn hoàn toàn nhảm c*t. Đơn giản là vì các lựa chọn về ý nghĩa, bảng chữ cái, hệ thống lịch và hệ đếm đều rất tùy tiện (chả có căn cứ gì).

1. Hệ đếm

Tình cờ chúng ta có mười ngón tay, vì vậy vào năm 2017 hầu như mọi người đều dùng hệ đếm cơ số mười, nhưng trong lịch sử các nền văn hóa khác nhau đã sử dụng nhiều hệ đếm khác nhau: từ cơ số 60 (người Babylon) đến cơ số 27 (ngôn ngữ Telefol).
Rõ ràng là sử dụng các hệ đếm khác nhau sẽ mang lại các kết quả khác nhau. Làm thế nào mà những người ủng hộ môn thần số lại biết là [vũ trụ / thần linh / đấng gì đó] cũng tính bằng hệ đếm mười?

2. Hệ thống lịch

Ngày sinh của đối tượng – một đặc điểm chung của thần số học. Làm thế nào mà những người ủng hộ thần số lại biết được [vũ trụ / thần linh / đấng gì đó] đã chọn hệ thống lịch nào khi quyết định cuộc sống của con người dựa trên ngày sinh của họ? Tại sao họ lại chọn dương lịch mà không phải là âm lịch như: lịch Hồi giáo, lịch Zoroastrian? Hay là một cuốn lịch ất ơ nào đó được tạo ra bởi người ngoài hành tinh cách xa chúng ta một tỷ năm ánh sáng trong quá khứ?
Một lần nữa, cần nhấn mạnh rằng sự lựa chọn này rất tùy tiện.

3. Bảng chữ cái

Giờ đến phần họ tên của đối tượng. Thần số học một lần nữa giả định sử dụng một bảng chữ cái cụ thể để suy ra ý nghĩa họ tên của đối tượng.
Điều này dẫn đến một câu hỏi hiển nhiên: Tại sao lại sử dụng bảng chữ cái Latinh, thay vì bảng chữ cái Hàn Quốc hoặc Kirin?
Rõ ràng là sự lựa chọn này có thể dựa trên bảng chữ cái thường dùng của nhà nghiên cứu thần số, chứ không phải là bảng chữ cái của [vũ trụ / thần linh / đấng gì đó].

4. Giải nghĩa

Điểm mấu chốt là: những ý nghĩa này đến từ đâu? Tại sao số 5 lại có nghĩa là “khao khát tự do”? Tại sao số 7 lại có nghĩa là điều này hoặc số 9 lại có nghĩa là điều kia? Làm thế nào mà các nhà thần số biết được? Họ viện dẫn Pythagoras… Nhưng ổng có nói số 5 nghĩa là tự do đâu nhỉ? Mà giả sử ổng có nói thì làm sao ổng biết được?

Kết bài:

Vì những lý do trên, có rất ít nghiên cứu nghiêm túc về thần số được thực hiện. Có hai nghiên cứu được tiến hành đều cho kết quả không khả quan. Link ở đây: https://en.wikipedia.org/wiki/Numerology#Lack_of_Evidence
(Bài dịch từ nguồn: https://qr.ae/pv9vGQ)
Chú thích:
- Cold reading (Đọc nguội): là những phương pháp được sử dụng bởi các nhà tư vấn tâm lý, các bác sĩ tâm thần, các ảo thuật gia và các thầy bói (tạm gọi là các cold readers) để xác định các thông tin cụ thể về đối tượng (người tìm đến cold reader để nghe) – thường là để thuyết phục đối tượng rằng mình rất hiểu về họ (mặc dù sự thật không phải thế). Khi không có sẵn thông tin của đối tượng, một cold reader kinh nghiệm vẫn có thể nhanh chóng có được rất nhiều thông tin về đối tượng đó bằng cách: phân tích ngôn ngữ cơ thể, giới tính và độ tuổi, quần áo phụ kiện trên người, kiểu tóc, tôn giáo, chủng tộc/ dân tộc, cách thức giao tiếp… Các cold readers thường sử dụng biện pháp suy luận với xác suất chính xác rất cao từ những tín hiệu thông tin do đối tượng cung cấp (dù là nhỏ nhất), thậm chí sau đó họ biết rằng suy đoán/nhận định của mình đã sai cũng chỉ qua quan sát. Cuối cùng là nhấn mạnh, củng cố những thông tin đúng với đối tượng trong khi nhanh chóng bỏ qua các suy đoán sai trước đó. (Xem chi tiết tại: http://lovedia.vn/cold-reading-va-3-dang-thuc-cua-tarot-reading.html)
- Hiệu ứng Barnum (hiệu ứng Forer, hiệu ứng Barnum – Forer) là hiện tượng các cá nhân đánh giá cao những mô tả riêng về tính cách họ, nhưng thực ra lại rất chung chung và đúng với nhiều người. Hiệu ứng này có thể giải thích một phần nguyên nhân gây ra sự phổ biến của những niềm tin và hành vi huyền bí như chiêm tinh, bói toán, xem tướng và một số bài kiểm tra tính cách. Những tay lừa đảo chuyên nghiệp thường lợi dụng hiệu ứng này để thuyết phục các nạn nhân rằng trước mặt họ là những người có tài năng huyền bí. Vì những lời tự nhận này không rõ ràng, nạn nhân sẽ tự giải nghĩa, từ đó “cá nhân” hoá các nhận định. Ngoài ra, người ta cũng dễ chấp nhận các đánh giá tiêu cực về bản thân hơn nếu cho rằng người đánh giá là chuyên gia lớn. (Bài viết chi tiết: https://vietcetera.com/vn/hieu-ung-barnum-manh-khoe-dang-sau-cac-bai-trac-nghiem-tam-ly)

Ý kiến của người dịch:

Sau đây mình xin được trình bày sơ qua một số điều kỳ diệu mà thần số học đã làm được:
- Một đứa dốt toán, sau khi thay tên đổi họ, đổi cả ngày sinh thì bỗng nhiên giỏi toán.
- Trong gia đình có một đứa con ngỗ nghịch, sau khi cha mẹ đổi tên cho nó, thì nó đổi tánh đổi nết, trở thành đứa con hiếu thảo ngoan hiền.
- Cả xã hội vận dụng thần số học theo gia đình này, tạo ra một thế hệ trẻ toàn những con người tốt.
- Khi mới sinh ra đứa con, cha mẹ có thể áp dụng thần số học để chọn tên và ngày sinh thật đẹp nhằm định trước cá tính, thiên hướng, đường đời, số phận của con mình.

Ê ê, tỉnh lại đi thằng dịch bài, đã bảo hàng ngon dùng ít thôi…

Nói nghiêm túc này. Theo mình biết, bộ môn Numerology bắt đầu rộ lên ở VN trong khoảng 5-7 năm trở lại đây. Một số diễn giả VN đã dịch lại tên cho nó để nghe có “mùi khoa học” hơn, họ không gọi là “thần số học” nữa, mà dịch thành: thiện số học, nhân số học… Rồi họ mở các khóa học lùa gà, nhận tư vấn cá nhân, nhận lập hồ sơ đường đời vận mệnh cho khách hàng…
Mình có tìm hiểu về thần số học qua series bài giảng của cô MC Lê Đỗ Quỳnh Hương trên youtube. Ngay tập đầu tiên của series, cô Hương đã nói “mỗi con số có một tần số rung”. Mình có search Google các kiểu mà chẳng tìm được cách xác định tần số rung của mấy con số. Rồi mình còn phát hiện cô Hương đã xuất bản một quyển sách về thần số (do First News liên kết xuất bản, NXB Tổng Hợp TPHCM cấp phép) và cô con mở những khoá học dạy về thần số.
Mình đang có một số thắc mắc (sẽ hậu tạ nếu ai giải đáp được) như sau:
1. Theo những tài liệu về thần số thì ông tổ của thần số là Pythagoras. Thời Pythagoras, người ta dùng bảng chữ cái Hy Lạp chứ không phải chữ cái La Tinh. Các nhà thần số hiện đại đã convert từ chữ cái Hy Lạp (24 ký tự) sang chữ cái La Tinh (26 ký tự) theo công thức nào?
2. Với những người ở các nước không dùng bảng chữ cái La Tinh (như Nga, Trung, Hàn, Ả Rập…) thì các nhà thần số giải mã theo tên bằng cách nào cho thống nhất kết quả? Ví dụ: Seneca hay Sénèque là tên của một vị triết gia người La Mã nhưng cách viết tên của ông theo tiếng Anh khác với tiếng Pháp, đương nhiên kết quả giải mã thần số sẽ khác nhau. Cái nào đúng?
3. Vào thời Pythagoras (580-490 TCN) tây lịch chưa xuất hiện, và cách tính lịch thời đó cũng rất khác bây giờ. Tây lịch ra đời vào năm 1582 do Giáo hoàng Grêgôriô XIII đưa ra. Các nhà thần số hiện đại đã convert lịch thời của Pythagoras sang Tây lịch bằng công thức nào?
Mình đã vào rất nhiều group thần số để đăng bài hỏi về những thông tin trên nhưng không hiểu sao bài của mình không bao giờ được duyệt. Mình chuyển sang inbox hỏi các coach dạy về thần số và các ad trong các group thần số thì chẳng ai chịu rep, cả cô MC Lê Đỗ Quỳnh Hương cũng không rep, thậm chí có coach còn block mình luôn. Không biết mình đã làm điều gì sai hay là những người kia ích kỷ không chịu chỉ?
Mong bạn nào cho rằng thần số là môn khoa học thì hoan hỉ giải đáp giúp 3 câu hỏi trên để mình mở mang tầm mắt. Nếu bạn giải đáp được 3 câu hỏi trên một cách khoa học, mình xin hậu tạ bạn một khoản tiền đúng bằng số tiền học phí mà một người phải đóng khi tham gia khoá học thần số của cô MC Lê Đỗ Quỳnh Hương (theo mình tìm hiểu thì học phí là 5 triệu).
Một video phân tích thần số của Hitler và Trump, kết quả là:
- Hitler là người nhân đạo, giàu tình cảm.
- Donald Trump không được sinh ra trong gia đình giàu có.
Theo các bạn, phán như thế thì "thần kinh" hay "thần số"?
Thông tin Pythagoras là ông tổ của thần số học cũng không có căn cứ. Các bạn có thể tham khảo thêm bài của Monster Box về thần số học tại link: https://www.facebook.com/teammonsterbox/posts/2906028563011224

Tóm lại: thông tin “thần số học là môn khoa học” chỉ là lừa đảo. Không phải cuốn sách nào do những người nổi tiếng (thậm chí là thạc sĩ, tiến sĩ) viết ra cũng được coi là khoa học.