Vị tác giả nổi tiếng này chắc chắn là một người kể chuyện rất hay và một nhà hùng biện tài năng. Nhưng ông ta đã đánh đổi khoa học lấy chủ nghĩa giật gân và công trình của ông ta thì rặt những sai lầm. 
Bài dịch của Darshana Narayanan trên tờ Current Affair - Người dịch: Vương Vi
--------------
Hãy xem thử những video của Yuval Noah Harari, tác giả cuốn sách vô cùng nổi tiếng Sapiens: A Brief History of Humankind [Sapiens: Lược sử loài người [hay Sapiens]] xem, và bạn sẽ thấy rằng người ta hỏi ông ta cả đống những câu hỏi kỳ thú.
 “Trăm năm kể từ bây giờ, ông có nghĩ chúng ta còn quan tâm đến việc được hạnh phúc không?” – Nhà báo Canada Steve Paikin, trong mục “Chương trình của Steve Paikin”.
Những gì tôi làm liệu có còn hợp lý hay không và tôi cần làm gì để chuẩn bị cho tương lai?” – Một sinh viên ngôn ngữ thuộc trường Đại học Antwerp hỏi.
Vào phần cuối quyển Sapiens, ông nói chúng ta nên đặt câu hỏi, “Chúng ta muốn chúng ta muốn gì?" Vậy thì, ông cho rằng chúng ta muốn chúng ta muốn gì?” – Một khán giả tại TED Dialogues, Chủ nghĩa Dân tộc và Chủ nghĩa Toàn cầu: Sự phân đôi chính trị mới.
Ông đang là người luyện tập Vipassana [ND: Một trường phái thiền, đặt nặng về sự tĩnh lặng, bình yên tâm hồn]. Vậy điều đó có khiến ông tới gần thần lực hơn không? Có phải đó là nơi khiến ông tới gần thần lực?” – Chủ tọa tại India Today Conclave 2018.
Thái độ của Harari nhẹ nhàng, thậm chí đôi khi còn nhút nhát, trong các lần gặp gỡ này. Đôi khi, ông đùa rằng ông ta chẳng sở hữu quyền lực nhìn trước tương lai gì đâu, rồi nhanh chóng trả lời câu hỏi đó với một thẩm quyền khiến bạn phải tự hỏi rằng, có khi ông ấy có khả năng đó thật. Hàng trăm năm kể từ đây về sau có nhiều khả năng là loài người sẽ biến mất, và những giống loài rất khác như người máy hay A.I. sẽ phát triển trên Trái Đất – Harari trả lời Paikin, nói (thêm) rằng sẽ thật khó để dự đoán xem “giống loài đó sẽ có những cảm xúc hay tâm lý gì”. Ông khuyên các sinh viên đại học hãy đa dạng hóa, bởi thị trường việc làm năm 2040 sẽ có rất nhiều biến động. Ông tuyên bố rằng chúng ta “nên muốn chúng ta muốn sự thật” tại TED Dialogues. “Tôi tập Vipassana để nhìn thấy thực tại rõ ràng hơn” - Ông trả lời câu hỏi của India Today Conclave mà không hề cười trước sự ngớ ngẩn của nó. Một lúc sau, ông nói thêm: “Nếu tôi không thể quan sát thực tế hơi thở của mình trong 10 giây, làm sao tôi có thể quan sát thực tế hệ thống địa chính trị?”.
Nếu bạn vẫn chưa thôi thắc mắc, hãy cân nhắc rằng: Trong những môn đệ của Harari có những người quyền lực nhất thế giới, và họ đến với ông ta như những vị vua cổ đại đến với vị tư tế của mình. Mark Zuckerberg hỏi Harari rằng liệu công nghệ có đang khiến loài người đang trở nên đoàn kết hơn hay chia rẽ hơn không? Giám đốc Điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã hỏi ông rằng liệu các bác sĩ có phụ thuộc vào Thu nhập cơ bản chung trong tương lai hay không [UBI] (A). Giám đốc điều hành của Axel Springer, một trong những nhà xuất bản lớn nhất ở châu Âu, hỏi Harari rằng các nhà xuất bản nên làm gì để thành công trong thế giới kỹ thuật số. Một người phỏng vấn từ (UNESCO) hỏi ông rằng COVID sẽ có ảnh hưởng gì đối với hợp tác khoa học quốc tế. Để ủng hộ các tuyên ngôn nửa vời của Harari, mỗi người đã tự lật đổ đức tin của họ. Và họ không làm điều đó trước một chuyên gia tài năng trong ngành dọc của họ, mà là trước một nhà sử học. Một người mà, theo nhiều cách, là một tay bịp bợm về nhiều thứ, nhưng đặc biệt là về khoa học.
----------------
Đây là một quãng thời gian khó khăn, và chúng ta - tất cả chúng ta - đều đang đi tìm những câu trả lời cho những câu hỏi mật thiết về sự sống và cái chết. Liệu mã gen của chúng ta có chứa đựng chìa khóa để hiểu mọi thứ về con người không? Liệu công nghệ sẽ cứu rỗi hay phá hủy chúng ta? Sự thèm muốn có một người dẫn lối thông tuệ không phải một điều quá khó hiểu. Một dạng tiên tri mạnh dạn vượt qua nhiều lĩnh vực để đưa ra những câu trả lời dễ đọc, tự tin, gắn tất cả lại với nhau qua những trang sách mỏng. Nhưng liệu điều đó có thực tế không?
Điều khiến tôi sợ hãi là, đối với nhiều người, câu hỏi này dường như vô nghĩa. Quyển sách nổi tiếng nhất của Harari, Sapiens, là một câu chuyện sâu sắc về loài người — từ từ khởi đầu là linh trưởng khiêm tốn của chúng ta cho đến một tương lai nơi chúng ta sẽ tạo ra các thuật toán có khả năng hạ bệ và thống trị chúng ta. Sapiens được xuất bản tại Anh vào năm 2014, và tới 2019 nó đã được dịch trên 50 ngôn ngữ và bán được 13 triệu bản. Nguyên Tổng thống Barack Obama khi giới thiệu quốc sách trên CNN vào năm 2016 đã nói rằng, cuốn Sapiens cũng giống như Kim tự tháp Giza, cho ông “một cảm quan” về nền văn minh phi thường của chúng ta. Harari sau đó đã xuất bản thêm hai cuốn sách bán chạy - Homo Deus: Lược sử Tương lai [Homo Deus] (2017) và 21 bài học cho thế kỷ 21 (2018). Nhìn chung thì sách của ông đã bán được hơn 23 triệu bản trên toàn thế giới. Ông được coi là nhà trí thức được săn đón nhất trên thế giới, đưa ông vươn cao và xa hơn nữa, kiếm về hàng trăm nghìn đô la mỗi lần diễn thuyết.
Chúng ta bị Harari quyến rũ không phải nhờ tài năng học thuật của ông mà là tài năng kể chuyện. Như một nhà khoa học, tôi biết việc biến những vấn đề phức tạp trở nên thú vị và dễ hiểu khó khăn tới chừng nào. Tôi cũng biết khi nào khoa học bị đánh đổi lấy chủ nghĩa giật gân [sensationalism]. Tôi gọi người như Yuval Harari là “một nhà khoa học dân túy”. (Nhà tâm lý học lâm sàng người Canada kiêm thầy phán YouTube Jordan Peterson là một ví dụ khác). Các nhà khoa học dân túy là những người kể chuyện tài ba, những người có khả năng thêu dệt những sợi tơ của chủ nghĩa giật gân quanh những “sự thật” khoa học theo một ngôn ngữ đơn giản, thuyết phục. Các câu chuyện của họ phần lớn không còn một chút sắc độ hay sự nghi ngờ nào, tạo cho họ một bầu không khí uy quyền giả tạo - và làm cho thông điệp của họ trở nên thuyết phục hơn. Cũng giống như những đồng nghiệp của họ trong mảng chính trị, các nhà khoa học dân túy là nguồn cơn của những thông tin sai lệch. Họ quảng bá những cuộc khủng hoảng sai lầm trong khi tự trưng trổ như là những người có câu trả lời. Họ hiểu sức hấp dẫn của một câu chuyện được kể hay, họ không ngừng mở rộng tệp khán giả của mình và chẳng bận tâm rằng nền tảng khoa học đang bị bẻ cong trong nỗ lực theo đuổi danh tiếng và sức ảnh hưởng.
Trong thời đại hiện nay, cách kể chuyện tốt cần thiết hơn bao giờ hết, nhưng cũng rủi ro hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi nó liên quan đến khoa học. Khoa học cung cấp thông tin về y tế, môi trường, luật pháp và nhiều quyết định công khác, cũng như ý kiến cá nhân của chúng ta về những điều cần cảnh giác và cách chúng ta sống. Các hành động xã hội và cá nhân quan trọng dựa vào những hiểu biết tốt nhất của chúng ta về thế giới xung quanh. Giờ ta đang cần chúng hơn bao giờ hết,  đặc biệt là khi chúng ta bị vây quanh bởi dịch bệnh, và biến đổi khí hậu thì đang dần trở nên tồi tệ hơn.
Đã đến lúc chúng ta phải đưa Nhà tiên tri Dân túy và những người khác như ông ta vào những sự giám sát nghiêm cẩn.
Điều này có thể gây ngạc nhiên, nhưng tính xác thực thông tin trong các cuốn sách của Yuval Harari nhận được rất ít đánh giá từ các học giả hoăc các nhà xuất bản quan trọng. Cố vấn luận án của chính Harari, Giáo sư Steven Gunn của Oxford - người đã hướng dân nghiên cứu của Harari về “Hồi ký quân sự thời Phục hưng: Chiến tranh, Lịch sử và Bản sắc, 1450 - 1600”, đã thừa nhận một điều đáng kinh ngạc: Rằng học trò cũ của ông đã gần như tìm cách tránh né quá trình kiểm tra sự thật [fact-checking]. Trong profile của Harari năm 2020 đăng trên tờ New Yorker, Gunn cho rằng Harari, đặc biệt là trong cuốn Lược sử Loài người của mình, đã “né quanh” bằng cách “nói rằng, “hãy hỏi một câu hỏi rộng đến nỗi không ai có thể chỉ ra lỗi sai của từng chi tiết”... Không một ai trên đời này có thể là một chuyên gia về tất cả mọi thứ, về lịch sử của tất cả mọi người, xuyên suốt một khoảng thời gian dài”.
Dù vậy, tôi cũng đã cố gắng kiểm tra sự thật trong cuốn Lược sử - cuốn sách đã bắt đầu tất cả. Tôi đã tham khảo ý kiến của các đồng nghiệp trong cộng đồng khoa học thần kinh và sinh học tiến hóa và nhận thấy rằng Harari có vô cùng nhiều lỗi, nhiều đến nỗi chỉ ra chúng không thể chỉ là việc phán xét nhặt nhạnh quan liêu. Mặc dù được bán như một quyển sách không-giả tưởng [non-fiction], nhưng nhiều câu chuyện trong sách của ông ta lại gần với giả tưởng hơn là thực tế - cũng là những dấu hiệu cho một tay khoa học dân túy.
Hãy bắt đầu với “Phần 1: Cuộc Cách mạng nhận thức”, nơi Harari viết về loài người chúng ta nhảy vọt lên đầu chuỗi thức ăn, vượt lên những loài như sư tử.
“Hầu hết những động vật ăn thịt đứng đầu của hành tinh là những sinh vật oai hùng và tự trọng. Hàng triệu năm thống trị đã làm chúng đầy sự tự tin. Sapiens ngược lại, giống như một nhà độc tài của những quốc gia nhỏ chuyên sống bằng trồng chuối bán chuối lấy ngoại viện. Sau một thời gian vừa mới đây còn là một trong những con thú yếu kém của đồng cỏ, chúng ta có đầy những sợ hãi và những lo lắng với vị trí mới của chúng ta, làm cho chúng ta độc ác và nguy hiểm gấp đôi”. [ND: Hầu như các phần trích trong quyển Sapiens sẽ lấy từ bản dịch chính thức tiếng Việt (một bản dịch vô cùng tồi tệ) chỉ trừ những đoạn nào tối nghĩa/cần rút ngắn. Bản dịch của quyển Homo Deus lấy trên mạng của blogger Lê Dọn Bàn. Bác này dịch cho vui nên thôi có nhiều chỗ sai sót cũng không đáng nói lắm].
Harari kết luận rằng, “Nhiều những tai ương lịch sử, từ những chiến tranh chí tử hàng loạt, đến những thảm họa trong môi trường sinh thái, đã là kết quả từ bước nhảy quá vội vàng này”.
Với tư cách một nhà sinh học tiến hóa, tôi phải nói rằng: Đọc đoạn này mà tôi sôi máu. Chính xác thì điều gì đã tạo ra một con sư tử “tự tin”? [ND: Ngoặc kép nhấn mạnh của người dịch]. Một tiếng gầm lớn chắc? Một bầy sư tử cái? Một cái “bắt chân” thật chặt? Kết luận của Harari dựa trên quan sát thực địa hay thí nghiệm trong phòng nghiên cứu? (văn bản không hề đề cập đến việc ông ấy lấy nguồn ở đâu). Có thât sự là sự lo lắng khiến loài người độc ác hay không? Có phải ý ông ta là, nếu chúng ta dành nhiều thời gian hơn để từ từ vượt lên đầu chuỗi thức ăn, thì hành tinh này sẽ không có chiến tranh hoặc sự biến đổi khí hậu nhân tạo?
Đoạn văn này gợi tưởng đến phim Vua Sư Tử -Mufasa hùng tráng nhìn về hướng chân trời và nói với Simba rằng mọi nơi mà ánh sáng chạm vào đều là lãnh địa của họ. Cách kể chuyện của Harari quyến rũ và gợi tả, nhưng hoàn toàn không có tý khoa học nào.
Tiếp đến, hãy nói về vấn đề của ngôn ngữ. Harari nói rằng có “rất nhiều động vật, bao gồm tất cả họ linh trưởng và khỉ, có ngôn ngữ nói”.
Tôi đã dành một thập kỷ học về cách giao tiếp bằng giọng nói ở loài khỉ đuôi sóc, một loài khỉ Tân thế giới. (Thỉnh thoảng, bọn nó giao tiếp với tôi bằng cách tè về hướng tôi). Tại Viện Nghiên cứu Khoa học Thần kinh của Princeton, nơi tôi nhận bằng tiến sĩ, chúng tôi đã nghiên cứu (1) cách hành vi giọng nói xuất hiện từ sự tương tác của các hiện tượng tiến hóa, phát triển, tế bào thần kinh và cơ sinh học. Công trình của chúng tôi đã thành công trong việc phá vỡ niềm tin giáo điều rằng giao tiếp của khỉ (không giống như giao tiếp của con người) được lập trình sẵn thành các mã thần kinh hoặc mã di truyền. Trên thực tế, chúng tôi đã phát hiện ra rằng (2) lũ khỉ con học cách “nói chuyện” với sự giúp đỡ của cha mẹ chúng, theo cách tương tự như cách học của trẻ sơ sinh loài người.
Tuy nhiên, ngược lại với tất cả những điểm tương đồng với con người, không thể nói rằng khỉ có “ngôn ngữ”. Ngôn ngữ (3) là một hệ thống ký hiệu ràng buộc quy tắc trong đó các ký hiệu (từ, câu, hình ảnh, v.v.) đề cập đến con người, địa điểm, sự kiện và các mối quan hệ trên thế giới — nhưng cũng gợi lên và tham chiếu các ký hiệu khác trong cùng một hệ thống (ví dụ: từ định nghĩa các từ khác).Tiếng kêu báo động của khỉ, và tiếng hót của chim và cá voi, có thể truyền thông tin; nhưng chúng ta - như triết gia Đức Ernst Cassirer đã nói - sống trong “một chiều hướng mới của thực tại” (4) có thể thực hiện được bằng cách tiếp thu một hệ thống biểu tượng.
Các nhà khoa học có thể có các lý thuyết khác nhau về cách ngôn ngữ hình thành, nhưng tất cả mọi người - từ các nhà ngôn ngữ học như Noam Chomsky và Steven Pinker, đến các chuyên gia về giao tiếp linh trưởng như Michael Tomasello và Asif Ghazanfar - đều đồng ý rằng, mặc dù tiền tố [để tạo ra ngôn ngữ] có thể được tìm thấy ở các loài động vật khác, ngôn ngữ là duy nhất của con người. Đó là một câu châm ngôn được dạy trong các lớp sinh học đại học trên khắp thế giới và một câu châm ngôn có thể được tìm thấy dễ dàng thông qua tìm kiếm trên Google.
Các đồng nghiệp khoa học của tôi cũng có vấn đề với Harari. Nhà sinh vật học Hjalmar Turesson chỉ ra rằng khẳng định của Harari rằng tinh tinh “hình thành những tình bạn thân thiết, cùng đi săn và cùng chiến đấu kề cận nhau chống lại loài baboon, loài báo và những con chimpanzee đối địch” [lol sách Việt dịch chán thật] không thể là sự thật bởi vì báo gepa [cheetah, không hiểu sao ông dịch giả tiếng Việt không dịch] và tinh tinh (5) (6) không sống ở các khu vực giống nhau của châu Phi. “Harari có thể nhầm lẫn giữa báo gêpa với báo hoa mai,” Turesson nói.
Có thể chuyện phân biệt giữa báo hoa mai và báo gêpa không quan trọng lắm vì nó chỉ là tiểu tiết. Dù sao thì Harari cũng đang viết truyện cho con người thôi mà. Tiếc thay, đến cả giống loài chúng ta ông ấy cũng sai. Trong quyển Sapiens chương “Hòa bình trong thời chúng ta”, Harari dùng người Waorani của Ecuador làm ví dụ để chỉ ra rằng theo lịch sử thì “sự suy giảm của bạo lực phần lớn nhờ sựu trỗi dậy của các Nhà nước”. Ông ta nói rằng người Waorani bạo lực bởi vì họ “sống trong sâu thẳm rừng Amazon, không có quân đội, cảnh sát hay nhà tù”. Đúng là người Waorani từng có thời có tỷ lệ g.i.ết người cao nhất trên thế giới, nhưng họ đã sống tương đối hòa bình từ những năm 1970 (7). Tôi đã trò chuyện với Ander Smolka, một nhà di truyền học thực vật, người đã tình cờ có thời gian sống cùng người Waorani vào năm 2015. Smolka nói rằng luật của Ecuador không được thực thi trong rừng, và người Waorani không có cảnh sát hay nhà tù của riêng họ. “Nếu thật sự họ có chọi thương với nhau như trước kia thì chắc hẳn tôi đã phải nghe về nó”, anh ấy nói. “Tôi đã đến đó để làm tình nguyện viên cho một dự án du lịch sinh thái, vì vậy sự an toàn cho du khách của chúng tôi là một vấn đề khá lớn”. Ở đây Harari đã sử dụng một ví dụ cực kỳ yếu kém để biện minh cho sự cần thiết của nhà nước cảnh sát nổi tiếng bạo lực và phân biệt ch.ủng tộc của chúng ta.
Những chi tiết này có vẻ vụn vặt, nhưng mỗi chi tiết đều là một khối đá vụn vỡ trong những gì mà Harari viết ra như thể là một nền tảng chắc nịch. Nếu chỉ cần một lần đọc lướt đã chỉ ra bao nhiêu lỗi sai cơ bản thế này, tôi tin rằng việc kiểm tra kỹ lưỡng sẽ dẫn đến việc từ chối xuất bản cuốn sách luôn (I).
Harari thường không chỉ mô tả quá khứ của chúng ta; ông ấy đang tiên lượng về tương lai của chính nhân loại. Tất nhiên, ai cũng có quyền suy đoán về tương lai của chúng ta. Nhưng điều quan trọng là phải tìm hiểu xem những tiên đoán này có hợp lý hay không, đặc biệt là khi người đưa ra tiên đoán đấy được trọng dụng bởi những người thuộc giới tinh hoa, những người có khả năng ra quyết định lên thế giới chúng ta, và Harari là một người tiên đoán như vậy. Những tiên đoán sau có hậu quả thật sự. Chúng có thể đánh lừa các bậc phụ huynh hy vọng rằng kỹ thuật di truyền sẽ xóa bỏ chứng tự kỷ, dẫn đến việc cả một số tiền khổng lồ bị đổ vào những dự án không lối ra, hoặc khiến chúng ta không chuẩn bị được cho các mối đe dọa như đại d.ịch.
Giờ hãy cùng đọc những gì Harari nói về đ.ại d.ịch trong cuốn sách xuất bản năm 2017 của ông, Homo Deus:
Như thế, trong cuộc tranh đấu chống những thiên tai như AIDS và Ebola, cán cân đang nghiêng sang ủng hộ loài người. Nhưng thế còn những nguy hiểm dính chặt như di truyền trong chính bản chất con người? Công nghệ sinh học cho phép chúng ta đánh bại bacteria và virus, nhưng đồng thời nó xoay chính con người vào trong một đe dọa chưa từng có. Cùng những dụng cụ tương tự cho phép những y sĩ nhanh chóng định và chữa những bệnh mới này, cũng có thể cho phép những đội quân và những người khủng bố để nghĩ ra và sắp đặt những bệnh ngay cả còn khủng khiếp hơn, và những pathogen đưa đến tận thế. Đó là vì sao những bệnh dịch lớn sẽ tiếp tục gây nguy hiểm cho loài người trong tương lai, nhưng chỉ nếu khi tự con người tạo ra chúng, trong việc tuân hành hay phụng sự một số hệ ý thức tàn nhẫn. Thời đại trong đó loài người chịu đứng bất lực trước những bệnh dịch tự nhiên có lẽ đã qua. Nhưng chúng ta có thể sẽ đi đến tiếc nhớ nó. [Ngoài lề một chút, sao cả hai cuốn này đều dịch tệ vậy? Nhưng chỉ nếu khi?].
Tôi ước gì chúng ta có thể nhớ tiếc dị.ch bệnh luôn ấy. Thay vào đó, hơn 6 triệu người đã c.h,ế.t bởi COVID (8) theo số liệu chính thức, với con số ước lượng lên từ 12 tới 22 triệu người (9). Tùy bạn nghĩ liệu con virus SARS-CoV-2 đến từ thiên nhiên hoang dã hoặc từ Viện Virus họ.c V.ũ Hán, chúng ta đều có thể đồng ý rằng đạ.i dịch không được tạo ra để “phụng sự một số hệ ý thức tàn nhẫn”.
Dường như Harari không thể sai lầm hơn nữa, thế cơ mà, đúng như một tay khoa học dân túy chính hiệu, ông ta tiếp tục đưa ra những kiến thức tưởng chừng là chuyên môn của mình bằng cách xuất hiện trên đủ mọi chương trình trong thời gian đại dịch diễn ra. Ông ấy xuất hiện trên NPR (10), nói về “cách giải quyết cả dịch bệnh lẫn hậu quả từ suy thoái kinh tế”. Ông ấy tham gia chương trình của Christiane Amanpour (11) để làm nổi bật “những câu hỏi chính xuất hiện từ đợt bùng phát COVID”. Sau đó là trên BBC Newsnight (12), khi ông ta đưa ra một “quan điểm lịch sử về corona”. Ở podcast của Sam Harris (13) [ND: cũng là một tay dân túy khoa học ngớ ngẩn tự ghét bản thân] thì ông ấy đổi vai một chút, nói về “những ý nghĩa của COVID trong tương lai”. Harari cũng có thười gian để xuất hiện trên kênh Iran International với Sadeq Saba (14), trên kênh India Today E-Conclave Corona Series (15) và một loạt các kênh tin tức khác (16) trên khắp thế giới.
Sử dụng các cơ hội đó để thúc đẩy một cuộc khủng hoảng giả - một đặc điểm khác của những nhà khoa học dân túy - Harari đưa ra những cảnh báo nghiêm trọng (17) về những thứ gọi là “giám sát sát sườn” [under-the-skin serveillance] (cũng phải thừa nhận là một ý tưởng đáng lo ngại thật).  “Như một thử nghiệm suy nghĩ”, ông nói, “hãy nghĩ về việc một chính phủ giả định yêu cầu người dân phải đeo vòng tay sinh trắc học tđể theo dõi nhiệt độ cơ thể và nhịp tìm 24 giờ một ngày”. Điều tốt, ông cho biết, là chính phủ có thể dùng những thông tin đó để ngăn ngừa dịch bệnh trong vài ngày. Điều hạn chế là nó có thể cung cấp cho chính phủ một hệ thống giám sát nâng cao, bởi vì “nếu bạn có thể theo dõi những gì xảy ra với nhiệt độ cơ thể, huyết áp và nhịp tim của tôi khi tôi xem video clip, bạn có thể biết được điều gì khiến tôi cười, điều gì khiến tôi khóc, và điều gì khiến tôi thực sự, thực sự tức giận ”.
Cảm xúc của con người và những biể hiện cảm xúc của chúng ta là rất chủ quan và có thể thay đổi được. Có sự khác biệt về cả mặt văn hóa lẫn cá nhân trong cách chúng ta diễn giải cảm giác của mình. Cảm xúc của chúng ta không thể bị dò ra chỉ từ các biện pháp sinh lý bị tước khỏi thông tin ngữ cảnh (kẻ thù lâu năm, người yêu mới và caffein đều khiến tim ta đập mạnh hơn). Điều này vẫn đúng (18) ngay cả khi các biện pháp sinh lý mở rộng ra như theo dõi nhiệt độ cơ thể, huyết áp và nhịp tim. Thậm chí, nó vẫn đúng ngay cả khi các chuyển động trên khuôn mặt được theo dõi. Ngược lại với niềm tin cố hữu, các nhà tâm lý học như Lisa Feldman Barrett  phát hiện ra rằng ngay cả những cảm xúc như buồn bã và tức giận cũng không phải là phổ quát (19). “”Những biểu hiện trên khuôn mặt không tự nó mang ý nghĩa cảm xúc để ta đọc được như thể đọc chữ trên tờ giấy”, Feldman Barrett giải thích. Đây cũng là lý do vì sao chúng ta chưa (20) tạo ra được các hệ thống công nghệ để nhận biết việc tôi hay bạn đang cảm thấy gì tại một thời điểm nào đó (và có thể cũng là lý do vì sao chúng ta sẽ chẳng bao giờ xây dựng được một hệ thống đọc tất cả mọi thứ ở tất cả mọi lúc như vậy).
Những tuyên bố của Harari là vô giá trị với khoa học, nhưng chúng không thể bị bác bỏ. “Chúng ta đang sống trong thời kỳ kỹ thuât số panopticon” [ND: Panopticon: Sự giám sát toàn cảnh - một khái niệm của triết gia người Pháp Michel Foucault dưa trên ý tưởng về nhà tù mà tù nhân luôn cảm thấy có người giám sát mình, nhưng không biết họ là ai, khi nào của triết gia người Anh Jeremy Bentham nhằm nói về sự giám sát xã hội qua các quyền lực mềm], đồng nghiệp của tôi, nhà thần kinh học Ahmed El Hady nói. Các tập đoàn và chính phủ liên tục theo dõi chúng ta. Nếu chúng ta để những người như Harari thuyết phục chúng ta rằng các công nghệ giám sát có thể “biết về chúng ta nhiều hơn chúng ta biết về chính mình”, chúng ta đang tạo cơ hội để các công nghệ đó gaslight mình [ND: Gaslight: Thuật ngữ tâm lý phát triển từ vở kịch cùng tên, nói về việc người ta dần dần tin vào những gì bị nói dối qua các thủ thuật tâm lý và áp lực]. Và điều đó có ý nghĩa trong thế giới thực với những kết quả tồi tệ hơn, chẳng hạn như quyết định ai là người có thể tuyển dụng hoặc ai gây ra rủi ro bảo mật dựa trên sự khôn ngoan được cho là của một thuật toán.
Những dự đoán của Harari dựa trên những hiểu biết kém cỏi của ông về khoa học. Chẳng hạn, những dự đoán của ông về tương lai sinh học của chúng ta dựa trên quan điểm đặt gen vào trọng tâm của sự tiến hóa - một góc nhìn mà đáng buồn thay đã thống trị các cuộc thảo luận trong công chúng nhờ những nhân vật nổi tiếng như ông. Chủ nghĩa giản lược như vậy thúc đẩy một cái nhìn đơn giản về thực tại, và thậm tệ hơn, còn lấn dần sang lãnh địa của chủ nghĩa ưu s.inh một cách vô cùng nguy hiểm [ND: Chủ nghĩa ưu sinh: là Chủ nghĩa áp dụng khoa học hoặc phong trào sinh học-xã hội ủng hộ việc sử dụng các phương thức nhằm cải thiện cấu tạo gen của dân số, loại bỏ những “nguồn gen không mong muốn” (người yếu đuối, khuyết tât, mắc bệnh bẩm sinh) thường được sử dụng cho các mục đích… không hay lắm].
Trong chương cuối quyển Sapiens, Harari viết:
“Tại sao không trở lại bàn vẽ đồ thị tạo dựng của Gót và thiết kế một loài Sapiens tốt hơn? Những khả năng, những nhu cầu và những mong muốn của Homo Sapiens có một cơ sở gene di truyền, và genome Sapiens thì không phức tạp gì nhiều hơn so với của loài vole và loài chuột. (Genome chuột có chứa khoảng 2,5 tỉ nucleobases, bộ gen Sapiens khoảng 2,9 tỉ nucleobases – có nghĩa của người chỉ lớn hơn của chuột có 14 phần trăm). [...] Nếu kỹ thuật di truyền có thể tạo ra những con chuột kỳ tài, đầy khả năng và hết sức thông minh, tại sao không những con người kỳ tài? Nếu nó có thể tạo ra chuột đồng chung thuỷ một vợ một chồng, tại sao không con người, được (sửa đổi gene) “gắn nối mạch điện” để trung thành với vợ hay chồng của họ?” (II)
Tiện lợi xiết bao nếu kỹ thuật gen là một chiếc đũa thần - chỉ cần một vẩy đũa là có thể biến mọi tay chơi thành những kẻ chung thủy và toàn nhân loại thành Einstein. Đáng buồn là không phải vậy. Giả sử chúng ta muốn trở thành một giống loài hòa bình. . Các nhà khoa học (21) đã phát hiện ra rằng hoạt động thấp của gen monoamine oxidase-A (MAO-A) có liên quan đến hành vi hung hăng và hành vi phạm tội bạo lực — nhưng ngay cả trong trường hợp chúng ta bị cám dỗ để “quay về bản vẽ của Chúa và thiết kế ra một Sapiens tốt hơn” (như Harari nói rằng chúng ta có thể), thì không phải tất cả những người có hoạt động MAO-A thấp đều bạo lực, cũng như không phải tất cả những người có hoạt động MAO-A cao đều hòa bình. Những người lớn lên trong môi trường bị lạm dụng nặng nề thường có khả năng trở nên hung dữ hoặc bạo lực, bất kể gen của họ thế nào. Ngược lại, khi trẻ em được lớn lên trong môi trường yêu thương và được ủng hộ, thì ngay cả những em nhỏ có lượng MAO-A hoạt động thấp vẫn thường phát triển mạnh.
Gen của chúng ta không phải là kẻ thao túng cuộc sống của chúng ta, kéo những sợi dây phù hợp vào đúng thời điểm để điều khiển các sự kiện tạo ra ta. Khi Harari viết về việc thay đổi sinh lý hoặc chỉnh sửa con người để ta trở nên chung thủy hoặc thông minh, ông ta đã bỏ qua nhiều cơ chế phi di truyền tạo nên con người.
Ví dụ ,ngay cả một yếu tố tưởng chừng căn cốt của chúng ta như sinh lý học - việc các tế bào phân chia, di chuyển, quyết định số phận của chúng ta vổ chức thành các mô và cơ quan - cũng không được tạo ra bởi một mình gen. Vào thập niên 80, nhà khoa học J.L. Marx (22) đã tiến hành một chuỗi các thí nghiệm lên loài Xenopus (một loại ếch thủy sinh bản địa tại vùng châu Phi cận Sahara) và phát hiện ra rằng các sự kiện sinh lý “tầm thường” (như phản ứng hóa học trong tế bào, áp lực cơ học bên trong và trên tế bào, và trọng lực nữa) có thể bật và tắt các gen, quyết định số phận của tế bào. Ông kết luận, cơ thể động vật là kết quả của sự kết hợp phức tạp giữa các gen và các sự kiện vật lý, môi trường luôn thay đổi.
Hãy lấy ví dụ về vị giác. Nếu đọc một tác giả như Harari, người ta có thể nghĩ rằng hành vi của những đứa trẻ sơ sinh hầu như chỉ bị chi phối bởi gen của chúng, bởi hầu như không có sự “nuôi dưỡng” nào tác động lên trẻ. Nhưng đã có nghiên cứu (23) chỉ ra rằng một đứa trẻ sáu tháng tuổi, con của những người phụ nữ thích uống nước cà rốt trong ba tháng cuối của thai kỳ, thích ngũ cốc vị cà rốt hơn những đứa trẻ khác. Những đứa trẻ này thích hương vị của cà rốt nhưng không phải vì gen “thích ăn cà rốt”. Khi các bà mẹ (mẹ đẻ hoặc mẹ nuôi) cho con bú sữa mẹ, mùi vị của các loại thực phẩm họ đã ăn sẽ ảnh hưởng lên sữa mẹ và con của họ sẽ phát triển sở thích đối với các loại thực phẩm này. Trẻ sơ sinh “thừa hưởng” sở thích ăn uống từ hành vi của mẹ.
Qua hàng thế hệ (24), người ta đã khuyên các bà mẹ mới sinh ở Hàn uống nhiều nước rong biển, còn các bà mẹ Trung Quốc thì được khuyên ăn móng heo hầm với gừng và giấm. Trẻ em Trung hoa và Hàn Quốc có thể được thừa hưởng (25) những sở thích vị giác có đặc thù văn hóa mà không cần loại gen “thích ăn gừng” hoặc “thích ăn giấm”.
Không quan trọng ta ở nơi nào, trong xã hội hiện đại ngày nay, ai cũng ăn đường qua chế biến. Chế độ ăn nhiều đường trong thời gian dài có thể dẫn tới các kiểu ăn uống bất thường và chứng béo phì. Các nhà khoa học đã sử dụng các mô hình động vật và phát hiện ra (26) một cơ chế phân tử mà tại đó những hiện tượng này đã diễn ra. Chế độ ăn nhiều đường kích hoạt một phức hợp protein gọi là PRC2.1, sau đó điều chỉnh biểu hiện gen để lập trình lại các tế bào thần kinh vị giác và giảm cảm giác ngọt, giam động vật trong một thói quen ăn uống có ngày càng tệ hơn [ND: Nghĩa là càng ăn nhiều đồ ngọt thì cảm giác thèm đồ ngọt càng tăng lên]. Tại đây, thói quen ăn kiêng đang làm thay đổi biểu hiện gen — một ví dụ về “lập trình lại biểu sinh” — dẫn đến các lựa chọn thực phẩm không lành mạnh.
Sự nuôi dưỡng định hình tính tự nhiên, và tính tự nhiên định hình cách nuôi dưỡng [ND: Nurture shapes nature, nature shapes nurture]. Đây không phải dạng đối ngẫu, mà nó giống dạng dải Mobius hơn [ND:Mobius là một khái niệm topo cơ bản về một dải chỉ có một phía và một biên]. Cách mà các “khả năng, nhu cầu và mong muốn của người Homo sapiens” hình thành thực sự phức tạp  (27) (và tao nhã) hơn những gì Harari miêu tả rất nhiều.
Hai nhà di truyền học Eva Jablonka và Marion J. Lamb đã nói về điều này tuyệt vời hơn ai hết trong cuốn sách “Tiến hóa theo bốn chiều” (28) của họ. 
“Ý tưởng rằng có mỗi gen dành cho từng yếu tố như sự yêu thích mạo hiểm, bệnh tim, béo phi, tôn giáo, đồng tính luyến ái, nhút nhát, ngu ngốc, hoặc bất kỳ khía cạnh nào khác của tâm trí hoặc cơ thể không có chỗ đứng trên nền tảng của diễn ngôn di truyền. Có những bác sĩ tâm thần, nhà hóa sinh và các nhà khoa học khác không phải là nhà di truyền học (nhưng luôn thể hiện với những cơ sở đáng chú ý về các vấn đề di truyền) vẫn sử dụng ngôn ngữ của gen như những tác nhân nhân quả đơn giản và hứa với khán giả của họ những giải pháp nhanh chóng cho tất cả các loại vấn đề. Những người này không hơn gì những tay d.ư luận viên mà chúng ta cần đặt câu hỏi nghi vấn về kiến thức hoặc động cơ của họ”.  
Động cơ của Harari thì vẫn là bí ẩn, nhưng những miêu tả của ông về sinh học (và những dự đoán về tương lai) được dẫn lối bởi hệ tư tưởng phổ biến với các nhà công nghệ ở Thung lũng Silicon như Larry Page, Bill Gates, Elon Musk và những người khác (29). Mỗi người trong số họ có thể có những ý kiến khác nhau về việc liệu các thuật toán sẽ cứu rỗi hay hủy di.ệt chúng ta, nhưng họ, tất thảy như một, đều tin vào sức mạnh siêu việt của tính toán kỹ thuật số. “Chúng tôi đang hướng tới một tình huống mà A.I. thông minh hơn rất nhiều so với con người và tôi nghĩ khung thời gian đó chỉ còn chưa đầy 5 năm nữa”, Musk nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times năm 2020. Musk đã sai. Các thuật toán sẽ không lấy đi tất cả công việc của chúng ta, hoặc thống trị thế giới hay chấm dứt loài người sớm (nếu chúng có thể). Chuyên gia A.I. François Chollet (30) đã nhận xét xác đáng rằng khả năng mà các thuật toán đạt được quyền tự chủ về nhận thức “vào thời điểm hiện nay và trong tương lai gần vẫn sẽ chỉ là khoa học viễn tưởng”. Bằng cách lặp lại những tự sự của Thung lũng Silicon, một lần nữa, nhà khoa học dân túy Harari đang thúc đẩy một cuộc khủng hoảng giả. Thậm tệ hơn, ông ta đang chuyển hướng sự chú ý của chúng ta khỏi tác hại thực sự của các thuật toán và sức mạnh chưa được kiểm soát của ngành công nghệ.
Trong chương cuối quyển Homo Deus, Harari nói với chúng ta về một tôn giáo mới, “tôn giáo dữ liệu”. Ông gọi những người thực hành tôn giáo này là “những người theo thuyết dữ liệu”. Họ là những người nhận thức toàn bộ vũ trụ như những luồng dữ liệu. Họ coi tất cả các sinh vật là bộ xử lý dữ liệu sinh hóa và tin rằng “thiên chức vũ trụ” của nhân loại là tạo ra một bộ xử lý dữ liệu toàn năng, toàn năng, sẽ hiểu chúng ta hơn những gì chúng ta có thể hiểu chính mình. Harari dự đoán, kết luận hợp lý cho câu chuyện này là các thuật toán sẽ đảm nhận quyền hạn đối với tất cả các khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta — chúng sẽ quyết định chúng ta kết hôn với ai, chúng ta theo đuổi nghề nghiệp gì và chúng ta sẽ bị quản lý như thế nào. (Như bạn có thể đoán, Thung lũng Silicon là một trung tâm của Tôn giáo Dữ liệu).
“Homo sapiens là một algorithm đã lỗi thời” Harari tuyên bố, diễn giải theo những người theo thuyết dữ liệu.
“Dù sao chăng nữa, ưu thế của những con người trên những con gà là gì? Đó chỉ là trong con người thông tin tuôn chảy trong những mẫu thức rất phức tạp hơn nhiều trong con gà. Con người hấp thụ nhiều dữ liệu hơn, và dùng những algorithm tốt hơn để tiến hành nó. Vậy thì, nếu chúng ta có thể tạo ra một hệ thống tiến hành-dữ liệu, hấp thụ dữ liệu thậm chí nhiều hơn một con người, và ngay cả tiến hành dữ liệu còn hiệu quả rất nhiều hơn một con người, không phải rằng hệ thống loại như thế đó ưu việt hơn một con người, trong cùng một cách đích xác như một con người ưu việt hơn một con gà?”
Nhưng một con người không phải một con gà, hoặc thậm chí cứ nhất nhất phải vượt trội hơn về mọi mặt so với một con gà. Trên thực tế, gà có thể "hấp thụ nhiều dữ liệu hơn" so với con người và "xử lý nó tốt hơn" - ít nhất là về thị giác (31). Võng mạc của con người có các tế bào cảm thụ ánh sáng nhạy cảm với các bước sóng màu đỏ, xanh lam và xanh lục. Võng mạc của gà có những tế bào này, cộng với các tế bào hình nón cho các bước sóng tím (bao gồm một số tia cực tím), cộng với các thụ thể chuyên biệt có thể giúp chúng theo dõi chuyển động tốt hơn. Bộ não của chúng được trang bị để xử lý toàn bộ các thông tin bổ sung này. Thế giới của loài gà là một nơi đầy tráng lệ với những màu sắc đặc thù mà chúng ta không thể hiểu được. Ý của tôi không phải là con gà tốt hơn con người - vì đây không phải một cuộc thi - mà là những con gà độc nhất là “gà” theo cách mà chúng ta là độc nhất “con người”.
Cả gà và người đều không đơn thuần chỉ là thuật toán. Bộ não của chúng ta có một cơ thể, và cơ thể đó nằm trong một thế giới. Các hành vi của chúng ta xuất hiện (32) do các hoạt động thế tục và thể xác của chúng ta. Các sinh vật không chỉ hấp thụ và chuyển hóa các dòng dữ liệu trong môi trường của chúng ta, chúng ta liên tục thay đổi và tạo ra môi trường của riêng mình - và của nhau -  trong một diễn trình được gọi là “xây dựng thích hợp” [niche construction] (33) trong sinh học tiến hóa. Khi một con beaver [ND: hải ly, để nguyên tên riêng động vật để cho thấy nó vô nghĩa và kệch cỡm thế nào] xây một con dập trên một dòng suối, nó sẽ tạo ra một cái hồ, và tất cả các sinh vật khác giờ đây phải sống trong một thế giới có một cái hồ trong đó. Hải ly có thể tạo ra các vùng đất ngập nước tồn tại trong nhiều thế kỷ, thay đổi áp lực chọn lọc mà con cháu của chúng phải chịu và có khả năng gây ra sự thay đổi trong quá trình tiến hóa. Homo sapiens có tính linh hoạt vô song; chúng ta có khả năng đặc biệt để thích ứng với môi trường xung quanh, và cũng có thể thay đổi chúng. Các hoạt động sống của chúng ta không chỉ phân biệt chúng ta với các thuật toán; chúng khiến các thuật toán gần như không thể dự đoán (34) chính xác các hành vi xã hội của chúng ta, chẳng hạn như chúng ta sẽ yêu ai, chúng ta sẽ làm tốt như thế nào trong các công việc trong tương lai (III), hoặc liệu chúng ta có khả năng phạm tội hay không.
Harari rất cẩn trọng trong việc thể hiện bản thân như là một người ghi chép khách quan. Ông ta dành nhiều công sức để nói với chúng ta rằng ông ta đang bày ra thế giới quan của những người theo thuyết dữ liệu chứ không phải quan điểm của bản thân. Nhưng rồi, ông ta đã làm một điều rất lén lút. Ông nói, quan điểm của người theo thuyết dữ liệu “có thể đập vào bạn như là một khái niệm lập dị, hoạt động ngoài trung tâm; bên lề không đáng kể; nhưng trong thực tế nó đã chinh phục hầu hết giới quyền uy khoa học rồi”. Bằng cách trình bày thế giới quan của người theo chủ nghĩa dữ liệu là có tính kết luận (“đã chinh phục hầu hết các cơ sở khoa học”), ông ấy nói với chung ta về sự thật “khách quan” rằng con người là thuật toán, và hành trình tiến dần đến sự lỗi thời - với tư cách là các cá tể thụ động tiếp nhận các quyết định được đưa ra bởi các thuật toán tốt hơn - là không thể tránh khỏi, bởi nó gắn liền với nhân tính của chúng ta. Lật giở sang phần chú thích để xem những đầu sách ủng họ tuyên bố quả quyết này, ta dễ thấy rằng trong số bốn cuốn sách mà ông ấy trích dẫn, ba cuốn không được viết bởi những người làm khoa học - một nhà báo âm nhạc (35), một người ảnh hưởng định vị xu hướng [trendsetter] (36) và một nhà xuất bản tạp chí (37) (IV).
Đối với số phận loài người, không có gì có thể coi là tiền định. Quyền tự chủ của chúng ta đang bị xói mòi không chỉ bởi nghiệp vũ trụ [cosmic karma] mà còn vì một mô hình kinh tế mới do Google phát minh và Facebook hoàn thiện - một dạng chủ nghĩa t.ư bản đã tìm ra cách để thao túng chúng ta vì mục đích lợi nhuận. Nhà khoa học xã hội Shoshana Zuboff đã đặt cho mô hình kinh tế này cái tên “chủ nghĩa tư bản giám sát” [surveillance capitalism] (38). Các tập đoàn tư bản giám sát như Google, Facebook, Amazon, Microsoft và những tập đoàn khác đang xây dựng các nền tảng kỹ thuật số mà chúng ta ngày càng phải dựa vào để sống, làm việc và giải trí. Họ theo dõi các hoạt động trực tuyến của chúng ta một cách chi tiết đáng kinh ngạc và sử dụng thông tin để tác động đến các hành vi của chúng ta nhằm tối đa hóa lợi nhuận của họ. Như một phụ phẩm từ các nền tảng đó, các nền tảng kỹ thuật số của họ đã giúp tạo ra những buồng vọng [ND: echo chamber: Một nơi mà người tham gia không chấp nhận những ý kiến khác biệt mà chỉ nghe và đồng ý lẫn nhau] dẫn đến sự phủ nhận biến đổi khí hậu lan rộng, sự hoài nghi về khoa học và sự phân cực chính trị. Zuboff đã cho chúng ta một cách để chống lại nói bằng cách đặt tên cho kẻ thù và mô tả nó như một phát minh của con người chứ không phải sự thật tự nhiên hay tính tất yếu công nghệ. Dễ thấy rằng Zuboff, không giống như Harari, không phải là một nhân vật được Thung lũng Silicon yêu thích.
Vào tháng 10 năm 2021, Harari phát hành Tập 2 bản có đồ họa của quyển Sapiens. Sau đó là sách Sapiens dành cho trẻ em, rồi Sapiens Live, một trải nghiệm sống và một chương trình truyền hình nhiều mùa lấy cảm hứng từ Sapiens .Nhà tiên tri theo chủ nghĩa dân túy của chúng ta không ngừng tìm kiếm những môn đồ mới — và cùng với đó là những đỉnh cao mới về danh tiếng và tầm ảnh hưởng.
Harari đã quyến rũ chúng ta bằng cách kể chuyện của ông ta, nhưng với một cái nhìn chú tâm hơn, ta có thể thấy rằng ông ta đã hy sinh khoa học cho chủ nghĩa giật gân, mắc những lỗi thực tế nghiêm trọng và miêu tả những thứ thuộc về suy đoán như thể chúng là hiển nhiên. Cơ sở mà ông ta dựa trên để đưa ra những kết luận của mình thì tối nghĩa vì ông ta hiếm khi cung cấp các chú thích hoặc tài liệu tham khảo đầy đủ  và đặc biệt keo kiệt trong việc công nhận các nhà tư tưởng khác (V), những người đã hình thành nên các ý tưởng mà ông ta tự chiếm dụng làm của riêng. Và nguy hiểm hơn hết, ông ta củng cố các diễn ngôn của các nhà tư bản giám sát, cho họ quyền tự do thao túng các hành vi của chúng ta để phù hợp với lợi ích thương mại của họ. Để tự cứu mình khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại này và cứu những người trong tương lai, chúng ta phải từ chối hoàn toàn khoa học dân túy nguy hiểm của Yuval Noah Harari.
Thu nhập cơ bản chung – Lý thuyết thuộc hệ thống chính trị của Nhà nước Phúc lợi, trao gửi một số tiền nhất định cho toàn bộ dân số như nguồn lương cơ bản].
 Mối quan tâm của tôi về tính xác thực thực tế trong tác phẩm của Harari lặp lại lời phê bình của một cuốn sách bán chạy khác - của Anand Giridharadas (39) về cuốn “Những bước ngoặt cho các quốc gia trong khủng hoảng” của tác giả Jared Diamond.  Giridharadas hỏi Diamond, “Nếu chúng tôi không thể tin tưởng anh ở những điều vừa và nhỏ, làm sao chúng tôi có thể tin tưởng anh ở những nơi mà các tác giả của các cuốn sách dày cả nửa mét cần sự tin tưởng của chúng ta, đặc biệt ở những tuyên bố lớn, khó kiểm tra?” Giridharadas cũng chỉ ra nhu cầu kiểm tra thực tế chuyên nghiệp đối với sách phi hư cấu dài không phải là chuyện thường thức (40). Điều này làm tôi rất sốc.
Một đoạn trích tương tự từ cuốn sách Homo Deus của Harari năm 2017: “Một khi có thể sửa đổi các gen chết người, tại sao lại phải gặp rắc rối khi thêm một số DNA ngoại lai, khi chúng ta chỉ có thể viết lại mã và biến một gen đột biến nguy hiểm thành một phiên bản lành tính? Sau đó, chúng ta có thể bắt đầu sử dụng cơ chế tương tự để sửa chữa không chỉ các gen gây chết người mà còn cả những gen gây ra các bệnh ít chết người hơn, đối với chứng tự kỷ, về sự ngu ngốc và béo phì.
Không có bằng chứng được bình duyệt nào cho thấy các thuật toán có thể dự đoán hiệu suất công việc, mặc dù hàng triệu người đang được các thuật toán sàng lọc cho các công việc tại các công ty như McDonald’s, Kraft-Heinz, Boston Consulting Group và Swarovski. Nhà khoa học máy tính Princeton Arvind Narayanan đã công khai kêu gọi các công ty cung cấp dịch vụ sàng lọc việc làm theo thuật toán — HireVue và Pymetrics là hai công ty hàng đầu — là lũ bịp bợm (41). 
Những cuốn sách mà Harari trích dẫn: Kevin Kelly, Công nghệ muốn gì [What Technology Wants] (New York: Viking Press, 2010); César Hidalgo, Tại sao thông tin lại tăng: Sự tiến hóa của trật tự, từ nguyên tử đến nền kinh tế [Why Information Grows: The Evolution of Order, from Atoms to Economies] (New York: Basic Books, 2015); Howard Bloom, Bộ não toàn cầu: Sự tiến hóa của khối óc từ Vụ nổ lớn đến thế kỷ 21 [ Global Brain: The Evolution of Mass Mind from the Big Bang to the 21st Century ] (Hoboken: Wiley, 2001); Shawn DuBravac, Số mệnh Số [Digital Destiny] (Washington: Regnery Publishing, 2015.).
Một độc giả bình thường khi đọc những bài viết của Harari sẽ cho là tất cả những ý tưởng đều đến từ mình ông ta, nhưng các luồng tư duy của Harari thường gợi ra những tư tưởng của những người trước đó. Ví dụ: so sánh của ông ta (42) về các hệ tư tưởng tôn giáo và thế tục với trò chơi Pokémon Go hoàn toàn giống với so sánh trước đó của triết gia người Slovenia, Slavoj Žižek, trong cuốn sách năm 2017 của Zizek, Incontinence of the Void: Economico-Philosophical Spandrels, (43) và được thảo luận trước đó trong các bài giảng của ông (44). Trong cuốn sách Homo Deus năm 2017 của mình, Harari dành cả một chương cho “Chủ nghĩa dữ liệu”, nhưng không thừa nhận về các nhà báo David Brooks (người đã đặt ra thuật ngữ chủ nghĩa dữ liệu) (45) hoặc Steve Lohr (người đã xuất bản cuốn sách năm 2015 có tựa đề Data-ism) (46).
 Mối quan tâm của tôi về tính xác thực thực tế trong tác phẩm của Harari lặp lại lời phê bình của một cuốn sách bán chạy khác - của Anand Giridharadas (39) về cuốn “Những bước ngoặt cho các quốc gia trong khủng hoảng” của tác giả Jared Diamond.  Giridharadas hỏi Diamond, “Nếu chúng tôi không thể tin tưởng anh ở những điều vừa và nhỏ, làm sao chúng tôi có thể tin tưởng anh ở những nơi mà các tác giả của các cuốn sách dày cả nửa mét cần sự tin tưởng của chúng ta, đặc biệt ở những tuyên bố lớn, khó kiểm tra?” Giridharadas cũng chỉ ra nhu cầu kiểm tra thực tế chuyên nghiệp đối với sách phi hư cấu dài không phải là chuyện thường thức (40). Điều này làm tôi rất sốc.
Một đoạn trích tương tự từ cuốn sách Homo Deus của Harari năm 2017: “Một khi có thể sửa đổi các gen chết người, tại sao lại phải gặp rắc rối khi thêm một số DNA ngoại lai, khi chúng ta chỉ có thể viết lại mã và biến một gen đột biến nguy hiểm thành một phiên bản lành tính? Sau đó, chúng ta có thể bắt đầu sử dụng cơ chế tương tự để sửa chữa không chỉ các gen gây chết người mà còn cả những gen gây ra các bệnh ít chết người hơn, đối với chứng tự kỷ, về sự ngu ngốc và béo phì. " 
Không có bằng chứng được bình duyệt nào cho thấy các thuật toán có thể dự đoán hiệu suất công việc, mặc dù hàng triệu người đang được các thuật toán sàng lọc cho các công việc tại các công ty như McDonald’s, Kraft-Heinz, Boston Consulting Group và Swarovski. Nhà khoa học máy tính Princeton Arvind Narayanan đã công khai kêu gọi các công ty cung cấp dịch vụ sàng lọc việc làm theo thuật toán — HireVue và Pymetrics là hai công ty hàng đầu — là lũ bịp bợm (41). 
Những cuốn sách mà Harari trích dẫn: Kevin Kelly, Công nghệ muốn gì [What Technology Wants] (New York: Viking Press, 2010); César Hidalgo, Tại sao thông tin lại tăng: Sự tiến hóa của trật tự, từ nguyên tử đến nền kinh tế [Why Information Grows: The Evolution of Order, from Atoms to Economies] (New York: Basic Books, 2015); Howard Bloom, Bộ não toàn cầu: Sự tiến hóa của khối óc từ Vụ nổ lớn đến thế kỷ 21 [ Global Brain: The Evolution of Mass Mind from the Big Bang to the 21st Century ] (Hoboken: Wiley, 2001); Shawn DuBravac, Số mệnh Số [Digital Destiny] (Washington: Regnery Publishing, 2015.).
Một độc giả bình thường khi đọc những bài viết của Harari sẽ cho là tất cả những ý tưởng đều đến từ mình ông ta, nhưng các luồng tư duy của Harari thường gợi ra những tư tưởng của những người trước đó. Ví dụ: so sánh của ông ta (42) về các hệ tư tưởng tôn giáo và thế tục với trò chơi Pokémon Go hoàn toàn giống với so sánh trước đó của triết gia người Slovenia, Slavoj Žižek, trong cuốn sách năm 2017 của Zizek, Incontinence of the Void: Economico-Philosophical Spandrels, (43) và được thảo luận trước đó trong các bài giảng của ông (44). Trong cuốn sách Homo Deus năm 2017 của mình, Harari dành cả một chương cho “Chủ nghĩa dữ liệu”, nhưng không thừa nhận về các nhà báo David Brooks (người đã đặt ra thuật ngữ chủ nghĩa dữ liệu) (45) hoặc Steve Lohr (người đã xuất bản cuốn sách năm 2015 có tựa đề Data-ism) (46).