1.
Ta tới rạp phim đơn giản là bởi ta-muốn-ra-khỏi-nhà. Căn phòng của bạn thật ấm áp, nhưng sẽ luôn có những ngày nó khiến bạn bị ngốt và tha thiết cần một không gian dễ chịu khác để cân bằng lại tinh thần. Nhắc đến “không gian dễ chịu” lại nhớ đến các cặp đôi. Cinema đã trở thành bối cảnh trong rất nhiều phân đoạn đáng nhớ của mọi thể loại phim ảnh, đặc biệt là với romance genre. Ví dụ gần nhất có thể kể đến cái chạm tay đầy cẩn trọng của Sebastian và Mia ở Rialto trong lần hẹn hò đầu tiên (La la land) hay xa hơn một chút là những giọt nước mắt mà Tom Hansen không thể hiểu được của Summer khi xem The Graduate vào ngày hẹn hò thứ 290 (500 Days of Summer). Cinema, một biểu tượng của pop culture, sau hơn một ngàn năm xuất hiện vẫn luôn điểm hẹn tình yêu thiêng liêng không thể bỏ qua cho bất cứ 2 người yêu nhau nào. Tất nhiên phim tình cảm chỉ là một ví dụ.
La La Land (2016) Rialto Scene
2.
Ngày nay người ta còn yêu rạp phim như là một giải pháp trốn đời chốc lát nhưng hiệu quả, cụ thể hóa bởi tính vô danh (Anonymity) và tính phi cá nhân (Impersonality). Trong khán phòng “tắt đèn ai cũng như ai” ấy, ta chỉ việc tận hưởng những gì xảy đến trước mắt, lăn lộn trong mớ cảm xúc riêng mà không phải lo sẽ có feedback chỉ đích danh mình từ đâu đó. Việc nghiêm cấm sử dụng thiết bị quay chụp trong rạp chiếu cũng bảo vệ ta. Vì không được phép, ta không phải trả lời những cuộc gọi, tin nhắn mà ta không mong đợi, ấn nút “pause” khi ai đó gõ cửa, hay tua lại đến từng giây khi bị làm phiền lỡ mất đoạn gay cấn. Vì không được phép, ta cảm thấy an toàn và đắm chìm tuyệt đối trong thế giới riêng biệt này (total immersion).
Taxi Driver (1976)
3.
Rạp chiếu phim là nơi mà những người xa lạ cùng cười trước một cú té ngã, cùng khóc trước một sự chia ly, cùng thót tim trước một cú jump scare hay cùng bất bình trước một cái chết lãng xẹt. Dường như ở đây, ta tìm được cảm giác đồng điệu bởi nhiều người hơn là ngoài “đời thực”. Ta không muốn chờ đợi tận mấy tuần lễ để được xem bản chùa trên mạng của các bộ phim đang chiếu. Ta muốn xem nó ngay để được thấy mình hòa nhập, đúng đắn và được ủng hộ. Đó là lợi ích của trải-nghiệm-sẻ-chia-đồng-thời (Simultaneous shared experience). Hay nói cách khác, việc chúng ta tham gia vào các trải nghiệm simultaneous sharing là một biểu hiện của identity-signaling. Chẳng hạn trong nhiều trường hợp, ta sẽ thấy mình thật thức thời và thông thái khi là người đầu tiên chia sẻ cảm nghĩ về 1 bộ phim (hay bất kỳ 1 trải nghiệm tiêu dùng nào khác) trên mạng xã hội. Tất nhiên, đó cũng chính là gót chân Asin để các giám đốc Marketing khai thác mệt nghỉ, nhất là trong thời đại của chủ nghĩa tân tự do khi mà mỗi cá nhân say mê với cái suy nghĩ răng mình là cái rốn của vũ trụ. Bên cạnh đó, khác với đọc sách hay xem phim tại gia mang tính thực hành cá nhân, thì trải nghiệm sẻ chia đồng thời còn khiến cho cảm giác trốn đời (cinematic escapism) đã nhắc tới bên trên trở nên thật hơn khi mà tất cả được đặt vào trong một chuỗi những tình huống cảm xúc giống nhau.
The Others (2001)
4.
Lại nói về vấn đề công nghệ: Hãy tưởng tượng trong trạng thái tương đối mỹ mãn nhà bạn có một chiếc OLED TV Cinema 3D cỡ 50 inch trở lên, dàn loa khủng căng tai và thậm chí đầu đĩa Bluray xịn xò, thì vẫn có những trải nghiệm điện ảnh chỉ rạp chiếu phim mới có thể thỏa mãn, nhất là với những phim hành động (The Avengers, Mission Impossible,..) hoặc có bối cảnh kỳ vĩ, ảo diệu (Gravity, The Revenant,..). Thực chất công nghệ điện ảnh luôn đi trước nhu cầu của khán giả với hệ thống chiếu phim 4DX (mang đến cho người xem cảm giác thật như trong phim thông qua việc sử dụng các hiệu ứng đặc biệt như nước, gió, ghế rung, mùi hương và hệ thống âm thanh hỗ trợ tối đa), màn hình IMAX (to hơn 1,5 lần so với màn hình thường) hay gần đây là Screen X (thiết kế 270 độ với màn hình chính trước mắt người xem và hai màn hình chạy dọc 2 bên).
5.
Trước khi khép lại bài viết mình muốn đá qua (và nhấn mạnh) đến lợi ích kinh tế của thế giới phim ảnh. Tại Mỹ, vào năm 2015, các ngành công nghiệp sáng tạo (creative industries), dẫn đầu bởi Hollywood, đóng góp tới 698 tỷ USD cho nền kinh tế quốc gia, chiếm đến 4.32% tổng sản phẩm quốc nội. Ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình đem việc làm tới cho 1.9 triệu người Mỹ mỗi ngày. Hay đối với Anh, phim ảnh cũng đóng góp đến 6 tỷ bảng vào năm 2015, mặc dù hiện nay hệ quả từ Brexit đang hành hạ nền điện ảnh nước này chút ít khi Anh mất khoản hỗ trợ 130 triệu euro hằng năm từ EU. Mình chưa tìm được số liệu hay báo cáo cụ thể nào về economic value của điện ảnh cho kinh tế Việt Nam nhưng rõ ràng là bên cạnh giá trị nghệ thuật hay vũ khí văn hóa tư tưởng thì giá trị kinh tế cũng cần được làm rõ và công nhận.

Rạp chiếu phim là để yêu thương. Đừng hành hạ mình bằng cách chọn một bộ phim “nghệ thuật đẳng cấp”, “thiên hạ bảo hay”, “IMDB và Rotten tomatoes bảo hay” nếu bạn không hứng thú. Đừng cảm thấy gu nghệ thuật của mình thật rẻ tiền và dễ dãi làm sao khi mà bạn chết mê “Despicable me” còn bạn bè thì trầm trồ trước hàng tá những lớp lang ẩn nghĩa của “Zootopia”, khi mà bạn mê mẩn Dunkirk đơn giản vì bộ sậu nam chính đẹp mã chứ không phải vì tam chiều không gian đan xen hại não và tính nhân văn ngút ngàn mà bản anh hùng ca gửi gắm, hoặc nếu bạn có than thở rằng xem phim đen trắng thật buồn ngủ thì cũng hoàn toàn ổn. Đặt áp lực lên cảm quan nghệ thuật của bản thân thật là phản nghệ thuật, và nó sẽ khiến bạn yêu thương rạp chiếu phim không toàn vẹn.