Phản diện là nhân vật được xây dựng hình tượng xấu xa trong các cuốn tiểu thuyết hay phim ảnh. Nhưng chúng ta đôi khi lại yêu thích và bị thu hút bởi họ hơn so với các hình tượng nhân vật chính tốt đẹp và ngây thơ.
Tại sao vậy? Hãy cùng mình trả lời bí mật này dưới góc nhìn có chút Tâm Lý học!

Hannibal Lecter – nguồn cơn hình tượng kẻ sát nhân siêu quyến rũ trong phim ảnh và tiểu thuyết thế giới.

Sự quyến rũ đến từ nhân vật phản diện

Mình là một người yêu thích về Tâm lý học và cũng có chút nghiên cứu về lĩnh vực này, thông thường là qua sách và một số tài liệu chuyên ngành được lượm lặt từ khắp mọi nơi. Chính vì vậy, tất cả những điều mình viết dưới đây bạn hay xem như một góc nhìn cá nhân mang tính tham khảo chứ không phải học thuật nha.
Chuyện là, mình thấy dạo gần đây, hình tượng nam hoặc nữ nhân vật phản diện được rất nhiều sự yêu thích từ độc giả hay người xem. Mình cũng rất thích thú với họ và vô cùng thắc mắc không hiểu tại sao bản thân mình và rất nhiều người khác đêu yêu quý và bị hấp dẫn bởi họ hơn so với các tác phẩm tập trung vào nhân vật chính diện hiền lành.
Tại sao vậy nhỉ? Đâu là sức hấp dẫn siêu khủng đến từ các nhân vật đặc biệt này?

Hiểu đúng về Anti Social

Nếu là tín đồ/người yêu thích tiểu thuyết/phim về tâm lý xã hôi hoặc hình sự tội phạm, chắc chắn đã có lúc bạn nghe qua về chứng Anti-social (Rối loạn nhân cách phản xã hội).
Biểu hiện của anti-social được xác định chủ yếu bằng sự khó khăn hoặc không thích ứng thường xuyên với các quy tắc đạo đức xã hội và pháp luật. Đây là một chứng bệnh tâm lý, không nên đánh đồng nó với những người có tính cách Hướng Nội, khép kín, ít giao tiếp.
So sánh Hướng Nội và Anti-social
Người hướng nội yêu thích ở một mình. Họ cảm giác thoải mái nhất khi ở một mình. Đôi khi, việc giao tiếp với nhiều người sẽ khiến họ trở nên khó chịu và mất năng lượng. Những người hướng nội cần không gian riêng tư để nạp năng lượng mới mỗi ngày (theo Introvertdear.com)
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (Anti-social) là những cá nhân có hành vi hoặc suy nghĩ bạo lực và không muốn thích ứng với quy chuẩn đạo đức xã hội. Trong bài viết hôm nay, mình đang bàn về rối loạn nhân cách bệnh (tức là những người không chỉ mang theo hành vi chống đối mà họ hầu như không có nhiều dao động xúc cảm). Bên cạnh thuật ngữ nhân cách bệnh đối với loại tâm lý dị thường này, còn tồn tại một loại hình khác là nhân cách hành vi chống đối xã hội. Điểm khác nhau lớn và dễ phân biệt nhất: nhân cách hành vi có thể giảm dần theo tuổi tác và thường xuất hiện ở thanh thiếu niên còn nhân cách bệnh sẽ không thay đổi.
Rối loạn nhân cách phản xã hội có nhiều kiểu. Psychopath và Sociopath là hai phân nhánh nhỏ nổi tiếng nhất, vì hay được sử dụng trong tiểu thuyết và phim ảnh nhằm thể hiện hình mẫu nhân vật phản diện. Tất nhiên, không phải lúc nào người có một trong hai hội chứng này đều là người xấu. Điển hình là nhân vật Sherlock Holmes trong tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên của ngài Conan Doyle. Holmes được miêu tả như một người Sociopath: không ưa thích cách giao tiếp xã hội thông thường, phá luật, nghiện rượu, có triệu chứng bạo lực, v.v…
Mình nhớ như in ở TV Show “Sherlock” của đài BBC có một trích đoạn Holmes (thủ vai bởi diễn viên mình siêu yêu thích – Benedict Cumberpatch) cười với khuôn mặt “đáng yêu” và nói thế này: “I’m not a psychopath, I’m a highy functioning sociopath. Do your Research.”

Tạm dịch: Ta đây “méo” phải Psychopath, Ta là một Sociopath – cao – cấp. Làm nghiên cứu của cưng đi!
Hồi đó, thuở bỡ ngỡ, mình không hiểu lắm tại sao Holmes muốn phân định rạch ròi giữa hai kiểu hình này, trong khi bản chất anh ta đúng là kiểu phản-xã-hội-khó-ưa-không-thèm-quan-tâm-người-khác. Sau này, khi đọc tài liệu nhiều hơn, mình nhận ra hai phân nhánh nhỏ Psychopath và Sociopath khác nhau rất nhiều và tuyệt đối không nên nhầm lẫn.

Dòng phân cách đặc biệt giữa Psychopath và Sociopath

Psychopath được Việt hóa là “Thái nhân cách phản xã hội”

Những người được chẩn đoán Psychopath thường được giới tâm lý học gọi là “Những con rắn mặc tây trang đeo cà vạt”.
Psychopath là những cá nhân cực kỳ quyến rũ, thông minh, khéo nguỵ trang nhưng không có lương tâm. Họ không thể thiết lập cảm xúc và thấu cảm với người khác. Đặc trưng của Psychopath là chỉ số IQ trên trung bình và có khả năng tạo vỏ bọc để che dấu sự cạn kiệt tình yêu của mình. Anh ta (hoặc cô ta, đừng bao giờ nghĩ hội chứng này chỉ có ở Đàn ông nhé) bắt chước và học hỏi cảm xúc, luôn cho bạn thấy mình được yêu thương nhưng thật ra là không. Vì không có lương tâm nên họ rất dễ sa vào những con đường phạm tội. Đặc biệt, dù có bị phát hiện cũng không có dấu hiệu hối hận. Chính vì thế, theo luật hình sự Mỹ, khác với các phạm nhân khác, nếu một kẻ sát nhân được chứng minh là mắc chứng Psychopath người đó sẽ bị xử tử hình ngay lập tức (*). Psychopath được xem là hội chứng tâm lý nguy hiểm nhất mọi thời đại.
Một Psychopath hư cấu nổi tiếng và điển hình nhất là Hannibal Lecter (Sự im lặng của bầy cừu). Ông ta là một Tiến sĩ Tâm lý học có thú vui chế biến và ăn thịt …người, ngay cả cái tên Hannibal cũng là tác giả chơi chữ từ Cannibal (trong tiếng Anh có nghĩa là ăn thịt người). Lecter gian xảo và hoạt ngôn đến mức ai cũng yêu quý và kính trọng ông ta (kể cả các điều tra viên FBI). Đằng sau vẻ ngoài đạo mạo và tính cách tốt bụng, ai ngờ được rằng ông ta là một kẻ sát nhân giết người không gớm tay.
Ted Bundy là một Psychopath rất nổi tiếng ngoài đời thật, có mặt trong cuốn sách 100 tội ác ghê gớm nhất nước Mỹ. Hắn lạnh lùng và vô nhân tính theo cách riêng. Tên tội phạm người Mỹ này thú nhận đã bắt cóc, hãm hiếp và sát hại hơn 30 phụ nữ ở 7 tiểu bang Mỹ từ năm 1974 – 1978. Ted Bundy đã phải lĩnh án tử hình vào năm 1989. Tuy nhiên, trong suốt quá trình bị giam giữ và hầu toà, chưa bao giờ hắn lộ ra một chút hối hận nào.

2. Ngược lại, Sociopath không thể ẩn đi các dấu hiệu phản xã hội của mình như Psychopath.

Họ thường bạo lực và thể hiện sự bạo lực rất rõ ràng. Cùng với đó, họ khó có thể đeo lên một lớp mặt nạ và cầu mong sự hoà hợp với người khác trong các tình huống giao tiếp xã hội thông thường. Bạn có thể theo dõi bước chân của Holmes và Lecter để thấu hiểu sự khác biệt này.
Góc nhìn cá nhân về tính cách và tâm lý giữa Sherlock Holmes và Hannibal Lecter
Ở trước mặt mọi người, Holmes là một người có khuynh hướng khép kín, khó ưa và liên tục làm ra những hành vi khác thường. Ngoài ra, vị thám tử nổi tiếng này còn có một sở thích rất “đặc biệt” là mỗi khi có điều suy nghĩ sẽ xả súng vào tường. Đây được xem là một hành vi giải phóng bạo lực.
Còn với bác sĩ Lecter, trong mắt người đời, ít nhất trước khi người ta phát hiện ra hành vi tội ác khó có thể tha thứ của gã. Gã thực sự là một người đáng kính trọng với bề dày kiến thức nhiều lĩnh vực, phong thái quyến rũ với những bộ suit chỉn chu được cắt may tinh tế và khả năng nấu ăn ngon cùng sự hào phóng với người xung quanh. Làm sao bạn có thể cưỡng lại một quý ông quyến rũ và đáng mến đến vậy??!!
Như phân tích trên, hầu hết các Sociopath có xu hướng lo lắng và kích động. Họ dễ bộc phát cảm xúc tức thời. Có nhiều tài liệu cho rằng họ thường thất học và làm một số công việc tay chân, có hàm lượng chất xám thấp. Nhận định này được giải thích vì sự dễ bị chi phối cảm xúc từ bên ngoài của họ.
Bạn cứ hình dung một cách đơn giản thế này:
Với một con người bình thường, bạn sẽ có một bộ lọc cảm xúc được tạo nên trong quá trình trưởng thành. Càng lớn bạn sẽ càng trở nên chín chắn và kiểm soát cảm xúc hơn. Còn ở những người Socialpath, họ không có bộ lọc này, và rất dễ kích động hay giận dữ.
Tuy nhiên, cũng có những Socialpath như Holmes: thông minh, giỏi giang nhưng không thích hòa mình vào xã hội, lạnh lùng và xa cách.

Đừng để tiểu thuyết và phim ảnh đánh lừa bạn

Trong phác họa tâm lý tội phạm (một môn học đẫm màu bí ẩn và hấp dẫn với nhiều mọt phim và truyện), Sociopath thường là những kẻ giết người hàng loạt vô tổ chức (giết người không đầu không đuôi, không có đối tượng hướng đến cụ thể và mang tính bộc phát do phẫn nộ hoặc tác động tâm lý tức thời nào đó) còn Psychopath là kẻ giết người hàng loạt có tổ chức (những vụ giết người có tính toán kỹ lưỡng, nhắm vào một đối tượng đặc trưng cụ thể và thời gian gây án có tính ổn định chu kỳ).
Trên thực tế,…
Rất khó để cảnh sát hình sự khép một vụ án vào dạng series killer (giết người hàng loạt). Chúng phải có những mối quan hệ mật thiết và cực kỳ rõ ràng. Đôi khi, trên phim ảnh mọi thứ được đơn giản hóa và trông dễ dàng để đẩy nhanh mạch diễn biến câu chuyện. Ví dụ như giết người theo quy luật ngày giờ hay các hình thức đoạt mạng giống nhau vì ám ảnh điều gì đó. Từ đó, nhân vật chính hoặc nhóm nhân vật chính diện dễ dàng tìm ra kẻ phạm tội và kết án.
Ngoài đời thực, các đồng chí cảnh sát của chúng ta ít khi nào được hỗ trợ như vậy đâu. Các đồng chí sẽ phải vận dụng rất nhiều kỹ thuật phân tích và nghiên cứu mới có thể đi đến kết luận nào đó. Đồng thời, những bí mật về vụ án luôn được giữ kín kẽ chứ không có chuyện vô tình nói ra hay lộ ra rồi được chỉ dẫn gì đâu nhé các bạn!
Quay trở về câu chuyện chính, tại sao chúng ta lại phát sinh cảm giác yêu thương/đồng cảm với các nhân vật Psychopath hay Sociopath, dù hầu như cứ lên phim lại là nhân vật phản diện, giết người hoặc kẻ chủ mưu?
Hầu hết con người đều có lòng đồng tình lớn với những số phận. Đặc biệt là các số phận bị đẩy đưa đến bước đường cùng và phải hành động. Các tiểu thuyết gia và biên kịch vô cùng thấu hiểu tâm lý này. Ví dụ: Hannibal Lecter được giải thích là có quá khứ không hạnh phúc và bạo lực hay kẻ giết người mã số trong bộ phim Cô gái thấy được mùi hương (phim Hàn Quốc) cũng được bảo là có một tuổi thơ bất hạnh. Đó là công thức chung của hầu hết các tác phẩm xoáy sâu vào tuyến nhân vật phản diện. Dưới từng lớp vỏ bọc ác độc đó, ta lại cảm nhận được sự đáng thương và đau đớn đầy hấp dẫn.
Độc giả và người xem phim từ lâu đã không còn là những con người đơn thuần và yêu thích cái thiện. Đa phần họ không còn tin vào sự thánh thiện và hoãn mỹ. Có lẽ nguyên nhân là vì cuộc sống vốn phức tạp. Một nhân vật chính diện nếu quá hoàn mỹ và hiền lành sẽ khiến cho bất kỳ ai cũng cảm giác giả tạo. Con người cần điều gì đó kích thích hơn, bằng việc theo dõi các villain (phản diện) và từ từ khám phá chiều sâu trong họ.
Chính vì thế, bạn sẽ thuờng thấy công thức thế này:
Psychopath luôn được giới thiệu với vẻ bề ngoài quyến rũ: điển trai/xinh gái, sự nghiệp thành đạt và cuộc sống hoàn hảo. Phần lớn họ là những người học thức tốt, hòa đồng, khéo ăn nói và giao tiếp xã hội.
Sociopath có thể là một nhân vật có quá khứ đen tối và đáng thương đánh sâu vào lòng người xem tạo nên sự cảm động. Từng lớp bí mật về nhân vật này được bóc trần, người xem lại càng thấu hiểu và lý giải được mọi hành động của anh ta/cô ta. “Hoá ra là thế…”
Tuy nhiên, ở đời thực, dù có như thế nào, tước đoạt mạng sống của người khác là một chuyện khó chấp nhận được. Cho nên, cảm thương chỉ nên dừng lại ở bề mặt của các tác phẩm nghệ thuật thôi bạn nhé!
Dù vậy, Anti – social nói chung và các phân nhánh như psychopath hay sociopath nói riêng đều không phải là dấu hiệu phạm tội. Có rất nhiều anti – social đang đóng góp rất nhiều khía cạnh trong xã hội này. Họ luôn đấu tranh âm thầm với bản thân, mặc kệ những tiếng nói bên trong để sống tốt hơn.
Đồng thời, có những tên sát nhân (hay kẻ xấu) ngoài đời thật hoàn toàn chẳng có tý gì anti – social.
Tuyệt đối đừng để phim ảnh và tiểu thuyết đánh lừa bạn! Cũng đừng để cho những thông tin được xem như kiến thức mớm vào đầu bạn trở thành điều cản bước bạn đến với chân trời đúng đắn hơn.
Nguồn ảnh: Internet. 
Tài liệu tham khảo: Tâm lý học di thường và lâm sàng, tác giả Paul Bennett, xuất bản năm 2003.
Jeen, 
Xem thêm các bài viết khác tại đây: Link