OPPENHEIMER – THẾ LƯỠNG NAN CỦA LƯƠNG TÂM VÀ TRÁCH NHIỆM
Đây là bộ phim mà mình đã trông ngóng suốt gần một năm qua, với ba điều cuốn hút nhất: Tâm trí con người, Christopher Nolan và Cillian...
Đây là bộ phim mà mình đã trông ngóng suốt gần một năm qua, với ba điều cuốn hút nhất: Tâm trí con người, Christopher Nolan và Cillian Murphy. Oppenheimer thực sự đã vượt qua kỳ vọng của mình!
Đây là một bộ phim cực kỳ công phu của Nolan, để có thể cảm nhận bộ phim rõ ràng hơn, chúng ta sẽ đi khá sâu về các chi tiết về chính trị, thế giới, kỹ thuật... chính vì thế nội dung bài viết lần này sẽ khá dài.
BỐI CẢNH WWII GIAI ĐOẠN 1942 – 1945
Chúng ta hãy cùng nhìn lại ngắn gọn giai đoạn trước và trong thời kỳ Mỹ tập trung phát triển vũ khí hạt nhân (1942-1945) để nắm được bối cảnh của bộ phim.
Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 (WWII) được cho là bắt đầu từ sự kiện Đức Quốc xã xâm lược Ba Lan ngày 01/09/1939 và kết thúc với sự kiện Tướng Mỹ Douglas MacArthur chấp nhận tuyên bố chính thức đầu hàng của Nhật Bản trên chiến hạm Missouri vào ngày 02/09/1945.
Từ năm 1940 đến 1941, WWII đang trên đà leo thang đến mức căng thẳng nhất
- Tháng 06/1940: mối quan hệ giữa Đức Quốc xã và Liên Xô dần đổ vỡ, cả hai bắt đầu chuẩn bị chiến tranh. Cùng thời gian này, Đức Quốc xã tuyên chiến với Anh và Pháp; Pháp thất thủ.
- Tháng 09/1940: Nhật – Đức – Ý ký Hiệp ước Ba bên, thành lập Phe Trục.
- Tháng 06/1941: Đức tấn công Liên Xô. Một tháng sau, Liên Xô và Anh thành lập Liên minh quân sự.
- Tháng 09/1941: Đức bắt đầu cuộc bao vây Leningrad.
Trong giai đoạn đầu này, phần lớn công chúng Mỹ phản đối bất kỳ sự can thiệp quân sự trực tiếp nào vào cuộc chiến; Mỹ chỉ đóng vai trò hỗ trợ Trung Quốc và các đồng minh Phương Tây, đồng thời phát triển quân lực của mình.
- Ngày 07/12/1941: Nhật tập kích Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tại Trân Châu Cảng; Tổng thống Roosevelt tuyên bố Mỹ chính thức tham chiến ngay sau đó.
- Ngày 01/01/1942: Anh, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc và 22 chính phủ khác thành lập phe Đồng Minh.
Trân Châu Cảng là một cột mốc đặc biệt quan trọng liên quan đến việc thúc đẩy phát triển bom nguyên tử của Mỹ với dự án Manhattan giai đoạn đầu 1942 đến khi kết thúc WWII.
- Tháng 06/1942: Mỹ chiến thắng Nhật tại đảo Midway, chiếm được thế thượng phong và giành quyền chủ động tấn công trong suốt khoảng thời gian còn lại của cuộc chiến.
- Tháng 02/1943: Mỹ cùng phe Đồng Minh chiếm được đảo Guadalcanal trong chuỗi Quần đảo Solomon từ tay Nhật. Đây là một thắng lợi cực kỳ quan trọng.
- Tháng 01/1944: Liên Xô chiến thắng Đức tại Leningrad.
- Tháng 06/1944: Cuộc đổ bộ vào Normandie thành công, đặt nền móng cho thắng lợi của phe Đồng Minh tại Mặt trận phía Tây.
- Tháng 10/1944: Phe Đồng Minh chiến thắng tại vịnh Leyte, trận hải chiến lớn nhất của WWII cũng như là một trong những trận hải chiến lớn nhất lịch sử.
Cho đến đầu năm 1945, phe Đồng Minh đã dần dần định đoạt kết quả của cuộc chiến;
- Ngày 28/04/1945: Mussolini bị bắn chết. Ngày 02/05/1945 Ý chính thức đầu hàng.
- Ngày 30/04/1945: Hitler tự sát tại Berlin. Ngày 08/05/1945 Phát xít Đức đầu hàng.
Đây cũng là thời kỳ dự án Manhattan đi vào giai đoạn nước rút, khi Chuẩn tướng Leslie Groves yêu cầu bằng mọi giá phải thực nghiệm hoàn thành trong tháng 07/1945 – tức là vụ thử nghiệm hạt nhân thành công đầu tiên nổi tiếng Trinity.
DỰ ÁN MANHATTAN
Thực ra vấn đề năng lượng nguyên tử và lượng tử đã được Chính phủ Mỹ quan tâm từ trước năm 1939, thế nhưng việc phát triển bom hạt nhân chỉ được thực hiện tập trung từ năm 1942 sau sự kiện Trân Châu Cảng và thành lập phe Đồng Minh.
Tháng 06/1939, Mỹ đã bắt đầu Dự án xây dựng các nhà máy hạt nhân. Việc xây dựng này được Tổng thống Roosevelt giao cho lực lượng Công binh của Lục quân. Văn phòng của Ban chỉ huy Công binh này đặt tại thành phố Manhattan cho gần trụ sở của Stone & Webster - nhà thầu chính dự án. Chính vì thế, Dự án tiền thân này được đổi tên thành Dự án Manhattan, cái tên mà về sau được dùng chung cho chương trình phát triển vũ khí nguyên tử mà chúng ta đã biết.
Tháng 08/1939, nhà vật lý nổi tiếng Leó Szilárd và Eugene Wigner soạn Bức thư Einstein–Szilárd gửi Tổng thống Franklin D. Roosevelt nhằm cảnh báo về tiềm năng phát triển "những quả bom cực mạnh kiểu mới"; đồng thời kêu gọi Chính phủ tiến hành từng bước thu thập các nguồn dự trữ quặng urani; hỗ trợ nghiên cứu của Enrico Fermi trong lĩnh vực phản ứng hạt nhân dây chuyền.
Tháng 03/1940, Anh thành lập Ủy ban MAUD nhằm nghiên cứu phát triển bom hạt nhân; khởi động dự án Tube Alloys vì Anh không muốn chia sẻ các ưu thế công nghệ của mình và không muốn giúp Hoa Kỳ phát triển bom nguyên tử riêng.
Tháng 10/1941, dưới sự vận động của nhà vật lý Úc Mark Oliphant, các cơ quan năng lượng hạt nhân của Mỹ đã đệ trình Tổng thống và được chính thức phê chuẩn chương trình nguyên tử.
Tháng 06/1942, ngân sách cho Dự án Manhattan được phê duyệt; J. Robert Oppenheimer được chỉ định làm nhạc trưởng của Dự án. Ngay sau đó, Oppenheimer đã triệu tập những cuộc họp khoa học với sự tham gia của các nhà vật lý lý thuyết như Hans Bethe, John Van Vleck, Edward Teller, Emil Konopinski, Robert Serber, Stan Frankel, và Eldred C. Nelson và các nhà vật lý thực nghiệm Felix Bloch, Emilio Segrè, John Manley, và Edwin McMillan;
Tháng 11/1943, khu thí nghiệm quân sự Los Alamos hoàn thành, Oppenheimer cùng các cộng sự của mình tiến hành các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu dẫn đến sự ra đời của bom nguyên tử về sau.
Để hiểu về cơ chế hoạt động của bom nguyên tử, các bạn có thể đọc bài viết lần trước của mình theo link này.
CỐT TRUYỆN
Phỏng theo cuốn sách đoạt giải Pulitzer: American Prometheus của Kai Bird và Martin J. Sherwin, bộ phim kể về J. Robert Oppenheimer - nhà vật lý người Mỹ, người được coi là "cha đẻ của bom nguyên tử" bởi đạo diễn Christopher Nolan.
Trong Thế chiến II, Mỹ đang phải chạy đua với Đức Quốc xã để phát triển bom nguyên tử, đồng thời phải đối đầu với Liên Xô để đảm bảo sức mạnh của mình; bên thành công trước sẽ là bên nắm trong tay quyền định đoạt kết cục của Thế giới.
Bộ phim tiểu sử có nội dung không quá phức tạp, chỉ xoay quanh hai phân đoạn đan xen lẫn nhau: Thời điểm từ năm 1942-1945, khi Oppenheimer được Chính phủ Mỹ yêu cầu lãnh đạo dự án Manhattan ở Los Alamos nhằm chế tạo siêu vũ khí kết thúc Thế chiến II; và năm 1954, trong thời gian phiên điều trần thu hồi quyền miễn trừ an ninh của ông. Thế nhưng, giá trị cốt lõi của bộ phim nằm ở diễn biến nội tâm các nhân vật, mà đặc biệt là Oppenheimer.
Việc phải kể lại tiểu sử của một người vừa được coi là "anh hùng", vừa được coi là "kẻ tội đồ" lớn nhất lịch sử, theo góc nhìn và cảm xúc của chính người đó một cách công tâm chính là thách thức lớn nhất đối với Nolan và ekip làm phim.
Bộ phim xoáy sâu vào những thăng trầm phức cảm của Oppenheimer, từ thời trai trẻ quyết tâm đem vật lý lượng tử về nước; khi bắt đầu tham gia Dự án Manhattan, cho đến khi rơi vào thế lưỡng nan: tiếp tục hay hủy bỏ dự án vì nhận ra bản chất của bom nguyên tử. Đó là những rối loạn tinh thần của những người tham gia nghiên cứu, những mặc cảm về trách nhiệm với tương lai khi sử dụng vũ khí này, những cơn thăng hoa vì "thành công về mặt kỹ thuật" nhưng lại tước đi sinh mạng hàng trăm nghìn nạn nhân Nhật Bản...
Là một nhà khoa học, Oppenheimer không muốn điều gì hơn là được nghiên cứu và nhìn thấy thành quả của mình. Thế nhưng trong quá trình phát triển bom nguyên tử, nhận ra sức mạnh hủy diệt của nó, ông bị dày vò đến mức ám ảnh khi đấu tranh với lương tâm. Bên cạnh đó, ông lại hiểu rằng điều đáng sợ hơn cả đó là Đức Quốc Xã sẽ chế tạo thành công bom nguyên tử trước Mỹ, khi đó cả Thế giới sẽ bị hủy diệt. Ngay cả bản thân Oppenheimer cũng hoài nghi chính mình.
Albert Einstein đã mở ra cánh cửa cho loài người đến với thế giới lượng tử; nhưng chính Oppenheimer là người bước qua nó vào tạo nên sức mạnh hủy diệt nhân loại. Ông sợ hãi, bị thúc ép, nhưng phần nào đó trong thâm tâm vẫn muốn được sống như một nhà khoa học, hoàn thành nghiên cứu của mình.
Trong bế tắc tột cùng sau khi hoàn thành quả bom, Oppenheimer đã nhắc đến Bhagavad Gita, một cuốn kinh Hindu dài 700 câu, là một phần của sử thi Mahabharata của Hindu giáo.
Ông đã tin rằng mình giống như Arjun, khi chỉ đang thực hiện nghĩa vụ của mình với tư cách là một nhà khoa học để chế tạo một quả bom. Ông ấy sẽ không xác định ai sống và ai chết; và, cũng giống như Gita, Krishna cũng sẽ quyết định như vậy. Vì vậy, ông ấy sẽ không thương tiếc hay vui mừng về những gì số phận sắp đặt, đó là việc của Chúa. Thế nhưng trong tâm khảm, ông không thể rũ bỏ được mặc cảm cùng cực của mình khi phải thốt lên:
"Now I am become death, the destroyer of worlds" - "Bây giờ tôi đã trở thành thần chết, kẻ hủy diệt các thế giới".
Cũng với sự ăn năn và sợ hãi đó, ông đã đề nghị Chính phủ Mỹ không nên tiếp tục phát triển bom H - một loại vũ khí có sức hủy diệt gấp hàng ngàn lần bom nguyên tử; vì "điều chúng ta làm chỉ gây ra một cuộc leo thang chiến tranh khác mà thôi". Xét cho cùng cho đến cuối đời, Oppenheimer chỉ mong mỏi rằng phát minh của ông sẽ đem lại hòa bình chứ không phải địa ngục...
Với những nỗ lực đó, ông bị tước giấy phép an ninh năm 1954 trong phiên điều trần tại phân cảnh thứ hai của bộ phim vì bị cho rằng đã "giúp đỡ Cộng sản".
54 năm sau khi ông qua đời, chính phủ Hoa Kỳ vào năm 2022 đã hủy bỏ quyết định năm 1954 và khẳng định lòng trung thành của ông khi gọi quyết định thu hồi giấy phép của Oppenheimer là kết quả của một "quy trình sai sót.
DỰNG PHIM
Trước tiên các bộ phim của Nolan đều tương đối "khó nhằn" đối với dòng phim chiếu rạp. Không chỉ chứa đựng yếu tố khoa học nặng nề, Nolan còn có xu hướng pha trộn với sự viễn tưởng và triết học. Thường thì người xem phải xem lại nhiều lần mới có thể hiểu tường tận điều Nolan muốn truyền tải trong các tác phẩm của mình.
Oppenheimer cũng không phải ngoại lệ, khi được coi là bộ phim tuyệt vời nhất của Nolan tính đến thời điểm này.
Điểm đặc biệt của Oppenheimer bên cạnh việc quay bằng định dạng IMAX 70mm và 65mm, đem lại trải nghiệm tuyệt vời bởi độ sắc nét, rõ ràng và độ sâu của hình ảnh; bộ phim còn không sử dụng kỹ xảo CGI! Đây là một điều không quá bất ngờ nếu ta đã từng biết những gì Nolan đã làm với Interstellar. Cũng vì yếu tố trên nên bộ phim chỉ tiêu tốn ngân sách nhẹ nhàng là 100 triệu $.
Yếu tố đặc biệt thứ hai, đó là những phân cảnh nước phim đen trắng đan xen cùng phim màu. Nolan đã làm điều khác biệt với những đạo diễn khác, khi màu đen trắng không phải dùng để mô tả ký ức của nhân vật. Các phân đoạn sử dụng gam màu này được kể dưới góc nhìn của Lewis Strauss, người đứng đầu Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Hoa Kỳ lúc bấy giờ, người tạo ra phiên điều trần tước bỏ quyền an ninh của Oppenheimer.
Nghệ thuật kể chuyện của Nolan đã đạt đến mức thượng thừa, khi không chạy theo thủ pháp tuyến tính thông thường mà là sự xen kẽ lẫn nhau; xây dựng các nhân vật rõ ràng, mạch lạc và đưa vào đúng vị trí các nút thắt cần thiết của bộ phim.
DÀN DIỄN VIÊN “KHỦNG” XUẤT SẮC
Phải công nhận rằng bộ phim này quy tụ dàn diễn viên vô cùng tuyệt vời, dưới sự dẫn dắt của đạo diễn xuất chúng Nolan.
Nếu chỉ tính diễn viên và đạo diễn thì bộ phim có sự góp mặt của 16 đề cử Oscar; 5 giải Oscar (trong đó 3 giải Oscar cho diễn viên chính xuất sắc nhất - Rami Malek, Casey Affleck, Gary Oldman). Dàn “quái kiệt” còn bao gồm diễn viên gạo cội 7 lần được đề cử Oscar Kenneth Branagh; Robert Downey Jr. hay Matt Damon… cùng với điểm nhấn lớn nhất: Cillian Murphy!
Chính vì với đội ngũ hùng hậu như thế nên chất lượng diễn xuất trong Oppenheimer không có điều gì phải bàn cãi cả. Các vai diễn đều trọn vẹn, truyền đạt tinh tế được nội tâm các nhân vật, qua đó đưa người xem tiếp cận hoàn hảo với cách diễn đạt phi tuyến tính của đạo diễn Nolan.
Trong bài viết này, có lẽ mình sẽ dành thời gian chủ yếu cho ba vai diễn đáng chú ý nhất.
Florence Pugh (Jean Tatlock – người tình của Oppenheimer)
Nhân vật Jean Frances Tatlock là một tấn bi kịch có thật.
Là một bác sĩ tâm thần xinh đẹp và tài năng, xuất thân trong một gia đình trí thức nổi tiếng, đồng thời cũng là một Đảng viên Đảng Cộng sản Mỹ, Tatlock là người phụ nữ có ảnh hưởng tình cảm lớn nhất với Oppenheimer, cũng như là một trọng điểm chống lại ông trong phiên điều trần năm 1954 về mối quan hệ với Đảng Cộng sản.
Ông có tình yêu cuồng nhiệt si mê, thậm chí là cầu hôn hai lần với bà nhưng đều bị từ chối. Đến cuối đời, Tatlock được cho là đã chấp nhận mình là người đồng tính, điều mà xã hội thời bấy giờ còn coi là “căn bệnh”. Bà tự sát vào năm 30 tuổi.
Trong bộ phim, có một cảnh chỉ vài giây khi Tatlock trong bồn tắm, có một bàn tay đang dìm bà xuống nước. Nolan bỏ ngỏ đó, như một sự “công nhận” với dư luận về những tranh cãi quanh cái chết của bà do bị ám sát.
Một vai diễn quá nhiều bi kịch, nhưng thời lượng xuất hiện lại không nhiều, thực sự là một thách thức kể cả với diễn viên tài năng Florence Pugh (người đã được 1 đề cử Oscar với Little Woman), thế nhưng cô đã xuất sắc thể hiện được trọn vẹn. Người xem sẽ được chứng kiến một Tatlock quyến rũ, với đôi mắt sắc sảo thông tuệ, nhưng luôn ẩn sâu trong đó là nỗi buồn khắc khoải vô tận. Như cách mà Oppenheimer mãi chìm đắm và gục ngã khi biết tin bà qua đời.
Rất nhiều người cho rằng với bộ phim này, Emily Blunt (Kitty Oppenheimer) sẽ được đề cử giải Nữ phụ xuất sắc nhất vào mùa Oscar năm tới; thế như cá nhân mình nghĩ đó sẽ là đề cử của Florence với nàng Tatlock nghiệt ngã này.
Robert Downey Jr. (Lewis Strauss)
Lewis Lichtenstein Strauss là trung tâm của phân cảnh thứ hai trong bộ phim; những phân cảnh Đen Trắng, được dùng để mô tả góc nhìn của Strauss trong câu chuyện 180 phút này.
Strauss là một trong những thành viên ban đầu của Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Hoa Kỳ (AEC) vào năm 1946 trước khi trở thành chủ tịch của cơ quan này năm 1953. Strauss có hiềm khích lớn với Oppenheimer trong suốt giai đoạn hậu WWII, cả lý do cá nhân lẫn lý do chính trị.
Strauss là đảng viên Cộng hòa bảo thủ, trong khi Oppenheimer theo chủ nghĩa tự do, lại từng có quan hệ với Cộng sản. Năm 1947, Strauss cũng chỉ được xếp thứ 5 trong danh sách ứng viên vị trí Giám đốc Viện Nghiên cứu Cao cấp tại Princeton – với ứng viên số 1 là Oppenheimer. Strauss luôn muốn phát triển vũ khí nhiệt hạch và học thuyết răn đe, trong khi Oppenheimer là người phản đối hàng đầu việc thúc đẩy bom khinh khí. Ngoài ra, Strauss còn ghi hận vì Oppenheimer đã sỉ nhục ông công khai năm 1949. Có thể nói, giữa Strauss và Oppenheimer luôn tồn tại xung khắc trong gần như mọi vấn đề.
Khác với Oppenheimer, một nhà vật lý thiên tài, nhưng lại tương đối ngây ngô về chính trị, Strauss lại là một con cáo già trong cuộc chơi quyền lực này. Với ảnh hưởng của mình; Strauss đã cáo buộc Oppenheimer, dẫn đến phiên điều trần tước đi quyền miễn trừ an ninh của ông vào năm 1954 mà chúng ta được chứng kiến trong bộ phim.
Mình thực sự đã thốt lên “Wow” khi chứng kiến một Robert Downey khác hoàn toàn so với trước đây, với gương mặt lạnh lùng nhưng gian xảo, những biểu cảm ấn tượng khi công khai thủ đoạn chính trị của mình để dồn Oppenheimer vào đường cùng. Quả thật, Robert Downey đã lột xác hoàn toàn khỏi các vai diễn mang đậm dấu ấn của ông, đặc biệt là tay chơi tỷ phú Tony Stark a.k.a Iron Man.
Đề cử nam phụ xuất sắc nhất của Oscar mùa tiếp theo chắc chắn sẽ có một vị trí cho những nỗ lực của Robert Downey với vai diễn này!
Cillian Murphy (Robert Oppenheimer)
Đối với mình, Cillian Murphy là một trong những trường hợp đặc biệt của Hollywood: vô cùng tài năng, gương mặt đậm chất điện ảnh, nhưng chưa bao giờ được tỏa sáng đúng nghĩa.
Chàng diễn viên Ireland góp mặt trong không ít các tác phẩm của đạo diễn Christopher Nolan như The Dark Knight Rises, Dunkirk, Inception, nhưng chỉ toàn là các vai phụ hay phản diện, Cillian Murphy hầu như không có cơ hội để tạo ra dấu ấn cho bản thân. Chỉ đến khi tham gia vào loạt phim truyền hình Peaky Blinders với vai diễn để đời Thomas Shelby, tên tuổi của anh mới được công chúng thật sự chào đón.
Mình lần đầu tiên biết đến Cillian là với vai diễn Dr. Jonathan Crane (Scarecrow) của anh trong The Dark Knight Rises. Điều ấn tượng nhất đó là đôi mắt của anh ấy, một đôi mắt vừa đáng sợ, vừa sâu thăm thẳm, lại chứa đựng vô số trải nghiệm cuộc đời; nó vừa cứng rắn và vừa cô đơn nữa. Mình ám ảnh với Scarecrow đến mức luôn tin rằng một ngày nào đó đôi mắt đó sẽ đưa anh đến đỉnh vinh quang sự nghiệp của mình.
Và quả thực như vậy, với những điều anh đã làm trong Peaky Blinders; thế nhưng nếu để cân nhắc thì sự ám ảnh của tên Gangster Thomas Shelby chắc chắn không thể so sánh được với ánh mắt của Oppenheimer.
Sự nghiệp diễn xuất của một người diễn viên Hollywood không phải lúc nào cũng phải ở đẳng cấp cao nhất, vì vô vàn các yếu tố khác nhau như phong độ của mỗi người, sự hợp vai, những trải nghiệm tương thích với nhân vật, chỉ đạo diễn xuất hay thậm chí là những phút xuất thần… Thế nhưng, có những thời điểm mà vai diễn sẽ được ghi đậm dấu ấn trong lòng khán giả, mình gọi là “khoảnh khắc Oscar”.
Vai diễn Oppenheimer là một sự “đo ni đóng giày” khi người đầu tiên đạo diễn Nolan nghĩ đến chính là Cillian Murphy. Phù hợp với tất cả các yếu tố trên, một vai diễn với chiều sâu và sự trải nghiệm ở độ tuổi “chín” mà Murphy đang có, anh đã khắc họa quá đỗi thành công góc nhìn của nhà khoa học đại tài, kẻ vừa được coi là anh hùng dân tộc, vừa được coi là tội đồ lớn nhất lịch sử này, với sản phẩm giết người hàng loạt của mình, bom nguyên tử!
Có rất nhiều “khoảnh khắc Oscar” như thế của Cillian trong phim, nhưng ám ảnh nhất có lẽ là phân cảnh khi ông chứng kiến vụ thử nghiệm thành công Trinity, cảm nhận nỗi kinh hoàng mà nó đem lại, trong giây phút đó, ông đã thức tỉnh cái gọi là trách nhiệm với nhân loại và cương quyết dùng phần đời còn lại của mình trong nỗ lực phản hạt nhân. Và còn vô số những chi tiết khác nữa mà Cillian đã đem đến trong suốt 180 phút bộ phim, với một Oppenheimer không thể trần trụi hơn từ trong chính tâm hồn mình!
Không chỉ là đề cử, mà mình tin rằng giải Oscar nam chính xuất sắc nhất năm nay sẽ thuộc về Cillian với bộ phim tuyệt tác này!
ÂM NHẠC
Sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nhắc tới với phần âm nhạc tuyệt vời của bộ phim, được thực hiện bởi Ludwig Göransson, nhạc sĩ từng được nhận 1 tượng vàng Oscar với nhạc phim trong Black Panther.
Chủ đề chính cho Oppenheimer của Ludwig Göransson có hai phần; phần đầu tiên trong bản nhạc mở đầu "Fission" được chơi bằng vĩ cầm mang đượm vẻ u buồn. Bản nhạc dần dần trở nên lạc quan hơn như để thể hiện rõ hơn những thành tựu của Oppenheimer khi ông tiến hành phát triển quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới trong phim.
Phần thứ hai của chủ đề chính là sự chân thành, gần gũi và trang trọng hơn. Các nốt nhạc chuyển hướng đầy cảm xúc và sự tao nhã bởi tiếng vĩ cầm, kết hợp với các thiết bị điện tử tạo nên nhịp điệu nhanh chóng nhưng không kém phần sâu sắc.
Xuyên suốt các bản nhạc luôn là những cảm xúc hy vọng, lạc quan đan xen cùng lo lắng và căng thẳng, đã tạo nên điểm thú vị lớn nhất cho phần nhạc nền của Oppenheimer. Các tác phẩm tiêu biểu của nhạc phim này có thể kể đến Can You Hear The Music và Destroyer Of Worlds.
THAY CHO LỜI KẾT
Đây thật sự là một bài review rất dài của mình, mình đã từng nghĩ sẽ tách thành hai phần khác nhau nhưng rồi lại thôi, bởi cảm xúc mà bộ phim đem lại vẫn luôn ám ảnh trong tim mình. Với cá nhân mình, một fan trung thành của Nolan, và kiêm luôn fan cứng của Cillian Murphy, thì Oppenheimer thật sự là một tuyệt tác.
Ba tiếng của bộ phim, nhưng mọi chi tiết đều có lý do của nó, truyền tải được một bức tranh lịch sử khổng lồ trong giai đoạn biến động nhất của Thế giới những năm 1942-1945; đồng thời khắc họa được tiểu sử của Oppenheimer theo chính góc nhìn nội tâm của ông về những gì đã diễn ra. Nolan không bao giờ phán xét, ông để điều đó cho thời gian và chúng ta trả lời; ông chỉ tinh tế mang đến cho Thế giới một minh họa kinh điển về dòng phim tiểu sử với đa chiều các chi tiết phức tạp, theo cách kể phi tuyến tính đặc trưng, nhưng lại gần gũi nhất.
Movie
/movie
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất