[Why fake news?]
Thời gian rồi mẹ tôi nghỉ dịch, ngồi rảnh rỗi lướt Facebook và thỉnh thoảng ố á lên vài câu. Tôi hỏi chuyện gì thế, mới rõ mẹ vừa đọc...
Thời gian rồi mẹ tôi nghỉ dịch, ngồi rảnh rỗi lướt Facebook và thỉnh thoảng ố á lên vài câu. Tôi hỏi chuyện gì thế, mới rõ mẹ vừa đọc tin này kinh lắm, tin này hay lắm hay điều gì đó đại loại mà chưa rõ nguồn gốc. Và đó lại là một kiểu fake news.
Kì cách li xã hội toàn quốc lần thứ nhất kéo dài hai tuần đã giúp tôi nhận ra rằng một trong những vấn đề nổi cộm của đại dịch hiện nay là sự lên ngôi rất dễ dàng của các luồng tin giả, hay còn được gọi với cái tên mang tính quốc tế hơn là "fake news". Tin giả được nhắc đến mỗi ngày, tôi nghe mỗi giờ và dường như là thứ không thể thiếu mỗi lần ai đó trong gia đình tôi bắt đầu cập nhật thông tin.
Tin giả là những thông tin sai sự thật, phản ánh một điều gì đó không chính xác so với thực tế và cũng không phải một điều gì mới mẻ mà ngày nay chúng ta mới thế. Ở những tập thể văn hóa làng xã ngày xưa đã ghi nhận kiểu "tin giả" là những câu chuyện bịa đặt, lời đồn thổi từ làng trên xóm dưới và thường thấy trong những lần ngồi lê đôi mách, "buôn dưa lê bán dưa chuột". Nhiều khi tin giả trở nên nghiêm trọng hơn sẽ ảnh hưởng tới phần lớn bộ phận người tiếp nhận, vì tâm lí thường sẽ là "tin giả dễ tin hơn".
Những ngày đầu khi mà một loài virut lạ gây nên bệnh viêm phổi cấp có khả năng làm chết người bùng phát ở Trung Quốc, tin giả xuất hiện rất sớm và tràn ngập khắp nơi. Và cho đến tận bây giờ, mặc dù đã có không ít sự nỗ lực ngăn chặn tin giả và nhiều nguồn tin chính thống đã xác nhận sự thât, tin giả vẫn điềm nhiên hoành hành mọi chốn, không kể đến biên giới bất kì một quốc gia nào. Nên tôi đã đắn đo về một vấn đề, rằng: Tại sao tin giả lại "được tin" đến như vậy?
Đầu tiên, có lẽ đều xuất phát từ bản năng của con người. Con người ai cũng có tính tò mò. Sự tò mò trong truyền thuyết xưa đã khiến Adam và Eva ăn trái cấm của Thượng đế thì lâu nay, sự tò mò đưa con người phát triển lên nhiều cấp bậc văn minh và có khả năng đi tìm hiểu những gì mình chưa biết rõ. Sự thật chưa bao giờ tồn tại một cách chính xác tuyệt đối và một sự thật có lẽ không đủ để đáp ứng cho nhu cầu hiểu biết của con người. Trong bối cảnh hiện nay cũng như trong các trường hợp nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng, sự sợ hãi của con người cũng là nguyên do gây nên một niềm tin mù quáng hay đặt niềm tin sai chỗ. Hàng chục cột phát sóng 5G tại Anh hay Hà Lan đã bị chính người dân phá hủy, chỉ vì một vài thông tin sai sự thật cùng tâm lí sợ hãi - sợ chết.
Ngoài ra, có vẻ như những thông tin được cung cấp không đủ tin cậy để được tin tưởng. Như tin đồn về nguồn gốc của căn bệnh lạ Covid 19 tuy đã được xác nhận bởi chính quyền nước sở tại nhưng sự xác nhận đó chưa bao giờ là đủ. Đó dường như là một sự xác nhận nghe ngẫu nhiên và bất ngờ đến khó tin và nhiều người tìm đến một vài giả thuyết khác có vẻ xác đáng hơn như: Bệnh dịch này là thuyết âm mưu của Trung Quốc hay là kết quả nghiên cứu của chiến tranh sinh học... Ta cần nhiều bằng chứng hơn, nhiều dữ liệu nghiên cứu hơn, một lời giải thích cặn kẽ hơn. Có lẽ vấn đề chỉ là chưa đủ. Và chưa đủ thì ta sẽ tìm đến nhiều nguồn thông tin hơn, bất kì thông tin gì liên quan mà mấy ai tỉnh táo để kiếm chứng nguồn.
Cuối cùng, dường như "tin giả đáng tin hơn tin thật". Trong một buổi học về chủ đề "Đâu là sự thật" của lớp học liên kết giữa lĩnh vực Triết học và Văn học tôi đã tham gia năm ngoái, người diễn giả đã nhấn mạnh và đúc kết - sau sự thảo luận gay gắt của cả phòng - rằng: Không có sự tồn tại của sự thật, chỉ là có điều gì đáng tin hơn điều gì mà thôi. Khi ấy, đó là sự thật. Những luồng tin giả xuất hiện một cách điềm nhiên theo một trong những kênh truyền thông hiệu quả bậc nhất - Word of Mouth - Truyền miệng, nên mang tính đại chúng và có vẻ đáng tin hơn. Ở một vài trường hợp, tin giả không được kiểm chứng trên các kênh thông tin chính thống, không được giải quyết và phản biện trên báo chí cũng là một cách để tin giả vẫn được sống. Vì mặc dù đó không phải sự thật nhưng chí ít cũng không ai có thẩm quyền đã phủ nhận nó cả. Một số người đã tin như thế, và tiếp tục bằng cách đó, tin giả tồn tại. Chuyên gia Claire Wardle thuộc First Draft, một trong những trang kiểm chứng thông tin (fact-check) hàng đầu thế giới đã chỉ ra trong một bài viết, rằng nguyên nhân có khả năng dẫn đến sự tồn tại của tin giả là nằm ở vai trò của báo chí chính thống. Rằng báo chí chính thống không chỉ cần đưa tin chính xác mà còn cần thực hiện nhiệm vụ phản ánh và bóc trần những tin giả. Vậy cũng là một cách thể hiện sự mạnh mẽ trong cuộc chiến chống lại fake news và sự chặt chẽ trong quản lí thông tin thời công nghệ số.
Tuy nhiên, thực sự Chính phủ Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò quản lí thông tin trong giai đoạn khủng hoảng như hiện nay. Có sự chuyển đổi trong cách truyền tải thông tin chính xác tới người dân (từ các loại hình báo chí thông thường đến mạng xã hội, SMS), có sự quản lí và kiểm chứng nhanh các nguồn tin sai sự thật ngay lập tức và thậm chí kết hợp, tận dụng mọi nguồn lực và các đơn vị khác nhau như các nhà mạng, KOL tin cậy để truyền tải thông tin. Vì một nguồn chính thống còn khó có thể tin, nhưng nhiều nguồn chính thống hợp lại càng tăng thêm sự xác thực và đáng tin cậy của thông tin được truyền tải. Và câu chuyện "truyền thông Chính phủ thời dịch" thậm chí còn là case study được nhắc đến nhiều nhất trong môi trường báo chí truyền thông chúng tôi, được đánh dấu là bước chuyển mình mạnh mẽ của một nền thông tin không già cỗi.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất