Dịp Tết là dịp mọi người quây quần, gặp gỡ, trao nhau những lời chúc tốt đẹp, và sau đó là vui vẻ nói chuyện phiếm. Vì vậy đây là một dịp tốt để chúng ta cùng điểm lại những lỗi giao tiếp phổ biến mà rất nhiều người mắc phải, để tránh làm phật lòng nhau ngày Tết nhé :D

1. Ngắt lời người khác

Dịp tết, tinh thần ai cũng vui vẻ, phấn chấn, vì vậy nhu cầu được nói của mọi người cũng nhiều lên. Hãy nhớ cứ để họ nói cho hết rồi mình hẵng nói vào nhé. Thêm vào đó, có những người do quên mà không nhớ là mình đã từng kể cho bạn một câu chuyện gì đó mà họ nghĩ là rất thú vị. Những lúc như vậy cũng đừng ngắt lời họ và nói "Cái này mày kể rồi" nhé. Khi họ đang hào hứng như vậy, hãy cứ để họ xả đi. Cũng không mất nhiều thời gian của mình, mà lại giúp cho họ cảm thấy tốt hơn khi được kể một câu chuyện mình ưa thích.

2. Nói quá nhiều

Liên quan tới lỗi bên trên là lỗi nói quá nhiều. Có rất nhiều người mình từng gặp, khi bắt đầu nói là họ chỉ tập trung vào việc xả cái sướng khi nói của bản thân, chứ không hề để ý tới phản ứng của .. "khán giả" của mình. Hãy biết dừng lại đúng lúc nhé. Nếu được, hãy tập nói sao cho cùng một thông điệp ấy, diễn đạt trong càng ít từ càng tốt.

3. Nhầm lẫn giữa Nói Thật và Nói Vô Duyên

Nói thật là tốt, nhưng có những điều mà nói thật với người đó, tại thời điểm đó, là thừa thãi, và gây tổn thương, mất lòng nhau. Khi đó, việc nói thật đó lại trở thành vô duyên, dễ gây cãi vã không cần thiết vào ngày Tết. Vì vậy, trước khi nói một điều gì đó, dù là nói thật, hãy nghĩ kĩ xem đối tượng mình đang nói chuyện cùng có CẦN phải nghe điều này không. Còn nếu là nói chuyện phiếm thì hãy nghĩ xem họ có cảm thấy thoải mái khi nghe điều mình sắp nói không.

4. "Sao mày không...?"

Có lần mình kể chuyện việc mình đi xe máy, bị cán vào đinh và phải gọi xe cứu hộ tới kéo về. Thằng bạn nhảy ngay vào và nói "Sao mày không dắt xe đi tới chỗ sửa xe ấy?". Mình nói "Dắt mãi rồi không có. Đoạn đấy vắng và dài lắm". "Sao không nhờ ai đẩy xe giúp?" Mình phải nén lại và nói "Như đã nói, nó rất vắng".
Hoặc lần khác, mình đi chăm người ốm. Người nhà bèn hỏi thăm xem bệnh tình bệnh nhân thế nào. Mình nói qua là ho cả đêm. Người nhà bèn nói "Sao không gọi bác sĩ?".
Những câu nói kiểu "Sao mày không...?" và đi kèm với những hành động mang tính hiển nhiên như vậy thường sẽ dễ khiến người nghe cảm thấy như thể mình bị coi là kẻ ...không biết gì vậy. Đó là chưa kể, người nói thậm chí còn không biết là mình đã gọi bác sĩ chưa, hay đã thử dắt xe đi tìm hàng sửa xe chưa, mà lại hỏi như thể họ biết mình không làm như vậy, điều này càng gây ức chế cho người nghe.
Một biến thể khác của lỗi này là câu "Phải tao thì...". Đây cũng là câu rất dễ khiến người khác tức giận, vì đã không đồng cảm với người nói, mà lại còn tỏ ra là hơn người. Nếu nói câu này, nhất là khi người đối diện vừa kể xong một câu chuyện buồn, trong đầu người nghe sẽ nghĩ rằng "Vâng giờ ông mõm thì ghê rồi", từ đó bạn sẽ đánh mất đi sự tôn trọng từ người kia.
Vì vậy, khi gặp những câu chuyện như vậy, đừng ngay lập tức đưa ra một câu có thể nói là cửa miệng của khá nhiều người như vậy nhé. Nếu bạn chưa biết họ đã thử sự lựa chọn hiển nhiên nhất chưa, hãy hỏi xem họ đã làm điều đó chưa, hoặc tốt hơn nữa là hãy mặc định là họ đã làm nó rồi. Ví dụ như trong trường hợp hỏng xe kia, hãy hỏi "Ồ phải gọi cứu hộ thì chắc không tìm đc hàng sửa xe hả?", hoặc trong ví dụ chăm người ốm kia thì hãy hỏi "Thế bác sĩ bảo sao?"

5. "Sợ cái gì mà sợ" hoặc "Ngon thế mà không ăn, đúng là dốt"

Nếu để tựu chung lỗi này lại thì sẽ là lỗi gán cảm xúc/cảm nhận/nhận định của mình lên người khác.
Lỗi này xảy ra khá nhiều ở các bậc phụ huynh khi chăm con cái, nhất là lúc nhồi cho con ăn. Có lần mình nếm thử một món và nói "Hmm món này hơi mặn" thì mẹ mình gạt đi ngay "Mặn đâu mà mặn. Vừa thế còn gì". Hoặc khi mẹ mình hỏi có mang chả cá lên HN để rán ăn không, mình nói "Thôi ạ. Con không thích ăn chả cá". Mẹ mình nói "Ôi chả cá ngon mà. Rán lên ngon lắm" "Dạ thôi con không thích ăn chả cá". "Nhưng mà ngon!". Mình phải nói tới lần thứ 3 mẹ mình mới chịu thôi.
Hoặc như có lần mình nói, đại khái ý là sau này mình vào Sài Gòn công tác chắc sẽ không tận dụng được hết cái hay của SG, vì SG sôi động về tối, còn mình thì chỉ thích ở nhà sau một ngày làm việc. Bạn mình bèn nói luôn "Thế thì mày chán. SG phải ra đường buổi tối mới vui".
Điều này xảy ra khi người nói khá cứng đầu với nhận định của riêng mình. Khi chủ đề được nhắc tới thì thay vì lắng nghe người đối diện, họ ngay lập tức liên hệ tới bản thân và nói ngay về trải nghiệm của mình, và mặc dù nói dựa trên trải nghiệm của riêng mình nhưng lại nói như thể đó là trải nghiệm đúng DUY NHẤT. Điều này rất dễ làm cho người nghe không những bị cụt hứng, mà còn cảm thấy tệ về bản thân.
Thử tưởng tượng bạn vừa nói "Em vừa cố thi mãi mới được IELTS 7.0", mong đợi một lời khen ngợi, chúc mừng, mà anh người yêu lại nói "IELTS 7.0 giờ nhan nhản rồi. Giờ cứ phải 8.0 thì may ra mới được gọi là khác biệt một chút" thì có muốn cho cái tát không? Hoặc bạn vừa khen Bangkok hay, thì thằng bạn nói "Ôi xời Bangkok vừa bẩn vừa nóng, chả có gì hay" thì bạn có muốn đấm cho nó phát không?
Những lúc như vậy, hãy đặt thêm câu hỏi để khai thác về câu nói người nói vừa nói để hiểu thêm về câu chuyện của họ. Họ không hỏi về nhận định của bạn thì đừng có nói. Còn nếu bạn muốn đóng góp vào câu chuyện, mà nhỡ quan điểm của bạn trái chiều với ý kiến của họ, hãy nói sao để họ biết rằng đó đơn giản là bạn có một quan điểm khác, chứ không phải bạn đang bác bỏ hay coi thường quan điểm của họ.
Lựa chọn tốt trong trường hợp đó là, hãy tìm một phần nào đó trong quan điểm của người kia mà bạn đồng ý, nói về nó trước để tạo thiện cảm nơi người nghe, sau đó mới đưa ra ý kiến khác của bạn. Như vậy thì họ sẽ dễ chấp nhận ý kiến của bạn hơn và hiểu rằng bạn đang không cố gạt đi ý kiến ban nãy của họ.

6. Dạy người khác điều mà họ biết rõ hơn mình

Có lần mình đang nói chuyện với bạn về việc mua nhà mua cửa ở VN. Khi nói về lãi suất ngân hàng, mình mới nói "ồ thế thì cũng cao gần bằng ở bên Úc đấy" thì bạn mình mới nói "Không. Bên Úc sao cao thế được. Cùng lắm chỉ 2 3% thôi". Lưu ý là bạn mình chưa bao giờ tới Úc, chưa bao giờ đọc báo hay nghiên cứu về lãi suất ngân hàng bên Úc, còn mình là người trực tiếp phải trả cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng Úc khi mua nhà ở bên đó.
Có rất nhiều người ngoài kia đang mắc phải lỗi này. Thay vì hỏi về cái họ chưa biết, họ lại dùng những tư duy vô cùng thiếu cơ sở của họ và nói chắc nịch về điều đó, nhất là khi đối phương mới là người nắm rõ hơn họ. Điều này dễ xảy ra khi bạn là người luôn thích tỏ ra hơn người, kể cả rơi vào lĩnh vực bạn không biết rõ cũng phải cố bịa ra cái gì đó để nói vào.
Nếu người nghe là người ngây ngô không biết gì, thì bạn có thể sẽ có vẻ là người hiểu nhiều biết rộng. Chứ khi đối phương là người biết nhiều hơn bạn chí ít là lĩnh vực đang được đề cập đến, thì việc bạn cứ nói chắc nịch vào điều bạn không biết chắc sẽ chỉ làm bạn bị đánh giá thấp đi trong mắt người đối diện. Các bạn nam nào đi ra mắt gia đình người yêu dịp Tết này tuyệt đối tránh lỗi này nhé. Đừng vì cố thể hiện bản thân trước mặt bố mẹ người yêu mà chém gió sai, dẫn tới việc không những bị quê, mà còn bị đánh giá xấu đi trong mắt người lớn.
Cũng liên quan tới lỗi này, là lỗi dạy người khác tiêu tiền. Tết nhất, một trong những câu hỏi phổ biến nhất, mà cũng vô duyên nhất, đó là "Lương được bao nhiêu?". Thu nhập là điều riêng tư cá nhân và không nên hỏi người khác (Bố mẹ hỏi thì trả lời cũng được, để cho bố mẹ biết mà an tâm). Mà nếu đã hỏi, thì tuyệt đối đừng có dạy người khác phải tiêu số tiền họ có thế nào, vì họ mới là người nắm rõ nhất.
Mình thấy rất phổ biến là khi một ai đó khoe là mới mua được thứ đồ gì đó xịn xò, đắt tiền, ngay lập tức bị dập đi bởi câu "Mày tiêu phung phí thế. Chả biết tiết kiệm gì", trong khi còn không biết thu nhập của người kia thế nào.
Miễn là họ không phải đi vay mượn tiền khắp nơi, còn lại, kể cả tháng nào họ cũng hết sạch tiền vào cuối tháng, đó vẫn là việc của riêng họ. Họ tiêu nhiều, hưởng thụ nhiều, thì họ tiết kiệm được ít. Đó đơn giản là sự khác biệt về lối sống. Đừng áp dụng lối chi tiêu của mình lên lối chi tiêu của người khác.
Còn nếu là bậc bố mẹ, hay anh chị em, cảm thấy người thân trong gia đình do thiếu kinh nghiệm mà chi tiêu không hợp lý so với thu nhập (thường xảy ra với những thanh niên mới đi làm), lúc đó có thể góp ý riêng, nhưng cũng chỉ nên nhắc chung chung thôi, đừng bắt ép hay chê bai họ nếu họ chọn cách chi tiêu khác với mình. Nếu vì lối chi tiêu không hợp lý đó mà họ thiếu thốn, tự họ sẽ rút ra bài học cho mình.

7. Đưa ra lời khuyên khi không được hỏi.

Cũng liên quan tới lỗi trên là lỗi chả ai hỏi mà cứ thích đưa ra lời khuyên. Có lẽ ai cũng biết một (vài) người như thế ở xung quanh nên chắc nhắc tới phát là liên hệ được ngay.
Và khó chịu nhất là gì các bạn biết không? Đó là khuyên về những chủ đề riêng tư, tế nhị. Bên cạnh việc khuyên người khác cách tiêu tiền của họ, còn có những người chả biết rõ ngọn ngành câu chuyện cũng khuyên người này bỏ chồng/bỏ vợ/bỏ ny, khuyên chuyển ngành học, khuyên người khác phải dạy con sao cho đúng, khuyên người khác trang trí nhà của họ v..v...
Đây đều là những vấn đề rất riêng tư, và rất nhiều khi, nó rơi vào phạm trù KHÁC BIỆT, chứ không phải SAI để mà đưa ra lời khuyên. Vì vậy hãy cân nhắc thật kỹ trước khi định khuyên bảo ai đó, nhất là nếu người đó đã là người trưởng thành nhé.
Mong rằng bài viết này sẽ giúp mọi người tránh được những phật lòng/mâu thuẫn không đáng có ngày Tết, để ngày Tết thêm vui vẻ, hạnh phúc nhé.
Chúc mọi người một năm mới sức khỏe dồi dào, thật nhiều niềm vui và may mắn, và quan trọng là năm nay trở thành một phiên bản tốt hơn nhiều so với những ppl trước nhé :D