Photo Credit: The Conversation
Photo Credit: The Conversation
ChatGPT được OpenAI chính thức cho công chúng sử dụng vào ngày 01/12/2022 và nó nhanh chóng gây ra cơn chấn động toàn cầu, vì lần đầu tiên nhân loại được thấy sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (A.I) lớn đến cỡ nào. Mặc dù chỉ là bản thử nghiệm với dữ liệu được giới hạn cập nhật đến năm 2021, ChatGPT vẫn cho thấy được trí thông minh đến mức kỳ lạ của mình.
ChatGPT tự giải thích nó hoạt động thế nào. Ảnh chụp màn hình người viết.
ChatGPT tự giải thích nó hoạt động thế nào. Ảnh chụp màn hình người viết.
Bằng các thuật toán tân tiến, ChatGPT có thể xử lý một lượng dữ liệu văn bản khổng lồ, học các cấu trúc văn bản và từ đó có thể đưa ra một câu trả lời giống người cho các câu hỏi. ChatGPT có thể đưa ra câu trả lời cho mọi chủ đề, kể cả chủ đề trừu tượng và thậm chí biết được giới hạn của bản thân nó.
ChatGPT làm thơ về vũ trụ theo trường phái Victoria
ChatGPT làm thơ về vũ trụ theo trường phái Victoria
Rõ ràng ChatGPT đã để lại ấn tượng lớn trong tâm trí người dùng, ngay cả khi chúng ta biết rằng những dòng chữ chúng ta đọc chỉ từ những thuật toán vô hồn tạo ra, chúng ta vẫn không thoát khỏi cảm giác ngỡ ngàng rằng có một linh hồn nào đó đang phản hồi lại với chính mình. CEO của OpenAI, tập đoàn phát triển lên ChatGPT đã nói rõ rằng ChatGPT là một công cụ bị hạn chế nhưng đủ tốt để tạo ra ấn tượng là một thứ gì đó vĩ đại.
"incredibly limited, but good enough at some things to create a misleading impression of greatness."Một câu nói để mô tả về một công cụ trí tuệ nhân tạo rất đúng để diễn tả về rất nhiều người đứng sau các sự kiện lớn trong năm 2022 này.
Nếu có thể gói gọn bài học mà bản thân mình rút ra được trong năm 2022 thì nó thể hiện qua câu nói này
"Tôi đã học được từ rất sớm về sự khác biệt giữa biết về thứ gì đó và biết thứ gì đó" - Richard P. Feynman
ChatGPT ở mức độ hiện tại chỉ là biết về thứ gì đó dựa trên những dữ liệu mà con người cung cấp cho chúng, học một cách máy móc (dù rất hiệu quả) cách con người giao tiếp bằng tiếng Anh và đưa ra những câu trả lời nhiều lúc sai lệch nhưng rất ấn tượng.
Nó làm mình nhớ đến Sam Bankman-Fried (SBF), người đứng đầu công ty tiền mã hóa điện tử FTX vừa sụp đổ trong tháng 11 vừa rồi. Mình có dành thời gian nghe lại những buổi phỏng vấn của anh ta, về những dự định anh sẽ làm khi có nhiều tiền như là sẽ đi từ thiện, đóng góp cho các hoạt động bảo vệ môi trường, rồi anh ta đặt mục tiêu làm trong sạch thị trường tài chính. Trong một video nổi tiếng quay lại cảnh SBF nói chuyện trước Quốc hội Mỹ, anh ta nói rằng sự khủng hoảng tài chính năm 2007-2008 gây ra là do sự không minh bạch của ngân hàng. Vấn đề này, anh ta khẳng định, đang được giải quyết nhờ vào các nền tảng tài chính phi tập trung như FTX.
Mình tự hỏi liệu anh ta có hiểu anh ta nói gì không? Liệu anh ta thực sự biết những gì anh ta đang nói hay anh ta cũng như một cái máy học (machine learning), học và quan sát từ môi trường chung quanh, rồi biết cách nói những thứ người khác muốn nghe với sức thuyết phục vô cùng cao. Có thể anh ta không hiểu được "Chủ nghĩa Vị tha" (Altruism) hay tài chính phi tập trung là gì, nhưng anh ta đã nghe về nó và biết cách nói để khiến người khác nghĩ anh ta biết nó là gì.
Mình không nghĩ anh ta có dự định lừa đảo ngay từ đầu, con người thường không đơn giản thế. Có thể anh ta thực sự tin vào việc xây dựng một nền tảng tài chính phi tập trung từ đầu, nhưng với số tiền quá lớn nắm trong tay và sự phức tạp trong việc vận hành tăng lên hàng trăm lần, anh ta không thể kiểm soát được tình hình nữa. Có lẽ khi thực hiện các hành vi lừa đảo, anh ta trong thâm tâm đã tự thuyết phục bản thân rằng anh làm với ý tốt.
Một thời kỳ tiền rẻ kéo dài hơn 10 năm khiến nhiều công ty khởi nghiệp nhận được một lượng tiền lớn từ các nhà đầu tư, khiến doanh nghiệp của họ bùng nổ với tốc độ chóng mặt. Nó tạo ra một bong bóng không chỉ về mặt tài chính mà còn cả về mặt hình ảnh: đột nhiên thiên tài mọc lên khắp nơi và ai cũng cho rằng cái họ làm sắp tới là một thứ cách mạng thay đổi bộ mặt nhân loại.
Thế rồi khi quãng thời gian tiền rẻ thần kỳ đó biến mất, đột nhiên người ta bắt đầu nhìn lại họ và tự hỏi rốt cuộc họ đang làm gì? Họ cảm thấy lo sợ với những niềm tin vững chắc mà họ đã xây dựng trước đó. Một trong những bài báo khiến mình bất ngờ nhất là bài đăng trên Bloomberg về công nghệ xe tự lái.
Với tựa đề "Sau khi tiêu tốn 100 tỷ đô la, công nghệ xe tự lái vẫn đang không đi đến đâu", bài báo cho thấy những viễn cảnh đẹp đẽ mà những người tiên phong xây dựng công nghệ này vẽ ra để thuyết phục nhà đầu tư đổ tiền vào bỗng trở nên phi thực tế. Thậm chí ngay cả những tín đồ lâu đời của công nghệ này, Anthony Levandowski, người đã gây dựng nên đơn vị kinh doanh xe tự lái của Google và sau đó chuyển qua Uber, cũng cảm thấy thất vọng với ngành công nghiệp này.
"Bạn sẽ thật sự rất khó để tìm thấy một ngành nào đã được đầu tư nhiều tiền như vậy cho hoạt động nghiên cứu mà lại mang lại ít kết quả như vậy. Đừng mơ tới lợi nhuận - giờ hãy tính xem tổng doanh thu mà các công ty làm về robot taxi, robot xe tải, bất kỳ công ty robot nào, doanh thu là bao nhiêu? Có phải là hàng triệu đô la không? Có thể. Còn tôi tôi nghĩ là số 0." - Anthony nói với phóng viên Bloomberg.
Còn Uber, công ty của anh làm và từng được kỳ vọng sẽ trở thành tập đoàn taxi lớn nhất thế giới, thì được cảnh báo rằng có thể nó sẽ không bao giờ có một đồng lời.
Mình suy tư nhiều sau khi đọc bài báo này, bởi vì có một thời ở trường đại học mình có đăng ký một khóa học lập trình năm 2018 của Udacity, và trong khóa học thì có dự án xe tự lái dạng đơn giản. Nhờ khóa học đó mà mình đã tìm hiểu nhiều hơn về xe tự lái, đã ngồi đọc về một thế giới tương lai nơi xe hơi tự giao tiếp với nhau, tự biết tìm đường đi, tự biết chọn giảm thiểu thiệt hại khi gây ra tai nạn giao thông (đội MonsterBox từng làm video về vấn đề này). Mình đã đọc về xe Waymo của Google, về những bước đột phá trong thử nghiệm của họ, về tiềm năng sinh lời to lớn mà công ty này sẽ mang lại cho các nhà đầu tư.
Hơn 4 năm trôi qua và bây giờ người ta nói rằng khả năng cao con người đã bỏ hàng trăm tỷ đô xây dựng giấc mơ không có thật.
Năm 2022 có lẽ là năm khiến chúng ta trở nên khiêm tốn, bởi những gì chúng ta nghĩ chúng ta biết đều bị thử thách bởi thực tế đau thương. Cuộc chiến không xảy ra đã xảy ra, và nó lại còn diễn ra theo cách chúng ta không bao giờ tới: một cuộc chiến vừa sử dụng công nghệ cao của tương lai với máy bay không người lái và vũ khí chính xác, lại được tiến hành bởi chiến thuật của Thế chiến thứ Nhất. Quân đội Nga hóa ra chỉ là hổ giấy, và chính phủ Đức hóa ra cũng gồm những người vừa đầy ảo tưởng mộng mơ vừa nhu nhược. Người Đức nghĩ họ biết người Nga, hóa ra họ chỉ biết về người Nga. Họ không biết người Nga một chút gì cả và giờ họ phải học lại từ đầu.
Còn đất nước Ukraine được điều hành bởi một chính phủ nhiều tham nhũng và lãnh đạo bởi Tổng thống có chỉ số tín nhiệm cực thấp trong năm 2021, hóa ra lại kiên cường và chiến đấu giỏi hơn bất cứ những viễn cảnh tích cực nhất người ta có thể nghĩ ra.
Có lẽ thử thách lớn nhất trong thời đại số, trong thế kỷ 21 này là khiến bản thân thực sự biết một thứ gì đó. Những công nghệ tân tiến mang lại cơ hội ngàn vàng cho nhân loại để tiếp cận đến được lượng thông tin, kho kiến thức khổng lồ. Nhưng tự những thứ đó không khiến chúng ta biết được thứ gì đó, và tai hại hơn nó khiến chúng ta nghĩ rằng chúng ta biết vì ta đã nghe về nó, đọc về nó.
Khi bản thân mình tiếp xúc với những bạn trẻ hơn mình rất nhiều tuổi, mình thấy các bạn biết nhiều hơn mình và lứa bạn bè mình 10 năm trước. Các học sinh cấp 3 và năm nhất đại học bây giờ đã có thể nói về:
1. Tâm lý học: các xu hướng tính dục, các thủ pháp thao túng tâm lý, các bệnh tâm lý, các "red flags"/"green flags" khi hẹn hò.
2. Về giáo dục: tìm hiểu về tư duy phản biện, biết đến giáo dục khai phóng, có thể viết luận (dù không chuyên sâu) về các vấn đề xã hội như bình đẳng giới, khoảng cách giàu nghèo, bảo vệ môi trường, biết tự tìm và tự học các khóa học online.
3. Về tài chính: cách đầu tư cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, cách tiết kiệm, cách kiếm thu nhập thụ động, lên kế hoạch nghỉ hưu sớm, cách kêu gọi đầu tư.
4. Về sự nghiệp: về kỹ năng cứng, kỹ năng mềm, biết viết CV, biết cách networking, lên kế hoạch phát triển sự nghiệp, biết chuẩn bị cho phỏng vấn vào các tập đoàn lớn.
Những thứ mình nói ở trên là những kiến thức xa xỉ cho một bạn trẻ 18 tuổi tầm 10 năm trước, nhưng bây giờ chúng như kiến thức phổ thông, giống như bây giờ không còn ai cảm thấy "kính nể" một người vì người đó đạt điểm IELTS 6.5 nữa.
Như đã nói ở trên, sự biết nhiều không đồng nghĩa với việc biết thật sự. Một bạn chủ công ty đã tâm sự với mình rằng sau hơn 5 năm kinh doanh chật vật, bạn mới biết rốt cuộc bạn nên làm gì với công ty của bạn. Và những thứ bạn rút ra được nó không khác gì với kiến thức trong sách giáo khoa về quản trị kinh doanh bạn học hồi ở Đại học: như là về cách tăng năng suất lao động, về economy of scales, về các cách tính chi phí bán hàng, về cách chia công việc (delegation). Phải mất 5 năm với nhiều cái sai đau đớn, bạn mới thấm được những điều viết trong sách, và căng thẳng hơn là cho dù bạn biết được phải làm gì thì điều đó cũng chưa chắc giúp bạn đưa doanh nghiệp đi lên.
Hoặc là những học sinh theo chủ nghĩa cá nhân, luôn dễ dàng nêu ra các lý do giải thích cho luận điểm tại sao người nghèo là do họ lười biếng không chịu làm, bỗng nhận ra sự khắc nghiệt trong cuộc sống này trong năm vừa qua. Những người đó họ sẽ nói gì với những anh tài xế chạy Grab chạy ngày chạy đêm mà vẫn không đủ tiền đổ xăng trong đợt khủng hoảng năng lượng hồi đầu năm, hay là công nhân phải nghỉ việc vì không có đơn hàng. Những người đó có lười biếng hay chăng? Những trường hợp đó khác thế nào với những gì họ đã đọc, đã nghe đến?
Về bản thân mình, mình đã từng nghe đến câu nói này: Những thứ tốt đẹp hay tồi tệ nhất, chúng luôn vượt mức tưởng tượng của chúng ta. Tại sao? Bởi vì trí tưởng tượng của chúng ta thì bị giới hạn bởi những thứ đã xảy ra trong quá khứ, còn biến cố ngoài cuộc sống thì luôn tạo ra bởi những sự kết hợp chưa từng có của vô vàn yếu tố khác nhau. Chúng ta luôn nghĩ chúng ta đã kinh qua mọi sự buồn vui đau khổ rồi, cho đến khi chúng ta thấy những thứ còn lớn hơn thê·
Mình biết điều đó nhưng mình chỉ cảm thấy thấm điều đó khi tất cả những gì tồi tệ xảy ra trong năm vừa rồi: giá cả hàng hóa lên cao chóng mặt, sự đóng cửa của nhiều công ty, sự căng thẳng mình cảm nhận được từ mọi người chung quanh gây ra sự suy sụp của thị trường tài chính, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu, cũng như sự suy sụp của thị trường bất động sản.
Một ngày giao dịch bình thường trong năm 2022
Một ngày giao dịch bình thường trong năm 2022
Bất chấp những điều tồi tệ mà năm 2022, và đâu đó là năm 2020 hay 2021, mang lại, tin vui cho chúng ta đó là những thế hệ trước đều đã trải qua những năm tháng đen tối tương tự. Thứ khiến những người thế hệ trước vượt qua khó khăn đó là học từ những lỗi sai và cố gắng làm tốt hơn thứ mình đang giỏi, và luôn làm với một niềm tin săn chắc rằng rồi có ngày chúng ta sẽ đạt được điều mình muốn. Rõ ràng biết được bản thân nên làm gì cũng quan trọng không kém yếu tố làm việc chăm chỉ, và khi đã xác định cần làm gì thì chúng ta cần một niềm tin gần như mù quáng để thúc đẩy mình kiên trì làm tới cùng.
Về bản thân mình, thìn theo góc nhìn tích cực những điều tồi tệ này xảy ra sớm khiến mình sống "thật" hơn, theo ý nghĩa là biết được thêm giới hạn của bản thân tới đâu cũng như những giả định nào đã khiến bản thân đưa ra đánh giá sai vấn đề. Hóa ra thì mình cũng không biết nhiều vậy. Giải pháp cho việc này cũng đơn giản: xác định những thứ bản thân hóa ra vẫn không biết và tập trung tìm hiểu sâu hơn về nó. Cùng về một chủ đề, nếu số đông mọi người nghĩ họ biết nó chỉ vì họ đã nghe hay đọc về nó, chỉ cần bản thân bạn thực sự biết về nó thì cũng đã là một lợi thế lớn.
Cũng giống như những người tạo ra ChatGPT và nó: họ biết họ biết gì, còn ChatGPT thì không.
Chúc các bạn một năm mới bình an, nhiều niềm vui.
Cheers,
Husky