Trích dịch từ chương 7 của cuốn "Essay on Middle-Earth" của Michael Martinez.
"Chúa tể những chiếc Nhẫn" (thường được gọi tắt là Chúa Nhẫn) - tập đại thành tiểu thuyết kỳ ảo đồ sộ của J.R.R Tolkien, vốn đã không xa lạ gì với độc giả khắp thế giới. Chúa Nhẫn thường được coi là bộ tiểu thuyết đã góp phần định hình nên nền văn học fantasy hiện đại và luôn luôn có một chỗ đứng vững chắc suốt mấy chục năm qua. Để xây dựng nên một thế giới giả tưởng vĩ đại và đồ sộ như Trung Địa nói riêng và toàn thể Arda nói chung, Tolkien đã lấy cảm hứng từ rất nhiều nền văn hóa cũng như thần thoại, truyền thuyết trên thế giới. Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem ý kiến về việc Tolkien xây dựng văn hóa, xã hội của vương quốc Rohan dựa trên người Anglo-Saxon có thật sự chính xác hay không.
Đoàn kỵ binh Rohirrim tham chiến trên Đồng Pelennor - Artwork của Cristian Otazu

DẪN NHẬP


Đối với những người đã đọc Chúa Nhẫn, thì việc vương quốc Rohan được lấy cảm hứng phần lớn từ văn hóa Anglo-Saxon có lẽ không quá khó để nhận ra. Chính bản thân Tolkien cũng đã khẳng định một phần điều này, ít nhất là về mặt ngôn ngữ. Trong phần phụ lục F in ở cuốn "The Return of the King" - "Nhà Vua trở về", Tolkien đã viết:
Đã đi xa đến thế trong quá trình hiện đại hóa và quen thuộc hóa ngôn ngữ và tên gọi Hobbit, tôi còn đẩy xa hơn nữa. Các ngôn ngữ Con Người có họ với Tây ngữ, như giờ tôi cảm thấy, cần chuyển sang các dạng có họ với tiếng Anh. Vì thế tôi đã cho ngôn ngữ Rohan dạng tựa như tiếng Anh cổ, vì nó vừa có liên hệ (xa xôi) với Ngôn Ngữ Chung, lại vừa (rất gần) với thứ tiếng trước kia của dân Hobbit miền Bắc, mà lại cổ hơn Tây ngữ. Trong cuốn Sách Đỏ đã vài lần ghi nhận rằng khi nghe dân Rohan trò chuyện, người Hobbit nhận ra nhiều từ và cảm thấy tiếng ấy rất gần gũi với tiếng mình, vì thế sẽ khá ngớ ngẩn nếu những từ ngữ và tên gọi riêng của Rohan lại xuất hiện trong dạng xa lạ.
Có vài trường hợp tôi đã hiện đại hóa dạng thức và chính tả của các địa danh Rohan: như trong Dunharrow [Dunharg] hay Snowbourn [Snawburna], nhưng cũng không nhất quán, vì tôi dựa theo người Hobbit. Họ cũng biến đổi theo cách đó những tên nào họ nhận ra các yếu tố cấu thành, hoặc nghe từa tựa như tên địa danh ở Quận; nhưng rất nhiều tên khác họ để lại, như tôi đã làm, ví dụ như Edoras “sân triều”. Cũng vì lý do ấy một số tên người cũng  được hiện đại hóa, như Shadowfax [Bờm Bóng/Scadufax] và Wormtongue [Lưỡi Giun] [*]
[*]: Đây chỉ là một quyết định thuần ngôn ngữ, không hề có ý so sánh người Rohirrim với người Anh cổ về các mặt khác, văn hóa hay nghệ thuật, vũ khí hay tập tục chiến trận, chỉ trừ những điểm thông thường do hoàn cảnh chung: một dân tộc giản dị, ban sơ hơn sống gần gũi với một nền văn hóa phát triển rực rỡ, đáng trọng hơn, trên lãnh thổ xưa kia nằm trong địa phận nền văn hóa đó.
Như vậy, Tolkien đã khẳng định rằng ông đã xây dựng hệ thống ngôn ngữ của người Rohan phần nào dựa trên tiếng Anh cổ của người Saxon. Tuy nhiên, ông cũng đã nói rằng "đây chỉ là một quyết định thuần ngôn ngữ" và chỉ ra rằng những khía cạnh khác như văn hóa - nghệ thuật hay vũ khí và tập tục chiến trận thì không hẳn là được lấy cảm hứng trực tiếp mà chỉ nên coi như một nét tương đồng bình thường do hoàn cảnh chung. Dù vậy, nhiều người vẫn tin rằng người Rohirrim của vương quốc Rohan thực sự được xây dựng dựa trên người Saxon. Quan điểm này có phần đúng, nhưng cũng có thể có phần sai sót. Vậy thực chất giữa người Rohirrim và người Saxon có điểm nào giống nhau, và có những điểm nào khác nhau?

TIẾNG ANH CỔ VÀ NGÔN NGỮ CỦA NGƯỜI ROHIRRIM


Một trong những lập luận hay được đưa ra nhất khi nói về chuyện Tolkien đã xây dựng người Rohirrim dựa trên người Saxon chính là việc ông đã phần nào sáng tạo ngôn ngữ của Rohan dựa theo tiếng Anh cổ.
Christopher Tolkien - con trai của J.R.R Tolkien đã công bố khá nhiều ghi chú của cha mình về địa lý cũng như các thông tin nền về Trung Địa trong cuốn "The Treason of Isengard" - cuốn thứ 7 trong bộ sách 12 tập "The History of Middle-Earth". Một vài ghi chú của ông về mảng ngôn ngữ có thể kể ra như sau:
Ngôn ngữ của Quận = tiếng Anh hiện đại
Ngôn ngữ của Dale = ngôn ngữ vùng Bắc Âu
Ngôn ngữ của Rohan = tiếng Anh cổ
"Tiếng Anh hiện đại" ở đây mang nghĩa là một loại ngôn ngữ chung được hầu hết cư dân vùng Trung Địa sử dụng (trừ cư dân ở những vùng đất tách biệt, ví dụ như người Tiên ở Lorien), ngoài ra cũng không được lũ Orc dùng nhiều, mà nếu có thì cũng bị biến tấu và hủy hoại.
Trong cuốn Unfinished Tales, Christopher Tolkien viết:
Có một sự thật thú vị, và xin nhớ điều này không có nghĩa là tôi không tin vào các ghi chép của cha mình, rằng tên của các vị vua và vương tử thời xa xưa của người phương bắc và người Ëothëod đều có dạng Gothic, chứ không phải tiếng Anh cổ (của người Anglo-Saxon) như trong trường hợp của Leod, Eorl và những người Rohirrim về sau.
Một ví dụ là cái tên Vidugavia, phát âm theo tiếng Latin, nhưng có dạng Gothic, giống từ Widugauja (nghĩa là wood-dweller), một cái tên Gothic đã được ghi chép lại, và tương tự là Vidumavi, với từ dạng Gothic là Widumawi (nghĩa là wood-maiden).
... Như đã được giải thích trong Phụ lục F(II), ngôn ngữ của người Rohirrim được "tạo ra giống với tiếng Anh cổ", nhưng tên tuổi của tổ tiên người Rohirrim thì lại có dạng giống như ngôn ngữ xưa nhất được ghi lại của người Germanic.
"Tiếng Anh cổ" thực chất là tập hợp của nhiều loại phương ngữ khác nhau của một ngôn ngữ cổ hơn được nhiều bộ lạc ở phía bắc châu Âu sử dụng. Một phần là vì sự cô lập của họ ở đảo Anh, và một phần vì chịu ảnh hưởng từ nhiều nguồn khác nhau, cho nên các phương ngữ của người Anglo-Saxon dần trở nên khác biệt hẳn với ngôn ngữ gốc. Sự phân hóa dần dần này diễn ra từ thế kỷ 5 đến thế kỷ 11, khi người Norman xâm chiếm đảo Anh và đem theo tiếng Pháp tới tầng lớp thượng lưu của người Anh.
Diễn ra đồng thời với sự phân hóa của tiếng Anh cổ là sự phát triển của tiếng Bắc Âu cổ, bắt đầu với sự "thay đổi ngữ âm", diễn ra trong hơn hai thế kỷ, và thường được cho là thế kỷ 7 và 8. Vậy nên khi các bộ tộc Viking ở Đan Mạch bắt đầu định cư tại Anh vào thế kỷ 9, ngôn ngữ của họ đã thay đổi đủ để trở nên "khác biệt" so với tiếng Anh cổ (và so với các phương ngữ khác của tiếng Đức trên lục địa).
Tolkien đã sử dụng sự tương đồng giữa tiếng Anh cổ và tiếng Bắc Âu cổ này để ám chỉ một sự tương đồng tương tự giữa tiếng Rohirric và tiếng Dalish, cả hai đều bắt nguồn từ một ngôn ngữ cổ xưa hơn, mà ông chọn tiếng Gothic để minh họa. 
Đối chiếu giữa Chúa Nhẫn và thế giới thực, thì có thể nói đơn giản như sau: trong thế giới thực, tiếng Anh cổ và tiếng Bắc Âu cổ đều được bắt nguồn từ tiếng Gothic; còn trong Chúa Nhẫn, từ một ngôn ngữ cổ xưa của các tộc người phương bắc, phát triển ra thành hai loại ngôn ngữ là tiếng Rohirric và tiếng Dalish.
Thực tế là, tiếng Anh cổ và tiếng Anh hiện đại vẫn có phần giống nhau, và khi nghe tiếng Anh cổ ta vẫn có thể hiểu đại khái. Bởi vậy, chúng ta sẽ có phần quen thuộc với ngôn ngữ của người Rohan hơn là với những cái tên của Người Lùn (và các vị Vua xứ Dale như Girion, Bard, Bain hay Brand). Tiếng Dalish nghe có vẻ "ngoại lai", trong khi tiếng Rohirric nghe có vẻ "cổ xưa", và chính khác biệt trong ngôn ngữ này cũng góp phần nhấn mạnh sự xa cách giữa người Rohirrim và con người ở Dale.
Một điều nữa là, bởi vì người hobbit ở Quận vẫn sử dụng một số từ ngữ tương đồng với Rohan, cho nên ngôn ngữ của Dale phải có phần "xa lạ" với góc nhìn của họ, vì thực chất toàn bộ Chúa Nhẫn được ghi chép lại dưới góc nhìn của những người hobbit. Do đó, tiếng Anh hiện đại và tiếng Anh cổ là những lựa chọn tuyệt vời để tái tạo lại mối quan hệ giữa các loại ngôn ngữ trong Chúa Nhẫn.
Do đó, việc Tolkien sử dụng tiếng Anh cổ để xây dựng ngôn ngữ của người Rohirrim không hẳn là bằng chứng để chứng minh rằng ông xây dựng người Rohirrim dựa trên một bộ tộc hay quốc gia cụ thể nào ngoài đời thực.
Edoras - Artwork của Bakarov

VẬY CÒN NGUỒN CẢM HỨNG TỪ BEOWULF VÀ CÁC BÀI THƠ CỔ CỦA NGƯỜI ANGLO-SAXON?


"Beowulf" quả thật là một nguồn cảm hứng lớn đối với tác phẩm của Tolkien, cũng như nhiều tác phẩm khác của văn hóa Anglo-Saxon. Dù sao thì ông cũng là một nhà ngôn ngữ học với nghiên cứu chính về ngôn ngữ Anglo-Saxon, dù rằng ông cũng thành thạo và có kiến thức sâu rộng về nhiều loại ngôn ngữ khác.
Nhưng dù "Beowulf" xuất hiện trong các văn bản, ghi chép của người Anglo-Saxon, nhưng kỳ thực tác phẩm này không thực sự phản ánh văn hóa cũng như góc nhìn của họ. Trường ca Beowulf được cho là ra đời vào khoảng thế kỷ 8 khi người Angle và Saxon vẫn còn mối quan hệ mật thiết với người German ở lục địa. Việc những người hát rong (các skalds) đi khắp nơi và kể lại bản trường ca này ở các vùng đất phía bắc hẳn không phải chuyện lạ, và có lẽ vì thế mà nó mới xuất hiện ở trong các ghi chép sau này của người Anglo-Saxon.
Nhưng kỳ thực, câu chuyện của Beowulf xảy ra ở Scandinavia và liên quan tới người Dane của Đan Mạch và Geat (một tộc người ở nam Thụy Điển). Một số người chỉ ra rằng có sự giống nhau giữa đại sảnh của Theoden tại Edoras với Heorot, đại sảnh của Hrothgar trong Beowulf. Nhưng kỳ thực Heorot chỉ là một đại sảnh thông thường của các tộc người phía bắc. Những kiến trúc tương tự được xây dựng bởi cả người Scandinavia lẫn người German, không chỉ người Anglo-Saxon. Không thực sự có gì phản ánh văn hóa Anglo-Saxon ở cả Heorot của Beowulf lẫn đại sảnh của Theoden cả.
Một chi tiết nổi tiếng nữa mà nhiều người để ý là sự tương đồng giữa chi tiết Eowyn nâng ly rượu cho Aragorn với nghi lễ nâng ly của người Anglo-Saxon. Nhưng việc này thực chất là phong tục của cả người German lẫn các bộ tộc Scandinavia, và thậm chí của cả người Celt nữa. Những chiếc ly uống rượu được trang trí tinh xảo, những chiếc sừng và vạc rượu có thể tìm thấy ở khắp nơi ở châu Âu. Thực chất, nghi lễ nâng ly này nổi tiếng đến mức có cả một truyền thuyết ghê rợn liên quan đến nghi lễ này. Theo đó, khi Vua xứ Lombard chinh phục xứ Gepid, ông ta đã ép con gái của vị vua thất trận phải cưới mình, và ông ta đã ép cô phải thực hiện việc nâng ly này và uống rượu từ chiếc ly được đẽo từ sọ của chính cha cô.
Beowulf chắc chắn là một câu chuyện cổ được kể lại trong vô số đại sảnh xuyên suốt các vùng đất phía bắc. Câu chuyện này được biết đến ở nhiều vùng đất, và vì vậy, nó đại diện cho văn hóa của phía bắc châu Âu hơn là đại diện cho riêng văn hóa Anglo-Saxon. Bởi vậy, mọi chi tiết mà Tolkien vay mượn từ Beowulf, cũng như các bài thơ, bài ca khác như "Widsith" hay "Deor", hẳn nhiên đều không thuộc về riêng văn hóa Anglo-Saxon.
Cái chết của Beowulf - Artwork của Alexandria Hurd

NGƯỜI ROHIRRIM LIỆU CÓ ĐIỂM GÌ QUÁ KHÁC BIỆT SO VỚI NGƯỜI ANGLO-SAXON HAY KHÔNG?


Chắc chắn là có rồi.
Tolkien đã dành ra rất nhiều công sức để mô tả về văn hóa của Rohan. Giả như ông có ý định khiến văn hóa của Rohan giống văn hóa của người Anglo-Saxon thì hẳn là việc tìm ra những điểm khác biệt sẽ là rất khó. Nhưng sự thật thì, có những điểm cực kỳ khác biệt.
Một ví dụ điển hình: người Saxon là một dân tộc tương đối quen thuộc với việc đi biển. Trong khi đó, không thấy ghi chép gì về việc người Rohirrim có sử dụng tàu thuyền gì hay không. Họ có vài kiến thức nhất định về thuyền bè, nhưng tộc người phương bắc của Tolkien thì chưa bao giờ là cướp biển hết, trong khi người Saxon xuất hiện lần đầu trong lịch sử với tư cách là cướp biển, và sau này họ cũng không hề mất đi khả năng đi biển của tổ tiên.
Người Rohirrim cũng khác biệt với người Anglo-Saxon ở chỗ họ là một dân tộc thống nhất chứ không phải nhiều bộ tộc tập hợp lại với nhau. Khi nhắc đến người Anglo-Saxon, thì thực sự ta đang nói đến nhiều nhóm người Saxon và Angle, cũng như người Jute hay Frisia. Người Saxon là một tộc người Tây German, có họ hàng với dân tộc Frank, nhưng người Angle và có thể cả người Jute từ Jutland thì phần lớn là người Đan Mạch. Thực tế là Danelaw - vùng đất của Anh từng bị đô hộ bởi các vua Viking người Đan Mạch vào thế kỷ 9 và 10, vốn là các vùng đất cổ xưa của người Angle.
Trong khi đó, với người Rohirrim, không có khái niệm các bộ tộc riêng lẻ, và Rohan cũng chưa bao giờ phân thành nhiều vương quốc cả. Hệ thống chính trị của Rohan cũng xoay quanh một vị quân chủ có quyền lực lớn hơn các vị vua của bất kỳ vương quốc Anglo-Saxon nào từng tồn tại. Tất nhiên vẫn có điểm tương tự trong hệ thống chính trị của Rohan với các vương quốc Anglo-Saxon, ví dụ như các lãnh chúa của các thành trì lớn ở Rohan có quyền lực tương tự các lãnh chúa của Anh. Nhưng có lẽ điểm khác biệt nằm ở chỗ quyền lực của các lãnh chúa ở Rohan không lớn như Anh, và lòng trung thành của họ thì sâu sắc hơn. Hãy kể ra một ví dụ, trong thời điểm của cuộc Nhẫn Chiến ở cuối Kỷ Đệ Tam, một trong những lãnh chúa quyền lực nhất Rohan lúc bấy giờ là Thống chế Erkenbrand, Lãnh chúa Westfold. Tuy nhiên, ông hoàn toàn trung thành với vua Theoden, và quyền lực của ông so với các lãnh chúa của Anh thì kém hơn nhiều.
Người Rohirrim phát triển và xây dựng văn hóa của họ xung quanh các con ngựa của mình. Họ cũng có nuôi những loài vật khác, ví dụ như cừu hay các loại gia súc khác. Nhưng ngựa luôn là loài vật trung tâm trong văn hóa của người Rohirrim. Trong khi đó, một xã hội như vậy không thấy ghi chép gì trong lịch sử các vương quốc Anglo-Saxon.
Người Rohirrim sinh sống cả trên núi, trong khi người Anglo-Saxon không thực sự ưa thích việc này. Tất cả những thị trấn, làng mạc của người Rohirrim đều nằm trong các thung lũng lớn, và nơi trú ẩn của họ thường ở những nơi rất khó để đi đến. Người Anglo-Saxon thì ngược lại, khi họ sinh sống trên những vùng đất bằng phẳng dưới thấp và gần những khu rừng. 
Trang bị của các Kỵ sĩ Rohan cũng có vẻ khá chung chung. Đoạn mô tả chi tiết nhất mà Tolkien đưa ra có đề cập đến các chiến binh tinh nhuệ này nằm trong cuốn Hai Tòa Tháp, khi Aragorn, Gimli và Legolas lần đầu tiên đụng độ eored của Eomer:
Lúc này những tiếng hét trong trẻo và mạnh mẽ đã vang khắp cánh đồng. Đôt nhiên họ tràn tới cùng âm thanh như tiếng  sấm, và người dẫn đầu đổi hướng, phóng qua chân đồi, dẫn cả đoàn quay lại hướng về phía Nam, dọc theo mép Tây dãy đồi. Họ cưỡi ngựa theo sau anh ta: một hàng dài những  con người mặc giáp xích, nhanh nhẹn, ngời sáng, nhìn lên trông thật lẫm liệt và đẹp đẽ.
Ngựa của họ đều to lớn, mạnh mẽ và cân  đối; bộ lông xám lấp lánh, đuôi dài tung bay trong gió, bờm được tết lại trên cái cổ kiêu hãnh. Những Con Người cưỡi trên chúng cũng thật tương xứng: cao lớn, chân tay dài; mái tóc màu vàng rơm nhạt tung bay dưới những mũ trụ nhẹ, tết thành búp dài phất phơ sau lưng; khuôn mặt họ nghiêm nghị và sắc sảo. Trong tay họ là những cây giáo dài bằng gỗ tần bì, những tấm khiên tô vẽ đeo phía sau lưng, những thanh kiếm dài cài nơi thắt lưng, và áo giáp xích bóng loáng rủ xuống tận đầu gối.
Các Kỵ sĩ Rohan - Artwork của Turner Mohan
Rõ ràng, các chiến binh này không hề giống các chiến binh Anglo-Saxon, mà có phần giống cả người Gothic lẫn Viking. Về trang bị cũng như tổ chức quân đội của người Anglo-Saxon, Malcom Todd, giáo sư chuyên ngành khảo cổ học tại Đại học Exeter, viết trong cuốn sách của ông - Everyday life of the Barbarians - như sau:
Thanh kiếm đóng một vai trò tương đối nhỏ trong chiến tranh của người German trong giai đoạn trước thời kỳ sau của La Mã, và thậm chí sau đó, nó vẫn không phải là vũ khí thông dụng. Nhiều thế kỷ đã trôi qua, đến khi những lưỡi kiếm chất lượng tốt của người Frank được những người lính Viking đánh giá cao. Những thanh kiếm đơn lưỡi, vũ khí của thời kỳ đồ sắt tiền La Mã dần được thay thế bằng các thanh kiếm hai lưỡi, nhưng sự ra đời của loại vũ khí linh hoạt hơn này không kèm theo sự gia tăng đáng kể nào về số lượng chiến binh dùng kiếm làm vũ khí chính.
Ở một đoạn sau, ông viết:
Điều đáng chú ý là dù có sự tiếp xúc khá thường xuyên với các đội quân canh phòng biên giới của La Mã, và bất chấp những tranh chấp nội bộ và các mối thù riêng, áo giáp và vũ khí của họ không có cải tiến gì đáng kể, trừ các thanh kiếm.
Và:
Những người Anglo-Saxon trong số các dân tộc Teutonic gần gũi nhất với người Frank về vũ khí và chiến thuật trong chiến tranh có lẽ là những người Anglo-Saxon định cư ở miền nam nước Anh. Các ghi chép tìm thấy được chỉ ra rằng, giống như người Frank, việc sử dụng kỵ binh trong chiến đấu của họ không thực sự đáng kể. Vũ khí dùng để tấn công của họ là giáo, một số loại được ghi chép lại là có lưỡi hình chiếc lá dài hoặc hình con thoi. Những lưỡi giáo này có chiều dài từ 10 - 18 inch (khoảng 250 - 450mm). Những thanh đoản kiếm sax cũng là vũ khí thông thường được các chiến binh ở thế kỷ 5 và 6 mang, cả người Anglo-Saxon ở Anh lẫn người Frank ở Gaul, và thứ này gắn liền với người Saxon. Cũng không thấy ghi chép gì về việc họ mặc giáp toàn thân, trừ những thủ lĩnh. Mũ trụ thậm chí còn hiếm được nhắc đến hơn, khi mới chỉ có ba mẫu vật được tìm thấy, tất cả đều được lấy từ mộ của các vương tử. Họ có lẽ đội mũ da để bảo vệ đầu, nhưng không nhiều người làm vậy lắm. Khiên của họ có thể là hình bầu dục và hình chữ nhật.
Cuối cùng, về việc sử dụng cung tên (mà ta biết rằng lính của Eomer đã dùng để truy sát bọn Orc và rất nhiều người Rohirrim cũng dùng trong trận chiến tại Hornburg), Todd viết rằng:
Cung và tên, là những thứ kỳ lạ tại Merovingian Gaul và các vương quốc Anglo-Saxon tại Anh, được dùng rộng rãi hơn bởi những tộc người German khác. Người Alamanni sử dụng một loại cung gỗ đơn giản hình chữ D, và một cây cung được làm từ nhiều hơn một loại vật liệu thì rất hiếm. Những chiếc cung hỗn hợp này thường được kết hợp từ gỗ với xương hoặc sừng. 
Vào cuối thời kỳ La Mã, những cây cung dài bắt đầu xuất hiện ở phía bắc. Xuất xứ của loại vũ khí này đến từ phần nào của châu Âu thì không được biết rõ, nhưng chắc chắn không phải từ cả Đế chế La Mã lẫn các bộ tộc du mục. Có thể người German đã phát triển loại vũ khí này. Việc có 40 cây cung dài và nhiều bó tên được tìm thấy ở Nydam cho thấy loại vũ khí này có thể đã được các nhóm nhỏ cung thủ sử dụng để chống lại các đội quân La Mã với giáp trụ đầy đủ. Một số đầu mũi tên tìm được ở Nydam mảnh và nặng, do đó có thể bắn xuyên qua lớp giáp.

Trong cuốn Unfinished Tales, Christopher Tolkien đã tiết lộ nhiều thông tin chi tiết liên quan tới các Kỵ sĩ và Cuộc hội quân Rohan. Chúng ta biết rằng trong Chúa Nhẫn, Rohan đã tổ chức một cuộc hội quân lớn, và Theoden đã mong đợi sẽ tập hợp được mười hai ngàn Kỵ sĩ (hoặc đúng hơn là ông có thể tập hợp được chừng đó nếu Rohan không phải chiến đấu với Isengard và cắt quân canh phòng vương quốc). Cuối cùng, có khoảng sáu ngàn kỵ sĩ đã theo ông đến chiến đấu ở Minas Tirith. Đây hẳn nhiên không giống một đội quân thời phong kiến của người Anh hay người Pháp. Đội quân Rohan có lẽ không giống bất cứ một đội quân nào của người Anglo-Saxon. Họ sử dụng các đạo quân địa phương, gọi là fyrds làm viện binh cho quân chủ lực (tức quân của nhà vua). Ở Rohan, hẳn nhiên cũng có các đội quân địa phương như vậy, nhưng chỉ được tập hợp khi thực sự cần thiết, chứ không phải một lực lượng thường trực.

VỀ CÁC GÒ MỘ Ở BÊN NGOÀI EDORAS


Về các gò mộ của các vị vua của Gia tộc Eorl, không có gì đặc biệt thuộc về văn hóa của người German, hay thói tục của người Anglo-Saxon cả. Người Anglo-Saxon đúng là có xây những gò mộ tương tự, nhưng người Scandinavia cũng vậy (nhiều gò mộ đã được khai quật tại Uppsala ở Thụy Điển, và cả ở nhiều nơi của Đan Mạch), người German cũng thế, và cả người Celt nữa. Thực tế, xe tang của vua Theoden có lẽ được dựa trên các bằng chứng khảo cổ được về nghi lễ mai táng của người Celt từ tận thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên.
Nhiều người đã đưa ra những so sánh giữa các con thuyền táng ở Sutton Hoo và xe tang của vua Theoden. Tất nhiên có những vấn đề cần phải chỉ ra ở các so sánh này. Sutton Hoo lần đầu được khai quật vào cuối thập niên 1930, trước khi Thế chiến thứ hai nổ ra. Dù Tolkien viết những đoạn mô tả tang lễ của Thoden vài năm sau đó, nhưng trong các bức thư của ông hoặc trong các ghi chép ở bộ The History of Middle-Earth đều không thấy nhắc gì đến mối liên kết giữa cả hai. Và cuộc khai quật ở Sutton Hoo được thực hiện khá triệt để, nhưng không đem lại nhiều câu trả lời lắm, và Tolkien dường như cũng không quan tâm đến cuộc khai quật này.
Công chúa Éowyn bên cạnh gò mộ của Vua Theoden - Artwork của Anato Finnstark
Việc không có một con tàu nào trong gò mộ của Theoden dường như không làm nhiều người bận tâm lắm, vì xét cho cùng, nhiều khu mộ dạng tàu chỉ được làm một cách tượng trưng bằng cách đắp các ụ đất thành hình con tàu. Gò mộ của Theoden thì không có hình dạng như vậy. Và Tolkien cũng không nói cụ thể rằng liệu xe ngựa của ông có được chôn cùng vị vua trong gò mộ hay không. Thực tế, gò mộ của Theoden, cũng như các vị vua Rohan trước, có một phần nhô lên như một ngôi nhà bằng đá.
Cũng nên nói thêm rằng, nhiều người đã bỏ qua một chi tiết rất quan trọng mà chính Tolkien đã viết về người Rohirrim: "một dân tộc giản dị, ban sơ hơn sống gần gũi với một nền văn hóa phát triển rực rỡ, đáng trọng hơn, trên lãnh thổ xưa kia nằm trong địa phận nền văn hóa đó." Và xuyên suốt lịch sử của các dân tộc Anglo-Saxon, thời điểm nào có thể được coi là phù hợp với lời mô tả trên? Có lẽ là vào thế kỷ 5, khi Đế chế La Mã vẫn tồn tại, và những vùng đất họ chiếm được ở Anh cũng thuộc vào đế chế. Nhưng chắc chắn có nhiều liên hệ giữa người Rohirrim và người Gondor hơn là người Anglo-Saxon và người La Mã, mặc dù người Anglo-Saxon có thể biết đến những gì còn lại của văn hóa La Mã thông qua những dân tộc lân cận là người Celt và người Frank. 
Vài người nói rằng người Rohirrim có lẽ giống người Anglo-Saxon ở thời kỳ sau hơn, và quả là có nhiều điểm tương đồng giữa họ thật. Nhưng về mặt văn hóa, người Anglo-Saxon thời kỳ sau không hề ở gần một nền văn hóa lớn nào cả, và khi được hỏi về việc liệu người Rohirrim có nét nào giống với các chiến binh ở trên tấm thảm thêu Beyeux (mô tả cách mà William xứ Normandy chinh phục nước Anh), Tolkien cũng chỉ trả lời rất miễn cưỡng (và không rõ ràng lắm) rằng:
Tôi không nghi ngờ rằng trong những khía cạnh mà câu chuyện của tôi miêu tả, "trang phục" của nhiều dân tộc, con người và các chủng tộc khác, đã trở nên rất đa dạng trong Kỷ Đệ Tam, do sự khác nhau về khí hậu và phong tục họ kế thừa [...] Người Rohirrim không hề "thuộc về thời trung cổ", theo những tiêu chí của chúng ta. Phong cách ở trên Tấm thảm Beyeux (được làm tại Anh) có thể phù hợp với họ (tức người Rohirrim), nếu ta nhớ rằng loại giáp lưới mà các chiến binh đó mặc dường như chỉ là một loại giáp xích làm từ các vòng nhỏ nhưng theo một cách rất vụng về.
Giáp lưới là một loại giáp cổ, được phát triển ở miền nam Địa Trung Hải vào khoảng thế kỷ 3. Các chiến binh người German - những người phục vụ cho Đế chế La Mã, gồm cả người Gothic - đều mặc loại giáp này. Và loại giáp mà người Rohirrim mặc không phải đến tận thế kỷ 11 mới trở nên thông dụng và được ưu tiên sử dụng (thời điểm William xứ Normandy chinh phục Anh, và cũng là thời điểm của các chiến binh được thêu trên tấm thảm).

TẠM KẾT


Với những phân tích đã nêu ra ở trên, có thể tạm kết luận rằng thực sự có rất ít sự tương đồng giữa người Rohirrim và người Anglo-Saxon về nhiều khía cạnh. Người Rohirrim thực chất là một sự lãng mạn hóa của các tộc người phương bắc, một dân tộc được tạo ra để làm nổi bật những phẩm chất tốt đẹp nhất, từ cả truyền thuyết, huyền thoại và lịch sử, của các dân tộc có thật trong lịch sử.
Tất nhiên, vẫn có những ý kiến được đưa ra để chứng minh người Rohirrim quả thật được xây dựng từ người Anglo-Saxon, và những ý kiến đó đều đáng để ghi nhận cũng như xem xét kỹ lưỡng hơn. Lẽ dĩ nhiên, chúng ta chỉ có thể bàn luận và cùng lắm là thống nhất ở một số điểm, còn sự thực ra sao, có lẽ chỉ duy nhất Tolkien biết mà thôi.
Các Kỵ sĩ Rohirrim - Artwork của Toby Lewin