Vùng vẫy. Rơi.
Cuộc sống này cũng đơn giản thôi mà. Nhưng con người ta cứ kiên quyết khiến nó trở nên phức tạp. - Khổng Tử -
Con người đã mệt mỏi từ lâu rồi. Từ rất, rất lâu. Không phải chỉ đơn thuần mà đôi chân thôi bước sau quãng hành trình dài cần lấy sức đi tiếp, mà lý trí của họ cũng mệt nhoài. Con người bước vào 1 guồng quay vô tận của sự tiếp nối và phát triển, tham gia vào cuộc chạy đua khi nó đã bắt đầu từ thuở nào, và phải vội vã rời đi khi thời gian không còn cho phép họ nhìn thấy điểm đích cuối. Và các nhà khoa học cũng đã tiên đoán được, sau khoảng 1,1 tỉ năm nữa thì Mặt Trời sẽ khiến bầu khí quyển của Trái đất chết chóc hơn nữa bởi lượng ánh sáng khổng lồ, và chưa tới 4, 5 tỉ năm sau, hành tinh từng đậm màu xanh này rồi sẽ tan biến vào màn đêm đặc của vũ trụ dãn nở. Con người, xã hội, các nền văn minh, lịch sử, văn học, mỹ thuật, toán học, kiến trúc,... tất cả rồi sẽ chẳng còn lại gì. Loài người tiến xa tới vậy với trí tuệ của mình, cùng những sự tân tiến trong quá trình phát triển trải dài qua hàng thiên niên kỷ, chỉ để dự đoán được rằng, một mai nào đó chúng ta cũng không còn ở đây hít thở cùng 1 bầu trời, nghe cùng 1 tiếng gió. Điểm chung duy nhất đó là những gì từng-là-chúng-ta đã hoà lẫn lộn xộn và tạp nham vào vũ trụ. Không 1 thứ gì biết đến nữa. Không 1 thứ gì nhớ tới nữa.
Đó, chính là dấu chấm hết vẹn toàn không chút kẽ hở cho tương lai loài người.
Câu hát "There's a crack in everything, that's how the light gets in." của Leonard Golan không thể áp dụng vào trong thực tiễn đầy cay đắng, chua xót này của loài người. Hoặc đối với loài người, nó là như vậy, chứ vũ trụ và thiên nhiên ngoài kia thì không.
Vậy nên với mình, chẳng có gì khó hiểu khi 1 con người trở nên mệt mỏi với cuộc sống này. Họ mệt mỏi vì những buổi sớm thức dậy, họ chẳng rõ được mình làm công việc này vì điều gì - họ làm để nuôi sống bản thân nhưng những đồng tiền còn chẳng đủ để nuôi sống họ, mệt mỏi khi hằng ngày bản thân phải đối mặt với ánh dương chói chang mà chẳng có nổi 1 khoảng tối để dựa dẫm và chạy trốn. Họ mệt mỏi khi hiểu rằng, dù mình có còn ở đây hay không thì mặt trới vẫn cứ toả nắng đều đặn, mây vẫn trôi, gió vẫn thổi và con người vẫn cứ đi lướt qua cuộc đời họ, vô danh và vô diện không chút kí ức.
Với Giacomo Leopardi, đời người tựa như 1 người đàn ông chân trần, già khú tóc bạc phơ, mang gánh nặng mà băng qua thung lũng núi non, qua các vách đá sắc nhọn và đầm lầy hôi thối, qua phong ba và bão tố, qua băng giá, sông suối. Ông ta cứ chạy, vấp ngã rồi lại chạy tiếp, nhanh hơn, băng qua hết thảy dẫu quần áo có rách nát bươm và máu chảy khắp người cũng không hề dừng bước. Ông ta rồi cũng đến được với đích mà nỗ lực của ông ta đưa ông đến: 1 vách núi sâu hoắm đáng sợ với đêm đen trải dài. Rồi ông rơi xuống đó, quên đi mọi thứ.
Hay trong cuốn "Lời thú tội" của Lev Tolstoy, ông viết:
Nếu Chúa không tồn tại, bởi cái chết là không thể tránh khỏi, vậy ý nghĩa cuộc đời này là gì?Lev Tolstoy - Confession
Và dù có tốn công tốn sức đến cả trăm, cà ngàn năm sau, có lẽ con người ta cũng chẳng thể đưa ra 1 câu trả lời thoả đáng cho Tolstoy. Ông cứ sống mãi trong mối hoài nghi, trầm mặc và tuyệt vọng về cuộc sống, nhận thấy rằng cuộc sống này của ông, cũng như bao con người khác đều "bất khả". Một khi đã nhận ra rồi, thì dù có cố đến cách mấy, cuộc sống trước kia của ông cũng không thể quay trở lại.
Ông dường như mất hết đi những sợi dây trói buộc mình với thế gian. Tình yêu thương gia đình và những tác phẩm ông viết là 2 thứ duy nhất khiến ông thấy mình còn có thể tiếp tục nỗi đau và sự dày vò, dù đối với ông, chúng "quá sức chịu đựng".
Và đó chính là câu trả lời của tôi. Lev Tolstoy vẫn tiếp tục bám trụ vào cuộc đời đáng nguyền rủa và thống khổ này bởi ông ấy còn "tình yêu". Giacomo cũng vậy: ông ấy không hề có ý định rời bỏ thế gian này, bởi quanh ông còn có vô vàn những người bạn ông tin cậy và những người phụ nữ ông từng trao đi cả trái tim - trước khi ông qua đời vì dịch bệnh vào tuổi thứ 37. Cuộc sống hỗn độn, cuộc sống vô nghĩa, cuộc sống đầy bất công và cuộc sống vô lý - tất cả - con người vẫn cứ đi tiếp, cứng đầu đến khó tin qua thời gian trải dài, dẫu có đau khổ và mệt mỏi đến đâu. Có vô vàn những con người bất hạnh, nghĩ rằng bản thân dù có cố gắng tiếp tục cũng không thể làm được điều gì hơn và cách tốt nhất là chấm dứt nỗi đau này, đã nguyện rời bỏ cuộc đua này từ sớm. Nhưng có những con người như vậy, không có nghĩa những người khác sẽ bỏ cuộc. Ta tiến xa được đến vậy bởi có hàng triệu, hàng tỉ người cùng đẩy cuộc sống đi tiếp.
Con người là vậy đó. Chấp nhận bản thân tồn tại tình yêu, cũng đồng nghĩa là chấp nhận đánh đổi bản thân nhận lại tổn thương và đau đớn. Nhưng nếu không có tình yêu thì lại không thể sống tiếp.
Con người ngu ngốc thật nhỉ? Chấp nhận lấy thứ mà về đến cuối rồi cũng sẽ mang lại tổn thương, đau đớn nhưng lại không thể buông bỏ nổi nó. Con người yếu đuối, cảm tính, ngu ngốc và ngây ngô như thế đấy. Nhưng điều đó có quan trọng không khi họ có trong mình thứ mình muốn? Họ được lấp vào khoảng trống, dù ít hay nhiều, và như vậy là đủ. Họ có lẽ chẳng mong gì hơn thế nữa.
Vùng vẫy để sống lúc nào cũng khó khăn và mệt mỏi hơn tìm đến điểm kết thúc rất nhiều. Hãy cứ vùng vẫy đi, vì dù đời là bể khổ, con người vẫn có thể tìm được cái chữ "an lạc" trong bể khổ rộng lớn ấy.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất