Thuyết bất trả tri (Agnosticism) là một quan điểm triết học tín ngưỡng, gồm nhiều lĩnh vực và nhiều quan điểm, trong ngữ cảnh bài viết này, tôi sẽ chỉ nói về một khía cạnh duy nhất, đó là: mặc dù con người có khả năng hiểu biết rất lớn, nhưng vẫn tồn tại những giới hạn và ranh giới mà chúng ta không thể vượt qua. Điều này có thể là do hạn chế của ngôn ngữ, giới hạn của kinh nghiệm cá nhân, hay sự giới hạn của chính bản chất của nhận thức con người.
Cụ thể là: Theo thuyết này, con người, về nguyên tắc, không thể hiểu được bản chất của đối tượng. Kết quả nhận thức mà loài người có được, chỉ là hình thức bề ngoài, hạn hẹp và cắt xén về đối tượng.
Thay vì làm một nhà triết học sô pha (0), thì tôi sẽ dùng tâm lý học và khoa học thần kinh để chứng minh sự “bất khả tri” của nhận thức con người.
1. Chủ nghĩa bản chất (Essentialism) – giá trị chủ quan bên trong vật chất:
Trong cuốn How Pleasure Works, Paul Bloom bắt đầu cuốn sách bằng câu chuyện về Herman Goering, kẻ được chỉ định là người kế vị của Adolf Hitler, trong khi đang chờ hành quyết với cáo buộc tội ác chống lại loài người, hắn nhận được thông tin rằng những bức tranh Vermeer(1) trong bộ sưu tập tranh mà hắn vô cùng tự hào, là đồ giả, chúng không được vẽ bởi Vermeer, mà được vẽ bởi chính tay buôn tranh đã bán tranh cho hắn – Van Meegeren. Van Meegeren tạo ra “tranh Vermeer” khi gã đang lên cơn phê với hỗn hợp rượu và morphines. Mãi đến khi Goering bị bắt, người ta truy ra nguồn gốc của bộ sưu tập tranh của hắn, và bắt Van Meegeren vì “buôn bán kiệt tác của Hà Lan cho một tên Nazi” và tội này có thể bị xét ngang với tội phản quốc với hình phạt tử hình, thì gã không còn cách nào khác là thú nhận rằng mình đã bán đồ giả.
Tạm bỏ qua câu chuyện sau đó rằng gã bán tranh Van Meegeren từ một tên “phản quốc” trở thành một tay lừa đảo được công chúng xem như một “anh hùng dân tộc” vì đã lừa tên Nazi khét tiếng. Thì Goering - tay Nazi với tội ác chống lại loài người (thứ tội ác xếp cao nhất trong thang bậc chiến tranh), trong khoảnh khắc biết được mình đã bị lừa đó, Goering trông như thể “lần đầu tiên trong cuộc đời, hắn ta nhận ra rằng trên thế giới này thực sự có quỷ dữ.”
Thông qua câu chuyện này, Paul Bloom đã bàn về giá trị cốt lõi của vật chất. Dù tranh của Van Meegeren giống Vanmeer tới mức tay sưu tập tranh Goering và cả hội đồng thẩm định cấp cao đều không phân biệt được, nhưng nó khiến cho giá trị bức tranh bị giảm về tiệm cận con số 0. Giá trị của một bức tranh lúc này không nằm ở bức tranh, mà nằm ở việc AI đã vẽ nên bức tranh đó.*
<i>Bên phải là tranh Vermeer xịn – Bên trái là tranh Vermeer dỏm (do Van Meegeren vẽ ra)</i>
Bên phải là tranh Vermeer xịn – Bên trái là tranh Vermeer dỏm (do Van Meegeren vẽ ra)
Trong các lý thuyết về tâm lý học, có hai hiệu ứng tâm lý trái ngược nhau liên quan đến cách mà một người đánh giá giá trị của vật chất.
Một là, hiệu ứng sở hữu: xảy ra khi người ta cảm thấy những vật phẩm họ đang sở hữu trở nên quan trọng và có giá trị hơn so với những vật phẩm tương tự mà họ không sở hữu. Điều này thường được hiểu là một dạng thiên lệch tâm lý, khi sự liên kết cá nhân với đối tượng sở hữu tạo ra một loại tâm lý thiên vị, làm tăng giá trị đối với người sở hữu.
Ví dụ:
Giả sử bạn có một chiếc cốc, và sau đó bạn được đề nghị trao đổi nó với một chiếc cốc giống hệt nhưng không phải của bạn. Theo hiệu ứng sở hữu, có khả năng bạn sẽ cảm thấy chiếc cốc của mình có giá trị hơn chiếc cốc mà bạn có thể đổi được, dù chúng có đồng dạng.
Hai là, (tạm gọi là) hiệu ứng tôi-chưa-có-cái-đó: xảy ra thường xuyên hơn trong thời đại vui cũng mua mà buồn cũng mua như hiện nay. Bạn sẽ thấy hiện tượng này khi một đứa trẻ thèm muốn con robot của bạn mình, dù nó đã sở hữu một con robot xịn hơn gấp mấy lần, lý do duy nhất là “nhưng mà con chưa có cái đó”. Hay đã có cả trăm cái ốp điện thoại, quần áo chất đầy tủ, nhưng vì “mình chưa có cái đó” nên vẫn cứ chốt đơn. Hoặc, để mọi việc phức tạp hơn, việc “suýt nữa là có” cũng khiến cho giá trị của món đồ tăng vọt lên. Có thể thấy ở các phiên đấu giá hoặc (xin lỗi) cụm từ mà văn hóa đọc Trung Quốc đã truyền bá rộng rãi và được người trẻ đón tiếp nồng hậu, “bạch nguyệt quang” (2).
Những ví dụ gần gũi hơn mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng đã từng gặp minh họa giá trị cốt lõi bên trong một vật chất, chính là khi chúng ta thấm đẫm một thứ vật chất bởi tình cảm của mình. Như “cái áo mà mẹ đã mua cho mình”, “chiếc nhẫn cưới”, “đôi giầy đầu tiên của con mình”, “tấm vé xem phim trong lần hẹn hò đầu tiên”... Lúc này, giá trị của chúng không thể cảm nhận được bằng năm cơ quan cảm giác thông thường, và giá trị của chúng hoàn toàn mang tính chủ quan: trong cảm nhận của chủ sở hữu, giá trị của chúng cao hơn nhiều so với trong cảm nhận của người khác (hoặc thậm chí là trong mắt người khác chúng chẳng có giá trị gì – như tấm card bo góc in hình idol của bạn chẳng hạn).
Nói tóm lại, với người theo chủ nghĩa bản chất tin rằng bên giá trị của vật chất mang đẫm màu sắc chủ quan, bản chất của một thứ nằm sâu bên trong thứ đó (hoặc – nằm bên ngoài thứ đó và vô hình), và chúng ta, người trần mắt thịt, không thể cảm nhận toàn diện giá trị của một thứ vật chất chỉ bằng năm cơ quan cảm giác thông thường.
2. Khoa học thần kinh và cách mà não vận hành:
Có 1 kiểu bình luận về não như vầy: não bộ là một nhà độc tài vừa mù vừa điếc vừa liệt và bị nhốt tách biệt trong hộp sọ. (thực ra thì cũng không hẳn đúng nếu tính theo sự phát triển của bào thai thì nguồn gốc của mắt là cái khúc não lòi ra ngoài mà tạo thành, nhưng để tăng mức độ kịch tính của vấn đề thì chúng ta cứ trích dẫn kiểu nói vậy đi). Bản thân não không “nhìn”, “nghe”, “ngửi”, “nếm” và “chạm”, não có được thông tin về thế giới bên ngoài hoàn toàn dựa trên tín hiệu điện mà các tế bào cảm giác truyền về cho nó. (3)
Tuy nhiên, não bộ không xử lý thông tin đơn thuần như 1 là 1 và 2 là 2, nghĩa là, nó không xử lý thông tin chỉ bằng tín hiệu điện từ tế bào cảm giác, mà nó còn dựa vào kinh nghiệm và ký ức được lưu trữ trong vỏ não trước (và hồi hải mã) để lý giải thông tin mà nó nhận được.
Dưới đây là hai bức ảnh minh họa rõ ràng nhất cho cách mà não bộ vận hành.
img_0
Hãy nhìn vào hình và cho biết màu xám ở ô đánh dấu số 1 và màu xám ở ô đánh dấu số 2 có giống nhau hay không? Nếu bạn đang suy nghĩ, rõ ràng là không, ô số 1 đậm màu hơn ô số 2 thì hãy xem bức ảnh kế tiếp đây:
img_1
Người ta kẻ một đường màu xám để nối hai ô và, ngạc nhiên chưa, 2 ô đó có màu xám hoàn toàn giống nhau. Nếu bạn vẫn chưa tin, hãy dùng ngón tay che những ô xung và trái táo lại, xóa “bối cảnh” đi, chỉ để 2 ô cần nhìn, và bạn sẽ thấy, 2 ô có tông màu xám hoàn toàn giống với nhau.
Điều quái gì đang xảy ra với não bộ vậy?
Trước khi chúng ta đến với lý giải khoa học, thì hãy xem tiếp ví dụ thứ hai.
img_2
Ba chiếc xe hơi trong hình, chiếc nào lớn nhất? Nếu bạn đang trầm ngâm suy nghĩ thay vì đưa ra câu trả lời là “chiếc thứ 3” thì, chúc mừng bạn, bạn đã nắm được vấn đề rồi đấy. Vì, 3 chiếc xe trong hình có kích thước 2D hoàn toàn giống nhau.
img_3
Đây chính là hình tách xe ra khỏi bối cảnh để bạn có thể nhìn rõ ràng hơn, nếu chưa tin thì tự lấy thước đo xem nhé.
Vậy, điều gì đang xảy ra với não bộ, tại sao chúng ta lại có các ảo giác thị giác như vậy?
Để nói ngắn gọn và đơn giản, thì cách thức xử lý thông tin thị giác của não bộ giống như một cuộc hội nghị ba bên: trong đó, vùng vỏ não thị giác sẽ giống như giám đốc điều hành, các tế bào thị giác ở mắt giống như những nhân viên truyền tin, và một phần vỏ não trước bí ẩn chuyên lưu giữ các ký ức, trải nghiệm, kinh nghiệm, sẽ đóng vai trò cố vấn.
Cuộc họp diễn ra, cơ quan cảm giác khúm núm đưa hình ảnh cho vùng não xử lý cảm giác, vùng lưu trữ ký ức ở vỏ não trước thò mặt vào xem và diễn giải rằng: theo kinh nghiệm từ quan sát và hiểu biết thì, (a) đây là cờ vua và các ô sẽ là màu tối - màu sáng đan xen với nhau, (b) trái táo sẽ đổ bóng xuống ô số 2, nghĩa là phần màu mà chúng ta thấy ở ô số 2 sẽ tối hơn mức thực. Từ 2 điều trên, kết luận rằng màu xám ở ô số 2 đương nhiên là sáng màu hơn màu xám ở ô số 1.
Và vùng vỏ não thị giác quyết định nghe theo vùng vỏ não trước lưu trữ ký ức. Nếu cần thì nó sẽ ra lệnh cho miệng phát biểu chắc nịch rằng: ô số 2 sáng màu hơn ô số 1.
Tương tự với hình số hai, tay cố vấn sẽ tiếp tục lấy kinh nghiệm từ thế giới 3D ra để lý giải: theo bối cảnh trong hình, chiếc xe số 3 sẽ “ở xa” chúng ta hơn xe số 1, nên chiếc xe thứ 3 sẽ có kích thức thực tế to hơn kích thước trong tấm hình 2D mà chúng ta đang thấy. Và, để kịch tính một chút, vùng vỏ não thị giác sẽ gật gù khen ngợi: đúng, thật là chí lý, nào, miệng, hãy phát biểu chân lý đó đi.
Điểm chênh lệch ở đây đó là vùng não trước lưu trữ ký ức trải nghiệm kia không phân biệt giữa kinh nghiệm ở thế giới 3D và nó cứ thế trực tiếp áp dụng vào bức tranh 2D. Thay vì trả lời trực quan theo những thông tin cơ quan thị giác đưa đến, thì nó lại overthinking, tài lanh tài lẹt, dùng ký ức 3D để quyết định.
Điều kỳ lạ ở đây là bạn hoàn toàn không ý thức được sự có mặt của vùng não lưu trữ ký ức này khi bạn quan sát bức tranh, và - có khi, bạn còn không ý thức mình có được cái ký ức và trải nghiệm từ lúc nào.
<i>Hình lấy từ cuốn sách Innate của Kevin J Mitchell</i>
Hình lấy từ cuốn sách Innate của Kevin J Mitchell
Nguồn thông tin đề não bộ phân tích luôn đi từ hai hướng: (a) thế giới bên ngoài chạm vào cơ quan cảm giác và truyền vào trong não, (b) dự đoán đến từ vùng vỏ não lưu trữ ký ức và trải nghiệm trước đó. Chúng ta không nhận thức chỉ bằng thông tin trực quan, chúng ta nhận thức bằng dự đoán và suy đoán. Đôi khi, điều này xuất hiện trong câu nói nổi tiếng rằng, đôi khi, chúng ta nghe không phải để nghe, chúng ta nghe để phản hồi, và như vậy thông tin thính giác đã bị bóp méo bởi dữ liệu lưu trữ trước đó: người nói là ai và bối cảnh là gì.
Nhưng chỉ việc này thôi, thì chưa đủ kịch tính. Thậm chí còn chưa đến một nửa tính “drama” mà bộ não tạo ra nữa.
Từ cơ quan cảm giác có một đường tắt đến một nơi cực kỳ nổi tiếng, cực kỳ nguy hiểm và hấp dẫn của não: hạch hạnh nhân (amygdala). Thông thường đường dẫn thần kinh sẽ là: cơ quan cảm giác truyền tín hiệu đi tới vỏ não trước – và đây là khi bạn ý thức được và ai đủ giỏi thì sẽ diễn đạt được mình đang cảm giác (thị - thính – vị - khứu – xúc) cái gì. Nhưng trong những trường hợp nguy cấp hoặc khi bạn đang tưởng là nguy cấp, thì bằng một cách thần kỳ nào đó, cảm giác đến từ thế giới bên ngoài chạy thẳng vào hạch hạnh nhân – nơi mà, nói một cách ngắn gọn, chủ trì các loại cảm xúc lo âu, căng thẳng, cảnh giác, nghi ngờ, sợ hãi… và bạn ngay lập tức cảm nhận được cái gì đó sai sai. Ví dụ như bạn đi vào phòng mình và đột nhiên cảm thấy “có gì đó sai sai” rằng “có ai đó đã vào phòng mình khi mình đi vắng”, thông tin này chưa đến kịp vỏ não trước (nơi chủ trì “nhận thức”), nên bạn không biết được chính xác cái gì sai ở đây. Và điều bất hạnh xảy ra khi hạch hạnh nhân cũng có đường tắt để đến vỏ não vận động, trường hợp đau lòng đã từng nghe tới là người cảnh sát da trắng khăng khăng rằng họ đã nhìn thấy thanh niên da màu cầm một khẩu súng cho nên họ quyết định bóp cò, trong khi, thứ mà người đó cầm chỉ là một cái điện thoại di động. Người cảnh sát không nói dối, họ thực sự nghĩ rằng họ đã nhìn thấy khẩu súng, nhưng không có nghĩa điều họ nói là sự thật, đấy không phải là khẩu súng. Nếu họ kịp chậm đúng vài phần giây để vỏ não trước nhận được thông tin, thì bất hạnh đã không xảy ra. 
KẾT LUẬN
Thứ mà chúng ta có thể nhận thức được – theo nghĩa đơn giản nhất của “nhận thức” – vẫn chưa chắc là sự thật, bởi vì nó đã bị bóp méo bởi rất nhiều hiệu ứng tâm lý, các đường dẫn trong não, các mạch thần kinh, cách thức tương tác giữa các vùng não. Bộ não là một nhà pha chế chứ không phải người vận chuyển, và nhận thức của bạn không phải món tequila đơn thuần mà là món magarita với đủ thứ đường chanh muối soda và cả tâm trạng của người pha chế.
Ngày xưa ông bà ta hay nói sự thật “mắt thấy tai nghe”, nhưng từ đây có thể kết luận rằng, ngay cả mắt thấy – tai nghe, thứ mà chúng ta nhận thức được vẫn chưa chắc là sự thật.
Huống hố những thứ nghe lại từ người thứ 3, hoặc, báo đài tin tức.
GHI CHÚ:
*khi viết in hoa chữ AI trong “AI đã vẽ bức tranh đó”, tôi hoàn toàn không có ý định nói về AI – artificial intelligence, thứ trí tuệ nhân tạo. Nhưng sau đó tôi lại nhận ra đây đúng là một vấn đề có tính đương thời cao: một bức tranh vẽ ra, người xem trầm trồ khen ngợi và khi biết người đăng bức tranh dùng AI để vẽ, giá trị của bức tranh giảm về tiệm cận con số 0. Thậm chí đôi khi là âm vì ăn cắp chất xám của những người họa sĩ chân chính.
(0) là một thuật ngữ dùng để mô tả những người thực hiện triết học, thảo luận về các vấn đề triết học, mà không cần phải tham gia vào thực tế hoặc nghiên cứu chuyên sâu.
(1) tranh của Johannes Vermeer, nổi tiếng nhất có thể là bức “Cô gái đeo hoa tai ngọc trai”
(2) cụm từ xuất phát từ tiếng Trung Quốc dùng chỉ người yêu (hoặc crush) mà chúng ta không thể chạm tới, không kết hôn và không trở thành “của nhau”
(3) các tế bào cảm giác ở khắp cơ thể mã hóa các kích thích từ môi trường bên ngoài (hình ảnh, âm thanh, vị, mùi, chạm) bằng cách thay đổi mức độ ion trong nhân tế bào, thông qua đó kích thích hoặc ức chế tế bào tiếp theo, thành các tín hiệu điện và truyền về não, và não giải mã những tín hiệu điện đó để làm ra thứ gọi là nhận thức.
Trong bài viết có sử dụng thông tin tham khảo từ những cuốn sách xuất sắc sau:
How Pleasure Works: The New Science of Why We Like What We like – Paul Bloom
Innate: How the Wiring of Our Brains Shapes Who We Are – Kevin J Mitchell
Behave: The Biology of Humans at Our Best and Worst – Robert Sapolski