Vừa tốt nghiệp đi làm cần phải chú ý điều gì ? 8 điều lưu ý dành cho bạn!
Nói về công việc của mình ngoài tiền lương ra giúp mình sống sót, chi trả cho những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống của mình thì nó...
Nói về công việc của mình ngoài tiền lương ra giúp mình sống sót, chi trả cho những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống của mình thì nó còn có thể giúp ích cho mình rất nhiều mặt nếu mình nhìn nó ở một góc độ khác ví dụ như là:
1. Về cuộc đời nhân sinh- cách mà mọi người đối xử với nhau ở chốn văn phòng
Có những mối quan hệ khi mới nhìn vào bạn sẽ thấy họ rất thân thiết với nhau nhưng thật sự thì đó chỉ là vẻ bên ngoài thôi, chứ giữa họ thì vẫn luôn giữ một mức khoảng cách nhất định, cho nên bạn khi bạn thấy một nhóm người vui vẻ và thân thiết với nhau cũng đừng tự mặc định là như vậy mà tự cô lập bản thân mình. Bạn cứ là mình thôi làm những gì mình phải làm, giữ sự lịch sự, lễ độ và thân mật đúng mức.
2. Tập tính cẩn thận trong công việc
Khi làm một công việc nào đó dù lớn hay nhỏ mà bạn phải gửi cho người khác, làm cùng người khác hoặc mang tính truyền đạt thông tin hay hợp tác thì bạn đều nên kiểm tra kĩ trước khi gửi đi để tránh sự truyền đạt sai thông tin và gây hiểu lầm có thể làm ảnh hưởng đến đồng nghiệp và bản thân.
3. Tập tính cẩn thận khi giao tiếp
Trong môi trường làm việc, đồng nghiệp hoặc sếp có thể tỏ ra thân thiện và vui vẻ với bạn và bạn cũng nên như vậy để tạo không khí hợp tác thoải mái và vui vẻ. Tuy nhiên bạn không nên quên rằng đây là công việc chứ không phải nhóm bạn thân của bạn, những câu nói đùa không bao giờ được vượt quá ranh giới và những chuyện quá riêng tư có thể bị đem ra bình phẩm ảnh hưởng đến danh tiếng của bạn hoặc có thể gây ra phiền phức cho bạn khi tam sao thất bản.
4. Nắm rõ nội dung, quy trình làm việc và mục tiêu công việc
Những gì bạn được đồng nghiệp hoặc cấp trên hướng dẫn chỉ dạy đều nên được ghi chú kỹ, sắp xếp gọn gàng vào đúng các mục; các file hoặc đường link được gửi cho bạn cũng cần được lưu lại gọn vào các mục để dễ tìm kiếm khi cần. Khi giao tiếp với sếp và đồng nghiệp cần rõ ràng đầy đủ nội dung và ngắn gọn để tránh làm mất thời gian hoặc kéo dài quá trình xử lý công việc.
5. Sắp xếp trình tự công việc phù hợp để tự tạo động lực cho bản thân để hoàn thành các yêu cầu công việc.
Để công việc kéo dài 8 tiếng mỗi ngày suốt 5 ngày trong tuần không bị nhàm chán thì bạn cần chủ động để có thể làm mọi việc theo cách của mình cũng như để bản thân có thể hoàn thành công việc đúng hạn hoặc có chút không gian cho mình trong ngày. Trước tiên cần làm tốt điều 4 và sau đó bạn sẽ có thể thử nghiệm và tìm ra cách hoàn thành công việc theo cách phù hợp với mình, nhưng nhớ là phải làm tốt điều 4 đã nhé.
6. Những kiến thức có vẻ vô thưởng vô phạt nhưng nếu bạn để ý nó hữu ích hơn bạn nghĩ
Những kiến thức trong lĩnh vực bạn đang làm việc có thể bạn không có hứng thú vói nó nhưng chúng có thể giúp ích cho cách tư duy của bạn bằng cách này hay cách khác trong những lĩnh vực khác. Ví dụ những kiến thức về kinh tế chính trị tôi được học trong lớp đào tạo giúp tôi hiểu thêm về những yếu tố tác động lên nền kinh tế vĩ mô. Khả năng phân tích và liên kết các kiến thức lại với nhau cũng là một kĩ năng quan trọng mà đây chính là cơ hội để tôi trau dồi học hỏi và phát triển. Nên khi đi làm, trong lớp học tôi cũng nên tập trung hơn, dành thêm ít thời gian ngoài giờ làm để ôn lại kiến thức móc nối lại những gì đã học để không phí hoài thời gian và công sức tôi đã đầu tư vào, và cũng vì tôi nhận thấy chúng rất có giá trị.
7. Rèn dũa kỹ năng quan sát và thích nghi
Khi bạn bước vào một môi trường mới, bạn sẽ phải hiểu được văn hóa ở đó để tồn tại mà không gặp phải rắc rối. Để ý một cách ý tứ để biết rằng phe phái trong nhóm đang như thế nào, ai là người lãnh đạo, ai đang là người bị bắt nạt để thấy được vị trí của bạn đang ở đâu và việc truyền đạt thông tin đến từng người trong nhóm nên như thế nào. Đừng vội nhảy vào một phe ngay vì bạn không cần phải thế, vì bạn vẫn nên tập trung chính để làm thật tốt công việc của mình. Nhưng cần lưu ý đặc tính bản chất mỗi người và mỗi nhóm để tránh vướng mắc vào những rắc rối cá nhân không đáng có.
8. Học cách đặt câu hỏi
Chỉ khi bạn để tâm và suy nghĩ kĩ về một vấn đề thì bạn mới có thể đưa ra một câu hỏi có ý nghĩa. Đây là một kỹ năng quan trọng để thể hiện sự tôn trọng tới người truyền đạt thông tin và kiến thức cũng như cho thấy là bạn có quan tâm đến những gì người khác truyền đạt cho bạn, và là để rèn dũa sắp xếp ngăn nắp lại những suy nghĩ của mình.
Đó là 8 điều mình học được và ghi chú lại sau khi tốt nghiệp chân ướt chân ráo đi làm. Hy vọng là chúng giúp ích cho bạn. Dù những trải nghiệm ban đầu của bạn có đầy gian nan thử thách nhưng mình chúc các bạn có thể vượt qua và tận hưởng khoảng thời gian quý báu này nhé. Nếu bạn thấy trong 8 điều trên còn thiếu sót lưu ý nào hãy bình luận phía dưới để bổ sung cho mình nhé. See ya! <3
Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất