Lần đầu tôi nghe cụm từ “drama queen” dành cho mình là từ người bạn trai cũ, khi tôi đang cố rặn hỏi anh vì những điều bất thường tôi quan sát được. Câu nói từ người đó khiến tôi tổn thương rất nhiều và bắt đầu hoang mang về chính bản thân mình. Thế là tôi lại không dám nói gì và hành động gì quá mức vì sợ mình là người khiến mọi chuyện trở nên rối tung rối mù. Sau một thời gian tôi lại chẳng biết chuyện gì nên làm lớn chuyện gì không.
Điều này khiến tôi hoang mang và buồn bã suốt một khoảng thời gian khá dài, sau này người bạn trai hiện tại lại dùng cụm từ đó nói với tôi. Nhưng anh chỉ nói với một giọng điệu đùa giỡn và chân thành hỏi tôi tại sao tôi lại thích phức tạp hóa tất cả vấn đề lên. Đồng tình rằng trong một số trường hợp thì việc phản ứng mạnh sẽ có tác dụng khiến đối phương đối mặt để giải quyết vấn đề. Ví dụ như tôi tức giận vì việc bạn của tôi đến trễ cuộc hẹn, nếu tôi im lặng bỏ qua người bạn đó có thể sẽ tái phạm việc này vì nghĩ dù gì tôi cũng không giận. Nhưng nếu tôi tức giận và nói rõ vấn đề, cả tôi và người bạn đó đều hiểu và tránh những trường hợp tương tự có thể xảy ra.
Trong cuộc sống cũng có rất nhiều trường hợp tương tư như thế để đòi hỏi một sự tức giận nhất định, nhưng không phải chuyện nào cũng như vậy. Vấn đề của tôi là tôi cứ suốt ngày nghĩ ngợi về một chuyện rất nhỏ nhặt và khiến mọi thứ trở nên mệt mỏi hơn. Gần nhất là khi tôi và chị gái cãi nhau vì tôi không chịu chở chị tôi đi rút tiền. Việc cực kì nhỏ nhưng tôi lại nghĩ ngợi lung tung cả lên, sau khi cãi nhau thì tôi lại để ý đến cả chuyện mẹ bảo lý ra nên mắng chị tôi không nên nhờ vả người khác khi mình có thể tự làm được. Chỉ một câu như thế tôi có thể nghĩ rằng mẹ cho rằng tôi không chịu giúp đỡ người khác khi có thể. Nghe vô lý đúng không, nhưng thật sự tôi đã nghĩ vấn đề phức tạp lên như thế đấy. Lúc đem chuyện này nói cho bạn trai của tôi nghe, anh chỉ cười phá lên và bảo chỉ chút chuyện cỏn con, xem chị em như con nít thích làm nũng là được để bớt nghĩ mọi thứ phức tạp lên. Đơn giản và nhẹ thở, nhưng tôi... không làm được.
Những người overthinkinng (suy nghĩ nhiều) như tôi có lẽ sẽ hiểu cái cảm giác dù chỉ là một lời nói nhỏ nhặt của đối phương hay hành động vô ý thức cũng khiến chúng ta canh cánh mãi trong lòng. Tôi luôn muốn mọi thứ tốt nhất và không hy vọng ai đó sẽ buồn vì mình, nên việc ai đó nói gì cũng khiến tôi suy nghĩ rất lâu. Đôi khi nó khiến tôi mất ngủ vì nghĩ ngợi. Và drama queen ra đời cũng từ mớ suy nghĩ phức tạp hóa vấn đề này mà ra.
Canva tài trợ đấy
Canva tài trợ đấy
Mặc dù nghe bảo mình là một đứa thích kiếm chuyện, gây chuyện thì rất là buồn và cảm thấy bất lực vì không có ai thấu hiểu. Vì thật ra tôi không muốn như thế, những lần tôi mất ngủ và khóc đến sưng vù cả mắt thì chỉ có tôi là người chịu khổ chứ còn ai vô đây. Và dù muốn tôi cũng không ép bản thân mình không nghĩ ngợi được. Nó khiến người xung quanh tôi mệt một thì tôi mệt đến mười. Nhưng kiếm lý do biện hộ cho bản thân mình suốt như thế thì kết quả vẫn là tôi dính cái mác to đùng trên người, và bản thân thì mất ngủ và khóc lóc suốt ngày như một con dở.
Điều đó có khiến tôi hạnh phúc không?
Có lẽ có, vì đôi khi nó thỏa mãn những suy nghĩ phức tạp trong lòng mình, và sự ích kỉ sâu thẳm bên trong nữa. Thành thật mà nói, vì đôi lúc tôi nghĩ cho bản thân mình và mong muốn thỏa mãn cảm xúc phức tạp trong lòng mình hơn là nghĩ đến việc đối phương sẽ phản ứng thế nào và cũng mệt mỏi ra sao.
Nhưng mà chung quy lại, sau cùng nó sẽ khiến mọi chuyện càng rối tung rối mù, không có cách giải quyết và bản thân thì mệt mỏi và đau buồn. Đôi khi nó còn phá hủy cả những mối quan hệ mà tôi trân trọng. Thế nên tôi thôi tìm lý do cho mình nữa mà chấp nhận nó như một lẽ thường tình, rằng mình overthinking và đôi lúc là một drama queen chính hiệu. Và nếu việc trở thành người như thế khiến tôi không vui vẻ, hạnh phúc, vậy thì tôi phải học cách thay đổi.
Người overthinking thì rất dễ bị một người khác thao túng tâm lý, chỉ cần họ biết là suy nghĩ của bạn đang rối ren thì có thể biến mọi thứ trở nên càng rối tung rối mù để thao túng bạn. Đó là cách mà người bạn trai cũ đã làm với tôi khi tôi không biết sự việc nào nên làm lớn và sự việc nào thì không. Nhưng giải quyết làm sao khi đó lại là suy nghĩ tự nhiên của tôi?
Tôi nghĩ rất nhiều về việc này, và tôi nghĩ đến việc viết. Như những bài tôi viết thế này nhưng chỉ cho riêng mình tôi. Một quyển notebook gọn nhẹ có thể mang theo đi làm đi học, rãnh tay ra thì viết, trước khi hành động thì viết.
Khi đem những sự việc tôi cho là phức tạp tóm gọn lại trong hai ba câu chữ thì tôi thấy nó đơn giản hơn tôi tưởng. Và trong lúc viết thì tôi cũng bình tĩnh hơn ít nhiều so với việc tức giận và làm lớn chuyện hơn.
Đương nhiên không phải lúc nào tôi cũng có thể viết, nhưng khi rãnh rỗi có thể đem những suy nghĩ của mình viết ra giấy. Gạch đỏ những vấn đề và tự đề xuất những hướng giải quyết. Mọi chuyện lại trở nên đơn giản đến mức kì lạ. Nó cũng giúp tôi ghi nhớ những gì đã xảy ra trong một ngày của mình. Như một cách để có thể thẳng thắn tự trò chuyện với chính mình. Quyển notebook đó khiến mọi vấn đề đơn giản hơn và cũng giúp tôi có thời gian tự làm thân với chính mà. Ngoài ra thì tôi cũng hay tự nói với bản thân để có thể tỉnh táo rằng mình cần bình tĩnh, và đơn giản vấn đề đi khi tôi bắt đầu suy nghĩ nhiều thứ lung tung. Mặc dù nghe như kiểu cách làm này khá điên rồ nhưng não bộ chúng ta luôn cần sự trò chuyện từ tâm thức của chính nó. Nếu bạn lặp đi lặp lại câu nói đó khi có vấn đề, thì một lúc nào đó não bộ chúng ta sẽ ngoan ngoãn nghe theo.
Sau khi có thể ổn định cảm xúc thì tôi dành thời gian trò chuyện và tìm hiểu bạn bè, người thân và người yêu mình hơn. Bằng cách giao tiếp mình sẽ hiểu rõ một người hơn là nghĩ quá nhiều thứ. Ví dụ như ba tôi là người đơn giản, ông đôi khi không để ý lời nói của mình, có lần ông khiến tôi rất buồn vì một lời nói so sánh giữa tôi và chị. Nhưng tôi biết ông không có ý xấu và cũng chẳng có ý khiển trách gì tôi cả.
Khi chúng ta hiểu rõ tính cách của một người, mọi thứ có lẽ cũng sẽ đơn giản hơn. Giống như việc tại sao phải chấp nhất với một người bị bệnh ưa sạch sẽ là tối ngày bắt chúng ta dọn dẹp đi dọn dẹp lại dù chúng ta đã thấy nó đủ sạch. Hay cứ đòi hỏi một người hơi cục súc một tí cần phải lãng mạn, ngọt ngào. Có những thứ đã thuộc về bản tính không thể sửa đổi, vậy thì thứ duy nhất chúng ta có thể thay đổi chính là cách chúng ta nghĩ và nhìn nhận cuộc sống. Điều này có lẽ cũng là một phần của Khắc Kỷ.
Chúng ta ai cũng có tật xấu, thừa nhận nó là một chuyện rất khó để làm, và đôi khi chúng ta thừa nhận nó chỉ để có một lý do cho sự không muốn thay đổi của mình. Bạn có thể là một người hay nổi cáu, hay thẳng tính, nhưng nếu việc dễ tức giận với mọi chuyện của bạn hay tính thẳng thắn quá mức của bạn gây ảnh hưởng xấu đến những người xung quanh hay chính bản thân bạn. Vậy thì tìm kiếm một lý do biện hộ cho mình, hay trách móc chỉ khiến bạn thỏa mãn được những niềm vui sướng nhất thời và sự mệt mỏi với một đống thứ rắc rối sau đó.
Vậy thì thay đổi hay không, là tùy thuộc vào bạn. Nhưng ý tôi là, một cuộc sống dễ chịu chính là chấp nhận những điều không mấy dễ chịu cho bản thân mình. Và để hạnh phúc hơn, đôi khi chúng ta phải chịu những thứ khó chịu cho bản thân mình trước.
Mọi thứ đều cần thời gian và sự cố gắng, và tôi tin là chúng ta làm được.
-Lâm Duệ Nghi-