Ngân hàng là một khái niệm vừa quen thuộc vừa xa lạ với đại đa số mọi người. Phần lớn chúng ta chỉ hiểu sơ qua việc ngân hàng là nơi cất tiền, trả lãi và thu phí ATM chứ rất ít khi tìm hiểu sâu xem họ thật sự đang làm gì, có những loại hình ngân hàng nào, khách hàng của họ là những ai và họ kiếm tiền ra sao. Nếu như có một cái nhìn rõ ràng nhất, ta sẽ hiểu câu nói “Bánh xe, sách và ngân hàng là những phát minh kỳ vĩ nhất của con người”.
Thông qua bài viết này, hy vọng có thể truyền tải được cho bạn đọc những thông tin hữu ích và cơ bản nhất xoay quanh ngân hàng.

Mở đầu

Từ Ngân hàng trong tiếng Anh là "Bank", như chúng ta đã quen thuộc. Từ "Bank" có gốc trong tiếng Anh trung cổ và được vay mượn ý nghĩa từ các từ "Banque" trong tiếng Pháp cổ, từ "Banca" trong tiếng Ý cổ và cả từ "Banc" trong tiếng Đức cổ. Những từ này vốn có nghĩa gốc là "ghế" và "quầy". Chúng được dùng để chỉ ngân hàng là vì trong thời kỳ Phục hưng, những nhà hoạt động ngân hàng Florentine đã sử dụng những hàng ghế dài làm bàn và quầy giao dịch. Họ tiến hành các nghiệp vụ của họ trên mặt những "chiếc bàn" được phủ khăn màu xanh lá cây.
Đó là nguồn gốc của từ "Bank", còn nguồn gốc của các ngân hàng thì chúng ta có thể truy ngược về thời xa xưa hơn nữa. Những ngân hàng đầu tiên mà loài người biết đến là những đền thờ. Vào khoảng ba nghìn năm trước Công nguyên, hình thức ngân hàng sơ khai được nhiều nhà sử học cho rằng đã hình thành trước khi con người phát minh ra tiền.
Ban đầu, tài sản gửi tại “ngân hàng” là các loại ngũ cốc, sau đó là gia cầm, nông sản, rồi đến kim loại quý như bạc, vàng. Đền thờ là nơi an toàn để cất trữ tài sản. Đó là các công trình được xây dựng kiên cố, thường xuyên có người tới hành lễ. Và xét về tâm linh thì ngay cả những tên trộm táo tợn nhất cũng phải kiêng dè tránh chốn linh thiêng này.
Tại Ai Cập và Lưỡng Hà, vàng được gửi vào các đền thờ. Nhưng những tài sản quý giá này lại ngủ yên trong đó, trong khi ở bên ngoài xã hội, các nhóm thương nhân và hoàng tộc lại rất cần sử dụng chúng. Các nhà khảo cổ học đã tìm được những tàn tích cho thấy tới đầu thế kỷ 18 trước công nguyên, tại Babylon dưới thời trị vì của Hammurabi, thầy tu trông giữ đền thờ bắt đầu cho các nhà buôn mượn tài sản cất trữ trong đền. Khái niệm ngân hàng đã manh nha ra đời từ đó.
Bởi những ảnh hưởng của ngân hàng đối với hệ thống tài chính nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung, hoạt động của các ngân hàng được quy định khá chặt chẽ trong luật lệ của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Đồng thời, luật các nước cũng quy định rõ từng loại hình ngân hàng cụ thể.
Với những người ngoại đạo, việc nắm rõ các loại hình, hoạt động của từng ngân hàng là một việc khá khó. Vì vậy phần tiếp theo sẽ giúp độc giả hiểu rõ thêm từng loại hình ngân hàng đang hoạt động tại Việt Nam và các hoạt động mà từng loại hình có thể cung cấp cho khách hàng.

Ngân hàng là gì? Các loại hình ngân hàng tại Việt Nam

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2010, ngân hàng là loại hình TCTD có thể được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này. Theo tính chất và mục tiêu hoạt động, các loại hình ngân hàng bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã.

Ngân hàng thương mại (NHTM)

Một ngân hàng thương mại là một tổ chức tài chính hoạt động với mục tiêu tạo lợi nhuận từ các hoạt động giao dịch tiền tệ. Các ngân hàng thương mại chủ yếu dựa vào tiền gửi thường xuyên từ khách hàng để cung cấp các dịch vụ tài chính như cấp tín dụng, chiết khấu và thanh toán. Với tư cách là doanh nghiệp thương mại, các ngân hàng thương mại thực hiện các hoạt động kinh doanh dựa trên quy tắc kinh tế và hướng đến mục tiêu tạo lợi nhuận.
Các ngân hàng thương mại được quy định bởi pháp luật và được phép thực hiện nhiều loại hình kinh doanh ngân hàng. Chẳng hạn, họ có thể nhận tiền gửi có kỳ hạn và không kỳ hạn từ khách hàng. Họ cũng có thể thực hiện nghiệp vụ chiết khấu, trong đó họ mua các tài sản giấy như hóa đơn, sổ nợ hoặc giấy chứng nhận và trả cho người bán với mức giá giảm. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cung cấp các dịch vụ thanh toán để hỗ trợ việc chuyển tiền và thanh toán hóa đơn cho khách hàng. Để huy động vốn, họ có thể phát hành chứng chỉ nhận nợ nhằm thu hút các nhà đầu tư.
Tại Việt Nam, ngân hàng thương mại là loại hình ngân hàng được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Luật các TCTD nhằm mục tiêu lợi nhuận (Khoản 3 Điều 4 Luật các TCTD 2010).
Theo hình thức sở hữu, ngân hàng thương mại tại Việt Nam được phân chia thành:
NHTM nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (không bao gồm 03 NH mua bắt buộc), gồm 04 ngân hàng: VCB, Vietinbank, BIDV, Agribank.
NHTM mua bắt buộc, gồm 3 ngân hàng: Ngân hàng TNHH MTV Dầu khí toàn cầu (GP Bank); Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank); Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng (CB)
NHTM Cổ phần (là ngân hàng thương mại được tổ chức theo hình thức công ty cổ phần), gồm 28 ngân hàng. Có thể kể tên một số ngân hàng thương mại Cổ phần điển hình như sau: Vietcombank, Vietinbank, Techcombank, SHB, VIB,...
Ngân hàng liên doanh (là ngân hàng được thành lập bởi ngân hàng thương mại nước ngoài và ngân hàng thương mại trong nước thông qua việc góp vốn liên doanh). Một số ngân hàng liên doanh tại Việt Nam có thể kể đến như Ngân hàng liên doanh Việt Thái, Ngân hàng liên doanh Việt Nga,...
Chi nhánh ngân hàng nước ngoài (các ngân hàng nước ngoài được phép mở chi nhánh tại Việt Nam, nhưng phải hoạt động dưới sự giám sát của pháp luật Việt Nam). Hiện Việt Nam đang có 49 chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động. Ví dụ về hình thức ngân hàng này thì có thể kể đến như: Bank of China, Bank of India, Bangkok Hanoi,...
Ngân hàng 100% vốn nước ngoài (là loại hình TCTD nước ngoài được thành lập ở nước ngoài theo quy định của pháp luật nước ngoài, có hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới hình thức ngân hàng thương mại) [1]
Khoản 4 Điều 2 Thông tư số 40/2011/TT-NHNN ngày 15/12/2011 của Thống đốc NHNN quy định về việc cấp Giấy phép và tổ chức, hoạt động của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và văn phòng đại diện của TCTD nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam (đã được sửa đổi bởi Thông tư số 13/2023/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 14/12/2023), Ngân hàng 100% vốn nước ngoài là NHTM được thành lập tại Việt Nam với 100% vốn điều lệ thuộc sở hữu của TCTD nước ngoài; là pháp nhân Việt Nam, có trụ sở chính tại Việt Nam. Ngân hàng 100% vốn nước ngoài được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có chủ sở hữu là một ngân hàng nước ngoài hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên trong đó phải có một ngân hàng nước ngoài sở hữu 50% vốn điều lệ.
Một ví dụ về các ngân hàng 100% vốn nước ngoài có thể kể đến như CIMB Việt Nam, một ngân hàng thương mại do CIMB Bank Berhad sở hữu 100% vốn điều lệ. CIMB là một ngân hàng toàn cầu hàng đầu ASEAN. CIMB cũng là một trong những ngân hàng đầu tư châu Á lớn nhất và đồng thời là một trong những ngân hàng Hồi giáo lớn nhất thế giới. Tại Việt Nam, CIMB Việt Nam đặt trụ sở chính tại Hà Nội, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ và tiện ích ngân hàng cho các khách hàng cá nhân và tập trung phát triển mảng ngân hàng số . Ngoài ra, tại Việt Nam còn một số ngân hàng thương mại vốn nước ngoài khác như Standard Chartered Bank, Shinhan Bank, HSBC, Hong Leong Bank,…

Ngân hàng hợp tác xã

Ngân hàng hợp tác xã là ngân hàng của tất cả các quỹ tín dụng nhân dân do các quỹ tín dụng nhân dân và một số pháp nhân góp vốn thành lập theo quy định của Luật các TCTD nhằm mục tiêu chủ yếu là liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn trong hệ thống các quỹ tín dụng nhân dân (Khoản 7 Điều 4 Luật các TCTD 2010).

Ngân hàng chính sách

Ngân hàng Chính sách là ngân hàng do Chính phủ thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước (Khoản 1 Điều 17 Luật các TCTD 2010).
Bên cạnh đó, chúng ta cũng còn thường nghe đến khái niệm Ngân hàng Trung ương (NHTW). Vậy cụ thể NHTW là loại hình ngân hàng như thế nào?

Về Ngân hàng Trung ương

Trên thực tế, các NHTW trên thế giới có lịch sử phát triển qua nhiều giai đoạn, cùng với đó là sự hoàn thiện không ngừng mô hình và chức năng. Chỉ một số ít các NHTW ra đời trong thế kỷ 19, còn hầu hết đều thành lập trong thế kỷ 20, đặc biệt là các NHTW thành lập trên danh nghĩa cơ quan của Chính phủ. Sự khác biệt về bối cảnh NHTW khi được thành lập đã quyết định sự khác biệt về vai trò và chức năng của NHTW. Một số NHTW được thành lập để phục vụ cho việc phát hành tiền giấy và tiền xu. Số khác thành lập để hỗ trợ tài chính cho Chính phủ. Một số tiền thân từ các NHTM lớn, có vai trò chi phối hệ thống ngân hàng và sau đó độc quyền trong việc phát hành tiền giấy.
Các NHTW thuở sơ khai là nhà phát hành tiền và ngân hàng của Chính phủ. Hai chức năng này thường đi đôi với nhau. Việc Chính phủ trao đặc quyền phát hành tiền cho NHTW là tất yếu để phát triển định chế đủ lớn về quy mô và trở thành ngân hàng của Chính phủ.
Theo thời gian, các NHTW trở thành ngân hàng của các ngân hàng khi thực hiện chức năng người cho vay cuối cùng của nền kinh tế (cho các ngân hàng thương mại vay trong trường hợp các ngân hàng này thiếu hụt thanh khoản tạm thời - không có khả năng chi trả).
Đặc biệt, chức năng giám sát và điều tiết của NHTW ngày càng được thừa nhận. Việc thành lập Hệ thống Dự trữ Liên bang tại Hoa Kỳ (ngày nay là Cục Dự trữ Liên bang - FED) với các quyền lực pháp lý trong giám sát các ngân hàng thương mại (thông qua quy định các tỷ lệ trên bảng cân đối tài sản và những yêu cầu khác), hay việc trao quyền lực giám sát tại các NHTW khác ở châu Âu như Ngân hàng Quốc gia Áo, Bank deutscher Länder (tiền thân của Bundesbank nước Đức), Ngân hàng Ý và Ngân hàng Hà Lan là mình chứng rõ ràng hơn cho trách nhiệm này của NHTW. Bên cạnh đó, nhiều NHTW cũng thực hiện trợ cấp tài chính cho các khu vực kinh tế hướng tới mục tiêu đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá của quốc gia (thông qua việc tài trợ vốn và tài trợ thương mại - cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước).
Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, là NHTW của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối; thực hiện chức năng của NHTW về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng (TCTD) và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ.
Vậy thì câu hỏi tiếp theo mà chúng ta đặt ra là, ngân hàng sẽ kiếm tiền như thế nào? Thật ra để giải thích các hoạt động có thể kiếm ra tiền của một ngân hàng thì có thể viết được hẳn một cuốn sách, nhưng bài viết sẽ cố gắng tóm lược một cách dễ hiểu nhất có thể.

Ngân hàng kiếm tiền như thế nào?

Đầu tiên ngân hàng có thể kiếm tiền qua các hoạt động tín dụng, với con át chủ bài của họ là cho vay. Khái niệm về hoạt động cho vay của ngân hàng rất đơn giản: Đó là ngân hàng sẽ cung cấp vốn cho các cá nhân và tổ chức để họ đầu tư và kinh doanh. Sau một thời gian thỏa thuận nhất định, người vay sẽ có trách nhiệm hoàn trả khoản vay cùng với lãi suất.
Lấy ví dụ như bạn muốn mở một tiệm trà chanh, bạn muốn vay ngân hàng 100 triệu với lãi suất là 7%/ năm. Sau một năm số tiền bạn phải hoàn trả ngân hàng sẽ là 100 triệu + 7% tiền lãi (ở đây tương đương với 7 triệu) là ngân hàng đã có 107 triệu. Việc cung cấp vốn này còn được đổ vào việc vay để thuê nhà, mở xưởng sản xuất, hoặc thậm chí với các sinh viên và người trẻ, họ có thể vay trả góp để mua điện thoại, máy tính. Ngân hàng sẽ sống nhờ khoản tiền lãi mà họ thu được từ người vay vốn.
Có rất nhiều loại hình cho vay mà phía ngân hàng có thể cung cấp cho các khách hàng của họ, phù hợp với từng nhu cầu khác nhau của cá nhân hay tổ chức. Bạn muốn vay tiền ngân hàng để đi du lịch, mua sắm cá nhân? Ngân hàng sẽ cung cấp cho bạn gói vay tiêu dùng. Bạn muốn có vốn để mở một quán trà chanh? Ngân hàng sẽ mời chào bạn gói vay kinh doanh. Nếu như bạn muốn vay số tiền lớn để mua bất động sản, một chiếc xe sang… và bạn cung cấp được các tài sản đảm bảo với ngân hàng như nhà cửa, xe cộ mà bạn đang sở hữu, ngân hàng sẵn lòng cung cấp dịch vụ vay thế chấp cho bạn. Và nếu như bạn đủ “uy tín” sau khi ngân hàng đã kiểm tra phiếu lương hàng tháng để xác định thu nhập và đảm bảo lịch sử tín dụng của bạn rõ ràng, sạch đẹp, bạn có thể sử dụng gói vay tín chấp của ngân hàng.
Theo Khoản 1, Khoản 2 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (sửa đổi bổ sung bởi Khoản 4 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN) quy định về lãi suất cho vay của TCTD, các TCTD (trong đó bao gồm các ngân hàng) và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp NHNN có quy định về lãi suất cho vay tối đa [2]
Do đó, mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc NHNN quy định chỉ áp dụng với các khoản cho vay ngắn hạn (dưới 1 năm). Còn đối với trường hợp cho vay trung và dài hạn (trên 1 năm), mức lãi suất sẽ do TCTD (ngân hàng) và khách hàng tự thỏa thuận, không có quy định về mức lãi suất cho vay tối đa trong trường hợp này. Theo đó, mỗi cá nhân khi quyết định bắt đầu một khoản vay với ngân hàng, cần xem xét kỹ mức lãi suất mà ngân hàng áp dụng cho mình tại Hợp đồng cho vay trong từng trường hợp cụ thể cũng như biên độ giao động của lãi suất những năm tiếp theo, tránh tình trạng không nắm được số tiền lãi mình phải trả định kỳ, dẫn đến khả năng khó quản lý khoản vay nợ của chính bản thân mình.
Vậy thì nếu như ngân hàng chỉ cho vay và tính lãi thì họ liệu có gặp rủi ro trong việc kinh doanh tín dụng này không? Câu trả lời là bất cứ một mô hình kinh doanh nào cũng có rủi ro của nó, và ngân hàng sẽ có những bộ phận để chuyên phân tích rủi ro và quản lý các “khoản nợ khó đòi” này, mà tên của nó là quản lý nợ xấu. Nếu như bình thường người đi vay đến kỳ hạn sẽ có thể hoàn trả tiền gốc và lãi suất, nhưng sai số trong kinh doanh là chuyện bình thường, rất có thể vào ngày phải thanh toán chúng ta không thấy khách hàng đâu, hoặc khách hàng do gặp rủi ro mà không thanh toán được số tiền cần trả thì đội ngũ quản lý nợ xấu sẽ vào cuộc. Họ sẽ dùng các biện pháp thu hồi nợ, mua bán nợ xấu và giải quyết các tranh chấp này theo khuôn khổ luật pháp quy định.
Bên cạnh các hoạt động kinh doanh tín dụng, ngân hàng còn có loại hình kinh doanh phi tín dụng. Ở đây có thể liệt kê ra như sau:
Ngân hàng sẽ cung cấp cho cách khách hàng của họ các dịch vụ thanh toán như chuyển khoản, chuyển tiền, séc, thẻ ngân hàng và sẽ tính phí trên các giao dịch và dịch vụ này, lấy ví dụ đơn giản bây giờ ai cũng có thẻ ngân hàng, ATM và hàng năm bạn vẫn phải trả một khoản phí duy trì thẻ cố định. Đây cũng là khoản thu không nhỏ đối với các ngân hàng. Ngoài ra ngân hàng còn đưa ra các gói dịch vụ bảo hiểm như bảo vệ tài chính, sức khỏe cho cá nhân, gia đình và tổ chức. Bên cạnh đó, ngân hàng có thể cung cấp các dịch vụ đầu tư với các chuyên gia tư vấn để khách hàng có thể lựa chọn đầu tư vào thị trường chứng khoán, các quỹ đầu tư với lãi suất hấp dẫn. Tất nhiên, bạn được lợi thì ngân hàng cũng phải được lợi, họ sẽ hưởng phần trăm theo từng loại hình đầu tư mà họ cung cấp.

Các nhóm khách hàng mà ngân hàng phục vụ

Do có rất nhiều loại hình kinh doanh nên các ngân hàng cũng phục vụ đa dạng khách hàng, từng nhóm này sẽ mang đến nhiều lợi ích riêng. Nhóm khách hàng cá nhân bao gồm các cá nhân có thu nhập ổn định, sinh viên, người cao tuổi - nhóm khách hàng này rất đông đảo với nhu cầu về gửi tiết kiệm, tích lũy tài chính, vay vốn để mua nhà, tậu xe và chi tiêu cá nhân. Đây là nguồn vốn rất dồi dào cho ngân hàng về gửi tiền, rút tiền, các khoản tiết kiệm và ngân hàng có nhiều cơ hội tăng doanh thu từ các dịch vụ tín dụng và phi tín dụng.
Nhóm khách hàng doanh nghiệp cũng là một đối trọng mà các ngân hàng luôn quan tâm và duy trì bởi nhóm doanh nghiệp này là nguồn vốn ổn định và dài hạn đối với ngân hàng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp lớn luôn có nhu cầu vay vốn để đầu tư, sản xuất, kinh doanh bên cạnh đó các gói dịch vụ thanh toán, quản lý tài chính đặc biệt là dịch vụ bảo lãnh, tín dụng xuất nhập khẩu là một khâu quan trọng để ngân hàng có thể kết nối và thu phí.
Trên thực tế, các hoạt động kể trên được gói gọn trong 3 mảng nghiệp chính của ngân hàng, gồm (Khoản 12 Điều 4 Luật các TCTD 2010):
Nhận tiền gửi: đây là hoạt động nhận tiền của tổ chức, cá nhân dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận (Khoản 13 Điều 4 Luật các TCTD 2010).
Cấp tín dụng: là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác (Khoản 14 Điều 4 Luật các TCTD 2010)
Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản: là việc cung ứng phương tiện thanh toán; thực hiện dịch vụ thanh toán séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, thư tín dụng và các dịch vụ thanh toán khác cho khách hàng thông qua tài khoản của khách hàng (Khoản 15 Điều 4 Luật các TCTD 2010)

Kết

Muốn hiểu về kinh tế, chúng ta luôn cần trang bị thêm những kiến thức của bản thân về hoạt động của ngân hàng, vì đây luôn luôn là xương sống điều tiết về tài chính và ổn định tiền tệ. Hiểu được tầm quan trọng của ngân hàng, dòng tiền rồi bạn sẽ có thể có những quyết định và lựa chọn sáng suốt nhất đối với tài chính cá nhân. Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc đã có một cái nhìn bao quát hơn về cách ngân hàng hoạt động, các loại hình ngân hàng đang tồn tại ở Việt Nam, cơ chế để các ngân hàng có thể kinh doanh các hoạt động tín dụng cũng như phi tín dụng của họ.
Bài viết này là bài viết mở đầu trong series về ngân hàng và tài chính do Ngân hàng TNHH Một Thành Viên CIMB Việt Nam (CIMB Việt Nam) đồng hành cùng Spiderum hân hạnh đưa tới bạn đọc. CIMB Bank đồng hành cùng Spiderum để cung cấp những kiến thức liên quan đến Tiền & Tài chính cho giới trẻ - hướng tới một tương lai người trẻ Việt am hiểu tài chính, đầu tư và biết sử dụng tiền thông minh, lành mạnh hơn. Thông tin trong bài viết hoàn toàn dựa trên kiến thức & trải nghiệm của tác giả, CIMB Bank không cung cấp thông tin hay định hướng nội dung bài viết để đảm bảo tính khách quan và trung lập.
Trích dẫn:
[1]: Khoản 8 Điều 4 Luật các TCTD 2010
[2]: Quyết định số 1125/QĐ-NHNN ngày 16/6/2023 của Thống đốc NHNN, có hiệu lực từ ngày 19/06/2023 quy định về mức lãi suất cho vay ngắn hạn của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô), mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 4,0%/năm.