Năm 8 tuổi có người hỏi cậu: “Lớn lên nhóc sẽ làm gì?”. Cậu vô tư kể về ước muốn trở thành một siêu anh hùng để giúp đỡ nhân loại. Đến năm cậu 18 lại có người hỏi: “Sau này mày sẽ làm gì?”. Cậu chỉ biết lơ đi câu hỏi mà có lẽ chính mình quá mơ hồ để trả lời. Giấc mơ nhẹ nhàng nhưng từng rực rỡ cả thời thơ ấu của cậu – Ai đã trộm đi mất rồi? 
Có một cậu bé từng nghĩ về một giấc mơ to... 
Bằng những ngây ngô của một đứa trẻ, cậu bé ước có thể đem lại hạnh phúc và yên bình cho cả thế giới này - "Mình nhất định sẽ trở thành một siêu anh hùng!". Bẵng đi mấy năm, giấc mơ với cả bầu trời tưởng tượng lúc bé dần bị thời gian “thực tế hóa”, rồi một ngày kia bị “trộm đi” lúc nào không biết. Lên cấp hai cậu vẫn tự nhủ rằng mình sẽ là một cảnh sát anh dũng, giấc mơ giờ đã cụ thể và lại có ích cho tất cả mọi người - cậu vẫn thầm đắc chí. Rồi năm 18 tuổi, cậu chợt thấy thì ra bản thân chẳng vĩ đại đến vậy. Có lẽ cậu chỉ nên mơ một giấc mơ xứng tầm, một ước muốn về cuộc sống ổn định là đã đủ thỏa mãn những gì mà thế giới thực dụng đang thì thầm bên tai cậu.
Hóa ra việc sở hữu một giấc mơ lung linh lại khó khăn vô cùng. Lại hóa ra cậu dường như không thể hồn nhiên trải đều hạnh phúc cho tất cả mọi người. Ngày cậu nhận ra có nhiều “hóa ra” đến thế cũng là lúc cậu mặc kệ những giấc mơ của mình bị đánh cắp mãi mãi. Cậu bé ấy của hiện tại, đã không còn rõ mình đang mơ về gì nữa…
Vụ án giấc mơ biến mất: hung thủ là ai?
Sự thật là, khi con người ta trưởng thành, phạm vi những thứ ta quan tâm cũng theo tốc độ đó mà bé lại. Cũng như cậu bé nọ, mong muốn giúp ích cho tất cả mọi người tự bao giờ lại gói gọn thành sự thỏa mãn một gia đình nhỏ, và biết đâu sau cùng chỉ còn mỗi hy vọng duy trì cuộc sống bản thân. Người ta hay đổ lỗi cho xã hội thực dụng, một cách tiêu cực, đã biến chất những ý nguyện cộng đồng của con người. Nhưng khi ước mơ của chính mỗi người bị mất đi, chúng ta có nên quy chụp tất cả tội danh cho kẻ trộm mang tên “xã hội thực dụng” kia?
Nếu như việc giấc mơ bị đánh cắp là một vụ án thì phải chăng chúng ta đã bỏ qua một tên tòng phạm chủ chốt - kẻ đã phối hợp tinh vi, hay trực tiếp dùng lớp vỏ ngụy trang “xã hội” để thực hiện nó. Tên tòng phạm kia, trong im lặng, đã phó mặc cho giấc mơ của mình bị trộm mất. Kẻ đó không phải ai khác mà chính là bản chất thụ động của con người - lầm lũi và lặng im, dám mơ nhưng không đủ dũng khí để giữ lấy.
Giấc mơ mất rồi có tìm lại được không?
Ngày mà ta có những ước mơ non bé, hãy học cách trân quý chúng, vì khi ấy, thế giới vật chất hãy còn chưa tìm mọi cách lấy chúng khỏi ta. Giấc mơ thuở ngô nghê ấy có thể đổi thay, nhưng nó sẽ luôn là ở đâu đó trong ta như một hồi ức đẹp - về một tâm hồn nhỏ bé nhưng đủ tình thương và trách nhiệm với cả xã hội. Dẫu cho quá trình trưởng thành có làm ta thờ ơ với chính ước muốn bé thơ, hãy cố gắng gìn giữ bản chất khiết thuần của nó: ý nghĩa và thực tế không chỉ với bản thân, mà còn với mọi người.
Và rồi sẽ có một cái kết đẹp hơn cho câu chuyện về cậu bé và những giấc mơ. Ngày ấy của mười năm trước, có cậu bé kia đang huyên thuyên về ước vọng vĩ đại được cống hiến cho thế giới này. Ngày hôm nay của năm 18 tuổi, cậu tự hứa sẽ không để bản thân mình đánh mất những mong muốn ngây thơ nhưng đầy trân quý thuở thơ bé thêm một lần nào nữa.
Pandora