Dịch từ truyện ngắn The Sentinel (1951) của Arthur C. Clarke
--- 

Lần sau, hễ nhìn thấy trăng 16 ở phương Nam, hãy nhìn kỹ vào mép phải và cho mắt của bạn viền quanh lên phía trên đường cong của nó. Ở góc 2 giờ bạn sẽ để ý thấy một hình oval nhỏ, sẫm màu: bất cứ ai có thị giác thông thường cũng có thể dễ dàng tìm thấy. Đó chính là đồng bằng có tường bao quanh, một trong những đồng bằng kiều diễm nhất trên Mặt Trăng, còn có tên gọi là Mare Crisium - Đại dương bất ổn. Đường kính 300 dặm, gần như được gần hết bao quanh bởi một vành núi nguy nga; người ta chưa từng khám phá khu vực này, mãi đến cuối hè năm 1996, khi bọn tôi đặt chân tới.
Chuyến thám hiểm của chúng tôi có quy mô không nhỏ. Chúng tôi có hai tàu vận tải chuyển đồ tiếp tế cùng thiết bị từ căn cứ Mặt Trăng chính ở Mare Serenitatis, cách đó 500 dặm. Có thêm ba quả tên lửa cỡ nhỏ dự định dùng vào vận chuyển cự ly ngắn tới các khu vực phương tiện vượt địa hình không thể băng qua. May thay, đa phần Mare Crisium rất bằng phẳng. Không có những kẽ nứt khổng lồ rất đỗi quen thuộc và vô cùng nguy hiểm như ở các nơi khác, và cũng chỉ còn rất ít hố núi lửa hay núi non dù lớn nhỏ. Theo chỗ chúng tôi được biết, các máy ủi sâu róm mạnh mẽ sẽ không gặp phải khó khăn nào khi chở chúng tôi tới bất cứ nơi nào mong muốn.
Tôi là một địa chất gia - hay đúng hơn là một nhà nguyệt học, nếu bạn muốn hội đủ chuyên môn để dẫn đầu chuyến khám phá vùng phía Nam của Đại dương. Chúng tôi đã vượt hàng trăm dặm tuần vừa qua, lướt qua chân những ngọn núi dọc theo bờ cát ngày trước của một đại dương cổ đại xa xăm, đâu đó chừng hàng tỉ năm trước. Khi cuộc sống đang mới bắt đầu trên Trái Đất, thì ở đây mọi thứ đã chết dần mòn. Nước tháo lui khỏi mạn các vách đá kỳ vỹ kia, rút vào bên trong cái lõi trống không của Mặt Trăng. Trên đất liền nơi đoàn chúng tôi đang băng qua, đại dương không triều đã từng hiện diện với độ sâu nửa dặm, và giờ đây dấu tích duy nhất của hơi nước chính là tấm sương muối có thể đôi khi tìm thấy ở các hang động mà ánh mặt trời chói chang chưa bao giờ xuyên tới.
Chúng tôi khởi sự chuyến đi từ sớm hoàng hôn chậm chạp của Mặt Trăng, và vẫn còn dư gần một tuần thời gian Trái Đất trước khi màn đêm kéo tới. Chừng sáu lượt mỗi ngày chúng tôi rời khỏi phương tiện di chuyển ra ngoài trong áo du hành không gian để săn tìm khoáng vật, hay đánh dấu mốc cho các nhà du hành tương lai. Đó là một chu trình chán ngắt. Chẳng có gì nguy hiểm hay thậm chí là lý thú trong việc khám phá Mặt Trăng. Chúng tôi có thể thoải mái sống một tháng trời trên các chiếc máy ủi đã nén áp, và nếu gặp chuyện chúng tôi luôn có thể phát tín hiệu vô tuyến cầu cứu rồi ngồi yên tại chỗ cho tới lúc một phi thuyền đến ứng cứu.
Tôi vừa mới phán chẳng có tí gì lý thú trong chuyến khám phá, nhưng đương nhiên nói vậy là không đúng. Chẳng ai có thể chán chường trước những quả núi tuyệt mỹ kia, gai góc xù xì hơn nhiều so với những ngọn đồi hiền lành trên Trái Đất. Khi đánh vòng quanh những mũi đất và khoảnh nhô của đại dương đã biến mất, chúng tôi chẳng bao giờ biết những cảnh tượng mới mẻ kia sẽ hé lộ những gì. Toàn bộ đường cong phía Nam của Mare Crisium là một đồng bằng khổng lồ, nơi trước đây có rất nhiều con sông tìm đường ra đại dương, có lẽ được bồi nước từ những cơn mưa trút nước hẳn đã hắt vào những ngọn núi trong kỷ núi lửa ngắn ngủi lúc Mặt Trăng còn trẻ. Mỗi thung lũng cổ đại kia là một lời mời gọi, thách thức chúng tôi thám hiểm các vùng cao bên trên. Nhưng chúng tôi còn phải đi bằng hết hàng trăm dặm, và chỉ có thể ngậm ngùi nhìn vào dốc tít tắp mà kẻ khác phải leo. Chúng tôi duy trì giờ Trái Đất trên máy ủi, và chính xác vào lúc 22 giờ tín hiệu vô tuyến cuối cùng sẽ được gửi tới Căn cứ và chúng tôi dừng hoạt động của ngày hôm đó. Bên ngoài, đá vẫn còn bị thiêu cháy bên dưới Mặt Trời gần như rọi thẳng đứng, nhưng với chúng tôi, bên ngoài sẽ lại là đêm tới khi thức giấc tám giờ sau. Khi đó một người trong nhóm sẽ sửa soạn bữa sáng, sẽ có tiếng ro ro của máy cạo râu thật to, và ai đó sẽ mở sóng vô tuyến ngắn từ Trái Đất. Quả vậy, khi mùi xúc xích chiên bắt đầu dậy khắp cabin, đôi lúc rất khó để tin rằng chúng tôi vẫn chưa trở về lại Trái Đất - tất cả mọi thứ quá đỗi bình thường và thân thương, ngoại trừ cảm giác nhẹ tênh và chậm chạp khác thường mỗi khi đồ vật rơi xuống.
Đến lượt tôi sửa soạn bữa sáng ở góc cabin chính dùng như chỗ để nấu nướng. Tôi còn nhớ lần ấy vô cùng sống động sau suốt ngần ấy năm, bởi vô tuyến vừa mới mở một trong những giai điệu yêu thích của tôi, bản dân ca cũ xưa xứ Wales David of the White, Rock.
Người điều khiển phương tiện đã ở bên ngoài trong áo phi hành gia, kiểm tra các xích kéo. Trợ lý Louis Garnett của tôi đứng thay vị trí kiểm soát, ghi lại chỗ nhật trình muộn của hôm trước.
Đang lúc đứng bên chảo chiên chờ chỗ xúc xích ngả nâu, như bất kỳ bà nội trợ nào ở Trái Đất, tôi thong thả rảo ánh nhìn vào những bức tường núi phủ hết thảy chân trời phía Nam, vượt quá tầm mắt sang trái sang phải bên dưới nếp cong của Mặt Trăng. Chúng trông dường như chỉ cách xe ủi một hai dặm, nhưng tôi biết rõ cái gần nhất cũng cách hai mươi dặm. Trên Mặt Trăng, dĩ nhiên, không hề có thất thoát nào về tầm nhìn - chẳng hề có cái thứ mịt mù gần như tất yếu làm nhũn và đôi khi bóp méo hình dáng những thứ nhìn thấy từ xa trên Trái Đất.
Những ngọn núi kia cao hàng ngàn mét, và chúng nhô thẳng đứng ra khỏi đồng bằng như thể một vụ nổ dưới lòng đất xa xăm đã tống chúng lên bầu trời, xuyên qua lớp vỏ Mặt Trăng nóng chảy. Phần đế của ngọn núi gần nhất bị khuất khỏi tầm nhìn bởi một mặt cong bất thường của đồng bằng, bởi Mặt Trăng là một thế giới rất ư nhỏ bé, và từ nơi chúng tôi đang đứng đường chân trời chỉ cách có hai dặm.
Tôi ngước mắt nhìn về các đỉnh núi nơi chưa con người nào từng đặt chân tới, những đỉnh núi, trước khi có sự sống trên mặt đất, từng chứng kiến đại dương buồn bã chìm sâu vào nấm mồ, cuốn theo chúng hy vọng lẫn hứa hẹn mong manh về một thế giới tồn tại sự sống. Ánh sáng mặt trời xộc thẳng vào những thành lũy tự nhiên bằng sức nóng xót cả mắt, thế mà chỉ một quãng ngắn bên trên chúng các vì sao vẫn đang rọi sáng đều đặn trên một bầu trời đen thẫm hơn đêm đông Trái Đất.
Ngoảnh đi, mắt tôi bắt gặp một vật thể kim loại lấp lánh đằng sống núi nơi một doi đất khổng lồ lấn vào một đại dương cách phía Tây 30 dặm. Đó là một điểm sáng phi thể, như thể một ngôi sao đã bị một đỉnh chóp tàn nhẫn nào kia giật xuống, và tôi tưởng tượng một mặt đá phẳng nào đó đang bắt lấy ánh sáng mặt trời rồi hắt tới mắt tôi. Những chuyện như thế không hiếm gặp. Khi Mặt Trăng đang trong pha thứ hai, người quan sát từ Trái Đất đôi khi có thể nhìn thấy những rặng núi ở Oceanus Procellarum bừng cháy một thứ ánh sáng biến sắc trắng-xanh khi Mặt Trời nhá qua các triền núi và nhảy cóc từ thế giới này sang thế giới khác. Nhưng tôi tò mò muốn biết thứ đá nào có thể rọi sáng dường đó trên kia, thế là tôi leo lên vọng quan sát và chĩa kính viễn vọng chừng mười phân về đằng Tây.
Tôi chỉ nhìn thấy đủ để trêu ngươi. Trong trẻo và sắc lẻm trong tầm quan sát, các đỉnh núi nom chỉ như cách đây nửa dặm, nhưng cái đang bắt lấy ánh sáng vẫn còn quá nhỏ chưa thể xác định được là gì. Nhưng dường như nó có một hình dáng hình học khó tả, và bề mặt mà nó đang dựng lên lại phẳng đáng ngờ. Tôi nhìn vào vật thể bí ẩn phát quang ấy một hồi lâu, căng mắt vào không gian, cho tới khi một mùi khét từ gian bếp mách với tôi rằng xúc xích bữa sáng đã phí hoài chuyến du hành 250.000 dặm đến đây.
Cả sáng hôm đó chúng tôi thỏa thuận cho được đường băng qua Mare Crisium trong lúc các ngọn núi phía Tây đâm cao vào bầu trời phía sau. Kể cả khi chúng tôi ra ngoài nghiên cứu trong áo phi hành, cuộc thảo luận vẫn tiếp tục trên vô tuyến. Vô cùng chắc chắn, những người đồng hành cùng tôi quả quyết, rằng chưa từng bao giờ có bất kỳ dạng sống thông minh nào tồn tại trên Mặt Trăng. Những thứ duy nhất từng sống ở đó chỉ là một số loài thảo mộc nguyên thủy, và những tổ tiên kém cỏi hơn trước đó. Tôi không biết gì hơn bọn họ, nhưng có những lúc một nhà khoa học không nên sợ tự biến mình thành trò cười.
“Nghe này,” cuối cùng tôi lên tiếng, “Tôi sẽ lên trên đó, dù chỉ để thấy yên tâm. Ngọn núi kia cao chưa tới 3.600 thước - tức chỉ có 600 thước theo trọng lực Trái Đất - và tôi có thể hoàn thành trong vòng 24 giờ bên ngoài. Dù sao thì lúc nào tôi cũng muốn được bước đi trên những ngọn đồi kia, và đây là một cái cớ không thể tuyệt vời hơn.”
“Nếu anh không gãy cổ,” Garnett thêm vào, “anh sẽ trở thành trò cười của chuyến thám hiểm sau khi chúng ta trở về Căn cứ. Ngọn núi hẳn sẽ có tên gọi là 'Trò hề của Wilson' từ rày trở đi.”
“Không đời nào,” tôi quả quyết. “Ai là người đầu tiên leo lên Pico và Helicon?” “Nhưng chẳng phải khi ấy cậu chẳng còn trẻ trung sao?” Louis nhẹ nhàng. “Đó,” tôi cương quyết, “là một cái cớ có nêu ra cũng bằng thừa.”
Đêm đó chúng tôi đi ngủ sớm, sau khi đánh chiếc máy ủi vào khoảng nửa dặm trên chỏm đất. Garnett sẽ đi cùng tôi khi trời sáng; cậu ấy leo rất cừ, và thường hay đi cùng tôi trong những chuyến khám phá thế này. Người lái phương tiện thì rất đỗi háo hức được một mình một cõi cùng cỗ xe. 
Thoạt trông, các vách đá kia dường như không thể leo nổi, thế nhưng bất kỳ ai có thấu hiểu về độ cao sẽ nhận ra leo trèo ở cái thế giới có trọng lực chỉ bằng một phần sáu thông thường này rất dễ dàng. Mối nguy hiểm lớn nhất khi leo núi trên Mặt Trăng nằm ở sự tự tin thái quá; một cú rơi từ độ cao 200 thước có thể giết chết bạn nhanh gọn y hệt một cú ngã 30 thước trên Trái Đất.
Chúng tôi dừng lại lần thứ nhất ở một mỏm đá rộng cách đồng bằng chừng 1200 thước. Leo không quá khó, nhưng chân tay tôi cứng đờ vì không quen leo trèo, và tôi mừng vì tất cả những thứ khác. Chúng tôi còn nhìn thấy máy ủi nom như một con côn trùng tí hon xa tít dưới chân vách, và hai chúng tôi báo cáo lại tiến độ với người điều khiển trước khi leo lên tiếp.
Bên trong bộ áo phi hành khá là mát mẻ dễ chịu, bởi bộ phận làm mát đang chiến đấu với Mặt Trời gay gắt và giải phóng thân nhiệt sinh ra do chuyển động. Chúng tôi hiếm khi nói với nhau điều gì, trừ lúc trao nhau chỉ dẫn hay bàn bạc cách leo hiệu quả nhất. Tôi không biết Garnett nghĩ gì, có lẽ đây là chuyến leo ngông cuồng nhất mà cậu ấy từng tham gia. Tôi quá bán đồng tình với cậu ta, nhưng niềm vui khi leo trèo, cũng như thực tế chưa từng một con người nào đặt chân đến đây và sự phấn chấn trước cảnh quan cứ nới rộng ra theo tầm mắt như trao cho tôi hết thảy những thưởng ban mà tôi hằng mong ước.
Tôi không cho rằng mình thật sự hứng thú khi nhìn thấy trước mắt bức tường đá mà tôi đã quan sát bằng kính viễn vọng cách đó 30 dặm. Nó sừng sững chừng 15 thước trên đầu chúng tôi, và ở khoảng trũng chính giữa chính là cái vật thể đã lôi kéo tôi vượt qua chỗ hoang cằn trơ trọi vừa qua. Gần như chắc chắn, nó chẳng là gì khác hơn một tảng đá nào đó tóe ra từ một thiên thạch tự bao đời, với những thớ đá vẫn còn mới và óng ánh giữa chốn thinh lặng trinh khiết, chẳng chút đổi thay này. 
Không có góc vịn nào trên mặt đá, nên chúng tôi phải dùng tới móc sắt. Hai cánh tay mỏi mệt của tôi dường như có thêm sức mạnh khi tôi vung chạc ba kim loại qua đầu và ném đầu Lip của nó về hướng các vì sao. Lần thứ nhất khi chúng tôi kéo sợi dây nó bung ra rồi rơi chậm trở xuống. Ở lần thứ ba, ba chĩa bám chặt và tổng trọng lượng hai chúng tôi cũng không làm nó suy suyển.
Garnett háo hức nhìn tôi. Tôi có thể biết cậu ấy muốn leo trước, nhưng tôi mỉm cười với cậu ấy qua mặt kính của nón bảo hộ và gật đầu. Chầm chậm, khoan thai, tôi bắt đầu cú leo cuối cùng.
Tính luôn bộ áo phi hành, tôi chỉ nặng có 18kg trên đây, thế nên tôi kéo mình lên bằng lần lượt hai tay mà chẳng cần dùng tới chân. Ở mép vách tôi dừng lại và ra hiệu cho Garnett, sau đó tôi trèo vào bên trong và đứng thẳng, nhìn chằm chằm về phía trước.
Bạn phải hiểu rằng cho đến ngay trước thời điểm này tôi gần như đã bị thuyết phục rằng chẳng có gì lạ lẫm hay khác thường chờ mình ở chốn này. Gần như chứ không hoàn toàn; vẫn còn sự nghi ngờ dai dẳng đã dẫn tôi tiến lên phía trước. Nhưng giờ đây chẳng còn gì nghi ngờ nữa, mà sự ám ảnh chỉ mới vừa bắt đầu.
Tôi đứng trên một bình nguyên dài chừng 30 thước. Nơi đây đã từng phẳng - quá phẳng so với tự nhiên - nhưng thiên thạch đã oanh tạc bề mặt của nó qua hàng bao đại kỷ. Nó được san bằng để làm chân giữ một cấu trúc gần như hình kim tự tháp long lanh, cao gấp đôi thân người, dựng vào đá như một viên đá quý đa diện khổng lồ.
Có lẽ không có cảm xúc nào xâm chiếm lấy tâm trí tôi vào vài giây đầu tiên lúc đó. Rồi tôi cảm thấy tim dâng lên một niềm vui lạ lùng, không thể diễn tả được. Vì tôi yêu Mặt Trăng, và giờ tôi biết rằng thảm rêu đang gặm mòn ở Aristarchus và Eratosthenes không phải là dạng sống duy nhất Mặt Trăng đã tạo sinh ngày trước. Giấc mộng cũ xưa, đầy nghi ngại của những nhà thám hiểm đầu tiên là đúng. Rốt cuộc, có lẽ đã từng có một nền văn minh Mặt Trăng - và tôi là người đầu tiên tìm thấy nó. Và việc tôi đã đến muộn hàng trăm triệu năm sau không hề khiến tôi phật lòng; chỉ cần có mặt và chứng kiến đã là quá đủ.
Đầu tôi bắt đầu hoạt động trở lại bình thường, bắt đầu phân tích và đặt câu hỏi. Đó là một tòa nhà, một đền thờ - hay một thứ gì đó mà ngôn ngữ của tôi chưa có tên gọi? Nếu là một tòa nhà, thì cớ sao nó lại được dựng ở một chốn nghiễm nhiên không ai có thể tìm tới được? Tôi tự hỏi không biết đây có phải là đền thờ hay không, và tôi có thể hình dung cảnh tượng một số nhà thông thái thuộc một tín ngưỡng nào đó đang vời gọi thần linh để bảo vệ họ khi cuộc sống trên Mặt Trăng đang phai phôi cùng những đại dương rút cạn trong vô vọng.
Tôi bước tới thêm mươi bước để xem xét vật thể này kỹ càng hơn, nhưng đâu đó một cảm giác cần phải thận trọng dấy lên ngăn tôi tiến lại quá gần. Tôi chỉ biết chút ít về khảo cổ, và thử đoán mức độ văn minh nào có thể san phẳng ngọn núi này và giương lên những mặt phẳng lì như gương vẫn còn làm lóa mắt tôi. 
Tôi nghĩ, người Ai Cập có thể đã tạo ra nó, giá như những nghệ nhân thời đó sở hữu bất cứ thứ vật liệu lạ kỳ nào mà những kiến trúc sư cổ đại hơn họ nơi đây từng sử dụng. Bởi kích cỡ của vật thể nhỏ rí, tôi không cho rằng mình đang chứng kiến một công trình thủ công của một giống loài tiến bộ hơn loài người. Ý nghĩ Mặt Trăng thật sự sở hữu một trí thông minh nào đó quả tình vẫn vượt quá khả năng hiểu biết của con người, và lòng kiêu hãnh của tôi không cho phép mình sa sẩy vào cái suy nghĩ sau cùng, bẽ bàng kia.
Và rồi tôi lại để ý thấy một có gì đó đã làm dựng lên chỗ da sau gáy tôi  - một thứ gì đó nhỏ bé và ngây thơ đến nỗi nhiều người có lẽ chẳng bao giờ để ý tới. Tôi đã nói rằng bình nguyên này đã bị thiên thạch tàn phá; nó cũng được phủ lấp lên một lớp bụi vũ trụ đủ dày luôn chấp chới trên mặt phẳng của bất kỳ thế giới nào không có gió thốc chúng đi nơi khác. Thế là bụi và vụn thiên thạch rốt cuộc quyện lấy nhau thành một vòng tròn rộng bao lấy kim tự tháp nhỏ, như thể một bức tường vô hình đang bảo vệ nó khỏi những tàn phá của thời gian và những oanh tạc chậm chạp nhưng không ngơi nghỉ từ không gian.
Có ai đó hét vào tai nghe, và tôi nhận ra Garnett từ nãy giờ vẫn gọi tôi. Tôi bước khập khiễng về mép vách đá và ra hiệu cậu ấy lên với mình, chứ không chịu lên tiếng. Rồi tôi bước trở lại vòng tròn trong bụi kia. Tôi nhặt một mảnh đá vỡ và hất nó về phiến đá sáng rực. Nếu hòn đá biến mất vào trong cái biên giới vô hình kia tôi đã chẳng thấy gì ngạc nhiên, nhưng nó dường như đã chạm vào bề mặt phẳng lì, hình bán cầu kia và khẽ trượt xuống đất.
Khi đó tôi biết mình đang chứng kiến một thứ không thể sánh được với sự cổ xưa của loài người. Đây chẳng phải một tòa nhà, mà là một cỗ máy, tự bảo vệ bằng những năng lực thách thức cả Vĩnh hằng. Những thứ lực ấy, dẫu là gì, vẫn đang hoạt động, và có lẽ tôi đã tiến quá gần. Tôi nghĩ tới tất cả những phóng xạ mà con người đã giăng ra và xóa đi suốt thế kỷ trước. Chẳng biết nữa, có thể tôi đã toi đời chắc chắn nếu như tôi đã tiến vào cái hừng im lặng chết chóc của một bãi hạt nhân không che chắn.
Tôi nhớ đã quay sang Garnett lúc đó, khi cậu vừa bắt kịp tôi và đang đứng bất động bên cạnh. Cậu ấy cũng mơ hồ hệt như tôi, nên tôi không quấy rầy mà chỉ tiến lại mép vách như để truy hồi các ý nghĩ của mình. Ngay bên dưới tôi là Mare Crisium - Đại dương bất ổn, thật sự lạ lùng và kỳ dị với hầu hết mọi người, nhưng với riêng tôi lại thân thuộc lắm. Tôi giương mắt nhìn vào Trái Đất hình liềm, nằm trong chiếc cũi từ những vì sao, và tự hỏi những đám mây nào đã từng chở che khi các thợ xây bí ẩn hoàn tất công trình của họ. Có phải đó khu rừng già sục sôi của Kỷ Than Đá, là bờ biển u ám nơi những động vật lưỡng thê đầu tiên ngoi lên để chinh phục đất liền, hay thậm chí trước đó, nỗi cô đơn dài đằng đẵng trước khi sự sống bắt đầu?
Chớ hỏi tôi vì sao tôi lại không đoán được ra chân lý ấy sớm hơn - chân lý, thứ giờ đây dường như đã rõ ràng quá thể. Trong sự háo hức đầu tiên của khám phá này, tôi đã không chút nghi ngờ cho rằng hiện thể tinh kết kia đã được một loài giống nào đó thuộc về quá khứ xa xăm của Mặt Trăng xây nên, nhưng bất chợt, và với một sức mạnh vô song, tôi lại tin rằng giống loài xây dựng nên nó cũng xa lạ với Mặt Trăng hệt như tôi vậy.
Trong 20 năm, loài người không tìm thấy vết tích nào của cuộc sống ngoại trừ một số loài thực vật cấp thấp. Chẳng có nền văn minh nguyệt cầu nào, bất luận nó kết thúc ra sao, có thể để lại phía sau dẫu chỉ một chút nhỏ nhoi nào đó sự hiện diện của nó.
Tôi nhìn trở lại khối kim tự tháp, và nó càng lúc càng xa lạ với bất cứ thứ gì liên quan với Mặt Trăng. Và bất chợt tôi lại run bật lên bằng một tràng cười điên dại, ngớ ngẩn, từ sự hân hoan và cạn sức: bởi tôi đã hình dung khối kim tự tháp bé nhỏ kia như đang nói chuyện với mình và đang nói “Xin lỗi, ta cũng là kẻ lạ ở đây.”
Con người chúng ta mất 20 năm mới phá vỡ tấm khiên vô hình và tìm vào cỗ máy bên trong các bức tường tinh thể kia. Những gì không thể hiểu nổi, chúng ta cuối cùng cũng phá vỡ nó đi bằng sức mạnh hoang dã của năng lượng hạt nhân và giờ đây tôi chứng kiến những mảnh vỡ của khối tinh thể xinh đẹp, lấp lánh tôi tìm thấy trên đỉnh núi. 
Chúng hoàn toàn vô nghĩa. Các cơ chế - nếu như quả thật chúng chính là các cơ chế - của kim tự tháp thuộc về một công nghệ vượt xa tầm nhìn của con người, có lẽ là công nghệ của những lực lượng siêu-tự nhiên.
Bí ẩn đeo bám lấy tất cả chúng ta lúc này khi chúng ta đã đặt chân lên các hành tinh khác và chúng ta biết rằng Trái Đất là nơi duy nhất có sự sống thông minh trong Vũ trụ. Cũng chẳng từng có bất kỳ nền văn minh đã mất nào của loài người có đủ khả năng xây dựng một cỗ máy như thế, bởi độ dày của bụi vũ trụ trên bình nguyên giúp chúng ta đo được tuổi thọ của kim tự tháp. Nó đặt nằm tại ngọn núi đó trước khi cuộc sống từ đại dương Trái Đất hình thành.
Khi thế giới chúng ta được một nửa thời gian hiện hữu tính tới ngày nay, một cái gì đó từ các ngôi sao quét qua Thái Dương Hệ, bỏ lại cái lối thông thiên tượng trưng này, và tiếp tục di chuyển. Cho tới khi chúng ta tiêu hủy nó, cỗ máy vẫn luôn làm tròn mục đích của những ai đã tạo ra nó; và đây là phỏng đoán của tôi về mục đích kia.
Gần một trăm ngàn triệu vì sao đang xoay quanh vòng tròn Dải ngân hà, và rất lâu trong quá khứ các giống loài khác thuộc các thế giới thuộc các Mặt Trời khác hẳn đã từng trèo lên và vượt qua những độ cao mà chúng ta đã vươn tới. Hãy nghĩ tới những nền văn minh giống như thế, vút tận vào thời điểm ánh hừng dần lịm của Tạo hóa, những chủ nhân của một vũ trụ quá đỗi son trẻ mới chỉ đặt chân tới dăm ba thế giới. Nỗi cô đơn của họ ắt hẳn là một nỗi cô đơn chúng ta không sao có thể mường tượng ra, nỗi cô đơn của thần linh đăm chiêu nhìn vào hư không và chẳng tìm thấy một ai sẻ chia tâm tư cùng họ.
Chắc hẳn họ đã tìm kiếm những quần tinh như chúng ta đã tìm kiếm các hành tinh. Nơi nào cũng có thế giới, nhưng chúng trống không hoặc chỉ tựu sinh bởi những thực thể không có trí khôn, bò trườn khắp chốn. Trái Đất chúng ta là một thế giới như thế, khói từ những núi lửa vĩ đại vẫn nghi ngút trên bầu trời, khi con tàu chở các loài thượng cổ từ vực thẳm ngoài Diêm Vương Tinh lướt sang. Nó băng qua những ngoại giới giá lạnh, biết rằng cuộc sống chẳng đóng chút vai trò nào trong số phận của mình. Con tàu ngơi nghỉ nơi các hành tinh vòng trong, làm ấm chúng lên quanh lửa Mặt Trời và đợi chờ các câu chuyện bắt đầu.
Những kẻ du hành ấy ắt hẳn đã nhìn vào Trái Đất, chao liệng an toàn trong vùng giao hẹp giữa băng và lửa, và ắt hẳn đoán rằng đây là hành tinh con cưng của Mặt Trời. Lúc này, trong tương lai xa xôi, sẽ có trí thông minh; nhưng có vô số các vì sao trước đó, và chúng có thể sẽ chẳng bao giờ lặp lại như thế một lần nào nữa.
Thế là họ bỏ lại một sinh linh canh gác, một trong số hàng triệu sinh vật họ đã trải khắp Vũ trụ, quan sát hết toàn thể thế giới hứa hẹn một mầm sống. Một cột tín hiệu trong suốt các thời kỳ luôn nhẫn nại phát tín hiệu cho biết chẳng một ai từng khám phá ra nó.
Có lẽ bạn giờ đây đã hiểu vì sao khối kim tự tháp tinh thể kia lại đặt trên Mặt Trăng thay vì trên Trái Đất. Người xây nên chúng không hề bận tâm tới những loài hãy còn đang ngấp ngưỡng hoang dã. Họ hứng thú với nền văn minh của chúng ta chỉ khi ta có thể chứng tỏ tính phù hợp sinh tồn - bằng cách du hành băng không gian và thoát khỏi Trái Đất, chiếc cũi của chúng ta. Đó chính là thách thức mà tất cả các giống loài có trí khôn đều phải đáp ứng, chẳng sớm thì muộn. Đó là một thách thức kép, bởi nó còn tùy thuộc vào khả năng chinh phục năng lượng nguyên tử và chọn lựa tối hậu giữa sống và chết.
Một khi đã vượt ra khỏi khủng hoảng ấy, việc tìm thấy kim tự tháp và mở toang nó ra chỉ còn là vấn đề thời gian. Giờ đây tín hiệu đã ngưng, và những ai mang sứ mệnh sẽ quay đầu về lại Trái Đất. Có lẽ họ mong muốn giúp đỡ nền văn minh non trẻ của chúng ta. Nhưng có lẽ họ rất, rất già cỗi, và người già thường cực kỳ ghen tị với người trẻ.
Tôi không bao giờ có thể nhìn vào Dải ngân hà mà không nghĩ tới các tinh vân là xuất phát điểm của những sứ giả kia. Nếu bạn đồng ý với một hình ảnh so sánh gần gũi, thì xin thưa, chúng ta đã phát còi báo động và chẳng còn phải làm gì khác ngoài việc đợi chờ.
Tôi nghĩ chúng ta chẳng phải chờ lâu nữa đâu.
k.