Tôi biết hai Murakami Haruki. Một Murakami Haruki thông minh, tinh tế trong việc viết, một người đã ép bản thân vào khuôn khổ, khéo léo như người đi trên dây giữ vững hai đầu lý trí và cảm xúc và một Murakami Haruki thuần chất đầy cảm xúc, cảm hứng và ít lý trí. Một Murakami Haruki nảy ra ý tưởng viết tiểu thuyết trong một trận bóng chày, chỉ viết bằng sức mạnh của sự đam mê sau những giờ lao động vất vả tại quán bar và quên nó sau khi gửi đi thi như một sự giải thoát. Cá nhân tôi, tôi thích Murakami Haruki thứ hai hơn.
Đọc thêm:
‘Lắng nghe gió hát’ là tác phẩm đầu tay của Haruki, một bước mở đầu quan trọng và chủ đề của tác phẩm cũng là chủ đề xuyên suốt các tác phẩm của Murakami Haruki sau này, đó là tình yêu, sự mất mát lạc lõng của một thế hệ con người. Bối cảnh tiểu thuyết diễn ra vào khoảng thời gian từ ngày 8 đến 28 tháng 8 năm 1970 kể về kỳ nghỉ hè của nhân vật chính và cậu bạn Chuột. Tác phẩm rời rạc phân mảnh như những lát cắt, nhảy từ chuyện này sang chuyện kia nhưng vẫn mang cho ta một cảm giác chung, cái cảm giác bứt rứt, lạc lõng và mất mát của thế hệ sinh viên những năm 1968-1970, những người sống giữa cuộc chuyển giao mới và cũ, của đập đi xây lại, của ngoại lai và truyền thống, chập chững bước vào chủ nghĩa tiêu dùng. Những con người hoang mang không chỉ vì tuổi trẻ mà còn vì thế giới.
Tôi ấn tượng nhất với nhân vật Chuột. Một chàng trai con nhà giàu ghét mọi thứ về chủ nghĩa tư bản, ước mơ trở thành nhà văn viết những tiểu thuyết không có tình dục cũng không có chết chóc. Đó là một ước mơ siêu vượt một ước mơ vĩ đại giữa những ngổn ngang vỏ lạc và chai bia rỗng, giữa một xã hội đang hỗn loạn, giữa những trường đại học cháy rừng rực và đám sinh viên tuổi hai mươi không khác gì những tên côn đồ khát máu. Chuột phải chăng là người đã thoát khỏi những bi ai của thời đại hướng đến một điều gì đó cao hơn. Và Chuột phải chăng là ước vọng và ám ảnh của Murakami Haruki trẻ tuổi? Xuyên suốt "Bộ ba Chuột", nhân vật tôi liên tục ám ảnh, nhớ đến và đuổi theo Chuột, nhưng hoài công, ta thấy một 'tôi' cô độc trong tòa biệt thự trong những chương cuối của "Cuộc đi săn cừu hoang". 'Tôi' sẽ không bao giờ chạm đến được Chuột. Ước vọng mãi chỉ là ước vọng. "Nhảy, nhảy, nhảy" sinh ra cũng vì lẽ đó. Trong "Nhảy, nhảy nhảy", 'tôi' đã tìm thấy cuộc sống mới, tách khỏi nền kinh tế thị trường và cũng tách khỏi quá khứ và những ảo mộng về Chuột. 'Tôi' đã lần đầu tiên tìm ra điệu nhảy của riêng mình.
Kết quả hình ảnh cho lắng nghe gió hát
Nguồn : Zing.vn
Một điều nữa khiến tôi ấn tượng đó là trong tác phẩm đầu tiên của mình Haruki còn lo lắng cho số phận văn chương của bản thân. Ông mang hình mẫu một nhà văn thất bại đó là Derek Heartfield ra lo lắng cho số phận văn chương của mình, tự hỏi liệu rằng cuộc đời ông rồi có bi ai như vậy không? Và điều đó phải chăng đã gợi nên lòng trắc ẩn về những nghệ sĩ không may, khiến ông mang họ vào từng tác phẩm của mình. Anh nhà thơ cụt tay và trong "Nhảy, nhảy, nhảy", Reiko trong "Rừng Na Uy", Trắng trong "Tazaki  Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương" hay Sumire trong "Người tình Sputnik". Tôi nhìn thấy một sự liên kết giữa Reiko và Trắng. Hai con người bị sụp đổ khi nhận ra rằng mình không bao giờ có thể vươn tới đỉnh cao được. Và cả hai có lẽ đều cố gắng sáng tạo ra một sự thật cho riêng mình để tự bào chữa, tự an ủi bản thân. Phải chăng đó là điều mà mỗi chúng ta nên tránh?
Đọc thêm: