Vũ tịch, cơn mưa trong thinh lặng, cơn mưa đem lại nỗi buồn, một nỗi buồn khó đặt tên. Nỗi buồn len lỏi vào từng bụi hoa u sầu nơi kinh thành Phú Xuân. Nỗi buồn vảng vất nơi cung điện Dương Xuân. Nỗi buồn xoay quanh những con người của những vương triều khác nhau, những số phận khác nhau. Nỗi buồn của một đất nước, một thời kỳ lịch sử.

Một nàng công chúa Lê triều đã tàn lụi với một sự cao ngạo, bất khuất và cứng đầu đến đau lòng. Ôm một mối hận không bao giờ có thể xóa bỏ với Tây Sơn, chỉ vì trong người nàng chảy dòng máu của một vương triều đã mất. Luôn tự tách mình khỏi mọi thứ, luôn thờ ơ với mọi thứ, ẩn sâu trong đôi mắt nàng, là vẻ lạnh lẽo đến gai người. Từ cô công chúa nhỏ câm lặng đến thiếu nữ xinh đẹp khuynh thành, rồi trở thành chính cung hoàng hậu Tây Sơn, cuối cùng lại thành Đức phi triều Nguyễn, rồi ra đi khi mới hai mươi sáu tuổi. Nàng làm vợ một người, sinh con cho một người khác, nhưng nàng lại dành tình yêu cho một người thứ ba. Bi kịch không, có chứ. U uẩn không, có chứ. Một nàng công chúa Lê triều, trở thành hoàng hậu của Tây Sơn, và cuối cùng chết đi với tư cách Đức phi của triều Nguyễn, nàng bị chê cười, bị nhạo báng, nhưng nàng vẫn sống, vẫn kiên cường sống, gồng mình lên để sống, đến khi không còn có thể gồng mình lên mới thôi. Đó, phải chăng là sự cố chấp sau cùng của nàng?
Một hoàng tử Tây Sơn vạn người kính phục, vạn người sợ hãi. Đầy kiêu hãnh, đầy tài năng, đầy cao quý, và đầy đau khổ giằng xé. Một mình gánh lấy trọng trách chống giữ một vương triều đã sắp tàn lụi, bởi vì trong người chàng chảy dòng máu của Quang Trung hoàng đế. Chàng có tố chất làm vua, có khát vọng làm vua, nhưng không bao giờ được làm vua. Là người được quần thần yêu mến, nhưng bị cha mình ghét bỏ. Một người thấu hiểu thời cuộc, nắm được lòng người, yên được thiên hạ, nhưng là người không được lựa chọn để làm vua. Không phải chàng không muốn làm vua, nhưng chàng tuyệt đối không tranh giành ngai vàng với em trai mình. Lòng trung thành và lòng yêu thương cậu em trai nhỏ đang trên ngai vàng kia lớn hơn tất cả mọi tình cảm khác mà chàng từng có trên đời. Hơn cả tình yêu với nàng - công chúa Lê triều. Bởi vì chàng là con cháu của Tây Sơn, con cháu của một dòng họ đã quét hết mọi tranh chấp từng có trên dải đất này. Mọi thứ chàng làm, là vì vương triều Tây Sơn, vương triều mà cha chàng đã dành cả cuộc đời để gây dựng, và bảo vệ, bây giờ đến lượt chàng bảo vệ nó, chống đỡ nó, chiến đấu vì nó, chết vì nó. Nhưng chính điều đó đã hủy hoại chàng, đã che phủ tình yêu của chàng dành cho cô công chúa bị thất lạc của vương triều trước, chính điều này đã khiến chàng gạt đi mọi mơ ước hy vọng của mình, đem người mình yêu thương giao vào cung điện gửi lại cho người em trai. Chàng có đủ nhẫn tâm trừ khử những kẻ đe dọa vương triều của em trai chàng, nhưng lại không có dã tâm chiếm đoạt vương triều ấy cho riêng mình. Chàng yêu nàng, nhưng đối với chàng, tình yêu không là gì cả, không được phép là gì cả. Vì nàng là con gái của một vương triều đã bị diệt vong. Vì chàng là con trai của kẻ đã đánh đổ vương triều đó. Tình yêu dẫu có, cũng chỉ là vô nghĩa. Nàng có thể hận ta, có thể giết ta, nhưng oán hận của nàng hãy chỉ để mình ta nhận lãnh thôi, đừng oán hận cha ta, đừng oán hận vương triều của cha ta, cũng đừng oán hận em trai ta, hãy chỉ oán hận mình ta thôi. Từ ngày bóng lưng áo rời khỏi kinh thành ngày mịt mù mưa, đến lúc chết trong vòng vây kẻ thù, vẫn chỉ yêu có mình nàng, vẫn chỉ lưu luyến mãi hình bóng nàng. Nhưng nàng là người chàng có thể yêu, chứ không được ở bên, bởi vì số mệnh của nàng là phải lấy đế vương. Còn chàng, không phải là đế vương. Chàng là một vị tướng, một vị tướng kiêu hãnh, kiên cường, kiên cường đến cố chấp. Chiến đấu đến lúc cuối cùng, chiến đấu kể cả khi biết không còn có thể chiến thắng được nữa, tất cả là vì lòng kiêu hãnh của một người mang dòng máu Tây Sơn.
Một vị vua trẻ tuổi, gần hết cuộc đời sống không thể theo ý mình. Chàng chưa bao giờ muốn làm vua, và cũng không bao giờ thích hợp để trở thành vua, giữa loạn lạc, giữa chiến tranh. Bởi vì chàng quá tình cảm, đối với quần thần không đủ cứng rắn để bình trị, rồi lại mang mặc cảm cướp ngôi của anh. Một vị vua trẻ tuổi sống trong phiền muộn, trong u buồn, trong hoang mang, bất lực khi không thể hàn gắn được vương triều đã chia năm sẻ bảy. Tại sao chàng lại được làm vua, tại sao không phải anh trai chàng, tại sao chàng phải gánh lấy trọng trách này? Chàng không hề biết, cũng không ai nói cho chàng biết, từ đầu đã thế, đến cuối cùng vẫn thế. Chàng chán ngán tất cả, những cuộc đấu đá đẫm máu giữa đám quần thần, những trận chiến bi thương không hồi kết. Chàng thương xót anh trai chàng gồng mình lên chống đỡ cả một vương triều trên bờ vực sụp đổ. Chàng đau buồn trước sự u uẩn của nàng công chúa Lê triều, là vợ chàng, là người an ủi chàng mỗi khi tuyệt vọng, là người chàng không thể bảo vệ. Nhưng chàng vẫn yêu nàng, một cách rất khác, nhẹ nhàng, sâu lắng, không giống tình cảm vợ chồng, mà giống tình cảm chị em. Chàng và nàng cùng lặng lẽ ngồi bó gối để ngắm mưa. Chàng vì nàng mà muốn mạnh mẽ hơn, cứng rắn hơn, quyết tâm bảo vệ vương triều của mình đến cùng, và đến khi không còn có thể bảo vệ được nữa, thì chàng bày tỏ tình yêu ấy với nàng bằng một lòng tin sắt đá giữa bao tiếng nhạo báng, chê cười. Bởi vì chàng hiểu nàng, hiểu nỗi buồn, hiểu sự cố chấp của nàng, và chàng biết rằng nàng sẽ sống, nàng phải sống để có thể thay chàng chứng kiến một đất nước thanh bình. Ban đầu chàng hiện lên với vẻ yếu đuối, xanh xao, nhưng cho đến cuối cùng lại dũng cảm hơn ai hết, bình thản mà đón nhận cái chết khủng khiếp giáng xuống trong một ngày nắng hiếm hoi giữa mùa mưa, không oán thán, không thù hẳn, mà bình thản. Bởi vì chàng là con trai của Quang Trung hoàng đế, đến cuối cùng vẫn là như vậy.

Nếu có ai hỏi đoạn nào tôi thích nhất trong "Vũ tịch", thì tôi sẽ nói đó là cuộc trò chuyện cuối cùng của Quang Toản với Ngọc Bình, trong nhà lao của Gia Long hoàng đế. Cuộc trò chuyện cuối cùng trước khi Quang Toản ra pháp trường.
Đó là đoạn buồn nhất
Và đó cũng là đoạn mà Quang Toản vụt lên trở thành một người anh hùng
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
"Nàng biết không, ta bị bắt ở Xương Giang. Trước khi bị bắt, ta nghe được một bài hát trên sông có câu: “Sông đây, đất đấy. Muôn thưở thanh bình”. Lúc ấy, ta đã nghĩ, đó chẳng phải tên của nàng sao? – Giọng Quang Toản nhỏ nhẹ đủ cho một mình nàng nghe. – Trong những ngày tháng bị giam vừa rồi, ta chợt nghĩ được nhiều thứ, những điều mà trước đây ta chưa từng nghĩ.
Rốt cuộc, ta làm vua để làm gì? Khi vừa biết nhận thức, ta đã được cầm ấn triện thái tử, rồi hoàng đế mà chưa biết mình phải làm gì. Rồi chiến tranh, rồi tranh đoạt, mâu thuẫn. Ta cứ để mình bị cuốn đi, người khác nói sao thì mình nghe vậy. Tình thế thế nào thì ta ứng phó theo thế. Những phản ứng của ta chỉ làm tình hình tệ hơn. Ta luôn luôn tự hỏi, tại sao lại là ta?
Rốt cuộc, ta tự hỏi, chúng ta để làm gì? Những máu xương này, những cái chết này, rốt cuộc để làm gì? Cái lý tưởng thế thiên hành đạo của Tây Sơn ngày khởi nghiệp đã mất lâu rồi. Tất cả mọi người chỉ lao vào tranh giành, cấu xé lẫn nhau. Tây Sơn đánh cường hào áp bức, nhưng cuối cùng lại trở thành chính những kẻ ấy. Nguyên do là gì?
Nhưng Tây Sơn nổi dậy có phải là sai không? Không. Chúng ta chiến thắng. Chúng ta có thể tự hào. Chúng ta là cơn lũ quét sạch những tranh chấp trên đất nước này. Điều chúng ta không thể làm là để mảnh đất ấy có thể mọc lên những chồi cây xanh tốt.
Phải, đó là điều mà ta không thể làm. Tây Sơn cũng không thể làm. Chúng ta bị cuốn vào thời thế, vào chiến tranh. Không có vương đạo, chỉ có bá đạo. Thắng làm vua, thua làm giặc. Kẻ nào chiến thắng cũng như thế mà thôi. Nhưng tại sao lại có chiến tranh, tại sao chúng ta nổi dậy, tại sao chúng ta thất bại, ý nghĩa của sự tồn tại, đã từng tồn tại của chúng ta là gì?
Khang công đã chết. Bao nhiêu người đã chết. Chúng ta cũng sẽ chết. Tất cả chúng ta có ý nghĩa gì?
Khi bị bắt, ta chợt nghĩ, thế là đã “thanh bình”. Đã thống nhất. Đã bình yên. Điều mà chúng ta không thể làm được, đã có một người làm được. Trong đôi mắt người ấy, ta thấy sự thù hận, nhưng không phải là cừu hận. Người ấy phục thù bằng cách làm được những gì mà chúng ta không thể làm.
Ta nghĩ đến nàng. Chúng ta không đem lại hạnh phúc cho nàng. Chúng ta cũng không có hạnh phúc. Không ai trong chúng ta hạnh phúc. Như vậy, nếu có một kết cuộc có thể đem lại bình yên thôi, cũng đáng để chúng ta hy sinh bản thân mình. Đó chẳng phải là điều mà chúng ta đã muốn làm khi khởi nghiệp sao? Đó chẳng phải là mơ ước của chúng ta sao? Đó chẳng phải là khát vọng của chúng ta sao?
Vì khát vọng ấy mà hy sinh chẳng phải là ước nguyện của chúng ta sao?
Khi chúng ta bị hủy diệt, sẽ không còn oán thù trên mảnh đất này. Chúng ta là một cơn hồng thủy, và đã đến lúc chúng ta tự tan biến. Chỉ có thế, cây cỏ mới có thể mọc lên.
Trên đời này chẳng có gì là vĩnh cửu. Có thịnh thì phải có suy. Suy thì sinh ra loạn. Thượng bất chính, hạ tắc loạn. Cần có kẻ điều chỉnh, mang lại thanh bình. Nhưng cũng cần có kẻ biết đứng dậy chống đối, giương lên lá cờ chính nghĩa.
Chúng ta không thể đảm nhận cả hai vai trò, vậy thì, nhiệm vụ của chúng ta giờ đây là ngẩng cao đầu nhận lãnh kết cuộc của mình. Cái chết của chúng ta đem lại bình an cho đất nước này. Nhưng cái chết của chúng ta phải cho thấy rằng khát vọng của chúng ta, điều mà chúng ta kiêu hãnh vì nó, không chết.
Một kẻ không biết làm vua như ta, đến cuối cùng, chỉ việc này là có thể làm. Ta sẽ nhận lãnh kết cuộc của một triều đại. Ta sẽ sống, sẽ chịu đựng tất cả những nhục hình này đến ngày cuối cùng."
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Quang Toản, Quang Thùy, Ngọc Bình, ba con người có số mệnh gắn với nhau, tạo nên một câu chuyện thật bi thương trong những năm tháng cuối cùng của Tây Sơn.
Những năm tháng ấy, có những ngày thật ngắn, và cũng có những ngày thật dài...
Còn mưa... vẫn lặng lẽ rơi, lặng lẽ đem đến nỗi buồn...