Bản thân mình thì chẳng thích thú gì với cả hai trạng thái này. Mình luôn cảm thấy vô định mỗi khi không còn việc gì để tập trung làm và nó làm mình hoang mang. Áp lực thì khiến mình phát điên, não hoạt động một cách trì trệ, cảm xúc thì hỗn loạn, đôi khi còn run rẩy và chẳng thể làm tốt việc gì. 
    Tuy nhiên, sau này mình mới nhận ra, vô định và áp lực đứng một mình thì rất đang sợ nhưng khi để chúng hoà hợp với nhau thì ta lại có một kết quả tuyệt vời. Ở đây, mình đã học cách ném áp lực vào vô định để hoà tan áp lực và dùng áp lực để xác định phương hướng trong vô định.
    Có những ngày mình cảm thấy tâm trạng mông lung, chới với. Trong đầu thì miên man suy nghĩ hết những chuyện trong quá khứ lại đến chuyện tương lai, những chuyện trên trời, dưới đất và rồi cảm thấy bản thân mình thật vô tích sự. Mình đặt tên cho trạng thái này là vô định. Vô định có xu hướng khiến mình chìm dần vào sâu bên trong nó. Nó khiến mình cảm thấy chán nản chẳng muốn làm gì nên thường tìm đến những hình thức ''giải trí tệ hại'' như chơi game, đọc truyện vớ vẩn và đôi khi là xem phim hành động 2 người nữa (vì con trai nên các bạn nam sẽ hiểu cho mình về việc này Haha) Tuy nhiên, như thế chỉ làm bản thân mình chìm sâu hơn vào vô định. Mình nhận ra cách tốt nhất để thoát khỏi vô định chính là làm những việc khó theo cách ép buộc bản thân phải làm. Nói cách khác, vô định sẽ bị xoá tan nếu ta bị thúc đẩy bởi một mũi tên có phương hướng rõ ràng (mà sau này mình đã sử dụng áp lực để hình thành mũi tên đó)
    Khi cảm thấy bản thân đang rơi vào trạng thái vô định, mình cố gắng đưa cho nó một áp lực từ một việc làm cụ thể ví dụ như viết một bài viết có tiêu đề được định sẵn. Dù bài viết có chất lượng hẳn là sẽ không cao (do làm trong trạng thái chán nản) nhưng bù lại nó đã đưa mình ra khỏi trạng thái vô định, chỉ cần bước ra khỏi vô định trong khoảng 1 tiếng đồng hồ sau đó ra khỏi không gian phòng ở một lúc thì gần như cảm xúc của mình được reset hoàn toàn và mình không cảm thấy vô định nữa.
    Áp lực thì rõ là làm ta khó chịu, nó cũng có cơ chế khiến ta chìm sâu vào nó. Áp lực khiến công việc không chạy trơn tru, chưa làm xong việc này đã lo làm việc khác, tâm lý không thoải mái khiến não bộ hoạt động kém hiệu quả hơn hẳn, độ tập trung khi chia ra thì giảm theo cấp số nhân, càng ngày ta làm việc càng tệ và vừa phải làm việc này vừa phải lo sửa việc kia. Càng lâu, ta càng bị áp lực nuốt chửng cho đến khi nào ta bất lực buông xuôi. Ở trong áp lực là cực kỳ nguy hiểm, cách tốt nhất để vượt qua áp lực chính là tiến vào vô định. 
    Khi cảm thấy bản thân bị áp lực phải làm xong một việc gì đó, mình cố gắng quên việc đó đi và tự nhủ rằng không làm cũng không sao, chuyển hướng suy nghĩ sang những việc Mông lung, cốt yếu để tiến vào trạng thái vô định. Điểm thú vị của vô định là nó làm mình chán nản nhưng bù lại nó cũng khiến mình thèm muốn có thứ gì đó đưa mình ra khỏi nó và lúc này mình chỉ cần tập trung vào công việc mà mình coi là áp lực kia là vẹn cả đôi chuyện.
    Cân bằng giữa áp lực và vô định là quan trọng nhất. Là một người trẻ, ai cũng phải trải qua trạng thái vô định, hàng ngàn câu hỏi chạy ngang qua đầu mà chẳng có lấy một câu trả lời, chặng đường đi tìm giá trị thật của bản thân vấp ngã nhiều đến mức kẻ giỏi nhất cũng khó leo lên khỏi vực sâu vô định một khi đã ngã xuống. Áp lực thì luôn hiển hiện trong cuộc đời con người dù là thời điểm nào. Không thứ gì trên cuộc đời này là dễ dàng có được. Đã muốn vươn lên là phải chấp nhận áp lực và chiến thắng nó. Cả áp lực và vô định đều muốn nuốt chừng ta. Áp lực muốn ta từ bỏ và đẩy ta xuống vực sâu của vô định. Vậy nhưng nếu khôn khéo lợi dụng những tính trạng của hai trạng thái này, chúng hoàn toàn có thể trở thành động lực để ta vượt lên trên tất cả.