nguồn ảnh: giphy.com
Bài này, mình không đề cập đến sự viết nói chung.
Bài này, mình nhắc đến hai kiểu viết:
   1. Viết dễ dàng
   2. Viết vui vẻ
Tạm gộp chung là viết tự do.

Khi viết thông thường, ta cố gắng truyền đạt suy nghĩ của mình tới người khác. Viết tự do không phải thế. Bạn không cần nỗ lực gửi đi điều gì cả. Chỉ đơn thuần, là để ý nghĩ của mình tuôn xuống trang giấy. Rồi bạn sẽ thấy, điều xuất hiện sau đó.
Kỹ thuật siêu đơn giản.
Bạn dành vài phút, cho việc viết. Giả sử là 5 phút đi.
Một cây bút + tờ giấy nháp
Bắt đầu từ gợi ý: mình đang cảm thấy rằng...
Trong vòng 5', hãy viết ra bất cứ thứ gì đến với tâm trí bạn
Viết
Bất cứ điều gì

Không quan trọng nó liên quan đến gợi ý hay không (đó chỉ là câu tạo đà thôi nhé)
Không cần nghĩ mình sẽ viết cái gì
Cứ viết
Nếu trong đầu nghĩ rằng, mình chẳng biết viết gì
Viết suy nghĩ đó xuống: Đang không biết viết gì. Chẳng có gì trong đầu. Chẹp. Viết cái gì bây giờ...
và cứ tiếp tục cho đến khi có điều gì đó để viết trở lại.

Quy tắc duy nhất: "Đừng dừng viết cho đến khi hết thời gian".

Chỉ nhớ rằng, bạn viết cho chính mình, vì chính mình. Không ai đọc những dòng đó cả. Đơn thuần, hãy viết xuống, bằng sự trung thực trọn vẹn. 
nguồn ảnh: Jimmy the Bull
OOh, bí kíp đấy hả?
Nghe nhạt thếch.
Uây, từ từ
Thế rốt cuộc viết tự do thì để làm gì?
Viết tự do là một hoạt động để hiểu bản thân, bằng cách viết cho chính mình. Đây là một kỹ thuật giúp bạn khám phá những điều nằm trong tâm trí vẫn còn chưa rõ ràng, hay chưa thông suốt. Nó giúp bạn giải tỏa cảm xúc, hoặc giúp bạn nhìn nhận vấn đề, để từng bước giải quyết.
Một vài nghiên cứu dưới đây, có thể gây mê (hoặc đắm), bởi lợi ích mà nó đem lại.
A. Nghiên cứu của S.P Spera, E.D Buhrfeind, và J.W Pennebaker được công bố trên "Academy of Management Journal" như sau, họ đề nghị một nhóm người thất nghiệp viết về cảm xúc của chính họ trong năm ngày liên tiếp. Mỗi ngày 20 phút. Và so sánh với nhóm người không viết gì. Sau 8 tháng:
* Tỉ lệ nhóm người không viết gì có được việc làm là 27.3%
* Nhóm viết có tỉ lệ kiếm được việc trội hơn hẳn, 68.4%
Bạn biết không, bất cứ phương pháp nào tạo sự khác biệt ở vài điểm phần trăm, cũng có thể xuất bản bài viết rồi. Còn chúng ta đang nói về hơn 40%. Và những điều mỗi người đã làm, là viết, trong 5 ngày, vị chi 100 phút.

B. Trong suốt gần 20 năm, tiến sĩ tâm lý James W. Pennebaker của đại học Texas giao cho sinh viên một bài tập: viết xuống những cảm xúc của họ, trong vòng 20 phút. Bốn ngày liên tục. Nhiều bạn làm theo hướng dẫn đơn giản này và nhận thấy hệ thống miễn dịch được tăng cường. Nhiều người thấy điểm số cải thiện. Nhiều trong số đó, thấy cuộc sống thay đổi.

C. Đại học Missouri cũng thực hiện một nghiên cứu tương tự trên quy mô trường của họ. Sinh viên dành 2 phút mỗi ngày. Để viết về một thứ gì đó họ thấy có ý nghĩa về mặt cảm xúc. Những người tham gia thể hiện sự cải thiện ngay lập tức về tâm trạng. Họ được đánh giá cao hơn theo thang đo các tiêu chuẩn hạnh phúc về mặt sinh lý.

nguồn ảnh: giphy.com
Hưmm, một-vài-phút. Tạo ra sự thay đổi hay đấy. Nếu bạn đang nghĩ vậy, thì có vài gợi ý để mày mò thêm:

Viết dễ dàng
   - Giấy và bút, đặt thời gian (vài phút hoặc chục phút, tùy bạn nhé)
   - Đặt bút viết bất cứ điều gì nảy ra trong đầu

Viết vui vẻ
   1. Viết vui: ghi lại toàn niềm vui (điều làm bạn cười, kỉ niệm đáng nhớ...)
   2. Viết cảm ơn: điều bạn trân trọng, yêu quý, biết ơn hàng ngày...
   3. Viết về điều bạn muốn: 3 cuộc đời muốn sống, 3 điều muốn thử...
   4. Viết thư cho bản thân (thư gửi tôi: tương lai/quá khứ/hiện tại)
   5. Viết về điều bạn thích: cái gì làm bạn tò mò, hứng thú...
   6. Viết về điều làm được hàng ngày: đọc xong chương sách, dậy sớm 15'
   7. Viết tới đích: viết những mục tiêu trong đầu xuống
   8. Viết detox: xả ra tất cả thứ đáng ghét qua viết
   9. Viết nuôi dưỡng: điều tự hào, điểm tốt của bản thân, lời động viên...
   10. Viết ý tưởng: 10 ý tưởng cho 1 chủ đề (cách thoát FA, để đời hết nhạt...)
Chúc bạn viết dễ, thấy vui.
Nguồn tham khảo:
* Expressive writing and coping with job loss - Academy of Management Journal (by S.P Spera, E.D Buhrfeind, và J.W Pennebaker)
* Sách: Writing to heal - James W. Pennebaker
* Sách: Search inside yourself - Chade-Meng Tan