Bạn đã có bao giờ cảm thấy trống rỗng chưa? Mình thì có rồi đấy ... mà lại còn rất dai dẳng nữa! Hay chúng ta ngồi xuống hàn thuyên một chút về những cảm nghĩ và chia sẻ của mình về sự trống rỗng đi ha. Biết đâu nó giúp được gì cho bạn thì sao?

Sự trống rỗng là như thế nào?

Ngày bận rộn của mình kết thúc.
Không còn gì để làm. Không có gì để nói. Cuối cùng mình đã có thời gian để thư giãn. Nhưng thay vào đó, sự im lặng giáng xuống với một áp lực kinh khủng. Mình cảm thấy ngột ngạt bên dưới thứ cảm giác nặng nề trong khoảnh khắc này, dai dẳng, trống rỗng.
Thứ cảm giác đó bỗng dưng trở lại như một bức tường ngăn cách mình với thế giới xung quanh, nó gây sức ép lên mình, đè lên mình dưới một áp lực vô hình của sự rỗng tuếch, vô nghĩa và đơn điệu.
Trống rỗng thực sự rất đau đớn! Đó là cảm giác mình lặp đi lặp lại một điều nhàm chán mỗi ngày trong một không gian vô định, mình cứ thế tiếp tục đi, tiếp tục làm , tiếp tục, tiếp tục, tiếp tục... Mình buồn bã, mình trống rỗng, Mình cô đơn đến tột cùng. Dường như tất cả mọi thứ đều vồ vập bao quanh mình nhưng tuyệt nhiên mình cảm thấy chẳng muốn làm gì cả.
Mình đã trải qua toàn bộ cái thứ cảm xúc kỳ cục đến bất thường đấy từng ngày nên mình hiểu rất rõ. Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2020, năm hè lớp 8, mình bắt đầu bị mất ngủ. Hồi đó mình còn trẻ trâu lắm, cũng chẳng để tâm đến việc đó nhiều. Và rồi các đợt mất ngủ kéo dài triền miên, hết tháng này đến tháng khác. Lúc nào mình cũng thấy thiếu thiếu cái gì đó nhưng không thể giải thích cụ thể nó là cái gì. Cảm giác thật là khó chịu! Hồi đó đúng là mình bị "đơ" theo nghĩa đen. Mình cứ ngồi tựa vào tường, lòng nặng trĩu những cảm xúc tiêu cực nhưng chẳng thể chia sẻ nó với một ai. Nó cứ kéo dài đằng đẵng đến bây giờ và mình cũng chỉ biết cười trên sự đau khổ của chính mình.
Mình cũng đã trò chuyện và tương tác với nhiều người và mình thấy họ đều có một điểm chung đó là họ cũng trống rỗng, tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ mà thôi. Cũng có những người hiện tại không hề cảm nhận được điều này bởi vì họ có một lí do để " thức dậy mỗi ngày".
Ai rồi cũng sẽ trải qua cảm giác trống rỗng, mỗi độ tuổi sẽ có một thử thách và cũng sẽ có một nhiệm vụ riêng nhất định dành cho bản thân. Trống rỗng có nhiều hình thức và hình dạng khác nhau nhưng đều có một điểm chung đó là sự vô nghĩa. Bạn luôn cảm thấy mọi thứ thật là nhàm chán, thật khó để mà chịu đựng sự rỗng tuếch đến tột cùng này!

Chúng ta sẽ làm gì khi cảm thấy trống rỗng

Trong những ngày tháng u uất đó, mình luôn cảm thấy thật kinh khủng, nhàm chán đến vô tận. Thẳng thắn đi! Là mình đã chơi game từ sáng đến tối mịt để khỏa lấp cái sự trống rỗng buồn bã đến vô tận này. Mình làm gì cũng thấy chán, dường như không có gì có thể thắp lên lại ngọn lửa nhiệt huyết trong mình.
Cứ thế, mọi thứ tiếp diễn cho đến một ngày năm lớp 10, mình cũng không rõ là lúc nào. Mình bàng hoàng nhận ra rằng là mình không còn vui như trước nữa. Mọi thứ cứ tầm tầm bình bình mãi, mình mất hứng thú với tất cả mọi thứ - mình làm gì cũng thấy buồn. Mình cũng chỉ biết tự thầm nhủ rằng : " Rốt cuộc là mình bị gì thế hả! Từ lúc nào mà mình chơi game cũng buồn, tập thể dục cũng buồn, nghe nhạc cũng buồn - về tất cả mọi thứ. Mình bị làm sao thế? Thật là tồi tệ!".
Trong những ngày tháng trống rỗng đến tột cùng đó, mình có để ý đến những việc mình đang làm và cảm nhận được những cảm xúc tồi tệ đó nên mình có thể rút ra một số kết luận về việc mỗi người sẽ đối diện với trống rỗng như thế nào, phải mất một quãng thời gian dài để nhận ra điều này. Nhưng nó cũng rất có giá trị!
Trống rỗng thực sự rất là đau đớn! Khi thứ cảm giác này gia tăng bên trong, ham muốn nơi bạn là kiếm tìm sự trợ giúp và xoa dịu, không quan trọng là bao lâu, nhưng bạn phải ngăn chặn được sự trống rỗng này càng lâu càng tốt. Thế là bạn bắt đầu làm quen với những điếu thuốc, chiếc điện thoại, tủ lạnh, những cái chai (rượu bia), chiếc điều khiển tivi, thủ dâm thường xuyên hay quăng mình vào những cuộc vui xác thịt – tất cả – trong một nỗ lực để thoát khỏi một người bạn cũ quen mặt “sự trống rỗng”. Hoặc có thể bạn sẽ trở thành một tên nghiện công việc.

Đêm đến chúng ta sẽ đối diện với cảm xúc tiêu cực

Chắc chắn là mọi thứ chẳng dễ chịu gì rồi. Khi các cuộc vui kết thúc, tối muộn mình đi ngủ, mình phải đối diện với hàng loạt những cảm xúc tiêu cực tồi tệ được tích tụ từng ngày nhưng mình lại không chịu để tâm đến nó. Nó cứ ở đó, nó không mất đi mà nó cộng hưởng lại với nhau tạo thành một khối cảm xúc - một vấn đề dai dẳng không được giải quyết một cách đúng đắn. Rồi một ngày nào đó khối vấn đề đó vỡ ra trong một tích tắc và khó có thể nhận ra. Chính xác là sự trống rỗng đang gặm nhấm mình qua từng ngày. Nó cứ tiếp diễn một cách đều đặn và mất ngủ diễn ra thường xuyên hơn.
Mất ngủ thực sự chẳng hề tuyệt một chút nào! Mình bị mất ngủ cũng hơn một năm rồi và ngày ngủ được ngày lại không, lúc thức đến sáng, lúc lại mất mấy tiếng để chìm vào giấc ngủ. Nó ảnh hưởng đến toàn bộ nếp sinh hoạt hằng ngày của mình. Bạn biết mà, các cơn cáu gắt thường xuyên, đau đầu, khó tập trung, luôn cảm thấy chán nản, u uất,.. Công nhận là hơn một năm nay mình chẳng bao giờ ngủ đủ giấc cả. Nói chung là tệ lắm! Cảm xúc của mình khá thất thường, lúc đang vui bỗng dưng chỉ trong một khoảnh khắc chìm xuống tuyệt vọng. Mình cũng khó xác định là chuyện gì đã xảy ra. Mọi sáng thức dậy, điều mình cảm nhận được vẫn chỉ là hố sâu của sự trống rỗng, nó dai dẳng, nỗi buồn trong nó sâu hoắm đến vô tận.
Việc mất ngủ cũng mở ra cho mình thêm một góc nhìn khác mới lạ hơn. Nó khiến mình đối diện nhiều hơn với tất cả những cảm xúc tiêu cực u uất mình đã trải qua mà mình không chịu giải quyết một cách triệt để. Có thể coi đó là một khoảng thời gian tốt để chữa lành bản thân nhưng nó cũng chẳng khác gì một cuộc vật lộn. Mình đã trốn tránh nó vào các trò chơi tiêu khiển thì cũng chẳng dễ chịu gì khi mà gặp mặt nó trực tiếp đúng không?
Bạn có thể coi đó là khoảng thời gian mà cơ thể tự tạo ra để dành cho riêng chính bản thân. Mỗi ngày chúng ta luôn lên kế hoạch cho tất cả mọi thứ về tất cả mọi điều trong cuộc sống. Vậy thì khoảng thời gian nào dành cho riêng mình? Đa số chúng ta đều quên mất điều đó nên mình nghĩ cơ thể của chúng ta cũng có một cơ chế tự nhiên tuyệt vời đấy chứ!

Trống rỗng khiến ta sợ phải đối mặt với tất cả mọi thứ khó khăn

Thực sự thì trống rỗng về lâu dài sẽ tiến tới trầm cảm. Mình là một trường hợp trong số đó.
Trống rỗng khiến mình nhàm chán kinh niên về mọi thứ, kể cả việc học tập. Chắc chắn bạn cũng đoán ra là tiến độ công việc của mình sẽ tụt dốc không phanh mà. Về những người không hiểu về cảm giác của mình chắc chắn họ sẽ chỉ trích về thất bại của mình rồi. Bạn biết đấy, một lời chỉ trích có sức nặng còn hơn cả mười lời khen. Mình đã suy sụp kinh khủng! Mình càng ngày càng sợ phải đối mặt với việc học tập hơn, mình không có hứng để mà học, việc học cứ thế càng ngày càng trở nên đáng sợ hơn rất rất nhiều! Người ta thường nói nước đến chân mới nhảy còn mình nước đến chân rồi nhưng cũng không tìm được một mẩu động lực để mà nhảy. Điều này cũng đúng với những người đã trưởng thành và làm việc mưu sinh ngoài xã hội.

Trống rỗng khiến chúng ta ngại tiếp xúc với người khác

Ảnh bởi
Vasily Koloda
trên
Unsplash
Điều này cũng là một việc hiển nhiên mà nhỉ, trống rỗng khiến mình luôn cảm thấy thất bại trong công việc thì tất nhiên cũng sẽ cảm thấy bản thân mình không xứng với việc đứng chung với người khác - những con người thành công hơn mình.
Đã có ai đang vui cười, la ó với bạn bè xong về nhà bật khóc với bốn bức tường trống rỗng chưa? Đã có ai cố gắng vắt kiệt sức mình bằng mọi cách trong một ngày chỉ để tối có thể ngủ được chưa? Đó là cảm giác cô đơn đến tuyệt vọng trong khi bao quanh mình chỉ toàn người với người.
Mình cảm thấy lạc lõng với tất cả mọi người xung quanh, mình dần dà sợ cả thế giới con người ngoài kia vậy. Thẳng thắn đi, là mình chưa bao giờ nhìn thẳng mặt người khác cả, mình sợ việc đó. Mình có một nỗi sợ trong việc giao tiếp và mình cũng chẳng muốn giao tiếp với người khác. Lúc nào mình cũng cúi xuống khi gặp mặt người khác và lảng tránh họ. Mình cũng thấy ổn với việc đó.
Có thể các bạn nghĩ điều mình nên làm đó là chia sẻ với ai đó thân thiết về nỗi lòng của mình đúng không? Nhưng mọi chuyện đâu dễ dàng như vậy. Có những chuyện nên giữ trong lòng thì tốt hơn. Lòng tin giờ đây được đong đếm qua số gian khổ trải qua cùng nhau chứ không thể dùng thời gian để đánh giá được. Việc chia sẻ nó ra cũng khó lắm! Lỡ họ dùng nó để hại mình thì sao? Nếu kể nó ra thì họ có thể hiểu và tiếp nhận được nó không? Một khi một người đã dốc hết niềm tin tưởng của họ với bạn để chia sẻ hết nỗi lòng của mình thì bạn có đồng cảm và lắng nghe họ không? Hay là nghe cho có hoặc là những lời lời khuyên sáo rỗng và sự phán xét? Thật tình, vì thế mình chọn cách giữ im lặng. Như thế còn tốt hơn! Không ai hiểu rằng là những người đi chia sẻ nỗi lòng của mình cho người khác đôi khi cũng chỉ cần một người lắng nghe, một lời động viên hay một cái ôm chân thành thôi cũng đã giúp họ được phần nhiều rồi. Giá như mọi người chịu hiểu!
Một điều phiền phức khác nữa, đôi khi xem xét lại cuộc đời của mình mình nhìn thấy rằng mình không thể nào trông mong vào những người bạn của mình được. Mình có thể thấy là sau khi đi qua những chặng đường dài trong cuộc đời, những đứa bạn của mình - mình nghĩ là rất thân sẽ không rời xa nhau. Rồi ai cũng ... đường ai nấy đi. Thực sự thì cũng có nhiều trường hợp khác nhưng cũng chỉ là số ít. Bạn biết đấy, mình thực sự lo rằng nếu hôm nay mình có một người bạn thì có gì đảm bảo sau này mình cũng sẽ là bạn với họ không? Sau 10 năm, 20 năm, 30 năm, ... ? Mình thực sự sợ mất họ, điều này còn làm mình đau đớn hơn gấp bội! Vì thế mình hầu hết không kết thân với nhiều người. Mình chỉ làm bạn với những người mà họ trân trọng mình thật lòng còn những người khác mình không hay nói chuyện hoặc cũng chỉ là những người bước qua cuộc đời mình thôi thì mình cũng chỉ quen xã giao.
Một điều rất đáng trân trọng với những người có rất ít bạn như mình đó là chúng mình rất trân trọng và cực kỳ quý mến với những người bạn thật sự của mình. Những người như mình cũng có cảm xúc chứ không phải lúc nào bên ngoài cũng lạnh lùng ít nói cả đâu. Nếu chúng ta thực sự thân thì mình có thể nói chuyện cả ngày được luôn ấy chứ.

Mình đã đối diện với cảm giác trống rỗng như thế nào

Thực ra đây chỉ là cách mà mình đã và đang áp dụng để dần dà chữa lành cho tâm hồn đã bị chai sạn của mình. Và đây cũng không phải là các cách duy nhất, nên nếu bạn cũng bị trống rỗng giống mình thì bạn có thể chọn áp dụng nó hoặc là tìm những cách khác phù hợp hơn với chính bản thân mình đều được nha.
1. Chúng ta cảm thấy trống rỗng vì chúng ta mất kết nối với tâm hồn
Ừm, mọi chuyện chính là vậy đấy! Mình đã trải nghiệm chính cảm giác này thực sự đã rất lâu. Mỗi ngày thức dậy cảm giác thật chết tiệt rồi dần nó cũng trở thành một thói quen thông lệ của mình. Trông mình lúc nào cũng kiệt sức và buồn bã đến vô tận nhưng cũng không có một câu hỏi han nào từ mọi người xung quanh; vì mình khoác lên mình một vỏ bọc của sự mạnh mẽ - mình cố tỏ ra rằng mình ổn. Mình sợ hãi thế giới này nên mình cố tạo ra một phiên bản hoàn hảo của chính mình. Cái bức tường đó thật cao! Mọi người sẽ không bao giờ thấy được nỗi đau của mình.
Mình cũng không thể nào diễn tả nổi cảm giác trống rỗng thực sự nó đau đớn như thế nào nhưng mà trong những ngày tháng tuyệt vọng đó điều mình làm thường xuyên đó là cười. Chính xác là bạn không nghe nhầm đâu! Cười đấy! Vào những lúc đấy cái khiếu hài hước của mình lại trỗi dậy, mình cười rất nhiều. Đó phải chăng là buồn cười! Ha ha, buồn nhưng cũng chỉ biết cười trên sự đau khổ vô tận của chính mình.
Bạn biết đấy với một người đang vật lộn với cái cảm giác trống rỗng như mình thì mọi thứ thực chất quá đỗi khó khăn. Mỗi ngày tỉnh dậy, mình không hề trông mong về một ngày vui vẻ bởi vì tối nào mình cũng mất ngủ. Thay vào đó là sự ngờ vực về cuộc sống, mình luôn đau đầu về các câu hỏi như " Mình là ai trong cái cuộc sống tấp nập người đông này? Ý nghĩa cuộc sống của mình là gì? Tại sao mỗi sáng mình lại thức dậy kia chứ?" Sau một ngày dài mệt mỏi đâm đầu vào công việc, về đến nhà mình chợt thấy cuộc đời trống huơ trống hoác ... chẳng có ai để đợi mình, chẳng có gì để háo hức ... Buồn đến héo rụt cả người nhưng cũng chẳng biết làm gì được.
Tại sao tất cả mọi thứ lại đều phức tạp đến thế! Tất cả đều là vì mình không hiểu được bản thân như mình cũng đã nói trong phần " Đêm đến chúng ta sẽ đối diện với cảm xúc tiêu cực". Việc lắng nghe bản thân đối với những người đã mất kết nối với tâm hồn như chúng ta thì bản chất là nó rất khó khăn. Mình chỉ biết khuyên là phải đủ kiên nhẫn và kiên trì hơn thôi. Rồi mọi thứ cũng sẽ dần rõ ràng ra hơn. Thú thật, mình cũng đã bỏ cuộc rất nhiều lần vì kiệt sức. Bạn biết mà, thật nản khi mọi thứ tiến triển chậm đúng không và trong lúc đó cũng thật dễ để làm bạn với những thói quen xấu.
Còn về phần việc lắng nghe bản thân mình như thế nào thì mình đang áp dụng những nguyên tắc của anh Nguyễn Hữu Trí và mình cảm thấy thoải mái nhất khi viết nhật ký và đạp xe đạp. Vì thế mình chọn nó, mình cũng rất bất ngờ về việc mình đã có thể đạp được 50km không hề nghỉ giữa các quãng và về phần thời gian và công sức mình bỏ ra thì hẳn là rất nhiều rồi.
Bạn có thể xem 3 nguyên tắc lắng nghe bản thân tại đây:
2. Chiến đấu vì bản thân
Mình cũng đã mắc phải cái lỗi rất chua xót này! Nói chung có một khoảng thời gian mình bị nhiễm sách self-help. Mình đọc nó song sau đó thấy có rất nhiều người đang nỗ lực hàng ngày còn mình thì cứ lầy nhầy, bê bết, lê lết từ ngày này sang ngày khác không có một mục đích, không có một ý nghĩa. Thế là mình cũng tự tạo cho mình một thứ động lực giả để mà đá đít mình đi hằng ngày. Thú thật, mọi chuyện cũng chẳng đi đến đâu hết! Sau đó là những ngày tháng mà mình tự dằn vặt bản thân vì mình không chịu cố gắng rồi sau đó còn tự đi dằn vặt cái chuyện mình đang dằn vặt mình nữa.
Trước giờ, mình toàn cố gắng ép mình phải làm thứ này thứ kia nhưng mình còn không biết tại sao mình phải làm nó nữa cơ? Nó thực sự rất đau đớn! Nó khiến mình như một cỗ máy chỉ biết làm việc từ ngày này sang ngày khác không có một cảm xúc và cũng chẳng có một lí do. Điều này thực sự rất đau đớn!
Sau tất cả thì mình mới hiểu ra tại sao mình lại muốn trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình. Mỗi người đều có một lý do riêng để cố gắng. Riêng mình thì mình muốn trở thành một lập trình viên tạo ra những phần mềm và những tựa game tốt nhất. Mình ước gì mình nhận ra những điều này sớm hơn. Mình muốn ở bên cạnh bạn bè mình nhiều hơn, mỗi lần thấy họ cười lòng mình lại cảm thấy thật hạnh phúc. Mình muốn được giúp đỡ mọi người, mang lại giá trị tích cực cho người khác. Mình muốn giúp đỡ và mua cho gia đình thật nhiều thứ và cả cho mình nữa. Mình muốn có một động lực để thức dậy mỗi sáng và nói rằng " Ah, hôm nay mình sẽ làm điều này! Sẽ rất thú vị cho coi!". Chạy trốn ... không đưa mình đến đâu cả. Mình đã dành rất nhiều thời gian trên youtube, facebook, game và các mạng xã hội khác chỉ để quên đi cái nỗi buồn của mình. Nó sẽ làm mình quên trong tức khắc nhưng về lâu dài nó sẽ tích tụ lại và đêm đến thì chẳng tuyệt chút nào. Nó thực sự rất tệ! Mình mất 15 năm để hiểu ra điều đó, những ngày chật vật đó cũng chỉ bởi vì mình đã không biết mình thực sự muốn gì. Trước giờ mình toàn làm phật ý mình không à nhưng mình không muốn suy sụp với bất kể chuyện gì xảy ra hay để tâm đến những việc nhỏ nhặt nữa. Thực sự nó rất khó và rất nản để thực hiện. Nếu nó dễ thì chắc mọi người đã làm hết rồi! Nhưng mình sẽ cố gắng vì nếu không mình sẽ vẫn mãi dậm chân tại chỗ và mình thì lại không thích điều đó chút nào.
Vì thế, mình khuyên các bạn đừng đi vào vết xe đổ đó của mình. Sau một quãng thời gian dài, mình cuối cùng cũng nhận ra sự sai lầm này. Đúng như tiêu đề bạn hãy chiến đấu vì bản thân chứ không phải vì ai khác. Thứ động lực của sách self-help cũng chỉ là một động lực giả chứ không phải động lực của chính bản thân mình. Bạn phải hiểu lý do tại sao mình lại phải cố gắng, tại sao mình lại muốn trở thành một con người tốt hơn mà mình muốn trở thành. Mỗi người có một động lực hành động khác nhau do đó bạn không nên bắt chước người khác làm gì. Rồi cơ thể của bạn sẽ tự phản kháng nó lại thôi.
Bạn nên nhớ rằng bạn phải làm rõ được những điều đấy nhá - động lực. Vì khi bạn ở ngoài kia và chiến đấu bạn sẽ quên mất rất nhiều lý do vì sao mình lại ở đó. Bạn biết đấy! Bạn sẽ tự hỏi rằng tại sao mình lại phải làm việc này kia chứ. Bạn phải nhớ tại sao mình lại phải làm nó. Như thế là xác định được động lực của mình, tại sao bạn lại muốn trở thành một con người tốt hơn. Và bạn phải nhớ điều đó được chứ ... động lực. Hiểu được tại sao mình lại muốn trở thành con người tốt hơn cần mất rất nhiều thời gian và nó cũng chẳng dễ dàng gì ... Thật sự!
Mình cũng muốn nhắc thêm một điều rằng, động lực không phải là thứ để khoe mẽ hay gì mà nó là thứ tiếp bước cho bạn hành động chứ không phải là thứ để bạn tự huyễn bạn thân mình rằng " Yeah, hôm nay mình làm được nhiều thứ quá! Mọi thứ đang tiến triển thuận lợi."
Bạn có thể xem thêm video này của James Scholz để hiểu rõ hơn, anh ấy cũng đã đề cập đến việc nỗ lực và hứng thú khác nhau chỗ nào rất thú vị đấy. Một người đã giúp mình có thêm nhiều cảm hứng. Bạn có thể xem tại đây:
3. Hành động chứ đừng vận động
Về mặt cơ bản thì vận động là trạng thái huy động nguồn lực, lên kế hoạch và chiến lược cũng như học hỏi thêm về kiến thức để chuẩn bị cho việc hành động được triển khai một cách xuất sắc hơn. Còn hành động là kiểu hành vi tạo ra sản phẩm đầu ra.
Vậy ý mình muốn nói ở đây là gì? Là chúng ta thường thích ở trong trạng thái vận động hơn là chuyển sang trạng thái hành động. Chúng ta lên kế hoạch tỉ mỉ quá cho mọi việc đến mức không bao giờ hành động. Chẳng hạn như " Hôm nay mình vừa học được cách tập thể dục mới nữa rồi. Mọi thứ đang tiến triển tốt đấy!", nhưng thực ra bạn chẳng đi tới đâu cả chỉ có việc hành động mới mang lại kết quả đầu ra. Khi ở trong trạng thái vận động thật dễ để mà thuyết phục bản thân mình rằng mọi thứ đang tốt lên. Bạn có thể coi việc học đấy là một thuận lợi tốt và cứ thế học mãi. Chúng ta cứ trì hoãn thế mãi bởi vì chúng ta sợ thất bại vì không đủ kiên trì để tiếp tục bởi vì sản phầm đầu ra luôn tiến triển rất chậm giống như việc bạn tập thể dục : hôm nay bạn tập nhưng phải mấy tháng sau bạn mới có thể lên cơ.
Đối với những người bị trống rỗng như chúng ta thì việc vận động cũng diễn ra thường xuyên hơn rất nhiều. Bạn biết đấy, cái thứ động lực giả của ta bắt ta hành động nhưng chúng ta không biết rõ tại sao mình lại phải làm thứ đó. Chúng ta bắt đầu vận động nguồn lực nhưng chẳng bao giờ hành động. Sai lầm của mình là mình luôn đi tìm kiếm lời khuyên nhưng chẳng bao giờ bắt tay vào việc.
Đó chỉ là một phần tóm của cuốn sách atomic habits của James Clear, vì mình nghĩ viết nó lên đây sẽ giúp bạn bổ sung thêm được một số góc nhìn mới mẻ hơn vì thế bạn nên mua một cuốn để đọc thì tốt hơn. À, bạn nên mua cả cuốn Deep work nữa! Và cả man's search for meaning. Ba cuốn sách này đã giúp mình rất nhiều.

Đôi chút dòng tâm sự của mình

Mình viết trên đây bởi vì mình muốn được hiểu bản thân mình nhiều hơn và thật sự thì mình cũng không có ai để mà chia sẻ nỗi buồn của mình. Với lại, mình cũng không nhiều bạn bè thân thiết để mà dành thời gian với họ nên mình dành rất nhiều thời gian cho chính mình. Theo một cách nào đấy thì điều đó cũng tốt mà nhỉ?
Mình bây giờ thực sự cũng chỉ là một đứa học sinh lớp 10 chưa được trải nghiệm nhiều điều vì thế cái cách mà mình viết có khi không được tinh tế và sâu sắc cho lắm nên nếu có ý kiến gì bạn nên để lại bình luận bên dưới nha ( lỡ chúng ta sẽ trở thành bạn thì sao? ). Cảm ơn bạn rất nhiều vì đã ngồi lại lắng nghe bản thân mình bộc bạch tâm sự về đủ thứ trên đời, khi vọng bạn cảm thấy thoải mái với việc này. Cảm ơn bạn rất nhiều!