“Những dòng đầu tiên của cuốn sách này được viết ra vào đêm Fifi qua đời, còn những dòng cuối là khi Thiên Nga tắt thở. Chú ngỗng đã cho tôi năng lượng tới tận ngày tôi kịp viết mọi kỷ niệm mình có với chú xuống giấy, rồi mới nỡ tạm biệt tôi. Nó sống những năm tháng cuối cùng trong mọi tình yêu con người có thể dành cho mình, đó là điều khiến tôi thanh thản.” - Đây là những chia sẻ của Vũ Hoàng Long trong quá trình sáng tạo cuốn sách thứ 5 của mình. 
Vũ Hoàng Long hẳn không còn là cái tên xa lạ trên các số podcast của Talk Sâu. Anh được biết đến là cây viết trẻ tại trang Người Kể Chuyện, và cũng là tác giả của bốn cuốn sách cùng một số nghiên cứu trong nước và quốc tế.
Đến với số podcast của The Creator lần này, Long sẽ có những chia sẻ gì về công việc sáng tạo, về cuốn sách mới ra mắt, về nhân sinh, cuộc đời và về cả mối quan hệ giữa con người, động vật? Hãy cùng host Linh Vetter khám phá trong podcast thứ 4 của The Creator nhé!  Dưới đây chỉ là 3 câu hỏi mà chúng mình cho là thú vị nhất thui, các bạn có thể lắng nghe buổi nói chuyện đầy đủ tại đây.
img_0
Host Linh Vetter: Tại sao em lại lấy tên là Người Kể Chuyện?
Vũ Hoàng Long: Đầu tiên em nghĩ mình có thể trả lời ngắn câu này, nhưng giờ nghĩ lại, em thấy nó phải dài hơn thế, bởi nó còn phụ thuộc vào đêm mà em nghĩ ra tên Người Kể Chuyện nữa. 
Hôm đấy là giáng sinh 2016, một trong những Giáng sinh nóng nhất em từng biết, em đi bộ dạo quanh vườn hoa Lênin và bắt gặp cảnh tất cả mọi người đều đang nói chuyện với nhau. Từ đó, em nhận ra một điều rằng, một trong những tác vụ cơ bản của con người là kể chuyện. Không phải lúc nào mình kể chuyện nó cũng phải có một mạch tuyến tính, phải có cốt truyện và nhân vật mà đơn thuần chỉ là mình nói ra một thông điệp có nghĩa mà cả hai bên cùng hiểu với nhau, cùng sống trong câu chuyện của nhau thì đó là Người Kể Chuyện.
img_1
Ta đều thấy, có rất nhiều vai vế trên thế giới này, ví dụ như một lãnh đạo tôn giáo, Chúa, Chúa Giêsu… cũng là những người kể chuyện rất giỏi. Em thấy không có ai không phải người kể chuyện cả, thế nhưng không có ai gọi mình là người kể chuyện bao giờ. Thế nên em nghĩ là mình phải tự gọi mình là Người Kể Chuyện để sau này không có ai lấy cái tên đấy nữa. 
Host Linh Vetter: Em đã vượt qua sự hà khắc với bản thân như thế nào?
Vũ Hoàng Long: Em bỏ việc, bỏ việc thêm nữa, cho mình thời gian để mình hồi lại xem mình hợp làm cái gì. Thực ra điều quan trọng hơn nếu không phải bỏ việc là em nhận ra bản thân mình có các giới hạn, giới hạn về sự sáng tạo, giới hạn về sức lực, giới hạn về tuổi tác,... trong khi tuổi tác là một vấn đề rất lớn đối với nhiều ngành, không chỉ riêng với mỗi ngành nội dung.
Theo em, sức sáng tạo chỉ đến từ đầu óc mà còn đến từ các trải nghiệm đời sống cá nhân của mình nữa, nó đến từ tuổi thơ của mình, ngay cả thời gian đi học,... và từ tất cả những thứ mình từng tương tác trong cuộc đời. 
img_2
Khi mình còn quá trẻ mà muốn nhận các vị trí quan trọng thì mình luôn phải thể hiện ra rằng tôi đang già đời hơn người khác, tôi có nhiều trải nghiệm hơn người khác và điều đó xứng đáng để tôi có được vị trí này. Ngay từ đầu, chúng ta có thể tạo ra những kì vọng sai lệch so với khả năng thực sự của mình và đến một lúc, mình phải nói với cấp trên, với những người đồng nghiệp lớn tuổi hơn mình rằng em có giới hạn của em, em vẫn nghĩ là em là một đứa trẻ con.
Nếu tính từ khi tham gia viết lách, em đã có 8 năm kinh nghiệm, nhưng em vẫn phải thừa nhận rằng em là một đứa trẻ con. Em không sắp xếp công việc đủ tốt, em không có khả năng hồi sức nhanh và em không có nhiều khả năng sáng tạo đến thế. Và với những giới hạn đấy, em nghĩ rằng em phải bước ra khỏi vị trí này để sang một vị trí khác phù hợp hơn. Nhìn vào điều đó sẽ có nhiều người nghĩ là thất bại, nhưng với em thì nó giống hơn với sự giải thoát và mình sống đúng với khả năng của mình.
Host Linh Vetter: Tại sao em lại viết sách?
Vũ Hoàng Long: Em thấy viết sách là cơ hội để mình có thể được cam kết về thời gian. Nhiều người viết báo có thể viết 1 hoặc tận 3 bài trên một ngày, một bài phóng sự dài có thể mất khoảng 1 tháng, 1 video có thể mất 2 tuần đến 1 tháng…. nhưng 1 cuốn sách em nghĩ mình không thể nào viết trong 2 tuần hay 1 tháng được. Nhưng điều quan trọng nhất là một cuốn sách nó luôn cho em một sức ép là mình phải viết rất là đều. Mình không thể nào viết chương đầu hay và các chương khác dở được. Tất nhiên sẽ không có trường hợp hoàn hảo là cuốn sách đọc đều đều giống hệt như nhau, sẽ có chương mình đọc rất là dở và có cuốn sách mình đọc lời mở đầu hay đến bao nhiêu thì phần kết luận chẳng có nội dung gì. 
Host Linh Vetter: Chia sẻ của Long về cuốn sách mất 2 năm để viết?
Vũ Hoàng Long: Cuốn sách tên là “Chuyện Người Chuyện Ngỗng”. Ý tưởng của cuốn sách rất đơn giản, em sống chung với hai bạn ngỗng trong một khoảng thời gian rất dài trong cuộc đời của em. Thực ra em vẫn luôn mong em có thể sống với chúng nó lâu hơn nữa. Như mẹ em nói, tất cả những chuyện hỉ nộ ái ố rằng về sau những con vật nuôi có thể sẽ chết và con sẽ cảm thấy rất trống vắng trong thời điểm đấy. Bây giờ con lớn rồi, con phải suy nghĩ về nó từ bây giờ, thế nhưng lúc đó em đã không suy nghĩ về nó và chuẩn bị gì cho nó cả, vậy nên em đã trải qua những giai đoạn hết sức hụt hẫng. Tuy nhiên sau cùng mình vẫn phải thừa nhận một điều rằng, con người sống kiếp con người, con ngỗng sống kiếp con ngỗng, cuộc sống của nó có thể ngắn hơn mình rất nhiều và mình phải chấp nhận đối mặt với nó.
Ý tưởng của em là kể lại quãng thời gian sống cùng với hai bạn ngỗng ở giữa thành phố, thế nhưng điều kinh khủng hơn là trải nghiệm đó đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời em. Ba năm đó đã khiến em trở nên hoàn toàn khác, mình có thế giới quan hoàn toàn khác, quan điểm sống hoàn toàn khác, và đôi lúc nó khiến em suy  nghĩ rằng, liệu có phải cuộc sống con người thực sự cao siêu hơn các loài động vật khác không? 
img_3
Các bạn có thể tham khảo cuốn sách Chuyện Người Chuyện Ngỗng của Vũ Hoàng Long tại đây
Lắng nghe đầy đủ cuộc trò chuyện của host Linh Vetter và khách mời Vũ Hoàng Long tại đây: 
Để cập nhật nhanh chóng các số podcast mới nhất của Talk Sâu, bạn có thể theo dõi tại: