Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam được đặt theo ngày 21/06/1925, ngày người thanh niên Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra tờ báo Thanh Niên.
Nếu đọc đúng tên của ngày này, ta sẽ thấy được tính đặc thù của ngày này: nó là ngày không dành cho tất cả các thành phần trong giới báo chí, mà chỉ thu lại một tập con của ngành báo chí, là "báo chí cách mạng", hiểu nôm na là những tờ báo đi theo chủ trương của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Thực ra ngày này cũng có một ý nghĩa lớn với mình, vì mình có thể coi là một nửa "trong ngành". Gọi là một nửa, thứ nhất là vì mình làm trái ngành, thứ hai là vì mình chưa đủ thâm niên để được cấp thẻ nhà báo (anh chị ở chỗ làm truyền miệng rằng nếu ở lại thêm 1 năm nữa thì mình có thể đăng ký xin cấp thẻ nhà báo vào dịp 21/06, như kiểu ngày bé đi học cấp 2, cấp 3 thì ngày vào Đoàn sẽ là 26/03 vậy). Nói vui, thì so với "nhà báo", mình chỉ đang ở giai đoạn "lều báo" =))).
Việc làm báo đến với mình là một cái duyên, vì trước đó, hồi học đại học, mình chưa từng có trải nghiệm viết nào liên quan đến báo chí chính thống. Thực ra, có thể coi là nghề chọn người, còn người buộc phải đi làm. Lúc mình đang rảnh rỗi chờ làm nốt học phần tốt nghiệp thì được người quen rỉ tai là có tờ báo này đang tuyển thêm phóng viên, nên mình nộp đơn xin thử việc, làm việc OK và cuối cùng được nhận luôn.
Mình đã đi làm được hơn một năm rồi, và tất cả những gì mình biết hiện tại hoàn toàn là được các anh chị đi trước chỉ bảo, hoặc tự học, chứ không có gì được dạy ở trường đại học cả. Mình như một đứa trẻ đi trong sương mù, lạc lối, lơ ngơ và cần người hướng dẫn. Sự hướng dẫn, thứ mà mình vẫn luôn biết ơn các bậc trưởng bối ở chỗ làm, tuy không phải lúc nào cũng kịp thời, nhưng đã luôn giúp đỡ mình rất nhiều trong thời gian qua.
Tính ra thì mình chỉ dám xưng tên là "phóng viên" thôi, vì từ "nhà báo" còn nhiều sức nặng mà mình không dám đảm đương, và không đủ thâm niên để nhận lấy. Đơn vị mình làm việc, tuy miệng hay gọi là "báo", nhưng thực ra chỉ là "một-tờ-báo-đã-từng". Nếu anh chị bạn nào để ý, thì tầm 2016 - 2017, phía "quan trên" có làm một cuộc "tổng đại tu", thanh lọc và cải cách lại ngành báo chí. Các quy định khắt khe hơn, rõ ràng hơn và chặt chẽ hơn, nhiều tờ báo phải "hạ mình" xuống làm tạp chí nếu không đáp ứng được một số chỉ tiêu, mà quan trọng nhất, theo mình nghe ngóng được, là thân phân của đơn vị "đỡ đầu". Các bạn có thể mở website của "tờ báo" (để ngoặc kép vì chưa chắc là "báo" đâu), kéo xuống dưới cuối, thường sẽ có một dòng là "Báo/ Tạp chí ABC XYZ thuộc <tên đơn vị bảo trợ>" để làm ví dụ. Ví dụ như VnExpress là báo điện tử, thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ, còn "báo" cafef chỉ thì là "trang thông tin điện tử" thôi.
Nói hơi lan man, thì đại khái là, hơn 1 năm nay, mình đang làm phóng viên cho một tờ "báo". Vì không muốn lộ nơi làm việc (sợ bị sếp gank) nên mình sẽ không đi vào chi tiết nữa. Tuy nhiên, mình có thể chia sẻ một số thông tin mà mình rút ra từ TRẢI NGHIỆM BẢN THÂN sau đây:
1. Các báo có "ăn tiền" không?
Có và không.
Cái này chắc không cần làm trong ngành báo, mà đôi khi các bạn làm truyền thông, PR, agency, hoặc là người thường cũng biết.
Các báo CÓ nhận đăng bài PR, hoặc đặt ảnh quảng cáo với giá dao động tuỳ tờ, tuỳ nơi đăng và hình thức, vị trí đăng. Bên cạnh bài PR theo dạng truyền thống, tức là bên doanh nghiệp gửi bài kèm ảnh, bên báo biện tập lại (nếu cần), duyệt rồi đăng (online) hoặc in (báo giấy) thì còn có một số dạng "hợp tác truyền thông" khác mà mình thấy mới mẻ hơn: Một số báo sẽ tổ chức hội thảo/ chương trình đối thoại/ phóng sự và các doanh nghiệp sẽ tham gia với vai trò diễn giả hoặc khách mời.
Kiểu truyền thống vẫn được các doanh nghiệp ưa chuộng, vì dễ làm, đỡ lằng nhằng, phí rẻ hơn. Nhưng kiểu "mới" thì càng ngày càng trở nên phổ biến, bởi thị hiếu người đọc cũng đã thay đổi, họ trở nên "tinh" hơn và có xu hướng "phán xét" hơn với các nội dung PR truyền thống. Một ví dụ như là các series của Vietetera (dù bên này không hẳn là báo hay tạp chí), từ bài viết đến podcast. Bên này nắm bắt xu hướng thị trường rất nhanh và theo mình thấy thì podcast của họ đa phần là chất lượng.
À, một hình thức hợp tác truyền thông truyền thống nữa là thông qua các giải thưởng, ví dụ như giải Sao Khuê, giải Rồng Vàng,... gì đó. Thực ra nếu thích, các báo hoàn toàn có thể tự sáng lập và tổ chức giải mới. Nhưng giải càng có thâm niên thì càng tăng uy tín, dễ mời được doanh nghiệp lớn (aka "sộp") tham gia, cũng như có thể mời được các quan chức cấp cao đến tham dự để tăng uy tín.
Giá cho các bài "hợp tác truyền thông" này thì dao động rất mạnh, tuỳ vào thời lượng, vị trí, hình thức cũng như uy tín của tờ báo. Theo kinh nghiệm của mình thì giá min là 3tr, max thường thường là 70tr, và có thể hơn.
Còn về KHÔNG, thì lý do rất đơn giản: doanh nghiệp cần truyền thông, và truyền thông (aka báo chí) cũng cần doanh nghiệp. Bên cạnh những doanh nghiệp nhỏ cần tăng reach đến mọi người, thì cũng có những doanh nghiệp lớn, mà tin tức về họ đảm bảo một lượng người quan tâm nhất định. Thường thì các doanh nghiệp này sẽ "chảnh" một chút với cánh phóng viên. Tức là không quen không thân thì họ sẽ không tiếp nhận phỏng vấn, hoặc nếu tham gia thì cũng chỉ tham gia dưới vai trò "đại diện doanh nghiệp A" chứ ít khi là "Ông A, Bà B, Giám đốc/ CEO/ Chủ tịch doanh nghiệp A". Những doanh nghiệp dạng này (ví dụ điển hình là Vinfast, Samsung, FLC =))) ), nói thẳng luôn là bọn phóng viên mới như mình không reach được (ít nhất là ở chỗ mình làm). Thường thì muốn phỏng vấn các bên này, các bạn cần có liên hệ từ trước (có được nhờ sự thâm niên trong nghề), hoặc phải đến từ những tờ báo nhất định, hoặc bản thân bạn là nhà báo nổi tiếng.
Còn về vụ PR free, thì cùng là một tin về doanh nghiệp này, dù có tính chất PR, nhưng nếu doanh nghiệp chịu khó trả lời thêm câu hỏi của phóng viên, thì sẽ giúp phóng viên viết được bài có tính "exclusive" và nếu được đăng bài thì đôi bên sẽ có lợi: doanh nghiệp được PR, phóng viên có KPI, có bài không đụng hàng. Đây cũng là một cách để phóng viên mới như mình tạo ra networking trong doanh nghiệp.
2. Phóng viên/ Nhà báo có hống hách với doanh nghiệp?
Không.
Ít nhất là ở chỗ mình làm, thì không có chuyện đó. Các bạn có thể xem lại đoạn cuối mục 1. Doanh nghiệp họ cần truyền thông, và phóng viên cần doanh nghiệp (vì bọn mình cần phỏng vấn để viết bài). Đây là một mối quan hệ bình đẳng, hai bên hợp tác với nhau. Nhiệm vụ của người phóng viên là truyền tải đúng và đủ thông tin cho người đọc, hay theo một người chú ở chỗ làm của mình, thì "phóng viên là người thấy được những thứ người khác không thấy".
Bọn mình làm đúng phận sự là cung cấp thông tin chính xác, khách quan, ở đây tức là số liệu có dẫn nguồn, lời ai nói như thế nào thì trích nguyên như thế, thông tin phải có căn cứ. Thường thường thì thông tin đó hay có lợi hoặc vô hại với doanh nghiệp. Tuy nhiên thi thoảng vẫn có những trường hợp thông tin được đưa ra bị doanh nghiệp cho là "nhà báo làm càn, vòi vĩnh" vì nó không có lợi cho hình ảnh của họ. Ví dụ, doanh nghiệp A làm ăn vi phạm quy định, bị Bộ nào đó "tuýt còi" bằng văn bản đình chỉ hoạt động. Nhiệm vụ của người phóng viên là đưa tin về sự kiện đó, bằng cách trích dẫn 1) văn bản đình chỉ của Bộ, 2) ý kiến của lãnh đạo doanh nghiệp đó (nếu có) và 3) đưa thêm thông tin có nguồn đầy đủ (ví dụ: báo cáo tài chính của công ty đó, những lầm bị "tuýt còi" trước đó). Một khi người viết bài đưa các thông tin chính xác như thế này, doanh nghiệp dù không vui nhưng cũng không thể "kiện" được vì nó đúng, có nguồn đẩy đủ. Trong trường hợp này, bên truyền thông có thể sẽ phải khéo léo để bài viết được "gỡ". Cái này thì còn tuỳ vào sự cương quyết của phóng viên. Nhưng thường là không gỡ, đơn giản vì không làm sai thì không phải sợ gì cả, thách kiện luôn =))).
À, có một số trường hợp các "báo" viết bài trái với lương tâm và đạo đức nghề nghiệp, tức là đưa thông tin sai, vô căn cứ, vu khống, ví dụ như vụ nước mắm, hay vụ công ty sữa và tờ báo giáo dục, thì họ xứng đáng bị xử lý theo quy định pháp luật và bị tẩy chay nha. Còn một trường hợp nữa, là khi doanh nghiệp có tin xấu lại trùng hợp là đối tác hoặc nhà tài trợ của tờ báo thì lúc đó có thể sẽ không đưa tin hoặc đưa tin theo kiểu ẩn danh (ví dụ: đối tác A của báo bị công ty B tố là làm sai - có trích dẫn lời phỏng vấn đại diện bên B để phóng viên không bị kêu là nhét chữ vào mồm - thì phóng viên có thể viết "uyển chuyển" đi là "bên B tố công ty đối thủ" thay vì viết hẳn tên "bên B tố bên A"). Nói chung là với kinh nghiệm nhỏ tí của mình, thì mình chỉ biết đến vậy.
Mình rút ra được là, ngày nay, báo chí không còn sống đúng với bản chất báo chí nữa, mà họ dần chuyển qua "làm báo kết hợp với bán quảng cáo" nên đôi khi ngòi bút không còn được sắc bén như xưa. Âu cũng là sự tiến hoá, thuận theo chiều gió mà thôi. Một số ít tờ báo "cơ to", họ vẫn có thể dung hoà được cả việc "làm báo" lẫn "làm quảng cáo", ví dụ như Tuổi trẻ, Thanh niên, nhưng nhiều số khác thì đang dần bị mất đi bản sắc báo chí rồi.
3. "Nhà báo 3 môn 9 điểm" / "Thí sinh bại não dự thi ngành báo chí"??
Mình không biết những con người "3 môn 9 điểm" mà vào được trường báo người ta hay đồn thì bây giờ họ ở đâu, cũng muốn đính chính luôn là bại não không làm người ta giảm đi sự thông thái hay năng lực trí tuệ, và rằng câu này là một câu sặc mùi ableism (tức là những hành vi cười nhạo bệnh tật của người khác), nhưng ở chỗ mình thì các cô chú anh chị đều rất giỏi. Nhiều người giống mình, là dân trái ngành nhảy sang nghề báo. Điểm thi đại học của họ rất cao (mình cũng điểm cao, nhưng năm mình thi đề nó dễ =))) ), và nhiều người đi làm báo với tấm bằng cử nhân hoặc thạc sĩ đủ các ngành. Chỗ mình làm còn có những nhà báo lão thành với hơn 40, 50 năm tuổi nghề, đã từng ra Bắc vào Nam, thậm chí lăn lộn bên xứ người về ngành báo. Vì thế nên bản thân mình và các đồng nghiệp (chân chính) cũng coi 2 chụp mũ trên như gió thoảng qua tai thôi. Mình nghĩ, một người, mà nếu họ thực sự học dốt, thì khó lòng mà trụ lại được với ngành báo chí.
Có lẽ do bản tính hay vơ đũa, gộp lại đánh đồng của nhân dân ta mà nhiều người cho rằng "báo bao gồm Mương 14", hay thậm tệ hơn là "BeatVN = báo mạng". Chính sự lầm tưởng này mà nhiều bạn cào bằng, không kiểm chứng thông tin, tự nguyện đưa mũi ra cho người ta dắt rồi sau đó lại ngoạc mồm lên chửi hết thảy "nhà báo". Chính vì thế nên ở chỗ làm bọn mình, mọi người ghét bọn mương 14 và nói chung là các "trang tin tức" lắm.
Tips nhỏ cho mọi người này, nếu mọi người đọc bài "báo mạng" nào, thấy nó ngu ngu, thì hãy kéo xuống cuối trang xem cái nền tảng đăng bài đó là "báo", "tạp chí" hay đơn giản chỉ là "trang tin tức" rồi hẵng chửi nhé. Dù sao thì chửi cũng nên chửi cho đúng, chứ chửi kênh 14 là báo thì coi như là các bạn tự chửi ngược khả năng chắt lọc thông tin và đọc hiểu của mình rồi đó.
Vì mình không làm ở trang tin tức nào bao giờ nên không chắc lắm, nhưng xét về độ uy tín thì nó sẽ là báo > chí >>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>> trang tin tức nha. Theo mình nhớ thì báo và chí được tự do đăng bài, nhưng trang tin tức có một số giới hạn đăng bài. Để lách luật thì bọn trang tin tức sẽ ký hợp đồng với một số báo/ chí ngoắc ngoải để mỗi khi đăng bài, bài sẽ lên trên báo/ chí trước rồi trang tin tức mới dẫn bài về site của mình với dòng "theo + tên trang báo/ chí" ở cuối.
4. Nhà báo giàu hay nghèo?
Đồng nghiệp mình thì giàu, còn mình thì nghèo. Đơn vị mình làm trả lương khá là hậu, dù không nhiều. Tức là mỗi tháng, dù ngu si không viết đủ KPI thì mình vẫn được một khoản lương cố định còn có bài thì sẽ thêm nhuận bút (ngày trước thì sẽ phải viết đủ bài sao cho tổng nhuận bút = lương cố định, thì phần bài viết vượt quota mới tính thêm nhuận). Do mình là phóng viên mới nên mỗi tháng mình viết được ít bài lắm, do mình không quen nhiều doanh nghiệp để phỏng vấn cho bài viết hay làm người kéo được hợp đồng quảng cáo để ăn hoa hồng. Tuy nhiên các đồng nghiệp lâu năm thì lương cơ bản cao, và viết được nhiều bài hơn nên các anh chị ấy hưởng lương cao hơn. Dù lương không đến mức "giàu vãi" nhưng mình thấy là cũng đủ để không thiếu thốn ở Hà Nội. Nhưng mà thường thì, nếu chồng các chị không giàu, các chị sẽ có thêm nghề tay trái, ở đây bao gồm việc viết thông cáo báo chí freelance, hoặc... viết cho báo/ chí khác =)))). Nhưng được cái là làm báo khá nhàn về thời gian, nếu mọi người biết sắp xếp khoa học và hợp lý. Ai mà sắp xếp giỏi thì có khi mỗi tuần phải lên toà soạn có 1 ngày (vì bên mình không phải báo kiểu "thông tin nóng hổi").
À, một thứ "đặc quyền" của nhà báo nữa là các mối quan hệ. Tất nhiên không nhất quyết là mối quan hệ theo kiểu "vụ lợi", đôi bên cùng có lợi, mà là những mối quan hệ mà mình có thể học hỏi rất nhiều. Trong lúc làm nghề, có những anh chị khá là "lạnh lùng" với phóng viên, nhưng cũng có những người rất nhiệt tình và niềm nở hỗ trợ. Mình học được rất nhiều từ các anh chị đó. Bên cạnh đó, nếu ai làm bên chính sách thì sẽ quen các vị "quan chức" và điều này có thể "cứu bồ" cho họ vào một thời điểm không ngờ nào đó. Btw thì anh đồng nghiệp mình hay đùa, việc làm nhà báo sẽ giúp bọn mình có thêm một mạng (nghe như chơi game í nhỉ) khi bị công an bắt =))), vì "chỉ có nhà báo mới chỉnh được công an, mà cũng chí có công an mới tuýt được nhà báo". Mình cũng từng một lần được "tha" khi công an bắt. Thực ra lúc đó mình không hề định xin, và còn định hỏi xem anh công an có nhận chuyển khoản tiền phạt hay không rồi, nhưng lúc "điều tra", anh ấy có hỏi mình đi đâu, làm gì, làm ở đâu, thì mình cũng khai thật "Em là phóng viên báo X, đang trên đường đi từ toà soạn ở đường Y ra đại sứ quán Z phỏng vấn", thế là lát sau được thả luôn =))).
_______________
Trên đây là một số chia sẻ của mình. Do mình còn mới thôi nên có thể thông tin sẽ không mang tính khái quát, tức là nó không đúng với toàn bộ ngành. Thực ra còn nhiều chuyện hay ho hơn, mà mình xin phép không kể vì không muốn ảnh hưởng đến chỗ làm. Nếu mọi người có gì muốn hỏi thêm thì thử comment xuống dưới ha, biết đâu mình có thể giải thích thêm được.
Cảm ơn mọi người :>
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất